Định hướng ôn tập ngữ văn 11 – học kì II [năm học: 2011 – 2012] Trường THPT Trần Văn Thời – Cà Mau

doc10 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1304 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Định hướng ôn tập ngữ văn 11 – học kì II [năm học: 2011 – 2012] Trường THPT Trần Văn Thời – Cà Mau, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG THPT TRẦN VĂN THỜI – CÀ MAU
TỔ NGỮ VĂN

ĐỊNH HƯỚNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 11 – HỌC KÌ II
[Năm học: 2011 – 2012]

A.KIẾN THỨC CƠ BẢN:

LƯU BIỆT KHI XUẤT DƯƠNG
1. Tác giả: Phan Bội Châu:
Học giỏi nổi tiếng, từng đỗ giải nguyên, từng bôn ba Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan gây dựng phong trào chống Pháp; Sự nghiệp thơ văn đồ sộ, phong phú đều nhằm mục đích tuyên truyền cách mạng.
2.Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh sáng tác:
- 1905 là năm đất nước vẫn đang trong hoàn cảnh tăm tối, mịt mờ. 
- Theo chủ trương của hội Duy Tân, PBC chia tay bạn bè sang Nhật Bản tranh thủ sự giúp đỡ của nước này đối với phong trào CM Việt Nam. Trước khi lên đường, vào lúc chia tay (trong bữa cơm ngày Tết do PBC tổ chức tại nhà mình) PBC đã sáng tác bài thơ này.
b. Nội dung và nghệ thuật.
- Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương đã khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng với tư tưởng mới mẻ, táo bạo, nhiệt huyết sôi nổi và khát vọng cháy bỏng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước, đặc biệt là tư tưởng mới mẻ, táo bạo về chí làm trai của nhà chí sĩ cách mạng yêu nước Phan Bội Châu những năm đầu thế kỉ XX.
- Giọng thơ tâm huyết, sâu lắng mà sôi sục, hào hùng, hình tượng thơ đẹp và đậm chất sử thi.
3. Luyện tập:
Cảm nhận về bài thơ Xuất dương lưu biệt của PBC.

HẦU TRỜI
1.Tác giả: Tản Đà
Sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời, Hán học đã tàn mà Tây học cũng mới bắt đầu, nên con người ông, kể cả học vấn, lối sống và sự nghiệp văn chương đều mang dấu ấn “người của hai thế kỉ”. Thơ văn ông có thể xem như gạch nối giữa hai thời đại văn học của dân tộc: trung đại và hiện đại.
2.Tác phẩm:
a. Xuất xứ:
- Bài thơ in trong tập “Còn chơi” (1921).
- Thể thơ: Thất ngôn trường thiên
 - Biểu hiện rõ đặc điểm thơ Tản Đà:
+ cái tôi lãng mạn bay bổng trong thơ đã làm nên điệu tâm hồn mới mẻ. Nó vừa hài hòa, phóng khoáng, ngông nghênh vừa cảm thương, ưu ái.
+ gạch nối của hai thời đại thi ca: trung đại và hiện đại.
b. Nội dung và nghệ thuật
- Qua câu chuyện Hầu Trời, nhà thơ mạnh dạn tự biểu hiện cái tôi cá nhân. Đó là một cái tôi phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khẳng định giữa cuộc đời.
- Giá trị nghệ thuật đặc sắc của thơ Tản Đà: thể thơ thất ngôn trường thiên khá tự do, giọng điệu tự nhiên, thoả mái, ngôn ngữ giản dị, hóm hỉnh…

