Đề và đáp án kiểm tra cuối năm Tiếng việt Lớp 5 - Năm học 2008-2009

doc6 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 365 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề và đáp án kiểm tra cuối năm Tiếng việt Lớp 5 - Năm học 2008-2009, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng GD- ĐT
Huyện Iapa
ĐỀ THI CUỐI NĂM- NĂM HỌC 2008 -2009
 Môn : Tiếng Việt- Lớp 5
 Bài : Kiểm tra đọc
 Thời gian: 
I/ ĐỌC THÀNH TIẾNG : (5điểm)
 Học sinh bốc thăm ,đọc và trả lời câu hỏi 1 trong các câu sau:
Câu 1: Đọc đoạn 1;2 trong bài : “Hộp Thư Mật”- Sách TV5- Tập 2, trang 62. 
* .TLCH: Qua nhân vật có hình chữ V, người liên lạc muốn nhắn gửi chú Hai Long điều gì?
Câu 2: Đọc đoạn 3;4 trong bài: “ Hộp Thư Mật”- Sách TV5- Tập 2 trang 62. 
*.TLCH: Hoạt động trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc?
Câu 3: Đọc đoạn 1;2 trong bài : “Phong cảnh đền Hùng”- Sách TV5-tập 2, Trang 68. 
*.TLCH: Bài văn viết về cảnh vật gì? Ở nơi nào?
Câu 4:Đọc đoạn 3 bài : “Phong cảnh đền Hùng”- Sách TV5- tập 2,trang 68. 
*.TLCH : Em hiểu câu ca dao sau như thế nào?
 “ Dù ai đi ngược về xuôi
 Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Câu 5: Đọc đoạn 1;2 trong bài: “ Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân”- Sách TV5 tập 2, trang 83. 
*.TLCH : Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ đâu?
Câu 6 : Đọc đoạn 3;4 trong bài: “ Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân”- Sách TV5- tập 2, trang 83. 
*.TLCH : Qua bài văn tác giả thể hiện tình cảm gì đối với một nét đẹp cổ truyền trong văn hoá của dân tộc?
Câu 7 : Đọc đoạn 1,2 trong bài : “Út Vịnh”- Sách TV5- Tập 2, trang 136. *.TLCH : Út Vịnh đã làm gì để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh đường sắt?
Câu 8 : Đọc đoạn 3;4 trong bài : “Út Vịnh”- Sách TV5- Tập 2, trang 136. *.TLCH: Em học tập được ở Út Vịnh điều gì?
 II/ ĐỌC THẦM VÀ LÀM BÀI TẬP: (5 ĐIỂM) – 30 Phút.
CHIM HOẠ MI HÓT
 Chiều nào cũng vậy, con chim hoạ mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.
 Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.
 Hót một lúc lâu nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.
 Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe.Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi.
 Theo Ngọc Giao
Em hãy khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng nhất cho từng câu hỏi dưới đây:
Câu 1: Bài văn trên thuộc thể loại văn miêu tả gì?
 a . Tả cảnh.
 b . Tả con vật.
 c . Tả cây cối.
Câu 2 : Vì sao chim hoạ mi cảm thấy vui mừng?
 a. Vì được cất tiếng hót.
 b . Vì được mọi người yêu quý.
 c . Vì suốt ngày rong ruổi bay chơi và uống nước suối mát lành.
Câu 3: Tiếng hót của chim hoạ mi vào buổi chiều được tác giả so sánh với gì?
 a. Một điệu đàn
b. Một lời ru
c. Một bản nhạc 
Câu 4 : Cách ngủ của chim hoạ mi có gì đặc biệt?
Từ từ nhắm hai mắt lại 
Thu đầu vào lông cổ, im lặng ngủ
Ngủ say sưa
Cả ba ý trên đều đúng
Câu 5: Cách hót chào đón nắng sớm của chim hoạ mi được tác giả miêu tả như thế nào?
 a. Nó xù lông ra mà hót .
 b. Nó kéo dài cổ ra mà hót.
 c. Nó vừa bay vừa hót.
 Câu 6 : Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ “êm đềm”
 a. Êm ấm
 b. Êm đẹp 
 c. Êm ả
 Câu 7 : Tác giả quan sát chim hoạ mi bằng những giác quan nào?
 a. Chỉ bằng thị giác (nhìn).
 b. Chỉ bằng thính giác (nghe).
 c. Bằng cả thị giác và thính giác.
 Câu 8 : Trong câu : “ Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại”, tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì?
So sánh
Nhân hoá
Cả so sánh và nhân hoá
Câu 9 : Trong câu: “ Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm.”, dấu phẩy có tác dụng gì?
a. Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
b. Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.
c. Ngăn cách các vế trong câu ghép.
Câu 10: Trong chuỗi câu: “ Rồi một hôm, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe.” Câu in đậm liên kết với câu đứng trước nó bằng cách nào?
a. Bằng cách lặp từ ngữ.
b. Bằng cách thay thế từ ngữ ( dùng đại từ).
c. Bằng từ ngữ nối.
Phòng GD & ĐT
Huyện Ia Pa
ĐỀ THI CUỐI NĂM – NĂM HỌC 2008- 2009
 Môn : Tiếng Việt - Lớp 5
 Bài : Kiểm tra viết
 Thời gian: 50 phút
I/CHÍNH TẢ NGHE - VIẾT (5điểm) – 15 phút
 THẾ THÌ KHÔNG MẤT
 Cô Chiêu đi đò với cái Nụ. Cái Nụ ăn trầu, lỡ tay đánh rơi ống vôi bạc của cô Chiêu xuống sông. Để cô Chiêu khỏi mắng mình, nó rón rén hỏi:
 - Thưa cô, cái gì mà mình biết nó ở đâu rồi thì có thể gọi là mất được không, cô nhỉ ?
 Cô Chiêu cười bảo:
 - Cái con bé này hỏi đến lẩm cẩm. Đã biết là ở đâu rồi thì sao gọi là mất được nữa !
 Cái Nụ nhanh nhảu tiếp luôn:
 - Thế thì cái ống vôi của cô không mất rồi. Con biết nó nằm ở dưới đáy sông đằng kia. Con vừa đánh rơi xuống đấy.
 (Theo truyện tiếu lâm Việt Nam)
II/ TẬP LÀM VĂN (5điểm) – 35 phút.
 Tả cảnh trường em trước buổi học. 
HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ , CHO ĐIỂM
 BÀI KIỂM TRA ĐỌC: 10 điểm
I/ Đọc thành tiếng ( 5 điểm).
 GV đánh giá, cho điểm dựa vào những yêu cầu sau:
 + Đọc đúng tiếng, đúng từ : 1 điểm.
 + Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa : 1 điểm.
 + Giọng đọc bước đầu có biểu cảm : 1 điểm.
 + Tốc độ đạt yêu cầu ( khoảng 120tiếng/ 1phút) : 1 điểm.
 + Trả lời đúng ý câu hỏi có liên quan đến nội dung bài đọc : 1 điểm.
 Gợi ý trả lời câu hỏi:
 Câu 1 : Qua nhân vật có hình chữ V, người liên lạc muốn nhắn gửi tình yêu Tổ quốc của mình và lời chào chiến thắng.
 Câu 2 : Hoạt động trong vùng địch của các chiến sĩ tình báo có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
 Câu 3: Bài văn tả cảnh đền Hùng, cảnh thiên nhiên vùng núi Nghĩa Lĩnh, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi thờ các vua Hùng, tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam.
 Câu 4 : Câu ca dao nhắc nhở ,khuyên răn mọi người: Dù đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cũng không được quên ngày giỗ Tổ, không được quên cội nguồn.
 Câu 5: Hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy ngày xưa.
 Câu 6: Qua bài văn, tác giả thể hiện tình cảm trân trọng và tự hào với một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc.
 Câu 7: Út Vịnh đã tham gia phong trào Em yêu đường sắt quê em và nhận thuyết phục Sơn không thả diều trên đường sắt.
 Câu 8: Qua bài em học được ở Út Vịnh ý thức trách nhiệm, tôn trọng quy định về an toàn giao thông và tinh thần dũng cảm cứu các em nhỏ.
II/Đọc thầm và làm bài tập (5 điểm).
 Khoanh đúng mỗi câu được 0,5 điểm.
 Đáp án:
 Câu 1: b Câu 6: c
 Câu2 : c Câu 7 : c
 Câu 3 : a Câu 8 : b
 Câu 4 : d Câu 9 : b
 Câu 5 : b Câu 10 :b
HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ ,CHO ĐIỂM
BÀI KIỂM TRA VIẾT : 10 điểm
I/ Chính tả : 5 điểm
 - Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn được : 5 điểm.
 Mỗi lỗi chính tả trong bài viết ( sai- lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng quy định) , trừ 0,5 điểm.
 * Lưu ý: nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn, bị trừ 1 điểm toàn bài .
II Tập làm văn: 5 điểm
 Đảm bảo được các yêu cầu cơ bản sau, được 5 điểm:
 +Viết được bài văn tả cảnh đủ các phần mở bài , thân bài, kết bài đúng yêu cầu đã học; độ dài bài viết khoảng 20 câu.
 +Viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả.
 +Chữ viết rõ ràng, trình bày bài viết sạch sẽ.
 Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, có thể cho các mức điểm: 4,5 – 4 – 3,5 – 3 – 2,5 – 2 – 1,5 – 1 – 0,5.

File đính kèm:

  • docDE THI CUOI HKIILOP 5.doc