Đề thi tuyển sinh đại học năm 2008 môn thi: văn, khối d
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh đại học năm 2008 môn thi: văn, khối d, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2008 Môn thi: VĂN, khối D (thời gian làm bài: 180 phút) PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH Câu I (2 điểm) Anh/ chị hãy nêu những nét chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám. Câu I (5 điểm) Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) PHẦN RIÊNG ------- Thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 câu : III.a hoặc III.b ----- Câu III.a (3 điểm) Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu : Hơn một loài hoa đã rụng cành, Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh; Những luồng run rẩy rung rinh lá ... Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh. (Văn học 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.131) Câu III.b (3 điểm) Cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử : Gió theo lối gió mây đường mây Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay ? (Ngữ văn 11, Tập hai, SGK thí điểm Ban KHXH và NV, Bộ 1, NXB Giáo dục, 2005, tr.54) BÀI GIẢI GỢI Ý PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH Câu I. Quan điểm nghệ thuật cuả Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám: - Cuộc đời viết văn của Nam Cao, tuy ban đầu chịu ảnh hưởng của phong trào lãng mạn, nhưng sau đó ông lên án văn chương thoát ly. Với bản chất đôn hậu, Nam Cao hướng tình cảm mình về những số phận nghèo khổ bế tắc và bi kịch tâm hồn của họ trong xã hội cũ trước Cách mạng tháng Tám. Vì vậy, ông tự nguyện đến và trung thành với con đừơng “nghệ thuật vị nhân sinh”. - Theo Nam Cao, người cầm bút không được "trốn tránh" sự thực, mà hãy "cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời". - Nam Cao cho rằng một tác phẩm "thật giá trị" thì phải có nội dung nhân đạo sâu sắc: "Nó phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn". - Nam Cao đòi hỏi cao sự tìm tòi sáng tạo trong nghề văn và lương tâm người cầm bút. Ông viết: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Ông coi sự cẩu thả trong nghề văn chẳng những là "bất lương" mà còn là "đê tiện". - Đó là quan điểm nghệ thuật đúng đắn, tiến bộ, là tiền đề để nhà văn tiếp tục đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật cách mạng khi tham gia kháng chiến. Câu II. Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài A. Giới thiệu tác phẩm, nhân vật: -Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ in trong tập Truyện Tây Bắc (1953) là kết quả một chuyến đi thực tế Tây Bắc của Tô Hoài. Nhân vật Mị được tác giả khắc họa với sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ, vượt lên kiếp sống đầy đau khổ, tủi nhục, hướng tới cuộc sống mới tốt lành. Tâm trạng và hành động cuả Mị trong đêm cứu A Phủ được nhà văn thể hiện thật sinh động. B. Phân tích: a. Thí sinh cần lướt qua tính cách cuả nhân vật trước đêm cởi trói cho A Phủ. - Con người tốt đẹp bị đày đọa + Mị có phẩm chất tốt đẹp + Mị bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần - Sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ Tâm trạng, hành động của Mị trong ngày