Đề thi tuyển sinh Cao đẳng năm 2013 môn Ngữ văn khối C và khối D
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh Cao đẳng năm 2013 môn Ngữ văn khối C và khối D, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI TUYỂN SINH CAO ĐẲNG NĂM 2013 ĐỀ CHÍNH THỨC MÔN NGỮ VĂN; KHỐI C VÀ KHỐI D Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm) Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, có lời thoại “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”. (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.62) Lời nói trên của nhân vật nào, nói về những ai, thể hiển thái độ gì với người được nói tới? Câu 2 (3,0 điểm) Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên. II.PHẦN RIÊNG (5,0 điểm) Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b) Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về tình yêu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. BÀI GIẢI GỢI Ý Câu 1: Câu nói trên là lời của nhân vật chú Năm. Người được nói tới là Việt và Chiến. Thái độ của chú Năm khi nói câu nói trên: khen ngợi, tỏ ý hài lòng với cách sắp xếp chuyện nhà của chị em Việt, Chiến. Câu 2: Câu hỏi yêu cầu thí sinh viết một bài văn nghị luận khoảng 600 từ để trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Khi có lỗi, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi. Thí sinh cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản về nội dung vấn đề, bố cục, lập luận, sức thuyết phục và độ dài của văn bản. Thí sinh có thể triển khai bài viết theo những cách thức khác nhau. Sau đây chỉ là một số gợi ý để tham khảo: MỞ BÀI: Giới thiệu vấn đề: Cuộc sống rộng lớn và phức tạp, đan xen nhiều mối quan hệ, trong những không gian và thời gian vô cùng đa dạng. Trong mối quan hệ đó, con người khó tránh khỏi sai sót, lỗi lầm. Thái độ của con người đối với những lỗi lầm sẽ cho thấy họ là người như thế nào: người tử tế hay kẻ ti tiện. THÂN BÀI: Giải thích: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi. Người tử tế: là người có cách đối xử với người khác đàng hoàng, lịch sự, hợp đạo lý và đúng với giá trị của bản thân. Kẻ ti tiện: là người có lòng dạ xấu xa, hẹp hòi, có cách đối xử không tốt, không hợp đạo lý, thậm chí tàn ác với người khác. Thái độ của bản thân đối với lỗi lầm, nhất là đối với người khác, sẽ cho thấy người ấy là người tử tế hay là kẻ ti tiện: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi. Bàn luận về vấn đề: + Người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi. Trong đời người ai cũng có lỗi, “nhân vô thập toàn”. Điều quan trọng là biết nhận lỗi. Do đó, người tử tế thường biết nhận lỗi khi có hành vi hoặc thái độ sai trái đối với người khác. Biết nhận lỗi là một thái độ dũng cảm, vì đó là một biểu hiện vượt lên trên lòng tự ái thường có ở nơi con người. Biết nhận lỗi là khởi đầu của sự phục thiện, của lòng tôn trọng sự thật. Người tử tế không những biết nhận lỗi, sửa sai, mà còn sẵn sàng chịu trách nhiệm và nhận lãnh hình phạt cho những lỗi lầm của mình. + Kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi. Kẻ ti tiện thường dối trá, hèn nhát, lấp liếm và che giấu tội lỗi của mình, cho nên thường tìm cách đổ lỗi cho người khác những lỗi lầm sai trái của bản thân mình. Kẻ ti tiện thường có suy nghĩ tự đề cao bản thân, nên khó chấp nhận mình là kẻ khiếm khuyết. Vì vậy, họ thường có xu hướng đổ mọi sai sót, lỗi lầm của bản thân mình cho hoàn cảnh, cho người khác. Rút ra bài học cho bản thân. Đã là người thì phải có lòng tử tế. Do đó, khi có lỗi, phải biết nhận lỗi và nhận một cách thành khẩn, đồng thời cũng phải biết cố gắng hết sức để không tái phạm. Chẳng những bản thân nỗ lực đừng mắc lỗi, mà còn phải biết giúp đỡ người khác đừng phạm lỗi. Tuy nhiên, con người khó tránh khỏi những lỗi lầm, sai sót. Nếu lỡ mắc phải lỗi lầm, cũng không nên vì thế mà quá mặc cảm, tự ti. Cần tỉnh táo thấy được sai lầm, thành khẩn nhận lỗi, khách quan phân tích rút tỉa kinh nghiệm để tránh tái phạm, với tinh thần “thất bại là mẹ thành công”. Phải dũng cảm đối diện với bản thân, với sự thật, để khi có lỗi dám nhận lỗi; không dối trá, không lấp liếm, vì những điều này có thể dẫn bản thân đi tới những hành vi của kẻ ti tiện, đổ lỗi cho người khác. Cần thấy tác hại to lớn của việc đổ lỗi: không dám nhìn thẳng vào sự thật, thiếu khách quan, tự ru ngủ, lừa dối bản thân và dễ đi đến chỗ trở thành kẻ ti tiện. KẾT BÀI: Tổng kết vấn đề: Khẳng định người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi. Hãy là người tử tế và giúp người khác trở thành người tử tế trong cuộc đời Luôn ý thức rằng lỗi lầm là điều thường tình, nhưng phải biết trăn trở và đau đớn với những lỗi lầm của mình để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Câu 3.a. I. Giới thiệu : - Tác giả: Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, tươi tắn, chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường. - Tác phẩm: Sóng là bài thơ tình thời chiến tranh, được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” (năm 1968). Bài thơ bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam khi yêu. II. Nội dung (Thí sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng đảm bảo những ý cơ bản sau): 1. Hình tượng nghệ thuật: - “Sóng” là hình tượng nghệ thuật quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. - Hình tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh mang ý nghĩa ẩn dụ: em và tình yêu của em. 2. Vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam khi yêu: - Mượn sắc thái sóng để lí giải sắc thái của tình yêu. + Cái “dữ dội dịu êm”, “ồn ào” và “lặng lẽ” của sóng giống như sự mãnh liệt, sôi nổi, êm đềm và suy tư trong tình yêu lứa đôi. + Thế nhưng “sông không hiểu nổi mình; sóng tìm ra tận bể”, bởi vì đôi bờ chật hẹp và giới hạn của sông không đủ sức chứa hết sắc thái đa dạng, phong phú của sóng. Vì vậy, “sóng tìm ra tận bể”, để giữa đại dương bát ngát, sóng mới có thể phô diễn hết vẻ đẹp của mình. Tình yêu con người cũng vậy: tình yêu cao đẹp không có chỗ cho tâm hồn tầm thường nương náu. Ý thơ thể hiện khát vọng tình yêu lớn lao, cao đẹp. - Tâm hồn rạo rực, khao khát lí giải cội nguồn của tình yêu: “từ nơi nào sóng lên”. + Cái lắc đầu nũng nịu đáng yêu rất ư là con gái: “em không biết nữa”. + Câu hỏi duyên dáng, thùy mị “khi nào mình yêu nhau”. - Lặng lẽ trải lòng: + Thật ra “sóng bắt đầu từ gió”, thì “tình yêu bắt đầu từ nỗi nhớ”, thế nhưng nhân vật trữ tình không ồn ào mà lặng lẽ trải lòng. + Nỗi nhớ anh tràn ngập khắp không gian như con sóng “dưới lòng sâu”; trên mặt nước. + Nỗi nhớ dằng dặc xuyên thấm thời gian “ngày” và “đêm”. + Thế nhưng, cái vỏ ẩn dụ là sóng như chiếc áo đã chật không đủ sức