Đề thi thi khảo sát học sinh giỏi tỉnh môn: ngữ văn – lớp 9

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 4567 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi thi khảo sát học sinh giỏi tỉnh môn: ngữ văn – lớp 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI THI KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI TỈNH
Môn: Ngữ Văn – LỚP 9
Thời gian làm bài: 150 phút 


Câu 1: (2 điểm)
Cảm nhận của em về những câu thơ sau : 
“ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!”
Câu 2: (3 điểm)
	Suy nghĩ của em từ ý nghĩa câu chuyện sau:
	 Diễn giả Le-o Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi.
	Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em bé hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời: "Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc."
 (Theo "Phép màu nhiệm của đời" - NXB Trẻ, 2005)

Câu 3: (5 điểm)
Sự khám phá và thể hiện vẻ đẹp tình cảm gia đình - tình cha con - qua hai tác phẩm: “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng và “Nói với con” của Y Phương. 	
	

 ……….HẾT………..
	Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
	Họ tên thí sinh..........................................................................SBD:.....................

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
KÌ THI KHẢO SÁT CHỌN HS GIỎI 

Câu 1: (2 điểm)
A. Yêu cầu:
I. Về nội dung :
- HS phải nắm được nội dung của đoạn thơ là bày tỏ những suy ngẫm của nhà thơ về người bà và công việc nhóm bếp lửa của bà.
- Chỉ ra các biện pháp được sử dụng trong đoạn thơ:
+ Điệp từ “nhóm” được nhắc lại 4 lần và đứng đầu các dòng thơ có tác dụng khơi nguồn cho dòng cảm xúc, sự hồi tưởng của nhà thơ và suy ngẫm về công việc nhóm bếp lửa của bà.
+ Kết hợp với các điệp từ là các tầng nghĩa : vừa tả thực vừa mang ý nghĩa ẩn dụ. Người đọc thấy được sự tần tảo cần cù trong công việc nhóm bếp lửa của bà . Đồng thời thấy được ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương mà bà dành cho cháu; bà đã nhen nhóm trong tâm hồn cháu tình yêu thương, gắn bó với làng xóm, quê hương và thắp lên trong tâm hồn cháu những ước mơ khát vọng, niềm vui, niềm tin của tuổi thơ …
+Câu cảm thán “Ôi kì lạ thiêng liêng - bếp lửa!”thể hiện sự dồn nén cảm xúc và bày tỏ niềm yêu mến, lòng biết ơn đối với người bà thân yêu của mình.Bếp lửa và bà là hình ảnh thân thuộc của quê hương yêu dấu.Bếp lửa là ngọn lửa của tình yêu thương của bà. Ngọn lửa ấy đã sưởi ấm tâm hồn nhà thơ trong những ngày xa quê hương , học tập ở nước ngoài.
Như vậy, bếp lửa được bà nhen lên không phải chỉ bằng nhiên liệu ở bên ngoài, mà còn chính là được nhen nhóm lên từ ngọn lửa trong lòng bà - ngọn lửa của sức sống, của lòng yêu thương, niềm tin thầm lặng mà mãnh liệt. Bà vừa là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa, truyền sự sống niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
 II. Về hình thức:
- Bài viết có bố cục đầy đủ mở bài, thân bài - kết bài. Đây là một bài viết ngắn mang tính cảm thụ văn học thông qua việc phân tích các giá trị biểu cảm của biện pháp tu từ.
-Đảm bảo sự phân tích chặt chẽ giữa các phần trong bài viết.
B- Thang điểm:
- Điểm 2: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trong sáng.
- Điểm 1: Hiểu ý nhưng cảm nhận chưa sâu, diễn đạt chưa thật lưu loát.
- Điểm 0: Bài viết sai lệch cả về nội dung và hình thức.
Câu 2: (3 điểm)
A- Yêu cầu:
I/ Về kĩ năng: HS trình bày dưới dạng bài văn nghị luận xã hội, có hệ thống luận điểm rõ ràng, chính xác, khoa học.
Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, văn viết có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
II/ Về kiến thức: 
1. Giải thích được nội dung cơ bản của câu chuyện:
 - Em bé đạt giải trong cuộc thi vì em là người biết quan tâm, chia sẻ nỗi đau với người khác.
 - Người được chia sẻ không đòi hỏi gì, chỉ cần một chỗ dựa trong lúc đau đớn cũng là quá đủ.
 - Cách em bé quan tâm đến người khác cũng rất "trẻ con": ngồi vào lòng người hàng xóm. Thế nhưng đó là cách chia sẻ hiệu quả nhất ngay trong tình huống ấy.
2. Chứng minh, bình luận về nội dung câu chuyện:
 - Trong cuộc sống, đôi khi con người gặp phải những mất mát, đau thương, cần có một mối đồng cảm từ những người xung quanh. (dẫn chứng)