hội xuân ở Hồng Ngài b. Tâm trạng, hành động của Mị trong đêm cứu A Phủ (trọng tâm) - Mới đầu nhìn thấy A Phủ bị trói, Mị vẫn thản nhiên. Nhưng đêm ấy, Mị thấy dòng nước mắt trên má A Phủ. Nhớ lại cảnh ngộ của mình trong đêm mùa xuân năm trước, Mị đồng cảm, thương xót cho A Phủ. Phân tích nét tâm lý: Mị thấy cái chết sắp tới với A Phủ là oan ức, phi lí; Mị không sợ hình phạt của Pá Tra; ý thức căm thù và lòng nhân ái giúp Mị thắng nỗi sợ hãi, biến Mị thành con người dũng cảm trong hành động cắt dây trói cứu A Phủ. - Diễn biến tâm trạng cuả nhân vật có phức tạp nhưng thật logic: + xuất phát từ tình cảm cuả người cùng cảnh ngộ, Mị cũng đã từng bị trói đứng trong buồng tối đau đớn như thế. + Mị nhận thức rõ sự độc ác cuả nhà Thống lí Pá Tra. + Xuất phát từ long nhân hậu cuả một cô gái mang sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Từ đó dẫn đến hành động cởi trói cho A Phủ. - Hành động cuả Mị: + Dù mang tính chất tự phát, đơn độc, liều lĩnh, nhưng đã thể hiện lương tri, lương năng tự thức trong tâm hồn cuả nhân vật. + Ngay sau đó Mị đứng lặng trong bóng tối với bao dằn xé trong lòng. Nhưng rồi khát vọng sống trỗi dậy thật mãnh liệt, Mị vụt chạy theo A Phủ, đến với tự do. + Như vậy, diễn biến hành động cuả nhân vật Mị đi từ tự phát đến tự giác, tự cứu mình và đến với cách mạng sau này. c. Kết luận: - Với bút pháp hiện thực sắc xảo, nghệ thuật phân tích tâm lí tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị, đặc biệt là miêu tả tâm trạng và hành động cuả nhân vật Mị trong đêm cưú A Phủ. - Cuộc đời đau khổ, tủi nhục của Mị có ý nghĩa tiêu biểu cho kiếp sống khốn khổ của người dân miền núi dưới ấp thống trị của thế lực phong kiến và thực dân. - Nhưng có áp bức, có đấu tranh; nhân vật Mị chính là điển hình sinh động cho sức sống tiềm tàng, sức vươn lên mạnh mẽ của con người từ trong hoàn cảnh tăm tối hướng tới ánh sáng của nhân phẩm và tự do. PHẦN RIÊNG Câu III.a Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau đây trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu: Hơn một loài hoa đã rụng cành, Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh; Những luồng run rẩy rung rinh lá … Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh. A- Yêu cầu: Đây là dạng đề bình giảng một đoạn thơ. - Có thể cảm nhận theo trật tự từng câu thơ, cũng có thể bổ dọc theo những ý lớn của khổ thơ. Dù theo cách nào thì thí sinh vẫn phải làm nổi bật nội dung cảm xúc trữ tình, cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế, mới mẻ của Xuân Diệu và những nét đặc sắc về phương diện nghệ thuật của đoạn thơ. - Nắm vững kĩ năng cảm nhận, bình giảng đoạn thơ. Thí sinh phải diễn đạt mạch lạc, văn viết trong sáng. B. Ý chính cần có: Ý 1: Giới thiệu bài thơ và vị trí đoạn thơ: - Đây mùa thu tới được rút từ tập Thơ Thơ, xuất bản năm 1938, tập thơ đầu tay của Xuân Diệu. - Bài thơ bộc lộ cảm xúc trữ tình của Xuân Diệu qua một bức tranh miêu tả bước đi của trời đất ở thời điểm chuyển mùa từ nóng qua lạnh, từ hạ sang thu. Đây là một trong những tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất cách cảm nhận thiên nhiên tinh tế, mới mẻ và nghệ thuật thơ đầy tính cách tân của một tác giả được gọi là "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới". - Bài thơ gồm 4 khổ. Đoạn thơ phải cảm nhận là khổ thứ hai, có vị trí đặc biệt trong mạch vận động của thi tứ. Ý 2: Tâm trạng trữ tình và các cảm nhận thiên nhiên tinh tế của Xuân Diệu. a. So với khổ thơ mở đầu, ở khổ thứ hai cảnh thu được mở rộng. Nhưng bước đi của thiên nhiên vẫn được cảm nhận chủ yếu ở phía cận cảnh. Trong vườn, hoa rụng rồi cây cối đổi sắc, những luồng gió lạnh tràn về, lá "run rẩy rung rinh", tất cả như đang chia lìa, rời bỏ nhau, để cuối cùng chỉ còn trơ lại "Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh". Cảnh mở ra trong không gian mà nói được bước đi của thời gian. Chi tiết nào cũng gợi buồn. Tất cả hợp lại thành một bức tranh thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng của cái tôi nhạy cảm với sự sống, khát khao giao cảm với đời. b. Hai câu trước của khổ thơ nói về những thay đổi của thiên nhiên được cảm nhận chủ yếu qua cái nhìn thị giác. Bằng mắt thường, có thể nhìn thấy hoa rụng. Cũng có thể quan sát bằng mắt thường cảnh "trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh". Chữ "rủa" có bản viết là "rũa". Viết là "rủa" câu thơ làm nổi bật sự tương phản, xung đột giữa "sắc đỏ" và "màu xanh". Có người nói Xuân Diệu đã mượn cách diễn đạt của văn chương Pháp. Chữ "rũa" lại có nghĩa là bào mòn, mài mòn dần "màu xanh". Viết như thế, câu thơ gợi tả được sự thay đổi, sự ngả màu, có cả cái gì như là sự tan rã đang diễn ra âm thầm, mà dữ dội trong thiên nhiên. Dù viết thế nào thì ý thơ vẫn nói về sự đổi thay. Cảnh tàn mà vẫn tươi, vẫn trong sáng, vè "sắc đỏ" là màu rực rỡ thuộc gam nóng. c. Ở hai câu sau, sự thay đổi của thiên nhiên được diễn tả bằng một chi tiết tạo hình độc đáo giống như bức tranh vẽ bằng mực nước theo kiểu hội họa phương Đông. Trên cái nền tương phản, xung đột giữa "sắc đổ" và "màu xanh", nổi lên vài nhánh cây khô gầy guộc, mỏng manh, với mấy chiếc lá còn sót lại đang run rẩy trước gió, chuẩn bị lìa cành. Đang có hai cách hiểu khác nhau về câu thơ thứ ba. Cách hiểu thứ nhất: những luồng gió làm lá "run rẩy rung rinh". Vẫn là hình ảnh có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng cái nhìn thị giác đang chuyển dần vào cái nhìn nội tâm. Bởi vì, lá "run rẩy rung rinh" là hình ảnh nhân hóa, làm nổi bậc được cái lạnh được cảm nhận bằng xúc giác. Cách hiểu thứ hai: có "những luồng run rẩy", luồng sống đang "rung rinh" trong gân lá, cuống lá. Sự vận động này không nhìn thấy bằng mắt thường, mà chỉ có thể cảm nhận bằng da thịt. Hiểu theo cách nào, thì trước mắt vẫn là một hình ảnh thiên nhiên nói lên hồn thơ rất riêng của Xuân Diệu. Nhìn vào đâu, Xuân Diệu cũng thấy có một sự sống đang phập phồng, run rẩy. Sự sống ấy được nhà thơ cảm nhận tinh tế bằng tất cả các giác quan, trong đó có cả xúc giác. Hai câu thơ, 14 tiếng, mà có tới 10 tiếng diễn tả ấn tượng của xúc giác. Ở câu trên, thì đó là 4 tiếng láy phụ âm "run rẩy rung rinh". 