Ðề thi tuyển sinh đại học khối c năm 2009 môn thi: ngữ văn 12 (khối c) (thời gian làm bài: 180 phút)

pdf4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1079 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ðề thi tuyển sinh đại học khối c năm 2009 môn thi: ngữ văn 12 (khối c) (thời gian làm bài: 180 phút), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ÐỀ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC KHỐI C NĂM 2009 
Môn thi: Ngữ văn (khối C) 
(Thời gian làm bài: 180 phút) 
 
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm) 
 
Câu I (2,0 điểm) 
 Anh/chị hãy nêu những nét chính về tình cảm nhân đạo và bút pháp nghệ thuật của 
Thạch Lam trong truyện ngắn Hai đứa trẻ. 
 
Câu II (3,0 điểm) 
 Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mĩ A. Lin-côn (1809 - 
1865) viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi 
thi.” (Theo Ngữ văn 10, Tập hai, NXB Giáo dục, 2006, tr. 135). 
 Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ 
của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống. 
 
PHẦN RIÊNG (5,0 điểm) 
 
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b) 
 
Câu III.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm) 
 Cảm nhận của anh/chị về những vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật người vợ nhặt (Vợ nhặt – 
Kim Lân) và nhân vật người đàn bà hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh 
Châu). 
 
Câu III.b Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm) 
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau: 
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông, 
Một người chín nhớ mười mong một người. 
Gió mưa là bệnh của giời, 
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng 
(Tương tư – Nguyễn Bính, Ngữ văn 11 Nâng cao, 
Tập hai, NXB Giáo dục, 2007, tr.55) 
Nhớ gì như nhớ người yêu 
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương 
Nhớ từng bản khói cùng sương 
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về. 
(Việt Bắc – Tố Hữu, Ngữ văn 12 Nâng cao, 
Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr. 84) 
 
--------------------------------- 
 
 
 
 
 
BÀI GIẢI GỢI Ý 
Câu I. 
 - Giới thiệu Thạch Lam là một trong những cây bút chủ lực của nhóm Tự lực văn đoàn với những 
sáng tác mang đậm tình cảm nhân đạo và bút pháp nghệ thuật đặc sắc, trong đó có truyện Hai đứa trẻ. 
 - Tình cảm nhân đạo trong tác phẩm Hai đứa trẻ được thể hiện trong: 
 + Sự cảm thông của nhà văn với những rung động nhẹ nhàng, tinh tế trong tâm hồn con người: 
tâm hồn Liên man mác buồn trong thời khắc của một ngày tàn; Liên xúc động khi nhìn thấy những đứa 
trẻ nghèo đi lại nhặt nhạnh những vật thừa nơi chợ chiều nhưng chính chị cũng không có tiền cho 
chúng. 
 + Sự cảm thông cho những kiếp người nhỏ bé nơi phố huyện nghèo. Đó là những kiếp người 
nghèo khổ, đơn điệu, mòn mỏi, tẻ nhạt. 
 Hình ảnh mẹ con chị Tí bán nước trà và quà vặt hằng đêm. 
 Hình ảnh bác phở Siêu bán phở gánh. 
 Hình ảnh vợ chồng bác xẩm hát dạo, xin ăn. 
 Và cả hình ảnh chị em Liên, An – những đứa trẻ sớm phải phụ giúp sinh kế gia đình. 
 + Sự thấu hiểu và trân trọng của nhà văn với khát vọng thầm lặng, sâu sắc trong tâm hồn những 
người nghèo khổ. Họ luôn khao khát về một thế giới, một tương lai tươi sáng khác với hiện tại nghèo 
khổ đen tối của họ: ngần ấy con người ngồi trong bóng tối hướng vọng về đoàn tàu Hà Nội rực rỡ, sang 
trọng - hình ảnh tươi sáng của tương lai. 
 - Bút pháp nghệ thuật đặc sắc biểu hiện qua: 
 + Cốt truyện giản dị hầu như không có chuyện mà vẫn chứa đựng nội dung giàu tính nhân văn, 
gợi được những rung động sâu lắng, hấp dẫn nơi người đọc và có sức lay tỉnh tâm hồn người. 
 + Bút pháp tả thực kết hợp hài hòa với trữ tình tạo dựng sinh động, chân thật bức tranh nhân thế 
cảm động của phố huyện nghèo nhưng đầy ấp tình người. 
 + Lời văn trong sáng và gợi hình, gợi cảm; giọng văn trữ tình, giàu chất thơ tạo được âm hưởng 
ngân vang và ấn tượng sâu sắc nơi người đọc. 
 - Thạch Lam với Hai đứa trẻ đã để lại cho văn học Việt Nam một sáng tác đặc sắc giàu tính nhân 
văn. 
 
