Đề thi tuyển sinh đại học năm học 2012 môn học: ngữ văn; khối thi: c

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 990 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh đại học năm học 2012 môn học: ngữ văn; khối thi: c, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2012
Môn: NGỮ VĂN; Khối: C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
I. Phần chung:
	Câu 1: Trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ở phần nói về thượng nguồn dòng sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của dòng sông này với hình ảnh hai người phụ nữ, đó là những hình ảnh nào? Ý nghĩa của những hình ảnh ấy?
	Câu 2: 
	“Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu.”
	Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên
II. Phần riêng:
	Câu 3.a:
	Cảm nhận vẻ đẹp sử thi của hình tượng nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
	Câu 3.b:
	Cảm nhận hai đoạn thơ sau:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
	Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
	Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
	Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
	(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
	“Nhà em có một giàn giàu,
	Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
	Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
	Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào”
	(Tương Tư – Nguyễn Bính)
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1: Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn chuyên về bút kí với lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm vào tài hoa. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bài bút kí xuất sắc của ông, viết năm 1981. Văn bản trong sách giáo khoa trích phần thứ nhất của bài bút kí này. Trong văn bản, khi viết về sông Hương ờ thượng nguồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ví vẻ đẹp của dòng sông với hình ảnh hai người phụ nữ.
Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Với so sánh này tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đầy sức sống và đa dạng của dòng sông. Có lúc nó mãnh liệt qua những “ghềnh thác cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn”; có lúc nó trở nên “dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài và chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng”. Dòng sông được nhân hóa thành con người có bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng.
Dòng sông còn được ví như người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Phù sa của sông cung cấp chất màu mỡ cho đất đai. Ví sông Hương là “người mẹ phù sa” nhà văn muốn nói sông Hương là ngọn nguồn cho cảm hứng nghệ thuật, văn hóa của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung.
Câu 2: 
Giới thiệu được luận đề cần giải quyết
Giải quyết vấn đề
Giải thích:
+ Giải thích từ ngữ:
Kẻ cơ hội là người nhanh chóng nắm bắt hoàn cảnh hoặc điều kiện thuận lợi để thực hiện một mục tiêu nào đó.
Nôn nóng: thái độ vội vàng, muốn nhanh chóng đạt được kết quả
Người chân chính: người có những suy nghĩ và việc làm nghiêm túc, có đạo đức, có mục tiêu tốt đẹp theo đúng chuẩn mực của xã hội; đạt đến thành công bằng chính năng lực của mình.
Kiên nhẫn: quyết tâm, bền chí để đạt được mục tiêu đã xác định.
Thành tích, thành tựu: kết quả tốt đẹp cuối cùng của một quá trình suy nghĩ và làm việc.
+ Giải thích ý nghĩa cả câu:
Ý kiến trên cho thấy kẻ cơ hội và người chân chính đều muốn có những kết quả tốt đẹp cho việc làm của mình nhưng kẻ cơ hội thì vội vàng, còn người chân chính thì kiên nhẫn. Câu nói có phần phê phán thái độ nôn nóng, vội vàng, mặt khác khẳng định sự kiên nhẫn của người chân chính.
Bàn luận:
Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích:
+ Có ý kiến cho rằng “Đời người có ba thứ qua đi không lấy lại được là tuổi trẻ, thời gian và cơ hội”. Cơ hội chỉ xuất hiện trong một thời điểm nhất định, nếu không biết nắm bắt, nó sẽ vuột mất. Vì vậy, kẻ cơ hội rất nôn nóng trong việc vận dụng điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu của mình.
+ Đời người có thể có nhiều cơ hội nhưng các cơ hội ấy không giống nhau, vì vậy một khi cơ hội qua đi sẽ không đạt được kết quả như ý.
+ Kẻ cơ hội hiểu rất rõ sự bất ổn này nên có thể dùng mọi mánh khóe, thủ đoạn để đạt được kết quả (dẫn chứng).
Người chân chính thì kiên nhẫn để đạt được thành tựu:
+ Người chân chính cũng biết nắm bắt cơ hội nhưng không đạt được mục tiêu bằng bất cứ giá nào như kẻ cơ hội. Nếu thất bại, người chân chính sẽ đứng lên từ chính chỗ thất bại ấy để làm lại từ đầu.
+ Người chân chính thường làm việc với một lý tưởng phù hợp với những chuẩn mực của xã hội nên có sự bền chí, quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu.
