Đề thi tuyển sinh đại học năm 2008 môn thi: văn, khối c

pdf4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1211 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh đại học năm 2008 môn thi: văn, khối c, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2008 
Môn thi: VĂN, khối C (Thời gian làm bài: 180 phút) 
 
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH 
Câu I (2 điểm). Anh/ chị hãy giới thiệu ngắn gọn về hai tập thơ Từ ấy và Việt Bắc của Tố Hữu. 
Câu II (5 điểm). Cùng bộc lộ nỗi nhớ về Tây Bắc, trong bài Tây Tiến, Quang Dũng viết: 
 Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! 
 Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi 
 Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 
 Mường Lát hoa về trong đêm hơi 
 (Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.76) 
 trong bài Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên viết: 
 Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ 
 Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương? 
 Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở 
 Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn! 
 (Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.121) 
 Cảm nhận của anh/ chị về hai đoạn thơ trên. 
PHẦN RIÊNG ------Thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 câu: III.a hoặc III.b------ 
Câu III.a (3 điểm). Trong tác phẩm Chữ người tử tù, vì sao tác giả Nguyễn Tuân lại ví tấm lòng 
của nhân vật quản ngục như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều 
hỗn loạn xô bồ”? 
Câu III.b (3 điểm). Trong tác phẩm Một người Hà Nội, vì sao tác giả Nguyễn Khải lại gọi nhân vật 
bà Hiền là “hạt bụi vàng của Hà Nội”? 
 
BÀI GIẢI GỢI Ý 
 
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH 
Câu I: 
Thơ Tố Hữu gắn bó với cuộc đấu tranh cách mạng nên các chặng đường thơ cũng đồng hành với 
các giai đoạn cách mạng, thể hiện sự vận động trong tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ. 
Tính đến nay, Tố Hữu đã có bảy tập thơ , trong đó Từ ấy và Việt Bắc là hai tập thơ thời đầu. 
“Từ ấy” là chặng đường đầu mười năm thơ Tố Hữu (1937–1946). Tập thơ có ba phần: Máu 
lửa, Xiềng xích, Giải phóng. 
Tâm trạng thể hiện : 
− Tiếng reo vui náo nức của người thanh niên say mê lý tưởng tìm gặp ánh sáng cách mạng. 
− Tiếng hát chiến đấu, bản quyết tâm thư hành động của người chiến sĩ cách mạng trong 
hoàn cảnh tù đày. 
− Tiếng ngợi ca thắng lợi của cách mạng, của nền độc lập tự do . 
“Việt Bắc” là chặng đường thơ trong những nam kháng chiến chống Pháp (1947–1954) . 
Cái tôi trữ tình của nhà thơ đã hòa nhập vào cái ta chung của cộng đồng dân tộc. 
Tập thơ thể hiện hình ảnh quần chúng kháng chiến: anh vệ quốc quân, chị phụ nữ, bà mẹ, 
em bé… với một nghệ thuật thơ giàu tính dân tộc và đại chúng. 
Việt Bắc là bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp : gian lao, anh dũng, thắng lợi. 
Việt Bắc kết tinh những tình cảm lớn của con người Việt Nam . 
Việt Bắc thể hiện hồn thơ mang cảm hứng lãng mạn, sử thi anh hùng ca. 
 
