Đề thi thử Đại học môn Văn khối D - Trường THPT Phú Nhuận

doc7 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1488 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi thử Đại học môn Văn khối D - Trường THPT Phú Nhuận, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 TRƯỜNG THPT PHÚ NHUẬN ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC NĂM 2013
 Môn: Văn (Khối D). Thời gian: 180 phút

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 ĐIỂM)
Câu I (2,0 điểm)
 Nền văn học Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến hết thế kỉ XX có sự thay đổi như thế nào so với văn học giai đoạn từ 1945 đến 1975? Nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi đó?
Câu II (3,0 điểm)
Viết bài văn nghị luận ngắn (không quá 600 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến sau: 
“Không có điều vĩ đại trên đời nào đạt được mà thiếu đi sự tâm huyết.”
PHẦN RIÊNG (5,0 ĐIỂM)
Thí sinh chỉ làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Thơ Tố Hữu mang tính trữ tình - chính trị. Hãy phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu để làm rõ điều này.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim...

 Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm cho mạnh khối đời.

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ...
Tháng 7 - 1938 
(Tố Hữu, Ngữ Văn 11, tập Hai, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007)
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của đoạn văn sau:
“Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội.
Nhưng trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ […] Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi:
	Mày có con trai con gái rồi
	Mày đi làm nương
	Ta không có con trai con gái
	Ta đi tìm người yêu
Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa xuân đã tới.” 
 (Tô Hoài, “Vợ chồng A Phủ”, Ngữ Văn 12, tập Hai, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008)

------Hết-------

ĐÁP ÁN
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5 ĐIỂM)
Câu
Ý
Nội dung
Điểm
I

Nền văn học Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến hết thế kỉ XX có sự thay đổi như thế nào so với văn học giai đoạn từ 1945 đến 1975 ? Nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi đó?
2,0

1
 Nền văn học Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến hết thế kỉ XX có sự thay đổi khác với văn học giai đoạn từ 1945 đến 1975 ở những điểm:
- Văn học phát triển đa dạng về đề tài, chủ đề: phơi bày tiêu cực xã hội, nhìn thẳng vào những tổn thất sau chiến tranh, bước đầu đề cập bi kịch cá nhân…
- Đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn, có nhiều tìm tòi đổi mới về nghệ thuật. 
- Văn học có tính chất hướng nội. Cảm hứng thế sự tăng mạnh, cảm hứng sử thi và lãng mạn giảm dần.
- Đổi mới cách nhìn nhận, cách tiếp cận con người và hiện thực đời sống, khám phá con người trong những mối quan hệ phức tạp đời thường, thể hiện con người cá nhân ở nhiều phương diện, kể cả đời sống tâm linh. 
 à Nhìn chung nền văn học vận động theo hướng dân chủ hóa, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc.
1,0





2
Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi: 
- Hoàn cảnh lịch sử , xã hội thay đổi: 1975 đất nước thống nhất. 1986 đất nước bắt đầu đổi mới, dần chuyển sang nền kinh tế thị trường
- Quan điểm nghệ thuật, con người và tư tưởng thẩm mĩ thay đổi.
1,0

II

Viết bài văn nghị luận ngắn (không quá 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến sau: 
“Không có điều vĩ đại trên đời nào đạt được mà thiếu đi sự tâm huyết”
3,0

1
Giải thích : 
- Điều vĩ đại: điều to lớn, có ý nghĩa lớn lao với con người; có thể là sự nghiệp, tình cảm, thành tựu …
- Tâm huyết: tập trung tuyệt đối về sức lực, tài sản, khả năng, đặc biệt là niềm đam mê cho một điều gì đó.
- Ý nghĩa câu nói : Khẳng định mạnh mẽ vai trò, sức mạnh của tâm huyết đối với những thành tựu có ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống.
0,5