Câu II 
I. Yêu cầu kỹ năng: 
- Biết kết hợp các thao tác lập luận để làm bài văn nghị luận xã hội. 
- Bố cục chặt chẽ, ý kiến rõ ràng, thuyết phục; diễn đạt trôi chảy, viết có cảm xúc,... 
II. Yêu cầu kiến thức: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt những ý cơ 
bản sau đây. 
1. Hiểu được ý kiến của A.Lin-côn. 
 Tổng thống A.Lincôn đề nghị nhà trường dạy cho con mình, cũng là dạy cho học sinh: 
- Biết chấp nhận thi rớt (nếu mình chưa đủ tài) 
- Tránh gian lận trong thi cử (đả kích tiêu cực trong thi cử) 
 Ý nghĩa câu nói: ca ngợi cách sống dũng cảm và trung thực. 
2. Nêu suy nghĩ bản thân: 
Quan niệm của A.Lin-côn là đúng đắn với mọi thời đại. 
- Học để thi đỗ là khát vọng chung của mọi học sinh. 
- Nhưng sự trung thực trong học tập, thi cử mới chính là điều quan trọng. 
- Mở rộng: 
+ Trân trọng người thực tài, đả kích những kẻ giả dối, háo danh. 
+ Trân trọng người trung thực, dủng cảm, đả kích thói giả dối, bất tài, vô dụng. 
3. Rút ra bài học cho bản thân: 
- Luôn nghiêm khắc với bản thân trong rèn luyện. 
- Luôn coi trọng vấn đề thực học để trở thành những con người thực tài. 
 