VỘI VÀNG
1.Tác giả: Xuân Diệu
Xuân Diệu là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ông đã đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới, một nguồn cảm xúc mới, thể hiện quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo. Ông là nhà thơ của tình yêu, mùa xuân và tuổi trẻ. Từ sau cách mạng tháng Tám, thơ Xuân Diệu hướng vào thực tế đời sống và rất giàu tính thời sự.
2.Tác phẩm:
a. Xuất xứ
- In trong tập "Thơ thơ" xuất bản 1938
- Vội vàng là một trong bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi trong thơ mới nói chung, thơ Xuân Diệu nói riêng, in dấu khá đậm hồn thơ Xuân Diệu (thiết tha, rạo rực, băn khoăn - Hoài Thanh) và tiêu biểu cho sự cách tân táo bạo, độc đáo nghệ thuật thơ ông.
b. Nội dung và nghệ thuật.
- Phần đầu: niềm ngất ngây trước cảnh sắc trần gian và nêu những lí lẽ vì sao phải sống vội vàng. Xuất phát từ nhận thức và quan niệm về hạnh phúc trần gian, thời gian và tuổi trẻ, nhà thơ muốn bộc bạch với mọi người về cuộc đời
+ Phát hiện và say sưa ca ngợi một thiên đường ngay trên mặt đất với bao nguồn hạnh phúc kì thú và qua đó thể hiện một quan niệm mới: trong thế giới này đẹp nhất, quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu
+ Nỗi băn khoăn về sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người trong sự chảy trôi nhanh chóng của thời gian
Quan niệm về thời gian tuyến tính, một đi không trở lại (so sánh với quan niệm về thời gian tuần hoàn của người xưa)
Cảm nhận đầy bi kịch về sự sống, mỗi khoảnh khắc trôi qua là một sự mất mát, phai tàn, phôi pha, mòn héo
Cuộc sống trần gian đẹp như một thiên đường; trong khi đó thời gian một đi không trở lại; đời người ngắn ngủi nên chỉ còn một cách là phải sống vội
- Phần hai nêu cách “thực hành”: vội vàng là chạy đua với thời gian, sống mạnh mẽ đủ đầy với những phút giây của sự sống - “sống toàn tâm, toàn trí, toàn hồn; sống toàn thân và thức nhọn giác quan” và thể hiện sự mãnh liệt của cái tôi đầy ham muốn
Nhận thức về bi kịch của sự sống đã dẫn đến một ứng xử rất tích cực trước cuộc đời. Đây cũng là lời đáp trọn ven cho câu hỏi: vội vàng là gì? Và đề xuất một lẽ sống mới mẻ, tích cực; bộc lộ quan niệm nhân sinh mới chưa từng thấy trong thơ ca truyền thống
Nghệ thuật
-  Sự kết hợp giữa mạch cảm xúc và mạch luân lí
-  Cách nhìn, cách cảm mới và những sáng tạo độc đáo về hình ảnh thơ
-  Sử dụng ngôn từ; nhịp điệu dồn dập, sôi nổi, hối hả, cuồng nhiệt
Ý nghĩa văn bản
Quan niệm nhân sinh, quan niệm thẫm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu- nghệ sĩ của niềm khát khao giao cảm với đời
3. Luyện tập:
Cảm nhận: 
Đoạn thơ: 	“Tôi muốn tắt nắng đi
…
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Đoạn thơ: 	“Ta muốn ôm
…
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”