6 tiếng của câu dưới nếu tách riêng, tiếng nào cũng có khả năng gợi tả để tăng cường ấn tượng về cái lạnh được cảm nhận bằng da thịt: nhánh - khô - gầy - xương - mỏng manh. Ý 3: Tổ chức lời thơ của Xuân Diệu hết sức mới mẻ. Xuân Diệu đưa vào thơ lối nói rất "Tây": "Hơn một loài hoa …". Tổ chức lời thơ của ông thưởng có khuynh hướng xóa nhòa ý nghĩ biểu cảm: "những luồng run rẩy rung rinh lá". Xuân Diệu sử dụng thành công kĩ thuật láy phụ âm và ông học được ở thơ ca Pháp: "run rẩy rung rinh". Ý 4: Kết luận: Có thể khẳng định đó là khổ thơ đặc sắc nhất của tác phẩm, thể hiện phong cách nghệ thuật và hồn thơ Xuân Diệu trước cách mạng tháng Tám. Câu III.b. Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Gió theo lối gió mây đường mây Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay Thuyền ai đậy bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay ? A- Yêu cầu: - Đây là dạng đề bình giảng một đoạn thơ trử tình. - Nắm được đặc điểm thơ trữ tình là thơ hướng nội. - Có thể cảm nhận nhiều cách nhưng phải đảm bảo những ý sau: B. Các ý chính cần có: Ý 1. Giới thiệu bài thơ và vị trí đoạn thơ: + Hàn Mặc Tử là nhà thơ kiệt xuất của phong trào Thơ mới (1932-1945). “Đây thôn Vĩ Dạ” trích từ tập “Thơ điên” . Đây là bài thơ trữ tình nổi tiếng, ca ngợi cảnh vật và con người xứ Huế đẹp mộng mơ và tình tứ, ẩn chứa tâm trạng thương nhớ, tiếc nuối, chới với của tác giả trước cảnh cũ, người xưa. + Đoạn thơ cần cảm nhận nằm ở khổ thứ hai về cảnh mây trời, sông nước. Một không gian nghệ thuật thoáng đãng, mơ hồ, xa vắng. Ý 2. Hai câu trên là bức tranh tả gió, mây, dòng sông và hoa (hoa bắp). Giọng thơ nhẹ nhàng, thoáng buồn. Nghệ thuật đối tạo nên bốn phiên cảnh hài hoà, cân xứng và sống động. Gió mây đôi ngả như mối tình nhà thơ, tưởng gần đấy mà xa vời, cách trở. Dòng Hương Giang êm đềm trôi lững lờ, trong tâm tưởng thi nhân trở nên "buồn thiu", nhiều bâng khuâng man mác. Hoa bắp lay, nhè nhẹ đung đưa trong gió thoảng. - Nhịp điệu khoan thai, thơ mộng của miền sông Hương núi Ngự được diễn tả rất tinh tế! Các điệp ngữ luyến láy gợi nhiều vương vấn, mộng mơ. Ngoại cảnh mênh mang chia lìa... như nỗi lòng, như tâm tình thi nhân. Ý 3. Hai câu tiếp theo, nhà thơ hỏi "ai" hay hỏi mình khi nhìn thấy, hay nhớ tới hình ảnh con đò nằm mộng bến sông trăng. Sông Hương quê em trở thành "sông trăng". Hàn Mặc Tử với tình yêu Vĩ Dạ đã sáng tạo nên vần thơ đẹp nói về con sông Hương với những con đò dưới vầng trăng. Ý 4. Tâm hồn nhà thơ xao xuyến khi nhìn sông trăng và con thuyền. Thuyền em hay "thuyền ai" vừa thân quen, vừa xa lạ. Chất thơ mộng ảo trong "Đây thôn Vĩ Dạ" là ở những thi liệu ấy. Câu thơ gợi tả một hồn thơ đang rung động trước vẻ đẹp thơ mộng của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn. Ý 5. Ở đây bức tranh tâm cảnh tràn ngập ánh trăng, thấm thía một nỗi buồn cô đơn li biệt của khách đa tình. Bộc lộ cái tôi rạo rực, khao khát trong hạnh phúc tình yêu. Ý 6. Kết luận : - Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ nổi bật phong cách và hồn thơ Hàn Mặc Tử : ảo mộng tài hoa và siêu thực. - Toàn bộ bài thơ nói chung và khổ thơ này nói riêng vẫn là hình ảnh thơ mộng và đáng yêu của cảnh và người xứ Huế. - Hồn thơ khắc khoải cuả Hàn Mặc Tử hướng tới là hơi ấm tình người, tình đời. ---------- oOo ---------- NGUYỄN ĐỨC HÙNG – TRẦN HỒNG ĐƯƠNG (Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM)
File đính kèm:
- De tuyen sinh DH dap an nam 2008 mon Van khoi D.pdf