Câu III.a. 
 - Giới thiệu: vẻ đẹp người phụ nữ là một trong những đề tài quen thuộc của văn học Việt Nam. 
Trong văn học giai đoạn 1945 đến hết thế kỷ XX, nó được thể hiện qua nhiều nhân vật, trong đó có 
người vợ nhặt (Vợ nhặt - Kim Lân), và người đàn bà hàng chài trong truyện Chiếc thuyền ngoài xa của 
Nguyễn Minh Châu. 
 - Đây là hai nhân vật không phải là nhân vật chính của hai tác phẩm. Thoáng nhìn bên ngoài, cả hai 
đều không có vẻ đẹp gì đặc biệt. Cô vợ nhặt xuất hiện trước mặt Tràng trong lần thứ hai với thân hình 
gầy sọp, quần áo tả tơi như tổ đỉa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Còn người đàn 
bà hàng chài là một người phụ nữ miền biển trạc ngoài bốn mươi, thô kệch, rỗ mặt, lúc nào cũng xuất 
hiện với vẻ mệt mỏi tạo ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. 
 - Nhưng nhìn sâu vào bên trong tâm hồn của họ, người đọc sẽ tìm thấy được những nét cao đẹp 
đáng quý. 
 + Người vợ nhặt : 
 * Một thiếu nữ nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ như chị đã thể hiện khi gặp anh Tràng lần đầu tiên. 
 * Một người phụ nữ ý tứ, nghiêm trang: thái độ của chị khi cùng Tràng đi về qua xóm ngụ cư: 
kéo nón che nghiêng nửa mặt, không được hài lòng khi bọn trẻ trêu đùa; khi đến nhà Tràng, chị chỉ 
ngồi nép nơi mép giường. 
 * Tuy có biến dạng về tính cách do hoàn cảnh đói khát nhưng chỉ cần một sự yêu thương, 
nương tựa, một mái ấm gia đình, chị đã trở về với bản tính tốt đẹp của một người phụ nữ hiền thục đảm 
đang, yêu cuộc sống: anh Tràng thấy chị không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn, anh thấy chị đảm đang, 
hiền thục; chị dậy sớm, cùng mẹ chồng thu dọn nhà cửa cho quang quẻ, sạch sẽ. Trong bữa cơm ngày 
đói, miếng chè cám đắng xít cổ họng, chị điềm nhiên và vào miệng, cúi mặt xuống che dấu sự xúc động 
để khỏi làm đau lòng người mẹ chồng nghèo khổ, già nua, nhân hậu. 
 + Người đàn bà hàng chài: 
 * Nhân vật được gọi một cách phiếm định: người đàn bà. Tuy không có tên cụ thể, vô danh như 
biết bao người đàn bà vùng biển khác, nhưng số phận của chị được tác giả tập trung thể hiện và được 
người đọc quan tâm nhất trong truyện ngắn này. 
 * Chị là một người phụ nữ đau khổ. Chị thường xuyên bị chồng đánh đập, ba ngày một trận 
nhỏ, năm ngày một trận lớn, nhưng chị vẫn thầm lặng chịu đựng, chị không hề kêu một tiếng, không 
chống trả, không tìm cách chạy trốn. 
 * Chị thương chồng. Chị hiểu được những đau đớn, day dứt của chồng do hoàn cảnh nghèo 
khổ, vất vả, khó khăn đến nỗi nó khiến anh từ một người đàn ông tuy cộc tính nhưng hiền lành và nhất 
là chưa bao giờ đánh vợ trở thành một kẻ vũ phu tàn ác. Chính vì vậy, chị đã hoàn toàn nhẫn nhục cam 
chịu khi bị chồng bạo hành. 
 * Chị là người mẹ thương con. Chị lo sợ thằng Phác sẽ có những hành động nông nổi với bố, 
chị đã gởi con cho bố ruột của mình nuôi. Không muốn con nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ, chị xin với 
anh mỗi lần muốn đánh chị thì lên bờ mà đánh khi không có mặt con. Sở dĩ chị nhẫn nhục, chịu đựng 
như vậy là vì chị nghĩ đến đàn con bởi gia đình cần có một người đàn ông trong những lúc phong ba 
bão táp, cùng chị nuôi nấng đàn con khôn lớn. Có thể nói đây là một sự hy sinh cao cả của chị đối với 
con. 
 * Chị là một người hiểu thấu lẽ đời, tuy ít học mà tỉnh táo và sáng suốt. Không chỉ hiểu mình, 
chị hiểu cả tấm lòng của những người phụ nữ hàng chài. Họ biết mình đau khổ nhưng vẫn nhẫn nại, hy 
sinh, bao dung chịu đau khổ để cho đàn con được dưỡng nuôi khôn lớn. Bởi người phụ nữ hàng chài 
không thể sống như những người phụ nữ khác, do hoàn cảnh rất riêng của họ, lúc nào cũng sống trên 
sóng nước, gia đình nào cũng trên dưới chục đứa con. Câu chuyện của chị ở tòa án huyện đã mang lại 
cho chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng những nhận thức mới mẻ mà trước đó họ chưa từng nghĩ tới. 
 * Chị yêu thương gia đình và cuộc sống đầm ấm đạm bạc của gia đình. Như chị nói, trên thuyền 
cũng có những lúc cha con, chồng vợ vui vẻ với nhau, nhất là khi nhìn đàn con được ăn no. Chính vì 
vậy, khi chánh án Đẩu đề nghị chị ly hôn với chồng, chị đã nhất định không chấp nhận. 
 * Chị là người phụ nữ bao dung, vị tha, giàu lòng yêu thương và đức hy sinh - tiêu biểu cho vẻ 
đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. 
 - Hai nhân vật có những nét riêng trong số phận, đặc điểm với những nét đậm nhạt khác nhau 
nhưng đều thể hiện được tâm hồn nhân hậu, hiền thục của người phụ nữ Việt Nam. 
 - Những hình ảnh như vậy mang lại cho người đọc đương thời và ngày nay những cảm nhận sâu sắc 
và bài học quý giá để noi gương. 
 
