Đề thi thử tuyển sinh đại học năm 2013 môn: ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1246 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi thử tuyển sinh đại học năm 2013 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 
 SỞ GD - ĐT THỪA THIÊN HUẾ
TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ

ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2013
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012) việc nhân vật Phùng “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới” bảo vệ người đàn bà diễn ra trong hoàn cảnh nào? Ý nghĩa của hành động đó?
Câu 2 (3,0 điểm)
 Viết một văn bản ngắn không quá 600 từ, trình bày ý kiến của anh/chị về lời khuyên sau:
	 “Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể”. 
 (Ngạn ngữ)
PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh tự chọn câu 3.a hoặc 3.b
Câu 3.a (5,0 điểm) Theo chương trình chuẩn
Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp con người Việt Nam trong thời chống Mĩ qua nhân vật Tnú (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Việt (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi).
Câu III.b (5,0 điểm) Theo chương trình nâng cao
	Nói về tính độc đáo của phong cách trong sáng tác văn học, có ý kiến cho rằng:
"Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong các tác phẩm của mình".
Hãy phân tích phong cách của nhà thơ Nguyễn Bính qua bài thơ Tương tư để làm rõ ý kiến trên.


Tương tư

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, Một người chín nhớ mười mong một người. Gió mưa là bệnh của giời, Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. Hai thôn chung lại một làng, Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?Ngày qua ngày lại qua ngày, Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng. Bảo rằng cách trở đò giang, Không sang là chẳng đường sang đã đành. 
Nhưng đây cách một đầu đình, Có xa xôi mấy mà tình xa xôi... 
Tương tư thức mấy đêm rồi,Biết cho ai, biết ai người biết cho! Bao giờ bến mới gặp đò? Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau? 
Nhà em có một giàn giầu, Nhà anh có một hàng cau liên phòng. Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
 
 Nguyễn Bính 


Hết –


Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh:……………………Số báo danh……………………………….
Chữ ký của giám thị 1:……………….Chữ ký của giám thị 2:……………………






ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM



ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC NĂM 2013 (lần 1)
Môn: NGỮ VĂN 
(Đáp án – Thang điểm có 04 trang)
Câu
Ý
Nội dung
Điểm
I

Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, việc Phùng “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới” bảo vệ người đàn bà diễn ra trong hoàn cảnh nào? Ý nghĩa của hành động đó?

2,0

1
Hoàn cảnh diễn ra sự việc ( 0,5 điểm)
- Vì muốn có được một bức ảnh đẹp cho bộ lịch năm ấy, Phùng đã “phục kích” mấy buổi sáng và cả tuần lễ suy nghĩ, tìm kiếm; anh đã thực sự xúc động, ngỡ ngàng khi khám phá ra vẻ đẹp tinh khôi của chiếc thuyền lúc bình minh.
- Ngay sau đó, tại bãi biển, anh chứng kiến nghịch cảnh của cuộc sống - đó là cảnh bạo hành trong gia đình hàng chài sống trên chính chiếc thuyền kia. Chứng kiến cảnh đó, người nghệ sĩ kinh ngạc, sững sờ “trong mấy phút đầu” và đi đến hành động “vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới” để bảo vệ người đàn bà.
0,5





2
Ý nghĩa của hành động (1,5 điểm)




- Hành động có ý nghĩa khởi đầu cho sự “vỡ ra” trong quá trình nhận thức của Phùng. Anh không ngờ đằng sau vẻ đẹp diệu kỳ của tạo hoá kia lại là sự thật cuộc đời đầy nghịch lý, bất công, lại là cái ác, cái xấu. 
- Hành động của Phùng là phản ứng tự nhiên của một người lính từng vào sinh ra tử, của một con người có bản chất, thiên lương tốt đẹp: căm ghét cái xấu, sự bất công, sẵn sàng làm tất cả vì điều thiện, lẽ công bằng.
- Phùng là người nhạy cảm, thiết tha gắn bó với con người, cuộc sống, yêu và khao khát cái đẹp của thiên nhiên nhưng không dửng dưng trước những số phận đầy bi kịch của cuộc đời. Đó là vẻ đẹp của một người nghệ sĩ chân chính

0,5


0,5


0,5


II


Ý kiến của anh chị về lời khuyên sau: “Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể”. (Ngạn ngữ)
3,0

1






* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận:
- Cuộc sống cần có những ước mơ, hi vọng để phấn đấu, nỗ lực nhưng không phải lúc nào ước mơ cũng có thể trở thành hiện thực.
- Trích dẫn ý kiến.