2
Bàn luận
a. Nguyên nhân, biểu hiện:
- Tâm huyết là động lực, niềm đam mê, ý chí vượt qua khó khăn; nó đem đến tình yêu, trách nhiệm, sự hi sinh vô bờ bến cho điều mà người ta theo đuổi, để đạt được kết quả tốt đẹp. VD : Ê đi xơn, Ngô Bảo Châu ( Bồ đề Langslan – giải Fielde).
- Những người đạt được sự vĩ đại đều là những người có tâm huyết : Nelson Mandela.
- Thiếu tâm huyết, người ta dễ nản lòng, vô trách nhiệm, hời hợt, hoài phí thời gian mà chẳng đem lại được điều gì tốt đẹp, lớn lao.
b.Mở rộng 
- Những người sống và làm việc có tâm huyết thực sự, muốn làm việc có ích luôn được trân trọng.
- Những người có tâm huyết nhưng không có khả năng, cách nhìn nhận không đúng cũng dễ dẫn đến thất bại. Người có tâm huyết cũng cần có một quá trình rèn luyện.
- Cũng có người tâm huyết nhưng “tài bất phùng thời”.
- Tâm huyết phải đặt đúng chỗ, nếu không sẽ trở thành vô dụng; có khi góp phần làm nên cái xấu, cái ác, tổn hại đến xã hội. VD : Vũ Như Tô.

1,0










1,0

3
Bài học nhận thức, hành động và liên hệ bản thân :
- Tâm huyết phải xuất phát từ sự chân thành, hướng thiện, mục đích cao cả và phải thể hiện trong hành động thực tế, mới góp phần làm nên những điều tốt đẹp.
- Mỗi cá nhân cần sống có trách nhiệm, yêu thích và đam mê với công việc; xây dựng tâm huyết từ những điều nhỏ bé đến những việc lớn lao ; bồi đắp tâm huyết ở mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh.
0,5
III.a

Thơ Tố Hữu mang tính trữ tình - chính trị. Hãy phân tích bài thơ “Từ ấy” trích trong tập thơ cùng tên để làm rõ điều này.
5,0

1
Vài nét về tác giả, tác phẩm
0,5


- Tố Hữu là nhà thơ cách mạng xuất sắc của nền văn học hiện đại Việt Nam.
- Bài thơ “Từ ấy” được rút ra từ phần Máu lửa của tập thơ cùng tên, là tuyên ngôn về lẽ sống của người chiến sĩ Cách mạng cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ, tiêu biểu cho tính trữ tình – chính trị của thơ Tố Hữu. 


2
Phân tích bài thơ “Từ ấy” để làm rõ tính trữ tình – chính trị của thơ Tố Hữu 



a. Giải thích :Thơ Tố Hữu mang tính trữ tình – chính trị 
- Thơ Tố Hữu là thơ của lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn. Cái tôi trữ tình của Tố Hữu ban đầu là cái tôi chiến sĩ, về sau trở thành cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc.
- Thơ Tố Hữu đi sâu vào tình cảm lớn, yêu lý tưởng, lãnh tụ, tình quân dân, đồng chí đồng bào, quốc tế vô sản.
- Niềm vui trong thơ Tố Hữu lớn lao, sôi nổi hân hoan, tươi sáng.
1,0


b. Phân tích bài thơ
- Khổ 1: Niềm vui sướng say mê khi bắt gặp lí tưởng của Đảng
+ Hình ảnh ẩn dụ: nắng hạ, mặt trời chân lí à Khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ.
+ “Mặt trời chân lí” à hình ảnh sáng tạo: Đảng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra những tư tưởng đúng đắn, hợp lẽ phải, báo hiệu những điều tốt lành cho cuộc sống.
+ Động từ “bừng” (chỉ ánh sáng phát ra đột ngột), “chói” (chỉ ánh sáng có sức xuyên mạnh) à nhấn mạnh ánh sáng của lí tưởng đã xua tan màn sương mù của ý thức tiểu tư sản, mở rộng tâm hồn cho nhà thơ một chân lí mới của nhận thức, tư tưởng, tình cảm.
+ Hai câu sau, bút pháp trữ tình lãng mạn với hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản.

