Đề thi thi khảo sát học sinh giỏi tỉnh năm học 2013-2014

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1329 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi thi khảo sát học sinh giỏi tỉnh năm học 2013-2014, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG THCS CLC
DƯƠNG PHÚC TƯ
HUYỆN VĂN LÂM
ĐỀ THI THI KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI TỈNH
Năm học 2013-2014
Môn: Ngữ Văn – LỚP 9
Thời gian làm bài: 150 phút 



Câu 1: (3,0 điểm)
	Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình.
Hãy viết một bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên!

Câu 3: (7,0 điểm)
Cảm nhận của em về tình mẫu tử qua các bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” (Nguyễn Khoa Điềm), “Con cò” (Chế Lan Viên) và “Mây và Sóng” (Tagor)!
	

 ……….HẾT………..

	Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.











	Họ tên thí sinh..........................................................................SBD:.....................
TRƯỜNG THCS CLC
DƯƠNG PHÚC TƯ
HUYỆN VĂN LÂM
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
KÌ THI KHẢO SÁT CHỌN HS GIỎI 
Năm học 2013-2014

Câu 1: (3,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng:
- Trình bày dưới dạng bài văn nghị luận xã hội về một quan niệm sống. Sử dụng các thao tác nghị luận một cách phù hợp. 
	- Biết cách xây dựng và trình bày hệ thống luận điểm khoa học, lập luận chặt chẽ.
	- Bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, mạch lạc.
	- Không mắc các lỗi: chính tả, dùng từ, ngữ pháp,…
II. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Giải thích: (0,5 đ)
- “Ngả đường”: những ngả rẽ trên đường đi. Ý nói: có nhiều mục đích, nghề nghiệp và lý tưởng mà con người cần phải lựa chọn. 
- “Tương lai”: là tất cả những gì đang ở phía trước mà con người không đoán định hết được
- Chỉ có bản thân mỗi người mới có thể lựa chọn con đường đúng cho mình chứ không phải ai khác. Sau khi chọn lựa, cố gắng đừng hối tiếc, đừng oán trách đổ thừa cho hoàn cảnh…
à Ý nghĩa của câu nói: Con đường đi đến tương lai có nhiều ngả rẽ, mọi người phải tự chọn một lối đi đúng đắn, phù hợp cho chính mình.
2. Chứng minh, bàn luận: (1,75 đ)
- Phải cân nhắc thật kĩ trước khi chọn lựa để chắc chắn rằng con đường mình chọn là đúng. Phải tin vào bản thân, không dao động trước dư luận, đừng đứng núi này trông núi nọ.
- Cố gắng cân nhắc để không lựa chọn ngã rẽ sai, hãy mạnh dạn bước vào lối đi mà mình lựa chọn. Con đường đến vinh quang nào cũng đầy rẫy khó khăn và chông gai. Do đó, sau khi đã chọn đừng nản chí, kể cả khi vấp ngã, thất bại. (dẫn chứng thực tế)
- Khi đã lựa chọn một con đường mà mình nghĩ là đúng thì cần phải cố gắng hết sức để hoàn thành mục đích của mình. Con người có thể thích rất nhiều thứ nhưng nếu thiếu nỗ lực và cố gắng thì không đạt được mục đích và phải bỏ dở dang con đường mình đã chọn. (dẫn chứng thực tế)
- Những người không biết tự chọn cho mình con đường đúng đắn hoặc quá lệ thuộc vào ý kiến của người khác thường dẫn đến những thất bại, sai lầm trong cuộc đời và nhận lấy nhiều đau khổ. (dẫn chứng thực tế)
3. Liên hệ bản thân – rút ra bài học phấn đấu: (0,75 đ)
- Ai cũng phải bối rối trước quá nhiều ngả đường để lựa chọn. Do đó, việc chính mình chọn một con đường đúng là điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa lớn trong cuộc đời mỗi con người
- Khi lựa chọn con đường đi cho mình, đừng yếu đuối chấp nhận những lựa chọn không phù hợp nếu thực sự không thích nó, hãy rũ bỏ và lựa chọn lối đi đúng cho mình và phải đảm bảo rằng đó là lựa chọn đúng đắn nhất cho bản thân sau này.
- Mỗi chúng ta cần phải xác định rõ ràng mục đích lí tưởng ngay từ lúc còn đang ở trên ghế nhà trường để khi ra đời lấy đó làm nền tảng đi đến với thành công trong cuộc sống. Nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là phải học tập thật tốt, rèn luyện tu dưỡng đạo đức, hình thành cho mình kĩ năng tự lập, không phụ thuộc vào hoàn cảnh. 