chứa hết những xúc cảm da diết, nồng nàn, ngây ngất của lòng yêu. Vì vậy nhân vật trữ tình trực tiếp xuất hiện bộc lộ một cách táo bạo mà chân thành: “Lòng em nhớ đến anh; Cả trong mơ còn thức”. - Tình yêu tận tụy thủy chung, mượn thành ngữ dân gian “xuôi nam ngược bắc” nhưng đầy sáng tạo, nữ sĩ Xuân Quỳnh thể hiện sự trắc trở của tình yêu thời chiến tranh và bộc lộ tấm lòng son sắt: “Nơi nào em cũng nghĩ; Hướng về anh một phương”. - Tin tưởng, lạc quan về tình yêu: + Nhớ nhiều đến yêu tha thiết; tận tụy thủy chung nên tin tưởng vào “thuyền yêu” cập bến: “Con nào chẳng tới bờ; Dù muôn vời cách trở”. + Tác giả đã khái quát từ con sóng cụ thể thành con sóng quần thể, con sóng cộng đồng “trong ngàn con sóng đó” khiến ý thơ lấp lánh tính sử thi – một trong những đặc điểm quan trọng của văn học Việt Nam 1945 – 1975. - Trăn trở suy tư: + Tình yêu đẹp là thế, thiêng liêng là thế, nhưng tình yêu gắn với con người mà đời người là cụ thể hữu hạn. Vì vậy, niềm trăn trở khi chúng ta không còn nữa, thì tình yêu sẽ về đất?. - Khát vọng tình yêu cao đẹp, vĩnh hằng: + “Làm sao được tan ra; Thành trăm con sóng nhỏ” gợi nhớ ý thơ của R.Tagore “Nếu đời anh chỉ là viên ngọc; Anh sẽ đập nó tan ra thành trăm mảnh; Và xâu thành một chuỗi, quàng vào cổ em”. + Sự tan ra của con sóng cũng như sự tan ra của viên ngọc thành trăm mảnh không phải là tàn lụi của tình yêu mà tăng dần về tần số đến vô tận vô biên. Đó là khát vọng tình yêu vĩnh hằng, tình yêu cao đẹp. III. Nhận định chung : - Nhịp thơ như nhịp sóng, hình tượng sóng và em khi tách rời, khi hòa quyện vào nhau làm tôn thêm vẻ đẹp. - Qua hình tượng sóng, trên cơ sở khám phá sự tương đồng, sự hòa hợp giữa sóng và em, bài thơ diễn tả tình yêu của người phụ nữ thiết tha, nồng nàn, chung thủy muốn vượt lên thử thách của thời gian và hữu hạn của đời người để hướng đến hạnh phúc lớn lao. Câu 3.b. I. Giới thiệu: - Tác giả : Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của nền văn học Việt Nam cả trước và sau Cách mạng. Trước Cách mạng, Nguyễn Tuân nổi tiếng với các tác phẩm: Vang bóng một thời, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa Đàn… sau cách mạng nhà văn để lại dấu ấn sâu sắc qua một số tùy bút: Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, Sông Đà… - Tác phẩm: Chữ người tử tù là tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân trước cách mạng tháng Tám, trích trong tập Vang bóng một thời. - Giới thiệu nhân vật : Nổi bật trong tác phẩm Chữ người tử tù là hình tượng viên quản ngục có tâm hồn yêu cái đẹp, quý trọng người tài khiến mỗi lần gấp trang sách lại ta không thể nào quên. II. Nội dung : (Thí sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau, sau đây một số gợi ý): 1. Khái quát về nhân vật: Cảm giác ban đầu khi đọc Chữ người tử tù, người đọc choáng váng, ngập trong ánh sáng tỏa ra từ hình tượng Huấn Cao uy nghi, rực rỡ. Người đọc hầu như không nghĩ điều gì khác ngoài nghĩ về Huấn Cao. Nhưng đọc thêm một vài lần nữa, gấp trang sách lại, ngẫm nghĩ kĩ, ta thấy nhân vật quản ngục từ từ hiện lên, ngày một rõ nét và cuốn hút ta bằng một sức mạnh kì lạ. Ta càng thấm thía, cảm phục ngòi bút tài hoa, tinh tế của Nguyễn Tuân. Khi được khám phá, phát hiện, nhân vật quản ngục sẽ đem lại cho ta nhiều khoái cảm thẩm mĩ mới mẻ, thú vị. 2. Lai lịch và ngoại hình viên