Đề thi thử đại học ,cao đẳng - Năm học 2013 môn thi: ngữ văn, khối c ,d

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1143 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi thử đại học ,cao đẳng - Năm học 2013 môn thi: ngữ văn, khối c ,d, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 TRƯỜNG THPT 
 Nguyến Bỉnh Khiêm
ĐỀ SỐ 4


ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC ,CAO ĐẲNG - NĂM 2013
Môn thi: NGỮ VĂN, Khối C ,D
Thời gian làm bài : 180 phút,không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm) 
Câu I (2,0 điểm)
	 Trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng có nhắc đến rất nhiều những địa danh. Hãy liệt kê và nêu dụng ý nghệ thuật của nhà thơ khi sử dụng những địa danh đó. 
Câu II (3,0 điểm) 
 Sống trong thời đại toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, “công dân toàn cầu” đã trở thành cụm từ phổ biến trên toàn thế giới và là mục tiêu hướng tới của nhiều bạn trẻ Việt. 
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên. 
PHẦN RIÊNG (5,0 điểm) 
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b) 
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Viết Vang bóng một thời, Nguyễn Tuân không chỉ mô tả vẻ đẹp riêng của thời phong kiến xưa mà còn khắc họa những cách ứng xử đẹp giữa người với người.
Qua truyện ngắn Chữ người tử tù ( Nguyễn Tuân) anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. 
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) 
	Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau: 
	“ Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
	Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng
	Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
	Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” 
 (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12 Nâng cao,
 tập 1, NXB Giáo dục, tr. 107)
	“ Con sóng dưới lòng sâu
	 Con sóng trên mặt nước
	 Ôi con sóng nhớ bờ
	 Ngày đêm không ngủ được
	 Lòng em nhớ đến anh
	 Cả trong mơ còn thứcq
	 (Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12 Nâng cao,
 tập 1, NXB Giáo dục, tr. 123)
	
---------- Hết ---------- 








 









 Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. 
 Họ và tên thí sinh: .............................................; Số báo danh: ................................ 

 


HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC
MÔN NGỮ VĂN – KHỐI D


Phần chung cho tất cả các thí sinh:
Câu I: (2đ)
	Bài viết cần đảm bảo các ý như sau: 
- Liệt kê đầy đủ các địa danh: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch, Mai Châu, Viên Chăn, Châu Mộc, Hà Nội, Sầm Nứa. (0,5 đ)
- Ý nghĩa: 
+ Tái hiện địa bàn hoạt động, chặng đường hành quân của lính Tây Tiến. (0,5 đ)
+ Những địa danh lạ gợi không gian rừng rú, xa xôi, hẻo lánh góp phần khắc họa nỗi gian truân, vất vả, nhọc nhằn và vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của người lính Tây Tiến. (0,5 đ)
+ Tình cảm gắn bó sâu nặng của Quang Dũng với Tây Tiến, kỉ niệm hiện lên rõ nét sinh động với hình ảnh những vùng đất Tây Tiến đã từng đi qua. (0,5 đ)
Câu II: (3 đ)
Ngoài phần mở bài và kết bài (0,5đ) : bài làm cần đảm bảo được các ý sau
* Giải thích: (0,5đ)
- Thế nào là công dân toàn cầu? : Công dân toàn cầu là những người có thể sống và làm việc ở một hay nhiều quốc gia khác nhau, họ có thể vượt qua những ranh giới về không gian, thời gian, văn hóa,…Nhưng những công việc mà họ làm phải mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu
+ Tiêu chí là công dân toàn cầu: Là công dân toàn cầu rất cần những kiến thức về đất nước và thế giới; những kỹ năng toàn cầu như: kỹ năng Internet, kỹ năng giao tiếp toàn cầu, việc sử dụng ngôn ngữ toàn cầu. ý thức toàn cầu. Nền tảng của một công dân toàn cầu là ý thức về bản thân và dân tộc đất nước mình. . Ý thức toàn cầu chính là hòa nhập nhưng không được hòa tan, tiếp thu cái mới hiện đại nhưng cũng phải có chọn lọc và vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc, đó là quá trình “hòa nhập nhưng không hòa tan”
* Bàn luận: 
- Tại sao lại cần thiết trở thành công dân toàn cầu? (0,75 đ)
+ Đó là do quá trình toàn cầu hóa trên thế giới. Toàn cầu hóa là điều kiện vô cùng thuận lợi để mỗi công dân trở thành những công dân toàn cầu. Khi mà các rào cản biên giới được phá bỏ, hàng hóa, tiền tệ, thông tin, lao động… được thông thoáng, sự phân công mang tính quốc tế thì không còn trở ngại gì để mọi công dân trở thành những công dân toàn cầu. 
+ Sự bùng nổ, phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật làm cho cả Thế giới này nhỏ lại, “phẳng ra”, nó đã mở ra không biết bao nhiêu cơ hội cho con người, internet như là chìa khóa mở ra thế giới, vào kho báu tri thức của nhân loại
+ Hiện nay trái đất đang phải đối mặt với rất nhiều những vần đề nan giải: hiện tượng trái đất nóng lên, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường nước, không khí, bệnh dịch SATL, H5N1, H1N1..) …Đây không còn là vấn đề của một quốc gia, một khu vực mà đã trở thành vấn đề của toàn cầu, cần phải có sự bắt tay, hợp tác của cộng đồng quốc tế vì hành tinh xanh của chúng ta. 
- Cần làm gì để trở thành công dân toàn cầu? (0,75 đ)
+ Nhiều ý kiến cho rằng phải ra nước ngoài mới là công dân toàn cầu? Có nhất thiết phải như vậy khi với sự toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay thì dù ở đâu cũng có thể tiếp cận nguồn thông tin phong phú, dù ở đâu cũng có thể kết nối bạn bè khắp nơi, dù ở đâu cũng có thể có những hành động mang tính toàn cầu như hoạt động bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng...
+ Cần có ý thức cố gắng trong học tập, trau dồi kiến thức cho bản thân, những kiến thức của quốc gia dân tộc và cả những kiến thức trên thế giới, những xu hướng của toàn cầu. Bên cạnh 
việc tiếp thu, học hỏi kiến thức thì giới trẻ nhất thiết cần có những trải nghiệm trong cuộc sống để hình thành nên những kỹ năng sống. Hình thành tư duy toàn cầu, ý thức toàn cầu, ý thức dân tộc sao cho đúng đắn
+ Tuy nhiên giới trẻ Việt đang gặp phải những vấn đề không nhỏ trong việc trở thành những công dân toàn cầu chân chính: thiếu sự quan tâm cần thiết về các vấn đề quốc gia và thế giới, những xu thế, những cơ hội, những cánh cửa lúng túng trong những kỹ năng toàn cầu, môi trường làm việc quốc tế thường đòi hỏi những kỹ năng mà người Việt Nam chưa phát huy hiệu quả, khả năng sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế. 
	(Lấy dẫn chứng trong thực tế có rất nhiều bạn trẻ đã thực sự là những công dân toàn cầu bằng những ý tưởng sáng tạo, những hành động có ý nghĩa với cộng đồng...)
* Bài học liên hệ: (0,5 đ)
- Công dân toàn cầu là ước mơ của người Việt trẻ cũng như mọi công dân trên thế giới này. Trở thành công dân toàn cầu là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phấn đấu để thực hiện mong muốn đó bằng những hành động, việc làm thiết thực.
Phần riêng:
Câu III.a: (5đ)
* Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Tuân và truyện ngắn Chữ người tử tù. (0,5 đ)