 1. Giải thích vấn đề
- - Điều ta ước muốn: là những ước mơ, khao khát, hi vọng đạt được điều gì đó (có thể là viễn vông). 
 - Điều ta có thể: những điều gì đó nằm trong khả năng của ta và ta có thể thực hiện được (có khi đối lập với ước mơ).
 - Ý nghĩa: Hãy sống và làm theo những gì mà bản thân có thể làm được, trong khả năng và tầm giới hạn của ta.

0,5





2. Bàn luận
- “Đừng sống theo điều ta ước muốn”: 
 + Trong mỗi con người ai cũng tồn tại phần “ước muốn” và phần “có thể”, nhưng đôi khi ước mơ (ước muốn) đó quá xa vời mà chúng ta không thể nào thực hiện được.
 + Khi sống theo “ước muốn”, nếu thành công, con người sẽ hạnh phúc vì đạt được ước mơ. Nhưng ngược lại, nếu thất bại con người sẽ bi quan, chán nản...
 - “Hãy sống theo điều ta có thể”: 
 + Có những thứ nằm trong khả năng của ta mà bản thân chắc chắn đạt được, nắm bắt được, ta vẫn có thể gặt hái những kết quả không ngờ. 
 + Khi sống theo điều ta có thể, con người sẽ tự tin hơn, ít thất bại hơn...
- Ý kiến không hoàn toàn đúng:
 + Nếu ước muốn quá cao xa, không thể thực hiện được sẽ dẫn đến thất bại. Con người có thể tìm kiếm hạnh phúc từ những cái mình đang có hoặc sẽ có trong tầm tay.
 + Nếu cuộc sống mà không có ước mơ, con người luôn bằng lòng với những gì mình đang có thì cuộc sống sẽ thật tẻ nhạt, nhàm chán và vô vị. Con người cũng cần có những ước mơ để mà phấn đấu, để làm động lực cho sự phát triển và sáng tạo.
2,0

0,5



0,5




0,5

0,5



3. Bài học nhận thức và hành động
- - Cuộc sống cần có những ước mơ đẹp để làm động lực cố gắng cho bản thân nhưng phải thực tế, đừng quá mộng tưởng với những giấc mơ hão huyền.
- - Cố gắng học tập, trau dồi kiến thức để có thể thực hiện được ước mơ .
0,5
III.a

Vẻ đẹp con người Việt Nam trong thời chống Mĩ qua hai nhân vật Tnú (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành) và nhân vật Việt (Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi).
5,0




1
Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm
- Nguyễn Trung Thành là nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, là người gắn bó, am hiểu sâu sắc con người và văn hóa Tây Nguyên. “Rừng xà nu” được viết năm 1965 khi đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân chư hầu vào miền Nam nước ta, là tác phẩm kết tinh cho phong cách của nhà văn.
- Nguyễn Thi là một trong những cây bút hàng đầu của văn học Việt Nam thời kì chống Mĩ, là người gắn bó sâu sắc với cuộc sống, văn hóa của người dân Nam Bộ. “Những đứa con trong gia đình” là một trong những sáng tác xuất sắc của Nguyễn Thi, được viết trong những ngày đầu chiến đấu ác liệt chống Mĩ.
0,5



2 
* Giới thiệu chung: Vẻ đẹp con người Việt Nam trong thời chống Mĩ
 Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 đã đạt nhiều thành tựu lớn, trong đó, nổi bật là mảng văn xuôi chống Mĩ. Các nhà văn đã từ những nguyên mẫu đẹp của hiện thực cuộc sống xây dựng thành công vẻ đẹp của con người Việt Nam trong kháng chiến. Đó là: lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, quan tâm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh cho độc lập tự do của dân tộc, giàu tình cảm đối với gia đình, quê hương, trung thành với cách mạng…

* Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời chống Mĩ qua nhân vật Tnú
- Ngay từ nhỏ: gan góc, dũng cảm (học chữ thua Mai, lấy đá đập vào đầu), mưu trí (đi liên lạc không theo đường mòn mà “xé rừng mà đi”, bị giặc bắt nuốt ngay thư vào bụng), giác ngộ cách mạng sớm (cùng Mai nuôi giấu anh Quyết ở trong rừng)…
- Trưởng thành: trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, trung thành với cách mạng (bị đốt mười đầu ngón tay nhưng nhất quyết không thèm kêu van, về thăm làng một đêm theo đúng giấy phép của cấp trên), có lòng căm thù giặc cao độ, giàu lòng yêu thương (tình yêu tha thiết với gia đình, với buôn làng)... 
- Cuộc đời Tnú đã phải chịu nhiều đau thương, mất mát (vợ con bị kẻ thù giết hại, bản thân bị tra tấn dã man).
à Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa điển hình tiêu biểu cho số phận và con đường đi lên của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên (Tnú quật khởi, dân làng Xô man đồng khởi).

- Nghệ thuật: nghệ thuật trần thuật đặc sắc (quá khứ - hiện tại đan xen), giọng điệu trang trọng, hào hùng; ngôn ngữ giàu chất tạo hình và chất thơ...
0.5






1.5

0.5

0.5



0.5




* Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kì chống Mĩ qua nhân vật Việt
- Ngay từ nhỏ: là cậu bé hồn nhiên, trong sáng (thích bắt ếch, bắn chim; thích giành phần hơn chị), vô tư, trẻ con (giao hết việc nhà cho chị, vào chiến trường không sợ chết nhưng lại sợ ma); dũng cảm, có lòng căm thù giặc sâu sắc.
- Trưởng thành: là một chiến sĩ dũng cảm, gan dạ (lập được nhiều chiến công, dù bị thương nhưng vẫn luôn trong tư thế sẳn sàng chiến đấu) khao khát được chiến đấu giết giặc để trả thù cho gia đình, quê hương (xin đi tòng quân dù chưa đủ tuổi); giàu tình yêu thương (sống gắn bó với gia đình, đồng đội, quê hương), tiếp nối truyền thống của gia đình, quê hương.
- Là người con trong một gia đình chịu nhiều đau thương, mất mát (ông nội và cha bị giặc giết hại, mẹ chết vì bom Mỹ) có tính chất tiêu biểu cho những mất mát đau thương của nhân dân miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ...
à Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Việt vừa có ý nghĩa cụ thể, vừa có ý nghĩa điển hình, tiêu biểu của người anh hùng đại diện cho số phận và con đường đi của nhân dân miền Nam nói riêng và cả Tổ quốc nói chung đang hào hùng chiến đấu bằng sức mạnh sinh ra từ nỗi thương đau.
- Nghệ thuật: nghệ thuật trần thuật hấp dẫn ( qua dòng hồi tưởng ), miêu tả tâm lí sắc sảo, khắc họa tính cách nhân vật đặc sắc, ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ...
1.5

0.5


0.5


0.5







3
Đánh giá chung:
- Hai nhân vật của hai truyện ngắn đều mang tính sử thi đậm nét , tiêu biểu cho đặc điểm của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975.
- Tinh thần quả cảm, kiên cường của họ cũng chính là tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là biểu hiện cao đẹp của vẻ đẹp con người Việt Nam trong kháng chiến.
0.5


III.b


 Nói về tính độc đáo của phong cách trong sáng tác văn học, có ý cho rằng:
“Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình”.
 Hãy phân tích phong cách của nhà thơ Nguyễn Bính qua bài thơ Tương tư để làm rõ ý kiến trên.
5,0


1

 Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Bính là gương mặt nổi bật trong phong trào Thơ mới với hồn thơ chân quê, mộc mạc, đằm thắm và có sở trường về thể thơ lục bát. 
- “Tương tư” là một trong những bài thơ đặc sắc của Nguyễn Bính , thể hiện tâm trạng nhớ mong, chân thực và tinh tế của chàng trai. Bài thơ cũng góp phần thể hiện một cái tôi riêng, một phong cách riêng của Nguyễn Bính trong thơ ca trước Cách mạng tháng 8/1945.
0,5
 

