Đề thi Tiếng Việt 5 - Đề 12

doc3 trang | Chia sẻ: minhhong95 | Lượt xem: 2079 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi Tiếng Việt 5 - Đề 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ 12
Câu 1: Xác định rõ 2 kiểu từ ghép đã học (từ ghép có nghĩa phân loại, từ ghép có nghĩa tổng hợp) trong số các từ ghép sau:
Nóng bỏng, nóng ran, nóng nực, nóng giãy, lạnh toát, lạnh ngắt, lạnh giá.
Câu 2: Từ mỗi tiếng cho dưới đây , hãy tạo thành 2 từ láy chỉ màu sắc: đỏ, xanh, vàng, trắng, đen.
Câu 3: Em hiểu nghĩa từng câu tục ngữ, ca dao sau như thế nào:
a/ Học thầy không tày học bạn.
b/ Học một biết mười.
c/ Đói cho sạch, rách cho thơm.
d/ Bạn bè là nghĩa tương tri
Sao cho sau trước mọi bề mới nên.
Câu 4: Xác định các bộ phận trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ trong mỗi câu sau:
a/ Trong đêm tối mịt mùng, trên dòng sông mênh mông, chiếc xuồng của má Bảy chở thương binh lặng lẽ trôi.
b/ Ngoài đường, tiếng mưa rơi lộp độp, tiếng chân người chạy lép nhép.
Câu 5: Chữa lại mỗi câu sai dưới đây bằng 2 cách khác nhau.
(Chú ý: chỉ được thay đổi nhiều nhất 2 từ ở mỗi câu)
a/ Vì sóng to nên thuyền không bị đắm.
b/ Tuy Minh đau chân nhưng bạn phải nghỉ học.
Câu 6: hãy ghi lại vài dòng cảm nhận của em về vẻ đẹp của rừng mơ Hương Sơn được gợi tả qua đoạn thơ sau:
“Rừng mơ ôm lấy núi
Mây trắng đọng thành hoa
Gió chiều đông gờn gợn
Hương bay gần bay xa”
 (Rừng mơ – Trần Lê Văn)
Câu 7: Em hãy kể một câu chuyện từng để lại ấn tượng đẹp đẽ về tình bạn dưới mái trường tiểu học. (Bài viết khoảng 20 dòng).
GIẢI ĐÁP – GỢI Ý
________________
Câu 1: Xác định đúng 2 kiểu từ ghép:
- Từ ghép có nghĩa phân loại: nóng ran, nóng giãy, lạnh toát, lạnh ngắt.
	Từ ghép có nghĩa tổng hợp: Nóng bỏng, nóng nực, lạnh giá.
Câu 2: Tạo được các từ láy đủ và đúng yêu cầu. Ví dụ:
	- đỏ: đo đỏ, dỏ đắn;
	- xanh: xanh xanh, xanh xao;
	- vàng: vàng vàng, vàng vọt
	- trắng: trăng trắng, trắng trẻo;
	- đen: đen đen, đen đủi.
Câu 3: Hiểu đúng nghĩa cơ bản của từng câu tục ngữ, ca dao:
a) Học thầy không tày học bạn: Học những điều do thầy (cô) giáo hướng dẫn, dạy bảo là quan trọng, nhưng học ở bạn bè cũng rất cần thiết vì bạn sẽ giúp ta biết được những điều bổ ích đôi khi không có trong bài học của thầy (cô) giáo.
b) Học một biết mười: Học một cách thông minh, sáng tạo, không những có khả năng học tập, tiếp thu đầy đủ mà còn có thể tự mình phát triển, mở rộng được những điều đã học.
c) Đói cho sạch, rách cho thơm: Dù phải sống khó khăn, thiếu thốn, con người cũng phải luôn giữ được phẩm chất đạo đức trong sáng, đẹp đẽ.
d) Bạn bè là nghĩa tương tri
Sao cho sau trước mọi bề mới nên.
	Ý nói tình nghĩa bạn bè hiểu biết lẫn nhau thật đáng quý trọng, vì vậy phải đối xử với nhau mọi điều sao cho thật tốt đẹp.
Câu 4: Xác định đúng các bộ phận trạng ngữ (TN), Chú Ngữ (CN), vị ngữ (VN) trong mỗi câu như sau:
a/ Trong đêm tối mịt mùng,/ trên dòng sông mênh mông,/ chiếc xuồng của 
 TN1 TN2 CN
má Bảy chở thương binh/ lặng lẽ trôi.
 VN
b/ Ngoài đường,/ tiếng mưa rơi/ lộp độp,/ tiếng chân người chạy/ lép nhép.
 TN CN VN CN VN
Lưu ý: Cần ghi rõ TN1, TN2 ở câu a, ghi rõ CN,VN ở hai vế câu ghép b.
Câu 4: Chữa lại mỗi câu sai bằng 2 cách khác nhau (chỉ được thay đổi nhiều nhất 2 từ ở mỗi câu).
Câu a
	- Cách 1: (thay cặp từ chỉ quan hệ) : Tuy sóng to nhưng thuyền không bị đắm.
	- Cách 2: (bớt từ không, thay đổi nội dung) : Vì sóng to nên thuyền bị đắm.
Câu b:
	- Cách 1: (thay đổi từ chỉ quan hệ) : Vì Minh đau chân nên bạn phải nghỉ học.
	- Cách 2: (thay từ phải bằng từ không, sửa lại nội dung) : Tuy Minh đau chân nhưng bạn không nghỉ học.
Câu 6: Nêu được những ý cảm nhận đúng về vẻ đẹp của rừng mơ Hương Sơn:
	- Rừng mơ bao quanh núi được nhân hóa (ôm lấy núi) cho thấy sự gắn bó gần gũi, thân thiết và thắm đượm tình cảm của cảnh vật thiên nhiên.
	- Hoa mơ nở trắng như mây trên trời đọng (kết) lại.
	- Gió chiều đông nhẹ nhàng (gờn gợn) đưa hương hoa mơ lan tỏ đi khắp nơi.
	Có thể nói: đoạn thơ đã vẽ ra bức tranh mang vẻ đẹp của đất trời hòa quyện trong rừng mơ Hương Sơn.
Câu 7: Bài viết có độ dài khoảng 20 dòng, viết đúng thể loại văn kể chuyện, nội dung rõ ràng, đủ ý, nêu được câu chuyện từng để ấn tượng đẹp đẽ về tình bạn dưới mái trường tiểu học. Cụ thể:
	- Câu chuyện đó là chuyện gì, nói về ai, diễn biến cụ thể ra sao (chọn lọc những chi tiết cụ thể, sinh động, dẫn dắt mạch lạc, hợp lí).
	- Câu chuyện đó là chuyện gì, nói về ai, diễn biến cụ thể ra sao (chọn lọc những chi tiết cụ thể, sinh động, dẫn dắt mạch lạc, hợp lí).
	- Câu chuyện đã để lại những ấn tượng gì đẹp đẽ về tình bạn dưới mái trường tiểu học.
	Lời văn chân thực, có cảm xúc. Diễn đạt rõ ý, dùng từ đúng, viết câu không sai ngữ pháp và chính tả, trình bày sạch sẽ.

File đính kèm:

  • docĐỀ 12.doc