- Khổ 2: Nhận thức mới về lẽ sống
+ Khẳng định quan niệm mới về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa “cái tôi” cá nhân và “cái ta” chung của mọi người.	
+ Động từ “buộc”: ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của nhà thơ muốn vượt qua giới hạn của “cái tôi” cá nhân để hòa với mọi người.
Tâm hồn nhà thơ trải rộng với cuộc đời, đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

- Khổ 3: Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của Tố Hữu
+ Điệp từ “là con”, “là em”, “là anh” chỉ quan hệ đoàn kết gắn bó thân thiết, chặt chẽ để làm nên sức mạnh trong đấu tranh cách mạng; “vạn”: ước lệ: đông, mạnh à Cảm nhận là thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ.
+ “Không áo cơm cù bất cù bơ”: nhà thơ thương cảm những kiếp người không nơi nương tựa
Nhà thơ đồng cảm, yêu thương với những con người lao khổ bao nhiêu thì càng căm giận trước những bất công ngang trái của cuộc đời bấy nhiêu.
3,0

3
Đánh giá chung
0,5


- “Từ ấy” là khúc hát reo vui của một tâm hồn bừng nắng hạ khi đón nhận lí tưởng cộng sản. Lí tưởng ấy đã thắp sáng trong tâm hồn nhà thơ, soi đường để nhà thơ bước tiếp trên con đường đấu tranh gian khổ, gắn bó với quần chúng để giành thắng lợi.
- “Từ ấy” là bài thơ tiêu biểu cho tính trữ tình – chính trị trong thơ Tố Hữu


III.b

Phân tích vẻ đẹp của đoạn văn sau:“Trên đầu núi, các nương ngô,… Những đêm tình mùa xuân đã tới.” (Tô Hoài, “Vợ chồng A Phủ”)
5,0

1
Giới thiệu tác giả, tác phẩm
0,5


 -Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ trước năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng trong sáng tác văn học, nhất là về đề tài miền núi.
- Truyện Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc đã dựng lại một cách chân thực và sinh động bức tranh về cuộc sống, con người Tây Bắc với những sắc thái riêng của vùng đất này.


2
Phân tích vẻ đẹp của đoạn văn



Vẻ đẹp nội dung :
- Cảnh xuân sớm tràn đầy màu sắc, âm thanh làm say lòng người:
+ Xuân về, thiên nhiên trở nên tươi đẹp, để lại niềm bâng khuâng khó tả trong lòng người.
+ Chỉ đôi nét phác họa nhà văn đã chuyển được hồn cảnh xuân Tây Bắc.
+ Tả cảnh nhưng người vẫn thấp thoáng với niềm vui, sự trẻ trung đang tíu tít chuẩn bị xuân về. 
- Cảnh sinh hoạt mùa xuân thể hiện nét đẹp phong tục, văn hóa của dân tộc Mèo :
+ Theo phong tục miền núi, mỗi dịp xuân về là lúc nam nữ thanh niên vui chơi 
+ Đêm tình mùa xuân, bao chàng trai gửi trong tiếng sáo lời tỏ tình say đắm.
-Tâm hồn Mị bắt đầu hồi sinh bằng tiếng sáo và tiếng hát. Cảnh khơi dậy ngọn lửa thanh xuân, hình bóng cô gái khao khát sống ngày nào.
3,0


Vẻ đẹp nghệ thuật :
- Điểm nhìn trần thuật : xa đến gần, cao xuống thấp, ngoài vào trong.
- Lời văn trần thuật : lời kể tự nhiên, giàu sắc thái trữ tình nhờ kết hợp kể và tả, văn xuôi kết hợp với thơ. Văn giàu hình ảnh, câu dài – ngắn có tiết tấu và ngữ điệu linh hoạt.
- Giọng điệu trần thuật : tha thiết, bồi hồi.
1,0

3
Đánh giá chung
0,5


 - Với tài năng nghệ thuật, tâm hồn nhạy cảm, vốn sống về miền núi, Tô Hoài đã viết những trang văn tuyệt đẹp vừa tạo vẻ đẹp trữ tình, vừa soi chiếu thế giới tâm hồn nhân vật. Tô Hoài rất ý thức xây dựng hiệu quả thẩm mĩ của những gam điệu cảnh sắc thiên nhiên này.
- Đoạn văn phản ánh sinh động cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt và tính cách, tâm hồn người miền núi à góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm.



File đính kèm:

  • doc1358053444_DE-THI.doc
Đề thi liên quan