quản ngục: _ Nếu nhân vật Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng có phần một chiều, bất biến và đơn giản, ít những bất ngờ, thì trái lại, nhân vật quản ngục có sự vận động rất thú vị. Trước khi là quản ngục, ông ta cũng là người đèn sách, "biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền". Là người lương thiện, tử tế, lại có chữ thánh hiền bồi đắp cho "thiên lương" nảy nở tốt đẹp, ông ta yêu đến say mê cái đẹp, "cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết". _ Quản ngục lại có một ngoại hình ưa nhìn khác hẳn với hình dung của ta khi nghĩ về một viên quan cai quản trại giam. Đầu ông đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu; bộ mặt tư lự, có nhiều nếp nhăn, chứng tỏ đây là người có đời sống nội tâm sâu sắc. Hình ảnh ngục quan thao thức giữa đêm khuya “băn khoăn ngồi bóp thái dương” suy nghĩ về người tù nổi tiếng sắp được chuyển đến càng chứng tỏ tính cách khác thường của ông ta. 3. Hoàn cảnh sống của viên quản ngục: _ Quản ngục sống ở chỗ tối tăm, toàn những kẻ “tiểu nhân thị oai” phẩm chất từ đó đã hoen ố đi ít nhiều. Chốn tù ngục hầu như chỉ tồn tại hai thứ: cái ác, cái xấu, tàn nhẫn, lừa lọc và những nỗi đau khổ, tuyệt vọng. Tình cờ, viên quản ngục gặp được ông Huấn Cao, gặp thần tượng của mình trong một hoàn cảnh cực kì éo le: ở chính trại giam mà ông ta quản lí; thần tượng của ông giờ đây là một tử tù, còn ông lại là cai ngục. Một tình huống đầy kịch tính được mở ra: ở bình diện xã hội, họ là những kẻ đối địch nhau; ở bình diện nghệ thuật, họ lại là tri âm, tri kỉ của nhau. 4. Tính cách: _ Hình tượng nhân vật quản ngục là một sáng tạo rất sinh động của Nguyễn Tuân, để vừa tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật Huấn Cao, lại vừa thể hiện vẻ đẹp của một con người đang được dẫn dắt bởi cái đẹp và cái thiện. Đây là kiểu sáng tạo nhân vật rất mới trong văn học hiện đại Việt Nam với cái cách để cho nhân vật tự tạo tính cách. Viên quản ngục được nhà văn xây dựng như một nhân vật phản diện nhưng cũng là một điểm nhấn độc đáo bởi tính cách đa dạng của ông ta. _ Trước hết, viên quản ngục là người biết quý trọng người tài. Ông sẵn sàng biệt đãi Huấn Cao bất chấp “phép nước”. Điều này có thể thấy rõ qua thái độ của ông ta khi nhận tù: ông đã lệnh cho thơ lại “bảo ngục tốt quét dọn lại cái buồng trong cùng”, ông nhìn sáu tên tù mới vào “với cặp mắt hiền lành” và lòng kiêng nể tuy cố giữ kín đáo nhưng vẫn bộc lộ rõ ràng. _ Ông lại còn có “biệt nhỡn” đối với riêng Huấn Cao khi trả lời câu nhắc nhở của bọn lính: “Việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời”. Suốt nửa tháng Huấn Cao ở trại giam tỉnh Sơn, ngục quan đã “biệt đãi” người tù đặc biệt này như một khách quý. Trước mỗi bữa ăn, Huấn Cao đều được thầy thơ lại “dâng rượu với đồ nhắm”, thái độ thì hết sức lễ phép: “thầy quản chúng tôi có ít quà mọn này biếu ngài dùng cho ấm bụng”. _ Quản ngục còn đích thân đến tận buồng giam tử tù để hỏi ông Huấn: “Ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất”. Đáp lại lòng chân thành của ngục quan, Huấn Cao lạnh lùng xua đuổi: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Trả lời như thế, ông Huấn đã sằn sàng chờ đợi những trận đòn thù của ngục quan, nhưng kì lạ thay, viên quản ngục ấy lại làm cho ông Huấn bực mình thêm khi ông ta chỉ lễ phép lui ra với