TRÀNG GIANG
1.Tác giả: Huy Cận
Là nhà thơ của phong trào thơ mới, ông chịu ảnh hưởng của văn học Pháp, nhưng nghiêng về ảnh hưởng thơ Đường, giọng thơ hàm súc giàu suy tưởng triết lí và thường mang nỗi sầu vũ trụ và nhân thế.
2.Tác phẩm:
a. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác:
- Trích trong tập "Lửa thiêng" xuất bản 11/1939 
- Bài thơ viết vào mùa thu 1939 và cảm xúc được khơi gợi chủ yếu từ cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước.
b. Nhan đề bài thơ:
- Tràng giang (đồng nghĩa từ Trường giang): con sông dài
- Ý nghĩa:
+ 2 từ Hán- Việt gợi không khí cổ kính, trang nhã.
+ Cách hiệp vần "ang" tạo dư âm vang xa, trầm lắng, mênh mang.
Vậy "Tràng giang" không chỉ là con sông dài mà còn là con sông rộng lớn, không chỉ là con sông cụ thể mà đó là con sông mang ý nghĩa khái quát gợi lên nỗi buồn mênh mang, rơn ngợp.
c. Lời đề từ bài thơ:
Là câu thơ thâu tóm khá chính xác, đầy đủ cả tình (băng khuâng, thương nhớ) và cảnh (trời rộng, sông dài) bài thơ, đồng thời đã gợi ra nét nhạc chủ đạo cho bài thơ.
d. Nội dung và nghệ thuật.
-  Khổ 1
+ Ba câu đầu mang đậm màu sắc cổ điển vẽ lên hình ảnh con thuyền nhỏ nhoi lên đênh, trôi dạt trên dòng sông rộng lớn, mênh mông gợi cảm giác buồn, cô đơn, xa vắng, chia lìa
+ Câu thứ 4 mang nét hiện đại với hình ảnh rất đời thường: cành củi khô trôi nổi gợi lên cảm nhận về thân phận của những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa dòng đời
-  Khổ 2
Bức tranh tràng giang được hoàn chỉnh thêm với những chi tiết mới: cồn nhỏ, gió đìu hiu, cây cối lơ thơ, chợ chiều đã vãn, làng xa, trời sâu chót vót, bến cô liêu… nhưng không làm cho cảnh vật sống động hơn, mà càng chìm sâu vào tĩnh lặng, cô đơn, hiu quạnh.
-  Khổ 3
Tiếp tục hoàn thiện bức tranh tràng giang với hình ảnh những lớp bèo nối nhau trôi dạt trên sông và những bờ xanh tiếp bãi vàng lặng lẽ. Cảnh có thêm màu sắc nhưng chỉ càng buồn hơn, chia lìa hơn
-  Khổ 4
+ Hai câu thơ đầu là bức tranh kì vĩ nên thơ. Cảnh được gợi lên bởi bút pháp nghệ thuật cổ điển với hình ảnh mây trắng, cánh chim chiều; đồng thời mang dấu ấn tâm trạng của tác giả
+ Hai câu sau trực tiếp bộc lộ tấm lòng thương nhớ quê hương tha thiết của Huy Cận (so sánh với hai câu thơ của Thôi Hiệu trong Hoàng hạc lâu)
Nghệ thuật
-  Sự kết hợp hài hòa giưa sắc thái cổ điển và hiện đại (sự xuất hiện của những cái tưởng như tầm thường, vô nghĩa và cảm xúc buồn mang dấu ấn cái tôi cá nhân…)
-  Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm (lơ thơ, đìu hiu, chót vót…)
Ý nghĩa văn bản
Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, niềm khát khao hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước tha thiết của tác giả
3. Luyện tập:
Cảm nhận: 	- Khổ 1 
-Khổ 4