* Giải thích nhận dịnh: Nhận định bàn về nội dung tập truyện Vang bóng một thời và đã chỉ rõ cách thể hiện vẻ đẹp quá khứ của Nguyễn Tuân là tập trung vào những phong tục đẹp, những thú chơi tao nhã và cách ứng xử giữa người với người của những con người xưa cũ – lớp nhà nho tài tử cuối mùa Chữ người tử tù viết về . Truyện ngắn Chữ người tử tù là tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc cho tập truyện Vang bóng một thời nên cũng thể hiện một cách rõ nét điều đó. (0,5 đ)
* Phân tích tác phẩm: 
- Chữ người tử tù viết về thú chơi tao nhã của người xưa, một nét văn hóa cổ truyền của dân tộc – thú chơi chữ. (1,0 đ)
- Chữ người tử tù viết về cách ứng xử đẹp giữa người với người (2,5 đ)
+ Quản ngục đối xử với Huấn Cao bằng một tấm lòng biết biệt nhỡn liên tài: thán phục, đối đãi đặc biệt, thái độ lễ phép cung kính... 
+ Sự thay đổi thái độ của Huấn Cao khi biết sở nguyện của viên quản ngục, quyết định dành đêm cuối cùng của cuộc đời mình cho chữ quản ngục là sự trân trọng nâng niu một tấm lòng trọng thiên hạ. 
à Qua cách ứng xử thấy được vẻ đẹp nhân cách của 2 nhân vật, sự đề cao thiên lương trong sáng trân trọng tấm lòng ở Nguyễn Tuân. 
* Đánh giá: (0,5 đ)
- Bằng cách riêng của mình nhà văn họ Nguyễn đã làm sống lại vẻ đẹp của thời quá vãng xa xưa. Qua đó thể hiện tấm lòng yêu nước của một trí thức có tinh thần dân tộc và tài năng của một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác 
Câu III.b: (5đ)
 Bài làm của thí sinh cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
* Giới thiệu vài nét về tác giả Xuân Quỳnh – bài thơ Sóng và Chế Lan Viên - bài thơ Tiếng hát con tàu (0,5đ)
* Về đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh: (2,0 đ)
- Một nỗi nhớ cồn cào, da diết, cứ dồn lên tầng tầng lớp lớp như từng đợt sóng trong toàn bộ đoạn thơ. Nỗi nhớ choáng ngợp cả không gian, trải dài theo thời gian, tràn cả vào trong cõi vô thức, chiếm lĩnh cả không gian tâm hồn, cả khi tỉnh lẫn khi mơ. Tình yêu của Xuân Quỳnh yêu hết mình, yêu cuồng nhiệt, đắm say, cháy bỏng, nồng nàn nhưng không vì thế mà mất đi nét dịu dàng của người con gái. Dù có mãnh liệt thế nào ta vẫn không thấy trong thơ chị sự vồ vập, táo bạo như Xuân Diệu 
- Mượn hình tượng sóng nhớ bờ để diễn tả nỗi nhớ vẫn chưa đủ, chưa thoả Xuân Quỳnh còn bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của mình một cách chân thành, bạo dạn, Lối điệp cú pháp kết hợp với hình thức đối lập: trên - dưới; ngày – đêm; thức - ngủ…đã góp phần thể hiện một nỗi nhớ cháy bỏng, da diết của sóng với bờ hay cũng chính là nỗi nhớ của người con gái khi yêu
* Về đoạn thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: (2,0 đ)
- Mượn các hình ảnh của thiên nhiên, qui luật của tự nhiên Chế Lan Viên khẳng định nỗi nhớ thường trực, sự gắn bó bền chắc không thể tách rời của tình yêu. Chính sự sáng tạo hình ảnh bằng những so sánh bất ngờ, mới lạ này đã khiến cho câu thơ của Chế Lan Viên viết về tình yêu lấp lánh những sắc màu, xôn xao những tâm trạng, thấm thía sự chiêm nghiệm. Chất triết lí càng đậm nét trong câu thơ cuối khi tình yêu rất riêng tư của “anh” và “em” lại gắn với tình yêu quê hương rộng lớn. Nhà thơ đã khéo léo đưa cái riêng tư nhập vào tình yêu nước rộng lớn, đưa cái tôi vào cái ta, nâng cái cụ thể lên thành cái khái quát.
- Những câu thơ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của Chế Lan Viên với kiến tạo hình ảnh mới mẻ, táo bạo, bất ngờ và thấm chất suy tưởng, triết lí. 
* Về sự tương đồng và khác biệt giữa 2 đoạn thơ: (0,5đ)
+ Tương đồng: Đều biểu đạt một nỗi nhớ mãnh liệt, cồn cào trong tình yêu. Nỗi nhớ không chỉ là xúc cảm, là biểu hiện thường nhật trong tình yêu lứa đôi mà đó còn là vẻ đẹp của nhân tính, là thước đo của một tình yêu thuỷ chung, son sắt.
 + Khác biệt: Nỗi nhớ trong thơ Xuân Quỳnh giàu nữ tính, thể hiện qua dòng cảm xúc bộc bạch tự nhiên của trái tim người phụ nữ khi yêu, còn nỗi nhớ trong thơ Chế Lan Viên mang đậm chất triết lí. Tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh chỉ thuần tuý là tình yêu cá nhân còn tình yêu trong thơ Chế Lan Viên lại gắn với tình yêu đất nước. Về nghệ thuật biểu hiện cũng có sự khác biệt:Với thể thơ 5 chữ, Xuân Quỳnh đã bộc lộ nỗi nhớ vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Lời thơ như lời tự hát của một trái tim yêu say đắm, nồng nàn. Còn Chế Lan Viên lại sử dụng thể thơ 7 chữ, kết hợp với những hình ảnh so sánh độc đáo cùng chất trí tuệ, suy tưởng đầy chiêm nghiệm mang tính triết lí về tình yêu .




 

File đính kèm:

  • docDe va dap an thi thu dai hoc nam 20132014(1).doc