Câu 2: (7,0 điểm)
A. YÊU CẦU:
a. Kỹ năng:
	- Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học.
	- Biết cách xây dựng và trình bày hệ thống luận điểm khoa học. Bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, mạch lạc.
	- Sử dụng các thao tác phân tích, chứng minh và tổng hợp một cách hợp lý.
	- Không mắc các lỗi: chính tả, dùng từ, ngữ pháp,…
b. Nội dung:
	 - Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những cảm nhận riêng, miễn là phù hợp yêu cầu của đề, song với đề bài này cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
1. Nét chung:
- Ba bài thơ: “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” (Nguyễn Khoa Điềm), “Con cò” (Chế Lan Viên) và “Mây và Sóng” (Tagor) cùng ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao đẹp. Cả ba bài đều khắc hoạ tình mẹ con thắm thiết, thiêng liêng. 
- Cách thể hiện cũng có điểm gần gũi, đó là dùng điệu ru, lời ru của người mẹ hoặc lời của em bé nói với mẹ.
2. Nét riêng:
- Bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”: 
+ Ca ngợi tình mẫu tử thông qua việc miêu tả tình yêu thương con tha thiết của bà mẹ dân tộc Tà – ôi. Hình ảnh người mẹ hiện lên gắn với những công việc vất vả thường ngày trong kháng chiến như giã gạo, tỉa bắp, chuyển lán, đạp rừng... Tình yêu thương con thắm thiết được thể hiện tự nhiên mà sâu sắc qua những khúc ru. Tình yêu ấy thống nhất với lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng và ý chí chiến đấu của người mẹ trong hoàn cảnh hết sức gian khổ ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên trong chiến tranh chống Mĩ. Trong cả bài thơ, tình cảm đó ngày càng phát triển, hoà quyện với tình yêu bộ đội, tình thương dân làng và tình yêu đất nước. 
+ Để thể hiện tình mẫu tử, Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng thể thơ 8 chữ phù hợp với âm điệu hát ru; giọng điệu trữ tình tha thiết; các khúc ru lặp lại; bố cục chặt chẽ; hình ảnh thơ gợi cảm...
- Bài “Con cò”: 
+ Khắc hoạ tình mẫu tử với tình thương dạt dào và những ước mơ về con thơ của mẹ hiền. Bài thơ đã khai thác và phát triển tứ thơ từ hình tượng con cò trong ca dao để ngợi ca tình mẹ và ý nghĩa của lời hát ru trong cuộc đời mỗi con người. Hình ảnh người mẹ ở đây rất nhân hậu, nhân tình với tấm lòng yêu thương con bao la. Mẹ là tâm hồn quê hương, là bàn tay chở che ấp ủ, là điểm tựa nâng đỡ con trong từng chặng đường đời và suốt cả cuộc đời. Tình mẹ gửi vào cánh cò và từng câu hát ru ngọt ngào tha thiết.
+ Chế Lan Viên đã thể hiện tình mẫu tử bằng thể thơ tự do với các câu dài ngắn khác nhau, nhiều câu thơ mang đậm chất triết lí, suy tưởng; giọng điệu hát ru vừa bay bổng vừa sâu lắng, vừa dân tộc vừa hiện đại. Bài thơ mang âm điệu đồng dao, nhịp thơ, giọng thơ thấm vào hồn ca dao dân ca một cách đằm thắm nhẹ nhàng.
- Bài “Mây và Sóng”: 
+ Ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng bất diệt. Bài thơ nói về tình yêu mẹ và mơ ước kì diệu của tuổi thơ. Lời trò chuyện hồn nhiên ngây thơ của em bé với mẹ về cuộc đối thoại giữa bé với những người sống ở trên Mây và trong Sóng đã thể hiện tình yêu mẹ thắm thiết của trẻ thơ. Mẹ đối với em bé là vẻ đẹp, niềm vui, là sự hấp dẫn lớn nhất, sâu xa và vô tận, hơn tất cả những điều hấp dẫn khác trên thế gian. Trò chơi sáng tạo của bé thể hiện niềm hạnh phúc vô biên, tràn ngập của con, của sự hòa hợp thương yêu giữa con và mẹ, giữa thiên nhiên, vũ trụ và cuộc sống con người. Ở đây, tình mẹ con là bất tử, là vĩnh hằng, nó vô cùng lớn lao, sánh ngang tầm vũ trụ.
+ Để thể hiện tình mẫu tử, Tagor đã sử dụng lối thơ văn xuôi cùng lời lẽ hồn nhiên, thủ thỉ; tứ thơ phát triển đối xứng nhưng không trùng lặp. Bài thơ được xây dựng bằng những đối thoại lồng trong lời kể với trí tưởng tượng phóng khoáng, bay bổng; nhiều hình ảnh thơ giàu ý nghĩa biểu tượng. “Mây và Sóng” mang sắc điệu trữ tình như một khúc đồng dao thể hiện niềm giao cảm thần tiên của tâm hồn tuổi thơ với Mây và Sóng, với thiên nhiên kì diệu, để từ đó ngợi ca tình mẹ con bất tử.
3 Đánh giá chung:
- Tình mẫu tử là một trong những tình cảm thiêng liêng và gần gũi, phổ biến nhất của con người, nó cũng là nguồn thi cảm không bao giờ cạn của các thi nhân. Nếu như Chế Lan Viên phát triển tứ thơ từ hình ảnh “Con cò” trong ca dao; Nguyễn Khoa Điềm làm “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” thì đại thi hào Ấn Độ Tagor có bài “Mây và Sóng” sáng tạo tứ thơ bằng những cuộc đối thoại tưởng tượng. 
- Chính tình mẫu tử đã biến thành sức mạnh để con người chiến thắng những cám dỗ, những ham muốn nhất thời, kể cả những khó khăn, gian khổ hiểm nguy. Có thể nói, tình mẫu tử là điểm tựa vững chắc trong cuộc đời mỗi con người.
B/ TIÊU CHUẨN CHO ĐIỂM:
	- Điểm 6,0 à 7,0: Đáp được những yêu cầu nêu trên, luận điểm đầy đủ rõ ràng, văn viết có cảm xúc, nghị luận tốt, làm nổi bật được trọng tâm, diễn đạt trong sáng, có thể còn vài sai sót nhỏ.
	- Điểm 4,5 à 5,5: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, làm rõ được trọng tâm song phân tích có chỗ chưa sâu, còn mắc một số lỗi dùng từ, diễn đạt.
	- Điểm 3,0 à 4,0: Bài làm tỏ ra hiểu đề tuy nhiên năng lực cảm thụ, phân tích tổng hợp còn hạn chế; dẫn chứng chưa thật đầy đủ phong phú, bình luận chưa sâu, nhưng vẫn làm rõ được các ý. Còn mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.
	- Điểm 1,5 à 2,5: Bài làm thể hiện được luận điểm nhưng còn chung chung, chưa làm nổi bật yêu cầu của đề. Hoặc những bài làm chưa hình thành được luận điểm chỉ đơn thuần phân tích một vài tác phẩm liên quan đến vấn đề nghị luận.
	- Điểm 1: Không hiểu đề, chỉ bàn luận chung chung không đúng yêu cầu của đề hoặc sai lạc cả nội dung và phương pháp.

-----------------œ{-œ{-{-------------------
Lưu ý: 
	 § Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm có thể chưa đủ ý theo biểu điểm nhưng nếu có tính sáng tạo, linh hoạt và giàu cảm xúc, có thể thảo luận để cho điểm tối đa.
§Tránh đếm ý cho điểm. Chỉ cho điểm tối đa mỗi ý nếu diễn đạt lưu loát, có câu văn hay, có cảm xúc chân thành. 
§ Chấp nhận các cách trình bày khác nhau kể cả không có trong hướng dẫn chấm miễn sao hợp lý và thuyết phục.
------------------HẾT --------------------

File đính kèm:

  • docDAP ANDE KHAO SAT HS GIOI TINH VAN 9 20132014.doc
Đề thi liên quan