Gợi ý giải đề thi văn, khối d

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 998 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Gợi ý giải đề thi văn, khối d, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI VĂN, KHỐI D

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH
Câu 1: (2 điểm)

A. Yêu cầu chung:
Thí sinh (TS) nêu được “những nét chính” trong “quan điểm nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám”. Bài làm có thể viết thành đoạn văn hay theo dạng “gạch đầu dòng”. Điều quan trọng là đủ ý chính, bố cục, diễn đạt phải mạch lạc, gãy gọn. 

B. Những ý chính cần phải có:
Trong các bộ sách giáo khoa ngữ văn lớp 11, giữa chương trình không phân ban và chương trình phân ban, giữa sách cơ bản và sách nâng cao (chương trình phân ban), mục viết về quan điểm nghệ thuật của Nam Cao có thể có một vài điểm khác biệt nhỏ. Khi làm bài, TS không cần lệ thuộc vào “nguyên văn” của sách, chỉ cần nêu lên được “những nét chính” gồm từ 2 đến 3 ý (do cách tách ý ra hay gộp ý lại của mỗi người). 
Ví dụ 1: 
TS học chương trình phân ban, theo Ngữ văn 11, sách nâng cao, có thể nêu:
1. Nam Cao quan niệm nghề văn là nghề cao quý, nhà văn phải có lương tâm trách nhiệm với cuộc sống, tránh lối viết tầm thường, cẩu thả.
2. Nam Cao đặc biệt coi trọng tính hiện thực, chân thực; giá trị nhân đạo, tính độc đáo sáng tạo của tác phẩm văn chương
Ví dụ 2: 
(TS học chương trình không phân ban, theo Văn học 11, sách hợp nhất năm 2000), có thể nêu:
1. Nam Cao dứt khoát lựa chọn khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa (khẳng định văn học là “tiếng đau khổ kia”, phủ nhận văn học chỉ là thứ “ánh trăng lừa dối”); đồng thời cho rằng nội dung hiện thực ấy không thể tách rời tinh thần nhân đạo cao quí (văn học làm cho “người gần người hơn”).
2. Nam Cao hết sức coi trọng tính độc đáo, sáng tạo của mỗi tác phẩm văn chương (“khơi những nguồn chưa ai khơi”, “sáng tạo ra những cái gì chưa có”,…).

Câu 2: (5 điểm)

A. Yêu cầu chung:
TS nắm vững hình tượng nhân vật Mị (tính cách, số phận, sức sống,…) trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ; đáp ứng được yêu cầu của đề bài (phân tích tâm trạng và hành động, cũng như mối quan hệ giữa hai phương diện này ở nhân vật Mị); biết cách làm một bài văn ngắn theo kiểu bài phân tích một nhân vật truyện ngắn theo định hướng của đề bài; biết bám sát sự kiện, chi tiết nghệ thuật, hình ảnh, ngôn từ; có kĩ năng trình bày diễn đạt,...

B. Những ý chính cần phải có:

1. Giới thiệu tác giả (Tô Hoài), truyện ngắn (Vợ chồng A Phủ), nhân vật (Mị) và vấn đề cần phân tích (“tâm trạng và hành động” mang tính cách, sức sống của Mị, ở vào thời điểm bước ngoặt của cuộc đời nhân vật: đêm giải cứu A Phủ).

