Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt chuyên năm học 2013 - 2014 môn thi: ngữ văn (dành cho tất cả các thí sinh) thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

doc3 trang | Chia sẻ: bobo00 | Lượt xem: 1285 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt chuyên năm học 2013 - 2014 môn thi: ngữ văn (dành cho tất cả các thí sinh) thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UBND TỈNH BẮC NINH
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
Năm học 2013 - 2014
Môn thi: Ngữ văn 
(Dành cho tất cả các thí sinh)
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 19 tháng 6 năm 2013
==========
Câu 1. (2,0 điểm) 
Cho đoạn truyện sau:
“Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:
- Thì má cứ kêu đi.
Mẹ nó đâm nổi giận quơ đũa bếp doạ đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:
- Vô ăn cơm!
Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi "Ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:
- Cơm chín rồi!
Anh cũng không quay lại. Con bé bực quá, quay lại mẹ và bảo:
- Con kêu rồi mà người ta không nghe.”
 (Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng - SGK Ngữ văn 9, tập một)
1. Đoạn truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Ai là người kể?
2. Hãy kể tên các phương châm hội thoại đã học trong chương trình lớp 9. 
“Con bé” trong đoạn truyện đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nêu nội dung của phương châm hội thoại đó. Vì sao có sự vi phạm đó?
Câu 2. (1,0 điểm)	
“Một ấn tượng hàm ơn khó tả dạt lên trong lòng cô gái. Không phải chỉ vì bó hoa rất to sẽ đi theo cô trong chuyến đi thứ nhất ra đời. Mà vì một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô.”
 (Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9, tập một)
Hình ảnh một bó hoa nào khác nữa trong đoạn văn trên được sử dụng theo biện pháp tu từ nào? Em hiểu ý nghĩa hình ảnh đó như thế nào?
Câu 3. (2,0 điểm)
 Ghi lại đầy đủ hai khổ thơ cuối trong bài thơ “Ánh trăng” của nhà thơ Nguyễn Duy. Nêu ngắn gọn nội dung khổ thơ cuối.
Câu 4. (5,0 điểm)
 Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. 
 (Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, SGK Ngữ văn 9, tập một)
===========Hết==========
(Đề thi có 01 trang)
 Họ và tên thí sinh: . Số báo danh: 
 UBND TỈNH BẮC NINH KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2013 - 2014
 ============= =============== 
HƯỚNG DẪN CHẤM THI MÔN NGỮ VĂN ĐẠI TRÀ
(Hướng dẫn chấm có 02 trang)
Câu 1. (2,0 điểm) 
 1. Đoạn truyện kể theo ngôi thứ ba. (0,25 điểm)
 Người kể là ông Ba, một nhân vật trong tác phẩm, bạn của ông Sáu. ( 0.25 điểm)
 2. Các phương châm hội thoại đã học trong chương trình lớp 9: 
 - Kể đủ các phương châm: Phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm quan hệ, phương châm cách thức và phương châm lịch sự. (0,5 điểm). Nếu kể được từ 2 đến 4 phương châm (0,25 điểm)
 - “Con bé” trong đoạn truyện “nói trổng” như vậy là đã vi phạm phương châm lịch sự. (0,25 điểm)
 Phương châm lịch sự là: Khi giao tiếp, cần tế nhị và tôn trọng người khác. (0,25 điểm)
 Nó cố tình vi phạm như vậy vì không muốn dùng từ “ba” để gọi ông Sáu. (0,5 điểm)
Câu 2. (1,0 điểm)
 Hình ảnh “một bó hoa nào khác nữa” trong đoạn văn trên được sử dụng theo biện pháp tu từ ẩn dụ (0,25 điểm)
 Hình ảnh đó có ý nghĩa: Đó là giá trị tinh thần mà cô gái đã tìm thấy ở anh. Từ những điều cô chứng kiến, nghe được, từ những trang sách anh đọc dở, cô nhận ra vẻ đẹp tâm hồn anh. Anh trở thành tấm gương cho cô noi theo, cho cô yên tâm với sự lựa chọn của mình. (0,75 điểm)
Câu 3. (2,0 điểm)
 Ghi đúng đủ hai khổ thơ cuối: (1,0 điểm)
	Ngửa mặt lên nhìn mặt