ĐÂY THÔN VĨ DẠ
1.Tác giả: Hàn Mặc Tử
Cuộc đời có nhiều bi thương, nhưng ông đã vượt qua với nghị lực phi thường và có sức sáng tạo mạnh mẽ. “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kì mới này, chút gì đáng kể, đó là Hàn Mặc Tử”(Chế Lan Viên).
2.Tác phẩm:
a Xuất xứ:
Rút trong tập “Thơ điên” (Đau thương) 1938. Tập thơ có 3 phần: Hương thơm - Mật đắng - Máu cuồng và hồn điên. Bài thơ thụôc phần Hương thơm (phần mà theo Hoài Thanh là chưa “dính máu”)
b. Hoàn cảnh sáng tác:
- Khi nhà thơ đã mắc căn bệnh hiểm nghèo – bệnh phong (trại phong Quy Hoà)
- Khi Hàn Mặc Tử nhận được bức bưu ảnh có chụp cảnh sông nước không có tên người gửi. 
Gợi kỉ niệm về mối tình đơn phương => viết bài thơ.
c. Nhan đề bài thơ:
- Làng Vĩ Dạ: là làng quê của xứ nhà vườn, đẹp, nằm sát bờ sông Hương ven thành phố Huế.
- Nơi Hàn Mặc Tử đã từng sống và nơi ấy có một mối tình đơn phương (Hoàng Thị Kim Cúc).
d. Nội dung và nghệ thuật.
- Khổ 1: cảnh ban mai thôn Vĩ và tình người tha thiết.
+ Câu đầu là câu hỏi tu từ mang nhiều sắc thái: một câu hỏi hay lời trách nhẹ nhàng, lời mời mọc ân cần
+ Ba câu sau gợi lên vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên thôn Vĩ trong khoảnh khắc hừng đông. Đằng sau bức tranh phong cảnh là tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người tha thiết cùng niềm băn khoăn, day dứt của tác giả.
- Khổ 2: cảnh hoàng hôn thôn Vĩ và niềm đau cô lẻ, chia lìa.
+ Hai câu đầu bao quát toàn cảnh với hình ảnh gió, mây chia lìa đôi ngả; “dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” gợi nỗi buồn hiu hắt.
+ Hai câu sau tả dòng Hương trong đêm trăng lung linh, huyền ảo vừa thực vừa mộng. Đằng sau cảnh vật là tâm trạng vừa đau đớn, khắc khoải, vừa khát khao cháy bỏng của nhà thơ.
- Khổ 3: Nỗi niềm thôn Vĩ.
+ Hai câu đầu: bóng dáng người xưa hiện lên mờ ảo, xa vời trong “sương khói mờ nhân ảnh” trong cảm nhận của khách đường xa.
+ Hai câu cuối: mang chút hoài nghi mà lại chan chứa niềm thiết tha với cuộc đời
Nghệ thuật
- Trí tưởng tượng phong phú
- Nghệ thuật so sánh, nhân hóa, thủ pháp lấy động gợi tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ…
- Hình ảnh sáng tạo có sự hòa quyện giữa thật và ảo.
Ý nghĩa văn bản
Bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ.
3. Luyện tập:
Cảm nhận: 	- Khổ 1 

CHIỀU TỐI
1.Tác giả: Hồ Chí Minh 
2.Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ
- Thu 1942, Người sang Trung Quốc tranh thủ sự viện trợ của quốc tế thì bị bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ vô cớ tại Quảng Tây. “Nhật ký trong tù” - tập thơ Người sáng tác trong hơn 1 năm bị giam tại đây.
- Bài thơ được sáng tác vào cuối thu 1942, là bài thứ 31/134 bài của Nhật kí trong tù. Cảm hứng bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.
b. Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt
c. Nội dung và nghệ thuật:
- Bài thơ cho thấy tình yêu thiết tha đối với những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống.
+ Niềm yêu mến, gắn bó, sự đồng cảm, sẻ chia đối với cảnh vật khi chiều về.
+ Niềm vui, niềm cảm động trước bức tranh cuộc sống con người (lao động bình dị của cô thơn nữ).
-Bài thơ có sự kết hợp giữa vẻ đẹp cổ điển và hiện đại.
+ Cổ điển: Bút pháp tả cảnh để tả tình, sử dụng hình ảnh, từ ngữ.
+ Hiện đại: Tinh thần hiện đại thể hiện ở tinh thần lạc quan cách mạng: luôn hướng về ánh sáng, về sự vận động phát triển.
Cụ thể:
+ Sự vận động của hình ảnh thơ:Từ tĩnh sang động; từ bóng tối ra ánh sáng
 + Quan điểm: con người luôn ở vị thế làm chủ hoàn cảnh, cải tạo hoàn cảnh.
=> Chiều tối hiện lên vẻ đẹp tâm hồn của Bác: tình yêu thiên nhiên, cái nhìn lạc quan, trân trọng cuộc sống, ý chí vượt lên hoàn cảnh của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh.
3. Luyện tập:
Cảm nhận: 	Bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh. 