Câu II: Với đoạn thơ trong bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng : 
Yêu cầu: − Thể hiện được "nỗi nhớ" thiên nhiên và đoàn binh Tây Tiến. 
 − Cảm nhận được âm điệu "nhớ thương" về một thời, một vùng đất đã đi qua 
Các ý cụ thể: 
1. Giới thiệu xuất xứ bài thơ, đoạn thơ: 
− Bài thơ ra đời năm 1948, in trong “Mây đầu ô” (xuất bản lần đầu 1986). 
− Đây là đoạn mở đầu, thể hiện khái quát và tập trung nhất cảm hứng chủ đạo của tác phẩm: 
Nỗi nhớ về Tây Bắc gắn liền với núi rừng biên giới mà đoàn quân Tây Tiến đi qua. 
2. Nỗi nhớ “chơi vơi”: 
− Nhớ thiên nhiên rừng núi với những nét nổi bật, đặc trưng của Tây Bắc: Sông Mã − dòng 
sông mang tên một loài ngựa chiến, những điạ danh gợi về tên đất tên làng của miền Tây Bắc với 
những nét đặc trưng của cảnh vật: "Sài Khao sương lấp”, “Mường Lát hoa về trong đêm hơi"… 
− Nhớ thiên nhiên là nhớ con người − trước hết là "đoàn quân mỏi" hiện lên trong những nét 
bay bổng của cảm hứng trữ tình lãng mạn hào hoa rất đặc trưng của Quang Dũng. 
− Nỗi nhớ được thăng hoa trong cảm xúc, bộc lộ bằng lời gọi tha thiết "Tây Tiến ơi" và một 
loạt những vần "ơi" , tạo âm hưởng "chơi vơi" của nỗi nhớ, cho thấy nhớ Tây Tiến là nhớ về một 
hiện thực đã xa, nên có gì hẫng hụt, chơi vơi. 
−Biện pháp hoán dụ: "Sông Ma" góp phần thể hiện tình cảm thiết tha, gắn bó của nhà thơ 
với vùng đất Tây Tiến . 
− Điệp từ “nhớ” kết hợp ngắt nhịp 4/3 càng khắc sâu thêm nỗi lòng của người đã rời xa Tây 
Tiến . 
3.Kết luận : 
− Đây là một trong những đoạn thơ hay nhất của bài Tây Tiến . 
− Khẳng định đoạn thơ thể hiện khái quát, tập trung nhất cảm hứng chủ đạo của tác phẩm, là 
khúc nhạc dạo đầu mở tiếp ra những xúc cảm dào dạt của toàn bài thơ. 
 
Với đoạn thơ trong bài "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên : 
Yêu cầu: 
 − Thể hiện được "nỗi nhớ" trong cảm xúc suy tư về thiên nhiên và con người Tây Bắc . 
− Giải bày cảm xúc, suy tư của nhà thơ về mảnh đất và con người Tây Bắc . 
Các ý cụ thể: 
1. Giới thiệu xuất xứ bài thơ, đoạn thơ: 
− Bài thơ ra đời khoảng năm 1960, in trong "Ánh sáng và phù sa" (xuất bản lần đầu 1960) 
− Đây là đoạn thơ thuộc phần giữa của tác phẩm, kết cấu theo mô hình đi từ cụ thể đến khái 
quát, từ cảm xúc đến đúc kết chân lý − một nét đặc trưng của thơ Chế Lan Viên. 
2. Nỗi nhớ bâng khuâng và suy tư triết lý của nhà thơ : 
− Nhớ về thiên nhiên rừng núi với những nét nổi bật : ban sương giăng, đèo mây phủ … Có 
thể xem ý thơ nầy là sự tổng kết hình ảnh thiên nhiên Tây Bắc được thể hiện trong những đoạn thơ 
trước. 
− Gắn với nỗi nhớ là những hình ảnh rất thực, đầy ấn tượng của miền Tây Bắc . 
− Điệp từ " Nhớ " trong câu đầu dồn tụ lại kết thành hai chữ "yêu thương". 
− Hình thức câu hỏi tu từ tăng thêm sức khẳng định, có tác dụng đưa tiếng nói của nhà thơ 
đến với sự rung động trong lòng người đọc. 
− Trên nền vững chắc của dòng cảm xúc ve thiên nhiên và con người Tây Bắc giàu tình 
nghĩa, tác giả đi đến một triết lý về mối quan hệ sâu sắc giữa con người với vùng đất đã từng gắn bó 
với tâm hồn mình, từ đó dẫn đến “phép màu” kỳ diệu trong tâm hồn con người “đất lạ hóa quê 
hương”. 
− Bốn dòng thơ vừa đối lập vừa đối xứng tạo nên sự nhịp nhàng của nhạc tính, ngân nga mãi 
trong lòng người đọc. 
3.Kết luận: 
− Đây là một trong những khổ thơ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nơi người đọc, thể hiện rõ 
phong cách nghệ thuật và hồn thơ Chế Lan Viên. 
−Đoạn thơ khái quát được nỗi nhớ sâu sắc về Tây Bắc, “mảnh đất mười năm kháng chiến”, 
đã thắp lên ngọn lửa “nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”. 
−Khổ thơ có kết cấu đặc sắc đi từ hình ảnh cụ thể đến khái quát, từ cảm xúc đến suy tư. Nó 
là một sự phát hiện đặc sắc về quy luật của tình cảm, tâm hồn con người. 
 