câu nói: “Xin lĩnh ý”. Kì lạ hơn nữa là những ngày tiếp theo cơm rượu vẫn được đưa đến đều đều và có phần “hậu hơn trước nữa”. Những trăn trở, băn khoăn và thái độ “biệt đãi” nói trên cho thấy quản ngục có một tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” rất đáng trân trọng. Vì thế, hình tượng viên quản ngục trên trang viết Nguyễn Tuân hấp dẫn không kém hình tượng người tử tù độc đáo. _ Không chỉ biết quý trọng người tài, quản ngục còn có một tâm hồn nghệ sĩ. Mặc dù chọn nhầm nghề nhưng ông lại say mê cái đẹp và có sở thích cao quí là chơi chữ. Đó là một sở thích thanh cao, sang trọng. Biết Huấn Cao là người có tài “viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, ngục quan ấp ủ trong lòng mơ ước có một ngày xin được chữ ông Huấn, “được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Có được chữ của ông Huấn, đối với quản ngục chẳng khác nào “có một báu vật trên đời”. + Cuối cùng, ông Huấn cũng hiểu sở nguyện của ngục quan khi được thầy thơ lại kể cho nghe tâm sự canh cánh của ông ta trong suốt bao ngày. Ông Huấn đã chấp nhận cho chữ mặc dù tính ông vốn khoảnh, chỉ viết chữ cho tri âm tri kỉ. Ông đã nói với thầy thơ lại: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. + Cuộc kì ngộ này còn kết thúc bằng thái độ thành kính của ngục quan khi nhận lời khuyên chân thành của tử tù. Ông Huấn đã khuyên ngục quan rời bỏ nghề này, “lui về nhà quê” để giữ lấy thiên lương rồi hãy nghĩ dến chuyện chơi chữ. Ngục quan đã “vái tử tù một vái” và nói qua dòng nước mắt: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Tất cả những việc làm, lời nói, thái độ khác thường của ngục quan từ khi tiếp nhận người tử tù Huấn Cao đã cho ta thấy ông ta có một tâm hồn nghệ sĩ, thật sự say mê, tôn thờ cái đẹp. + Bằng ngòi bút lí tưởng hóa, Nguyễn Tuân còn xây dựng hình tượng viên quản ngục thành người tri âm tri kỉ với Huấn Cao. Ông ta đối lập với những tàn nhẫn, lọc lừa trong đề lao. Ông chính là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. Điểm đặc biệt nhất là ông ta ý thức được “mình đã chọn nhầm nghề mất rồi”, vì vậy đối diện với Huấn Cao, ông ta khép nép, nhún nhường, trở nên nhỏ bé. Ông cúi đầu trước Huấn Cao bởi ông Huấn là hiện thân của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương cao cả. Dòng nước mắt của ông khi nhận lời khuyên của Huấn Cao chứng tỏ ông đã nhận thức được ý nghĩa sâu xa trong lời khuyên đó. Cái vái lạy của ông không phải là hành động của kẻ bề dưới sợ hãi trước uy quyền của kẻ bề trên mà là biểu hiện của một người bị khuất phục, cảm hóa trước “thiên lương”. Quản ngục đúng là “một tấm lòng trong thiên hạ” mà Huấn Cao được gặp và họ đã trở thành tri âm, tri kỉ của nhau. + Là quản ngục, nhưng ông ta cũng chính là tù nhân chung thân của cái nhà tù do ông cai quản. Cái danh, cái lợi, trách nhiệm, bổn phận của một ngục quan là những thứ gông cùm, xiềng xích vô hình xiết chặt tâm hồn quản ngục suốt đời. Nếu như bi kịch của ông Huấn là bi kịch của người anh hùng thất thế, thất thế nhưng vẫn kiêu hùng, lẫm liệt ; thì bi kịch của ngục quan là bi kịch lầm đường. kẻ lầm đường lạc lối, may thay, vẫn còn có lương tri, lương năng, còn có “lòng biệt nhỡn liên tài”, còn có khát vọng giải thoát. Có thể nói rằng viên quản ngục là một vị minh quân biết sử dụng Huấn Cao là một tướng tài. + Nhưng đến