2. Phân tích nhân vật theo định hướng của đề bài (tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ)
2.1. Cứu A Phủ - một hành động mang tính bước ngoặt trong cuộc đời, số phận, tính cách của nhân vật Mị. 
Đó là bước chuyển bất ngờ mà tự nhiên, tất yếu trong cấu trúc hình tượng nhân vật (từ con người tâm lý đến con người hành động, con người cam chịu đến con người phản kháng; khép lại trang đời cũ tủi nhục, mở ra trang đời mới (dù chưa hình dung rõ tương lai sẽ như thế nào),… 
Nhà văn Tô Hoài đã có dụng công, chăm chút nhiều khi kể về sự kiện diễn ra trong khoảnh khắc dặc biệt này.
2.2. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, nhân vật Mị hiện lên trong đêm cứu A Phủ với tâm trạng diễn biến phức tạp, hành động bộc phát bất ngờ, nhưng rất thật, rất tự nhiên.
	Tâm trạng của Mị: từ thờ ơ vô cảm đến thương xót lo lắng cho A Phủ, từ sợ hãi, dè chừng đến mạnh mẽ táo bạo,…
	Hành động của Mị: từ cử chỉ lé mắt nhìn sang đến cắt dây giải cứu, từ giải cứu A Phủ đến tự giải cứu chính mình (Mị giục A phủ: “đi ngay…” rồi bất chợt xin: “A Phủ, cho tôi đi.”).
	Tâm trạng thôi thúc hành động (ví dụ: sự đồng cảm, tình thương và nỗi ái ngại trong lòng thôi thúc Mị tìm cách cứu A Phủ). Hành động là sự bộc lộ cao độ, tập trung của tâm trạng và sức sống nội tâm (ví dụ: lòng thương người bất hạnh, sự oán ghét kẻ thống trị độc ác khi lên đến cao trào thì được bộc lộ bằng hành động đầy tính chất quyết đoán mạnh mẽ ở Mị).
2.3. Tình thương và sự đồng cảm đã thức tỉnh hi vọng và làm bừng lên niềm khao khát sống tự do, hạnh phúc ở một con người bị vùi dập nặng nề, tưởng như đã chết.
	Tình thương một chàng trai vốn khỏe mạnh, gan góc táo bạo, giờ đã trở nên cam chịu khổ đau, đợi chờ cái chết trong đau đớn tuyệt vọng khiến tình thương, lòng đồng cảm trào lên trong lòng Mị (Mị nhìn thấy A Phủ khi ấy “nước mắt lấp lánh bò xuốnghai hõm má đã xám đen lại”). Tình thương ấy thắng cả nỗi sợ hãi (có thể Mị sẽ bị trói thay vào chỗ A Phủ nếu anh trốn thoát).
	Tình thương và lòng đồng cảm giai cấp đã dẫn Mị đến một hành động táo bạo: cắt dây cứu A Phủ. Nhưng cũng chính trong khoảnh khắc cứu A Phủ, một hi vọng và niềm khao khát sống đã bừng lên trong Mị, và Mị bất ngờ chạy theo A Phủ, cùng anh đi trốn, tự giải thoát cho cuộc đời mình.
	Như vậy, tâm trạng chuẩn bị cho hành động, thôi thúc hành động, rồi đến lượt mình, hành động tạo ra bước ngoặt chuyển hóa cho tâm trạng; hành động thôi thúc, vẫy gọi hành động. Đó là một quá trình vận động biện chứng của tâm lý và tính cách, thể hiện cái nhìn phát hiện và ngòi bút hiện thực tinh tế của Tô Hoài.
	
3. Nhận định, đánh giá chung về sức sống vượt thời gian của hình tượng nhân vật Mị, về giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

PHẦN RIÊNG (3 điểm)
Thí sinh chọn một trong hai câu (III.a. Hoặc III.b)

A. Yêu cầu chung (với hai câu III.a và III.b)
TS cảm thụ được đoạn thơ; đáp ứng được yêu cầu của đề bài (phát biểu cảm nhận về đoạn thơ); biết cách làm một bài văn ngắn theo lối phát biểu cảm nhận về một đoạn thơ ngắn (trong chỉnh thể bài thơ); có kĩ năng trình bày, phân tích, thuyết minh cho những cảm nhận riêng của mình (xuất phát từ hình ảnh, chi tiết nghệ thuật, ngôn từ,…); có kĩ năng trình bày diễn đạt,…