 - Biết quan tâm, sẻ chia với người khác là một hành động đẹp. Nhưng cách thể hiện sự quan tâm đó như thế nào còn tuỳ thuộc ở mỗi người. (dẫn chứng) 
3. Bài học cho bản thân.
 - Trong cuộc sống, có những bài học vô cùng quý giá mà ta học được từ những điều hết sức bất ngờ. Những em bé đôi khi cũng có những việc làm mà mọi người phải suy ngẫm. 
 - Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của người khác là mình đã làm được một việc ý nghĩa.
 - Sống đẹp sẽ nhận được cái đẹp từ cuộc sống.
B. Thang điểm.
- Điểm 3: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài làm sáng tạo, văn viết có cảm xúc, bố cục rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi diễn đạt.
- Điểm 2: Đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, văn viết có cảm xúc, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 1: Đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản nhưng bình luận chưa sâu, bài học rút ra còn sơ sài, nông cạn. Diễn đạt chưa thật lưu loát.
- Điểm 0: Bài viết sai lệch cả về nội dung và hình thức.
* Lưu ý: Nếu bài viết dưới dạng đoạn văn nhưng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, có sáng tạo thì giám khảo linh hoạt cho điểm, nhưng tối đa không quá 2 điểm.
Câu 3: (5 điểm)
A. Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả, tác phẩm và vẻ đẹp tình cảm gia đình – tình cha con qua tác phẩm “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng) và “Nói với con” (Y Phương), HS có thể có nhiều cách làm bài khác nhau song cần đáp ứng được các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:
I. Phần mở bài: 
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận. 
Dẫn vào vấn đề nghị luận: Tình cảm gia đình, tình cha con và sự khám phá thể hiện vẻ đẹp tình cảm ấy trong hai tác phẩm văn học:
+ “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng) 
+ “Nói với con” (Y Phương) 
II. Thân bài: 
1. Khám phá và thể hiện vẻ đẹp tình cảm gia đình trong “Chiếc lược ngà”
Tình cảm của người cha – ông Sáu dành cho con sâu sắc: 
Ở chiến trường, nỗi nhớ con luôn giày vò ông Sáu, chính vì vậy về tới quê, nhìn thấy Thu, ông đã nhảy vội lên bờ và định ôm hôn con cho thỏa nỗi nhớ mong. 
 Mấy ngày về phép, ông luôn tìm cách gần gũi con mong bù lại cho con những tháng ngày xa cách dù cho bé Thu hiểu lầm có thái độ hỗn hào phản kháng, ông vẫn kiên nhẫn chiều chuộng, thuyết phục. 
 Tình cảm của người cha dành cho con trong sự hy sinh thầm lặng: 
-Lúc ra đi, ông âm thầm, lặng lẽ nhìn con, chỉ khi bé Thu nhận ra ba và nhảy lên ôm chặt lấy cổ ba, lúc bấy giờ nước mắt ông mới trào ra. 
 -Những ngày ở căn cứ, lúc rảnh rỗi là ông gửi hết tình thương con vào việc làm chiếc lược ngà. Trước lúc hy sinh, điều mà ông nghĩ tới duy nhất là nhờ đồng đội mang chiếc lược về cho con. 
 -Tình cảm yêu thương con sâu nặng của ông Sáu làm cho người đọc xúc động và thấm thía nỗi đau thương mất mát, éo le do chiến tranh gây ra. Nhưng điều đáng quý nhất trong cái mất mát ấy đó là tình cảm cha con, tình cảm muôn thuở có tính nhân bản bền vững, tình cảm ấy bất diệt trước sự hủy diệt tàn khốc của chiến tranh. 
2. Sự khám phá và thể hiện vẻ đẹp tình cảm gia đình trong “Nói với con”: 
 * Vẻ đẹp về tình cha con: 
-Tình yêu người cha dành cho con thể hiện qua lời tâm sự, nhắc nhở về nguồn cội sinh dưỡng, cho con thấy được sự đầm ấm của gia đình và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ về truyền thống tốt đẹp của quê hương. (dẫn chứng) 
-Là tình yêu mà người cha muốn thắp sáng ý chí, nghị lực và niềm tin cho con mình trong cuộc sống để kế thừa, tự hào và phát huy truyền thống của “người đồng mình” … (dẫn chứng) 
 * Cách thể hiện: 
-Lựa chọn hình thức mượn lời mộc mạc mà gợi cảm, mạnh mẽ, người cha đã thể hiện khung cảnh núi rừng quê hương thật thơ mộng và nghĩa tình. Thiên nhiên ấy đã chở che nuôi dưỡng con cả tâm hồn và lối sống.
-Dùng cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ, người cha đã truyền đến con thái độ sống nghĩa tình, biết chấp nhận, vượt qua thử thách; giúp con hiểu thêm sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của dân tộc mình - gợi nhắc tình cảm gia đình luôn gắn bó với truyền thống quê hương. 
3. So sánh, đánh giá, mở rộng và nâng cao vấn đề 
 a. So sánh 