cuối tác phẩm thì không chỉ còn là chuyện say mê, tôn thờ mấy cái chữ đẹp nữa, mà cao hơn thế, đó là sự trân trọng, tôn thờ nhân cách cao quý của một bậc tài danh. Bị cái đẹp và nhân cách cao thượng của ông Huấn thuyết phục, viên quản ngục thực sự cảm động cũng giống như ông Huấn Cao đã cảm động trước “sở thích cao quý” và “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của ngục quan. Đó là điểm gặp gỡ để trở thành tri âm, tri kỉ của hai con người cách nhau quá xa về vị trí xã hội. Sự tri kỉ ấy được đánh dấu bằng dòng lệ và tiếng nói nghẹn ngào : “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” và kèm theo một cái vái. + Ta có thể tin rằng sau những lời khuyên bảo ân cần của ông Huấn, viên quản ngục đã luống tuổi ấy sẽ từ bỏ nghề bất nhân về quê ở để giữ thiên lương cho trong sạch, lành vững. Nhân vật viên quản ngục là một sáng tạo rất mực sinh động của Nguyễn Tuân, để vừa tô đậm vẻ đẹp lí tưởng của nhân vật Huấn Cao, lại vừa thể hiện vẻ đẹp của một con người được cái thiện dẫn đường, mong muốn một hi vọng không lầm đường lạc lối. 5. Cảm nhận về giá trị nghệ thuật của tác phẩm: _ Chữ người tử tù là một tác phẩm có nhiều thành công về nghệ thuật: cách tạo tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết, đối thoại và độc thoại… Nổi bật lên trên là cách khắc họa tính cách nhân vật đặc sắc. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt từ Hán Việt rất đắt (pháp trường, tử tù, tử hình, nhất sinh, bộ tứ bình, bức trung đường, lạc khoản, thiên hạ, thiên lương, lương thiện, v.v...) tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính, bi tráng cho nhân vật và tác phẩm. Nguyễn Tuân đúng là bậc thầy về ngôn ngữ, rất lịch lãm uyên bác về lịch sử, về xã hội như lời Vũ Ngọc Phan đã nói: "... văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức". _ Vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao đã kết thúc cùng với sự kết thúc của thiên truyện ; trong khi đó, hỉnh tượng viên quản ngục vẫn còn ám ảnh người đọc. Ta có thể tin rằng sau những lời khuyên bảo ân cần của ông Huấn, viên quản ngục đã luống tuổi ấy sẽ từ bỏ cái nghề bất nhân, về quê ở để giữ thiên lương cho trong sạch, lành vững. Điều đó lí giải vì sao tác giả Nguyễn Tuân lại ví tấm lòng của nhân vật quản ngục như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ?”. Phải chăng qua nhân vật này, Nguyễn Tuân muốn khẳng định cái đẹp có một sức mạnh kì diệu trong việc cảm hóa con người? III. KẾT LUẬN Truyện Chữ người tử tù đã được Nguyễn Tuân sáng tạo nên bằng bút pháp lí tưởng hóa, đậm màu sắc lãng mạn. Hai nhân vật tưởng chừng ở hai thế giới đối lập cuối cùng lại trở thành tri âm, tri kỉ của nhau. Nếu Huấn Cao là hiện thân của chân, thiện, mĩ thì quản ngục là con người được những giá trị cao cả ấy cảm hóa. Có thể nói, quản ngục cũng là một con người tượng trưng cho cái đẹp, cái thiên lương. Loại “nhân vật thức tỉnh” như quản ngục đã được ngòi bút tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân bất tử hóa cùng với hình tượng người anh hùng “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” để khi khép trang sách lại câu chuyện về họ cứ âm vang mãi trong lòng người đọc. Nguyễn Hữu Dương - Nguyễn Đức Hùng (Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn – TP.HCM)
File đính kèm:
- De dap an mon Van BGD Cao dang 2013.doc