TỪ ẤY
1.Tác giả: Tố Hữu
Sự nghiệp thơ ca của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng, thơ ông luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
2.Tác phẩm:
a. Xuất xứ:
Bài thơ “Từ ấy” trích trong phần “Máu lửa” của tập thơ Từ ấy, viết 1938.
b. Hoàn cảnh sáng tác: 
 Ngày được đứng vào hàng ngũ của Đảng, của những người cùng phấn đấu vì lí tưởng cao đẹp là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu. Ghi nhận lại kỉ niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc, suy tư sâu sắc, năm 1938 Tố Hữu viết “Từ ấy”.
c. Nội dung và nghệ thuật.
- Bài thơ là niềm vui sướng, say mê mãnh liệt, lời tâm nguyện của Tố Hữu - một thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng cách mạng trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cách mạng, tác dụng kì diệu của lí tưởng với cuộc đời nhà thơ.
- Sự vận động tâm trạng của nhà thơ được thể hiện sinh động bằng: hình ảnh tươi sáng, ngôn ngữ giàu nhạc điệu.
3. Luyện tập:
Cảm nhận: 	- Khổ 1 



TÔI YÊU EM
1.Tác giả: Puskin
Puskin là “Mặt trời thi ca Nga”, ông là nhà thơ có ảnh hưởng to lớn trong lịch sử văn chương và lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga, thành tựu của Puskin thể hiện ở thơ trữ tình, tiểu thuyết bằng thơ, trường ca, truyện ngắn, truyện vừa.
2.Tác phẩm:
a. Hoàn cảnh sáng tác:
- Mùa hè 1829: nhà thơ cầu hôn với Ôlênhina (con gái của Olênhin- Chủ tịch Viện hàn lâm nghệ thuật Nga) nhưng không được chấp nhận.
- Bài thơ trong nguyên tác không có nhan đề, nhan đề “Tôi yêu em” là do người dịch đặt.
b. Nội dung và nghệ thuật.
- Bài thơ thể hiện nỗi buồn của một mối tình vô vọng nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, nhân hậu, vị tha.
- Vẻ đẹp trữ tình của thơ Puskin: giản dị, trong sáng, tinh tế cả về hình thức nghệ thuật lẫn nội dung tâm tình.

NGƯỜI TRONG BAO
1.Tác giả: Sêkhốp
 Là một nhà văn lớn của Nga và thế giới. Ông là tác giả của hơn 500 truyên ngắn và nhiều vở kịch. Truyện của Sêkhốp thường đặt nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân bản sâu xa, ý nghĩa xã hội to lớn.
2.Tác phẩm:
b. Nội dung và nghệ thuật.
a. Hoàn cảnh ra đời:
- Tác phẩm viết vào năm 1898 trong thời gian nhà văn dưỡng bệnh ở thành phố I-an-ta.
- Lúc này chế độ nông nô chuyên chế Nga đang đi vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.
b. Hình ảnh biểu tượng cái bao: (12 lần)
- Nghĩa đen: vật dùng để bao, gói, đựng đồ vật, hàng hóa… hình túi, hình hộp -> cái bao là đồ dùng yêu thích và thường xuyên trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của Bê-li-cốp.
- Nghĩa bóng: lối sống và tính cách của Bê-li-cốp
- Nghĩa biểu tượng: kiểu người trong bao, lối sống trong bao - 1 kiểu người, 1 lối sống đã từng tồn tại và đang tồn tại ở nước Nga cuối TK XIX.
c. Nội dung
- Lên án, phê phán mạnh mẽ kiểu người trong bao, lối sống trong bao và tác hại của nó đối với xã hội, văn hoa, đạo đức của nước Nga trong hiện tại và tương lai.
- Bức thiết cảnh báo và kêu gọi mọi người cần phải thay đổi cuộc sống, cách sống, không thể sống tầm thường ích kỉ, hèn nhác, bảo thủ, vô vị, đầy tự mãn mãi như thế.
d. Nghệ thuật
- Hai ngôi kể song song và truyện lồng trong truyện
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình
- Xây dựng hình ảnh biểu tượng.
- Cách kết thúc truyện: gợi nhiều suy nghĩ
NGƯỜI CẦM QUYỀN KHÔI PHỤC UY QUYỀN
1.Tác giả: Huygô
Là nhà văn lớn của Pháp thế kỉ XIX, có nhiều thành tựu lớn trong tiểu thuyết, thơ ca và kịch.
2.Tác phẩm:
a. Thể loại: Đoạn trích tiểu thuyết (Những người khốn khổ).
b. Nội dung và nghệ thuật.
- Xây dựng hình tượng nhân vật đối lập: Giave và Giăng Van giăng, đó là sự đối lập giữa Ác và Thiện, giữa Cường quyền và Nạn nhân. Qua đó, Huygô muốn gởi thông điệp đến bạn đọc: Trong hoàn cảnh bất công và tuyệt vọng, con người chân chính có thể sống bằng ánh sáng của tình thương đẩy lùi bóng tối của cường quyền và nhen nhóm niềm tin vào tương lai.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật và diễn biến cốt truyện, nghệ thuật phóng đại, so sánh, ẩn dụ và nghệ thuật tương phản, cách dùng đoạn bình luận ngoại đề để biểu hiện trực tiếp cảm xúc của người kể chuyện.