-Những nét giống nhau: Tình yêu thương của sự chăm sóc, ân cần dạy dỗ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh một đời vì con của cha, một tình cảm mang tính gia đình cao cả. Đây cũng là truyền thống đạo lý của dân tộc, cần kế thừa và gìn giữ.
-Những nét riêng: Hoàn cảnh, tình cảm, xuất phát từ mối quan hệ, tình cảm cha -con...và nét riêng trong hình thức thể hiện ... 
 b. Đánh giá, mở rộng và nâng cao vấn đề: 
-Tình cảm gia đình – tình cha con là một trong những thứ tình cảm thiêng liêng và quý giá của mỗi người. Mỗi nhà thơ, nhà văn bằng sự khám phá và thể hiện của mình đã đem đến cho văn học những tác phẩm giàu giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và lay thức tình cảm tốt đẹp của con người về tình cảm gia đình. 
-Vẻ đẹp của tình cảm gia đình – tình cha con trong hai tác phẩm như những nét vẽ góp phần hoàn thiện bức chân dung gia đình của mỗi con người. Tình cảm ấy lại được hoà quyện thống nhất, gắn bó chặt chẽ với tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là một mạch nguồn tình cảm được lưu chuyển qua dòng chảy truyền thống của thơ ca dân tộc nhưng luôn có những khám phá, phát hiện và cách thể hiện theo những nét riêng - một đặc trưng quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật.
(HS có thể liên hệ đến các tác phẩm cùng đề tài khác)
III. Kết luận: 
- Khẳng định lại nội dung của hai tác phẩm:
	 Tình cha đối với con ở hai hoàn cảnh khác nhau, cách biểu hiện khác nhau nhưng đều có điểm chung là tình thương yêu hết sức sâu sắc, đằm thắm, thầm lặng và đầy sự hy sinh. 
 - Liên hệ bài học cho bản thân: 
 + Tình cảm cha con nói riêng, tình cảm gia đình nói chung là tình cảm quý báu, mỗi người cần biết trân trọng, giữ gìn, phát huy.
 + Con người phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với các tình cảm cao quý đó.
B. Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết làm bài nghị luận về một vấn đề văn học.
- Kết hợp các thao tác lập luận để tìm hiểu những khám phá và thể hiện của hai tác phẩm qua vẻ đẹp hình tượng văn học.
- Kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt.
- Không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và lỗi ngữ pháp. 
Biểu điểm:
+ Điểm 4,5-5: HS nắm vững các yêu cầu trên, hiểu vấn đề và phương pháp, giải quyết đúng hướng, rõ trọng tâm. Bố cục hợp lý, diễn đạt trôi chảy, bài sạch, chữ rõ. Văn viết giàu chất tư duy và cảm nhận tinh tế, có nhiều phát hiện sâu sắc, sáng tạo. 
+ Điểm 3,5-4: HS hiểu và có định hướng giải quyết đúng. Bài viết phân tích được những đặc điểm chung nhất của hai nhân vật; biết nhận xét, đánh giá nhân vật; biết tổng hợp khái quát làm nổi rõ vấn đề; nêu được giá trị nhân đạo từ hình tượng nhân vật. Bài làm có kết cấu chặt chẽ, lời văn mạch lạc, trong sáng, giàu cảm xúc; hạn chế được lỗi diễn đạt. Có những phân tích và phát hiện tốt, tuy nhiên có thể chưa thật toàn diện và sáng tạo. Văn viết biểu cảm, diễn đạt trôi chảy, bài sạch, chữ rõ.
+ Điểm 2,5-3: HS nắm được các yêu cầu cơ bản, hiểu định hướng, có một số phát hiện nhất định nhưng một số ý còn chưa mạch lạc. Biết phân tích được những đặc điểm chung nhất của hai nhân vật; biết nhận xét, đánh giá nhân vật; biết tổng hợp khái quát làm nổi rõ vấn đề song không nêu nêu được giá trị nhân đạo từ hình tượng nhân vật. Bài viết có kết cấu tương đối chặt chẽ, rõ ý, dễ theo dõi; mắc không quá mười lỗi diễn đạt. Văn viết khá, bài sạch, chữ rõ.
+ Điểm 1-2: HS tỏ ra hiểu yêu cầu đề, tuy nhiên bài còn chưa khai thác được các chi tiết, giá trị của văn bản. Văn viết tạm được.
+ Điểm 0,5: Bài lạc đề về nội dung và phương pháp. Bài viết giới thiệu một cách chung chung về nhân vật; phân tích không sâu; không biết tổng hợp, khái quát làm nổi rõ vấn đề; bố cục lỏng lẻo; văn viết lủng củng; mắc lỗi diễn đạt nhiều, trình bày quá vụng về. 

Lưu ý: 
	 § Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm có thể chưa đủ ý theo biểu điểm nhưng nếu có tính sáng tạo, linh hoạt và giàu cảm xúc, có thể thảo luận để cho điểm tối đa.
§Tránh đếm ý cho điểm. Chỉ cho điểm tối đa mỗi ý nếu diễn đạt lưu loát, có câu văn hay, có cảm xúc chân thành. 
§ Chấp nhận các cách trình bày khác nhau kể cả không có trong hướng dẫn chấm miễn sao hợp lý và thuyết phục.
------------------HẾT --------------------

File đính kèm:

  • docDe Dap an chi tiet ki thi khao sat HS gioi tinh Van 9.doc