Câu III.b. Cảm nhận về hai đoạn trích trong Tương tư của Nguyễn Bính và Việt Bắc của Tố Hữu. 
1. Giới thiệu chung về đề tài và tác phẩm. 
- Tình yêu là đề tài muôn thuở của văn chương. Sự sống của tình yêu chính là nỗi nhớ. Nỗi nhớ 
trong tình yêu đa sắc thái và nhiều cung bậc. 
- Tương tư (Lỡ bước sang ngang - 1940)là bài thơ tình nổi tiếng của Nguyễn Bính, nói về nỗi 
tương tư, nhung nhớ của một người con trai với người con gái mình thầm yêu. Việt Bắc (Việt 
Bắc -1954) của Tố Hữu diễn tả nỗi nhớ với chiến khu. Nhà thơ đã lấy trang thái nhớ nhung 
trong tình yêu để so sánh, khẳng định niềm nhớ thương da diết không nguôi của những người 
cán bộ về xuôi đối với quê hương cách mạng. 
2. Cảm nhận về hai đọan thơ 
a. Trích đọan thơ trong Tương tư 
- Đây là đọan mở đầu của bài thơ. Người con trai chân thành thú nhận nỗi tương tư. 
- Hai câu đầu là những dẫn dắt tù xa đến gần , từ ướm đến hỏi rất duyên dáng của ca dao. Nói 
chuyên thôn Đoài nhớ thôn Đông để nói chuyện một người nhớ một người. Dùng lối diễn đạt 
ước lệ để giãi bày niềm thương nhớ dâng đầy (chín nhớ mười mong). 
- Hai câu sau lấy quy luật của trời đất để nói quy luật của tình yêu. Trời đất phải có gió có mưa, 
yêu thì có thương có nhớ. Từ “ bệnh” được dùng rất ý vị, khẳng định thêm tính tất yếu của tình 
yêu. 
- Các hình ảnh sóng đôi : Đông – Đoài, gió – mưa, tôi – nàng… tô đậm khát vọng lứa đôi .Thể 
thơ lục bát, các hình thức diễn đạt , cách dùng địa danh quen thuộc của ca dao dân ca khiến 
đoạn thơ có vẻ đẹp dung dị, duyên dáng dễ đi vào lòng người. Chất “chân quê” của hồn thơ 
Nguyễn Bính được biểu hiện rất tài tình. 
b. Trích đoạn thơ trong Việt Bắc. 
- Đây là lời của người đi, khẳng định về xuôi sẽ nhớ Việt Bắc “như nhớ người yêu”. Từ đó muốn 
nói nỗi nhớ của tình yêu là nỗi nhớ da diết nhất, thường trực nhất. 
- Sau lời khẳng định là những hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc đẹp như khúc hát đồng 
quê. Trăng đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương… là những hình ảnh rất đặc 
trưng cho khung cảnh núi rừng êm đềm, thơ mộng. Trên cái nền trữ tình là hình ảnh con người 
Việt Bắc tần tảo, chịu thương chịu khó. Con người và thiên nhiên hài hòa gắn bó trong nỗi nhớ 
người về xuôi. 
- Các hình ảnh trong hoài niệm nhưng hiện lên thật cụ thể, rõ nét, chứng tỏ sự gắn bó sâu sắc và 
nỗi nhớ thiết tha. 
c. Những tương đồng và khác biệt trong hai trích đọan thơ. 
- Hai đoạn trích đều vận dụng hình thức thơ ca dân tộc để diễn tả nỗi nhớ nhung. Đi từ nguồn 
mạch dân tộc, do vậy gần gũi với tâm hồn Việt Nam. Tình yêu lứa đôi ở đây chan hòa trong 
tình yêu quê hương đất nước. 
- Trích đoạn thơ trong Tương tư trực tiếp diễn tả nỗi tương tư trong tình yêu. Trích đoạn thơ 
trong Việt Bắc dùng nỗi nhớ của tình yêu để khẳng định nỗi nhớ với quê hương cách mạng. 
- 
----------------------------- 
 
Người giải đề: TRẦN HỒNG ĐƯƠNG - NGUYỄN ĐỨC HÙNG 
(Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM) 

File đính kèm:

  • pdfGoi y giai de van khoi C DHnam 2009.pdf