So sánh hai đoạn thơ nói trên: 
Cùng nói về nỗi nhớ Tây Bắc nhưng hai nhà thơ có cách biểu hiện khác nhau: 
- Nỗi nhớ của Quang Dũng là nỗi nhớ chơi vơi đặc trưng cho phong cách trữ tình lãng mạn, 
tài hoa của nhà thơ trẻ đất Hà Thành. Đó là nỗi nhớ thắm thiết với cảnh và người mà nhà thơ đã 
từng gắn bó máu thịt; nỗi nhớ một người đã rời xa; được biểu hiện bằng những từ ngữ gợi hình, gợi 
cảm, gợi những sắc thái cụ thể của núi rừng Tây Bắc. 
- Nỗi nhớ của Chế Lan Viên lại gắn với những suy tư triết lý rất đặc trưng theo kiểu riêng 
của Chế Lan Viên. Nỗi nhớ ấy nằm trong mạch cảm xúc về ân tình cách mạng “uống nước nhớ 
nguồn”. Chất liệu dệt nên nỗi nhớ, suy tư là những hình ảnh khái quát được thể hiện bằng những 
ngôn từ giản dị, cô đúc như những định nghĩa, châm ngôn. 
 
Phần riêng −−− Thí sinh chỉ được làm 1 trong2 câu : III.a hoặc III.b −−−− 
Câu III a: 
Yêu cầu : Làm nổi bật hình tượng người quản ngục trong thế đối lập giữa hoàn cảnh sống và tâm 
hồn ngưỡng mộ cái đẹp, cho thấy đó là "một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà 
nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ". 
Cụ thể có các ý sau : 
1. Giới thiệu : Tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích. 
− Tác giả Nguyễn Tuân : Nhà văn có phong cách tài hoa, uyên bác, luôn gắn bó với cái đẹp, 
thiên lương. 
− Chữ người tử tù : là tác phẩm ca ngợi cái đẹp, lòng ngưỡng mộ cái đẹp và sức mạnh của 
thiên lương. Điều ấy được bộc lộ không chỉ qua hình tượng Huấn Cao mà còn ở cả nhân vật viên 
quản ngục. 
2. "… một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ" (Phân tích hoàn cảnh sống của viên 
quản ngục) : 
− Làm quan chức trong ngục. 
− Nơi quản ngục sống : đề lao − nơi "người ta sống bằng tàn nhẫn, lừa lọc". 
− Nơi đó, bọn lính ngục đã hành hạ người tù bằng những thói "tiểu nhân thị oai". 
− Sống trong hoàn cảnh như vậy, con người dễ bị tha hoá, càng ngày càng dễ dấn sâu vào 
bùn lầy. 
3. "…một thanh âm trong trẻo" : viên quản nguc (phân tích tính cách, tâm hồn viên quản 
ngục) 
− Ông là người biết yêu quí cái đẹp, yêu quí chữ viết đẹp của Huấn Cao mà ông xem là báu 
vật; Ông có sở nguyện cao quí : được treo trong nhà một bức chữ của Huấn Cao. 
− Đó la tình cảm cao thượng bền bỉ, có ngay từ khi ông "đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền", cho 
đến bây giờ đã là một trung niên "tóc hoa râm, râu ngã màu". 
− Do yêu quí cái đẹp, ông yêu quí, kính trọng người tạo ra cái đẹp : Huấn Cao. Điều đó đã 
được bộc lộ qua hành vi, suy nghĩ của ông : 
 + Ông "biệt nhỡn liên tài" đối với Huấn Cao. 
 + Ông đã "biệt đãi" Huấn Cao − một người tử tù. Đó là một việc làm không đúng 
bổn phận của nhà chức trách, có thể nguy hại đến tính mạng bản thân và gia đình. 
 + Ông nhún nhường trước người tử tù : bị xua đuổi, không tức giận, lễ phép lui ra 
với câu nói "xin lĩnh y". 
 + Ông mong Huấn Cao dịu lại tính nết để ông trình bày sở nguyện xin chữ của Huấn 
Cao. 
 + Khi Huấn Cao cho chữ, viên quản ngục đã "khúm núm" nhận chữ. 
 + Được Huấn Cao khuyên rời khỏi hoàn cảnh "hỗn loạn xô bo", ông đã chân thành 
rơi lệ và "bái lĩnh". 
Đó là hình tượng tiêu biểu cho người có lòng yêu quí cái đẹp, cho tấm lòng "trọng nghĩa 
liên tài". Ông là "một đóa sen thơm ngát trong chốn bùn lầy". 
Ví tấm lòng của nhân vật quản ngục như "một thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà 
nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ", Nguyễn Tuân đã thể hiện sự ngợi ca đối với viên quản ngục, đối với 
những người biết yêu quí cái đẹp, thiên lương. Cùng với hình tượng Huấn Cao, hình tượng viên 
quản ngục đã góp phần việc thể hiện chủ đề của tác phẩm: Quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp 
và thái độ đối với cái đẹp, sức mạnh của cái đẹp, đồng thời cũng kín đáo bày tỏ tấm lòng yêu nước 
thầm kín của Nguyễn Tuân. 
 