	 có cái gì rưng rưng
	 như là đồng là bể
	 như là sông là rừng
	 Trăng cứ tròn vành vạnh
	 kể chi người vô tình
	 ánh trăng im phăng phắc
	 đủ cho ta giật mình.
 Nêu được nội dung cơ bản của khổ thơ cuối: trăng vẫn thế, không thay đổi, bao dung, độ lượng “tròn vành vạnh, im phăng phắc” chỉ có bản thân mình là thay đổi, đã trở thành kẻ “vô tình”. Cái “giật mình” của nhà thơ chính là sự nhận thức sâu sắc về bản thân, có ý nghĩa nhắc nhở người đọc không bao giờ được lãng quên quá khứ. (1,0 điểm)
Câu 4. (5,0 điểm)
A. Yêu cầu chung:
- Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học. Biết vận dụng, phối hợp nhiều thao tác nghị luận (phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh mở rộng vấn đề). Đặc biệt phải nắm vững thao tác phân tích một nhân vật trong tác phẩm tự sự.
- Xây dựng hệ thống luận điểm chặt chẽ, logic. Bố cục chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, ít mắc lỗi.
- Văn viết trong sáng, giàu cảm xúc. Biết liên hệ, mở rộng.
B. Yêu cầu cụ thể:
 Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, song cần đạt được một số ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm. (0,5 điểm)
- Lặng lẽ Sa Pa là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của Nguyễn Thành Long.
- Truyện viết về những con người lao động quên mình, thầm lặng dâng hiến tuổi trẻ cho quê hương, đất nước mà tiêu biểu là hình tượng anh thanh niên cán bộ khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m.
2. Anh thanh niên với hoàn cảnh sống và công việc. (2,0 điểm)
- Hoàn cảnh sống và công việc của anh rất khó khăn gian khổ: Anh là “người cô độc nhất thế gian” một mình làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm mây phủ. Công việc của anh: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”, dự vào việc báo thời tiết, phục vụ cho sản xuất và chiến đấu.
- Anh rất yêu nghề, ý thức về công việc của mình nên anh làm việc tỉ mỉ, chính xác đầy trách nhiệm (nửa đêm, đúng giờ “ốp” thì dù mưa tuyết, giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã quy định).
- Anh đã có những suy nghĩ thật đúng và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống con người “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”
3. Nếp sống và tính cách của anh thanh niên (2,0 điểm)
- Biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống đầm ấm, thơ mộng, ngăn nắp (trồng hoa, nuôi gà, đọc sách, sắp xếp nơi ở, nơi làm việc gọn gàng, sạch sẽ).
- Cởi mở, chân thành, thân thiện với tất cả mọi người (thân tình với bác lái xe, tặng hoa cho cô kĩ sư, tặng trứng cho ông họa sĩ già, cách ứng xử ân tình, ấm áp).
- Khiêm tốn, trân trọng sự hi sinh thầm lặng của những người xung quanh (từ chối khi được vẽ chân dung, giới thiệu những người khác đáng cảm phục và đáng vẽ hơn).
4. Khái quát vấn đề, rút ra bài học cho bản thân (0,5 điểm).
- Qua câu chuyện về nhân vật anh thanh niên, Nguyễn Thành Long muốn giới thiệu với người đọc về một vùng đất lặng lẽ mà thơ mộng, ở đó đang có những con người lao động thầm lặng, say mê hiến dâng tuổi trẻ của mình cho quê hương, đất nước.
- Hình tượng anh thanh niên mang vẻ đẹp tiêu biểu của thanh niên thời đại Hồ Chí Minh và mãi mãi là tấm gương đẹp cho các thế hệ nối tiếp noi theo.
C. Biểu điểm:
Điểm 5: Đạt tất cả các yêu cầu trên, văn viết giàu cảm xúc, kĩ năng tốt.
Điểm: 4: Đạt ¾ các yêu cầu trên, văn có cảm xúc, kĩ năng tốt.
Điểm: 2-3: Đạt được một nửa các yêu cầu trên, kĩ năng khá.
Điểm: 1: Kiến thức còn mơ hồ, kĩ năng yếu.
Lưu ý: Điểm bài thi là tổng điểm thành phần của các câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
 =================

File đính kèm:

  • docDe Van tuyen sinh Dai tra - Chuyen 2013-2014.doc