II. PHẦN TIẾNG VIỆT:
Bài 1: NGHĨA CỦA CÂU
Hs cần nắm các kiến thức cơ bản sau:
- Nghĩa của câu bao gồm 2 thành phần: nghĩa sự việc và nghĩa tình thái:
	+ Nghĩa sự việc: Khái niệm, các loại câu biểu hiện nghĩa sự viêc (câu biểu hiện hành động; câu biểu hiện trạng thái, tính chất, đặc điểm; câu biểu hiện quá trình, câu biển hiện tư thế; câu biểu hiện sự tồn tại; câu biểu hiện quan hệ) 
	+ Nghĩa tình thái: Khái niệm, hai loại nghĩa tình thái( sự nhìn nhận, đánh giá và thái độ của người nói đối với sự việc được đề cập đến trong câu; tình cảm, thái độ của người nói đối với người nghe)
-Vận dụng kiến thức đó để phân tích các ví dụ
Bài 2: ĐẶC ĐIỂM LOẠI HÌNH CỦA TIẾNG VIỆT
Hs cần nắm các kiến thức cơ bản sau:
- Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập. Đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ đơn lập là:
	1.Tiếng là đơn vị cơ sở của ngữ pháp. Về mặt ngữ âm, tiếng là âm tiết; về mặt sử dụng, tiếng có thể là từ hoặc yếu tố cấu tạo từ.
2.Từ không biến đổi hình thái.
	3.Ý nghĩa ngữ pháp được biểu thị bằng trật tự từ và hư từ.
- Mỗi đặc trưng cần cho ví dụ và phân tích ví dụ để làm sáng tỏ đặc trưng đó.
Bài 3: PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CHÍNH LUẬN
Hs cần nắm các kiến thức cơ bản sau:
	- Khái niệm ngôn ngữ chính luận.
	- Các loại văn bản chính luận hiện đại
	- Các phương tiện diễn đạt của phong cách ngôn ngữ chính luận: về từ ngữ, về ngữ pháp, về biện pháp tu từ.
	- Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận: tính công khai về quan điểm chính trị; tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận; tính truyền cảm, thuyết phục.
Hs vận dụng kiến thức đó vào làm các bài tập: phân tích các phương tiện diễn đạt, các đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận.

III. PHẦN LÀM VĂN: 
 Hs cần nắm vững các thao tác nghị luận của học kì II như: thao tác lập luận bác bỏ, thao tác lập luận bình luận và vận dụng kết hợp các thao tác lập luận: phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận để viết bài văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội. 

B.CẤU TRÚC ĐỀ THI HỌC KÌ II VÀ ĐỊNH HƯỚNG ÔN TẬP
Đề thi HKII gồm 3 câu:
Câu 1 (2 điểm): Kiểm tra kiến thức văn học: Ôn tập tập trung vào phần Văn học nước ngoài.
Câu 2 (3 điêm): Làm bài văn nghị luận xã hội ngắn (NL về một tư tưởng đạo lý hoặc một hiện tượng đời sống).
Câu 3 (5 điểm): Làm bài văn nghị luận văn học: Ôn tập tập trung vào phần thơ Việt Nam giai đoạn đầu TKXX đến 1945 (trừ những bài đọc thêm).
Tổ Ngữ Văn

File đính kèm:

  • docĐinh huong on tap Ngu Van 11 - HKII (2011 - 2012).doc