+ Người chân chính xem cơ hội là phương tiện chứ không phải là cứu cánh trong việc thực hiện mục tiêu. Do vậy, họ có lòng kiên trì, theo đuổi mục tiêu cho đến cùng, chứ không dựa dẫm, không dùng thủ đoạn (dẫn chứng).
Mở rộng:
Ý kiến này giúp ta phân biệt rõ thế nào là kẻ cơ hội và người chân chính. Mặt khác, nó cho thấy cách thực hiện mục tiêu của kẻ cơ hội và người chân chính rất khác nhau. Từ đó, ý kiến này có vai trò định hướng cho học sinh và thanh niên trong việc thực hiện ước mơ, theo đuổi mục tiêu của mình. Ta phải biết nắm bắt cơ hội nhưng cũng phải có lòng kiên nhẫn thì mới đạt được những thành tựu tốt đẹp, có ý nghĩa.
Kết luận:
Rút ra bài học về nhận thức và hành động cho bản thân.
Câu 3a. 
Yêu cầu kỹ năng:
Biết cách làm nghị luận văn học. Để cảm nhận tác phẩm về nội dung và nghệ thuật .
Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ.
Yêu cầu về kiến thức: 
Trên cơ sở hiểu biết, thí sinh trình bày theo nhiều cách nhưng cần nêu các ý chính sau:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật.
+ Nguyễn Trung Thành là nhà văn gắn bó với Tây Nguyên trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ. 
+ Tác phẩm “Rừng xà nu”. 
Hoàn cảnh sáng tác: Viết năm 1965, khi đế quốc Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Truyện đăng lần đầu trên tạp chí văn nghệ Quân Giải Phóng Trung Trung Bộ, sau đưa vào tập truyện “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” 
Nhân vật Tnú là nhân vật chính, mang đậm tính sử thi.
- Khai thác đặc điểm nhân vật 
Về nội dung, ý nghĩa
+ Là đứa trẻ mồ côi được làng Xôman nuôi dưỡng, nhận vai trò làm chú bé liên lạc mang ánh sáng của Đảng về với buôn làng.
+ Trưởng thành, anh trở thành cán bộ Đảng, đấu tranh theo Đảng, làm kẻ thù khiếp sợ.
+ Kẻ thù dùng thủ đoạn thâm độc đánh vào gia đình anh.
Trước cảnh vợ con bị tra tấn (phân tích một đoạn văn miêu tả tình huống bi kịch của người chiến sĩ xoay quanh các vấn đề : gia đình – đất nước).
 Cách giải quyết : anh xông ra cứu vợ con bằng tay không, giặc bắt và đốt hai bàn tay của anh (phân tích hình ảnh bàn tay Tnú và tâm trạng của anh lúc đó).
Cụ Mết cùng thanh niên vào rừng lấy vũ khí, trở lại tiến hành nổi dậy và chiến thắng (phân tích lời nói cụ Mết và hành động của cụ).
Về nghệ thuật:
+ Nhân vật đậm chất sử thi.
+ Nghệ thuật tạo tình huống bi kịch giữa riêng – chung .
+ Chi tiết “đắt” (như đôi mắt, bàn tay Tnú …)
Câu 3b. 
Giới thiệu hai nhà thơ – hai đoạn thơ:
Là hai nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới (30 – 45), Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình – tác giả qua thơ bằng những nét không nhầm lẫn. 
Đưa hai đoạn thơ vào… 
Khai thác hai đoạn thơ : 
Tìm hiểu những nét chung của hai đoạn thơ
+ Nếu Hàn Mặc Tử tả cảnh thôn Vĩ qua một địa danh cụ thể để gửi tình yêu quê hương.
+ Còn Nguyễn Bính tạo ra một không gian của thôn xóm, làng quê ngụ tâm tình chân chất, giản dị.
Khai thác cụ thể hai đoạn 
+ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử qua bốn dòng thơ đầu “Trích dẫn …..” 
Một dòng đầu : Sự trách móc bằng câu hỏi chỉ để hỏi (phân tích các chi tiết: địa danh “thôn Vĩ”, hành trình “về chơi”)
Ba dòng sau :
Hình ảnh thôn Vĩ và con người xuất hiện rất tự nhiên (phân tích hình ảnh hàng cau đặt trong nắng và nắng mới lên mang nhiều tầng ý nghĩa thể hiện cách cảm nhận của cái tôi - nhà thơ - hình ảnh “hàng cau”, “vườn ai”, “mặt chữ điền”).
Cảm nhận : cái tôi không lầm lẫn của Hàn Mặc Tử viết trong và bằng đau thương của một người mắc bệnh khắc nghiệt nhưng vẫn tạo ra những vần thơ trong sáng, giản dị. 
+ Bài “Tương tư” của Nguyễn Bính qua bốn dòng cuối (Trích dẫn :…)
Hai dòng đầu : 
Tạo hình ảnh làng quê Việt Nam với những nét đơn giản, mộc mạc (phân tích : hai nhân vật “em – anh“ của tình yêu đôi lứa - Hình ảnh “một giàn giầu – một hàng cau” của làng quê tạo thành một tình cảm độc đáo của tình yêu quê hương bằng sự đan cài riêng – chung). 
Hai dòng sau:
Thể hiện tâm tình của nhân vật trữ tình – tác giả (phân tích hình ảnh : “thôn Đoài – thôn Đông” cùng “cau nhớ giầu không” phản ánh trạng thái xúc cảm phức tạp : nhung nhớ, trông mong, trách móc … hơn hết là khao khát hạnh phúc lứa đôi. 
Cảm nhận : Tâm tình của Nguyễn Bính về tình yêu đôi lứa gắn liền với hồn quê man mác, nhẹ nhàng . Và hình ảnh thơ giản dị dễ hiểu xuất phát từ cái tôi – Nguyễn Bính gắn bó sâu nặng với những nét đẹp văn hóa Việt Nam.
+ Nhận xét chung về hai bài thơ của hai tác giả:
Cả hai đoạn thơ đều thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình - tác giả đối với quê hương nhưng được khai thác bằng nét khác nhau đúng với yêu cầu “khoa học là ta, văn học là tôi”.
Đều vận dụng bút pháp “tả cảnh, ngụ tình” bằng cách khai thác không lầm lẫn.

	Lý Tú Anh 
	THPT Vĩnh Viễn - TPHCM

File đính kèm:

  • docde_van_khoi_c.doc