2
Giải thích ý kiến: 
- “cái độc đáo”: là sáng tạo có tính chất của riêng, mang dấu ấn riêng của mỗi nhà văn không giống những người khác; để có “cái độc đáo” đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, có năng khiếu vượt trội. Chính “cái độc đáo” sẽ tạo nên “phong cách cách nổi bật” (phong cách nghệ thuật) của người nghệ sĩ đó.
- “Phong cách nghệ thuật” là những nét riêng biệt, mới lạ, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.
0.5


3
Phong cách riêng của Nguyễn Bính qua bài Tương tư
* Thể hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá riêng biệt của tác giả: 
- Trong phong trào Thơ mới, trong khi các nhà thơ lãng mạn như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… hướng về phương Tây, chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật phương Tây thì Nguyễn Bính đã tạo ra một dòng riêng, hướng về nghệ thuật dân tộc, chịu ảnh hưởng của thơ ca dân gian. 
* Thể hiện qua sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội dung của tác phẩm: đề tài, thể hiện hình ảnh…
- Đề tài: cũng viết về đề tài tình yêu – một đề tài quen thuộc nhưng khác với các bài Thơ mới khác, Tương tư bộc lộ tình yêu đơn phương của chàng trai với tình cảm mộc mạc giản dị, đôn hậu, nhưng cũng thật nên thơ, gần gũi.
- Hình ảnh thơ: Hình ảnh thơ được Nguyễn Bính vay mượn trong ca dao, dân ca và sử dụng đầy hiệu quả, đó là một thế giới bình dị, thân quen của làng quê Việt Nam với thôn Đoài, thôn Đông, với hình ảnh bến nước, con đò, mái đình, hàng cau, giàn giầu…
- Cách ví von gần với ca dao khi mượn cớ “thôn” nhớ “thôn” để nói chuyện người nhớ người…
* Thể hiện qua hệ thống phương thức biểu hiện: các thủ pháp nghệ thuật, sử dụng ngôn ngữ, kết cấu, thể loại…
- Về thủ pháp nghệ thuật: Sử dụng nhiều những biện pháp tu từ quen thuộc trong ca dao, dân ca như so sánh (“bệnh giời” với bệnh tương tư "của tôi yêu nàng"…) ẩn dụ (bến, đò; hoa khuê các, bướm giang hồ…) nhân hoá, hoán dụ ( Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông…) tăng tiến, khoa trương…
- Ngôn ngữ thơ: dung dị, hồn nhiên, dân dã, gần gũi với ca dao - dân ca, gắn với những địa danh (thôn Đoài, thôn Đông), thành ngữ quen thuộc (chín nhớ mười mong).
- Kết cấu: Thường triển khai mạch thơ theo kết cấu của thời gian kể chuyện, theo trình tự tuyến tính, sử dụng phương thức kể. Trong bài “Tương tư”, tâm trạng tương tư của chàng trai bắt đầu từ nhớ nhung; băn khoăn, hờn giận; than thở, đợi chờ đến trách móc; mơ tưởng, khát khao gặp gỡ và cuối cùng là ước vọng về tình duyên đôi lứa.
- Thể thơ: Sử dụng thể thơ lục bát thấm đượm phong vị ca dao với cách ngắt nhịp quen thuộc 2/2/2, 3/3, 4/4.

0.5





1.25

0.5


0.5


0.25

1.75

0.5



0.5

0.5



0.25


4
Đánh giá chung:
- “Tương tư” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ của Nguyễn Bính.
- Với “Tương tư”, Nguyễn Bính đã cho thấy sức sống mãnh liệt tiềm tàng của thơ ca dân gian - tinh hoa của dân tộc, việc tiếp thu những nét truyền thống trong thơ ca dân gian đã không làm cho thi sĩ “chân quê” trở nên “quê mùa” mà ngược lại tạo nên một phong cách riêng không hề trộn lẫn.
0,5
Lưu ý chung

Thí sinh có thể làm bài theo những cách khác nhau, nhưng phải đảm bảo những yêu cầu về kiến thức trên. 

 
 - Hết -
 

File đính kèm:

  • docDE THI THU DAI HOC HAY.doc