B. Những ý chính cần phải có đối với câu III.a:

1. Giới thiệu tác giả (Xuân Diệu), bài thơ (Đây mùa thu tới) và cảm nhận chung, nổi bật nhất về đoạn thơ (Ví dụ: xem đây là một đoạn thơ hay thể hiện cảm nhận tinh tế về khoảnh khắc chớm thu của Xuân Diệu).
2. Phát biểu rõ hơn về cảm nhận của mình (theo định hướng ở mục 1):
2.1. Đoạn thơ cho thấy một cách nhìn, cách cảm riêng của Xuân Diệu về thiên nhiên mùa thu.
Tác giả nhìn thiên nhiên mùa thu trong trạng thái động, vận động. Đúng là có một mùa thu đang “tới”. Mọi đường nét, màu sắc, không khí “trong vườn” dường như đều thay đổi: các loài hoa đang tàn rụng (“rụng cành”), “màu xanh” đang bị xua đuổi (“rủa”) và thay thế dần bằng “sắc đỏ”, nhánh cây thì “khô gầy xương mỏng manh”,…
2.2. Đoạn thơ diễn tả không khí chớm thu một cách mới mẻ, sinh động, rất Xuân Diệu. 
(TS phải phân tích được các chi tiết nghệ thuật chọn lọc để thuyết minh cho cảm nhận của mình. Chẳng hạn: phân tích cách nói “hơn một loài hoa đã rụng cành”, cách dùng từ “rủa” theo lối nhân hóa bất ngờ, ít nhiều ảnh hưởng của phương Tây; chữ “luồng” được dùng theo lối chuyển nghĩa (không chỉ là luồng gió, mà còn là luồng ánh sáng, âm thanh, luồng sự sống rào rạt, động cựa phập phồng trong từng gân lá, kẽ lá); cách láy âm, đảo ngữ (run rẩy rung rinh lá); dòng thơ cuối sử dụng đến năm sáu chi tiết gợi tả trạng thái khô héo, gầy guộc của tạo vật lúc vào thu (đôi, nhánh, khô, gầy, xương, mỏng manh).
3. Đánh giá chung về sức sáng tạo của hồn thơ Xuân Diệu hoặc nêu một ấn tượng đậm nét, khó quên về cảnh và tình trong đoạn thơ, bài thơ Đây mùa thu tới.

C. Những ý chính cần phải có đối với câu III.b:

1. Giới thiệu tác giả (Hàn Mặc Tử), bài thơ (Đây thôn Vĩ Dạ) và cảm nhận chung nổi bật nhất về đoạn thơ. (Ví dụ: xem đây là đoạn thơ gợi tả rất hay không khí nhịp điệu trầm buồn của cuộc sống xứ Huế, khung cảnh sông nước đêm trăng huyền ảo, thơ mộng đồng thời gửi vào đó chút tâm tình riêng của nhà thơ).
2. Phát biểu rõ hơn về cảm nhận của mình (theo định hướng ở mục 1)
2.1. Một bức tranh trầm buồn, huyền ảo, thơ mộng về thiên nhiên xứ Huế
[TS phân tích các chi tiết nghệ thuật để thuyết minh cho cảm nhận của mình. Chẳng hạn: phân tích vẻ thơ mộng, trầm buồn qua hình ảnh của gió, mây, nước, hoa; qua cái vẻ “buồn thiu”, khẽ “lay” của dòng nước, hoa bắp; qua cấu trúc luyến láy (gió theo lối gió, mây đường mây, tương đồng về cấu trúc với các câu Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Mơ khách đường xa khách đường xa); phân tích khung cảnh sông nước đêm trăng với “thuyền” trăng, “bến” trăng, “sông” trăng ,… đầy thơ mộng, tình tứ.].
2.2. Bức tranh thơ mộng, trầm buồn được cảm nhận, miêu tả qua một hồn thơ chất chứa nỗi “đau thương” và tình yêu cái đẹp của cuộc sống, của phong vị quê hương.
[TS phân tích các chi tiết nghệ thuật để thuyết minh cho cảm nhận của mình. Chẳng hạn: phân tích mối liên hệ giữa không khí trầm buồn của cảnh vật với tâm sự, tâm hồn nhân vật trữ tình: muốn hòa hợp, gặp nhau mà cứ phân ly chia rẽ (gió, mây chia đường); cảnh thuyền đậu bến, mong chở “kịp” trăng về: gợi tâm trạng đợi chờ, khắc khoải; phân tích câu hỏi tu từ Thuyền ai…có chở trăng về kịp tối nay?: tương đồng về cấu trúc, giọng điệu với các câu: Vườn ai mướt quá…? Ai biết tình ai có đậm đà?,… Tất cả cho thấy thấp thoáng đằng sau bức tranh thiên nhiên là hình ảnh, tâm sự buồn nhớ, “đau thương” của nhân vật trữ tình: bâng khuâng, thao thức trước một không gian xa cách, trước một cuộc hẹn chưa thành,…].
3. Nhận xét chung về phong vị riêng của hồn thơ Hàn Mặc Tử hoặc nêu một ấn tượng đậm nét, khó quên về cảnh và tình trong đoạn thơ, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

	Người gợi ý giải đề: NGUYỄN THÀNH THI

File đính kèm:

  • docDEDAP AN THI DH KHOI D.doc