Câu III b: 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật: 
− Nguyễn Khải là một nhà văn có nhiều gắn bó với Hà Nội. Ông yêu mến và nghĩ nhiều về 
vẻ đẹp của đất kinh kỳ. 
− "Một người Hà Nội" là khám phá của Nguyễn Khải về vẻ đẹp Hà Nội được thể hiện qua 
nhân vật bà Hiền − "hạt bụi vàng của Hà Nội" 
2. Bà Hiền là kết tinh của vẻ đẹp người Hà Nội truyền thống và Hà Nội hôm nay. Điều đó 
được thể hiện trong hành động và lời nói của nhân vật. 
− Bà Hiền là một người phụ nữ xinh đẹp, có phong cách sang trọng, quí phái. 
− Có suy nghĩ sâu xa khi xây dựng gia đình. 
− Có quan niệm sống và giáo dục con cái một cách đúng đắn, sâu sắc. 
− Có niềm tin vào giá trị, sức mạnh của những truyền thống văn hóa tốt đẹp. 
− Giữa thời Hà Nội sống trong kinh tế thị trường, bà vẫn giữ cái phong cách của người Hà 
Nội: phong lưu, nề nếp, văn hóa. 
3. Vì sao tác giả gọi nhân vật bà Hiền là “hạt bụi vàng của Hà Nội”: 
− Nguyễn Khải muốn ca ngợi vẻ đẹp của người Hà Nội hào hoa, lịch lãm, truyền thống, tiêu 
biểu cho nét đẹp văn hóa toàn diện của đất kinh kỳ. 
− Hình ảnh bà Hiền đối lập với hình ảnh một số người Hà Nội hôm nay. Qua sự đối lập đó, 
Nguyễn Khải cũng thể hiện những trăn trở, ưu tư về cách sống, phẩm chất con người Hà Nội trong 
thời kinh tế thị trường. 
− Cùng với hình ảnh "cây si bị đổ", nhà văn bày tỏ niềm tin vào sức sống đẹp đẽ, trường tồn 
của người Hà Nội. 
 
---------- oOo ---------- 
 
NGUYỄN HỮU DƯƠNG – PHẠM THỊ PHƯƠNG 
(Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM) 

File đính kèm:

  • pdfDe tuyen sinh DH nam 2008 mon Van khoi C.pdf