Hướng dẫn chấm bài khảo sát học sinh giỏi năm học 2007 – 2008 Môn Ngữ Văn 8

doc4 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1590 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hướng dẫn chấm bài khảo sát học sinh giỏi năm học 2007 – 2008 Môn Ngữ Văn 8, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng Giáo dục
Thái Thụy
---------
 Hướng dẫn chấm bài khảo sát Học sinh giỏi
Năm học 2007 – 2008


Môn: Ngữ văn 8
Phần I: Trắc nghiệm 2 điểm
Gồm 2 câu, chọn đúng đáp án mỗi câu 1,0 điểm :
Câu 1
Câu 2
B
D

Phần II: Tự luận 18 điểm
Câu 1: 6 điểm
Yêu cầu: 
 Bằng hiểu biết và những kiến thức đã học, yêu cầu học sinh trình bày cảm nhận về bài thơ, không yêu cầu phân tích bài thơ.
Nội dung:
 Học sinh có thể trình bày cảm nhận theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải nêu được những ý cơ bản như sau:

a) Giới thiệu khái quát về tác giả và hoàn cảnh sáng tác bài thơ: 1 điểm
 - Nêu một số nét khái quát về nhà thơ Tố Hữu: quê ở Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông giác ngộ cách mạng khi đang học ở trường Quốc Học. ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Tố Hữu là nhà thơ lớn, là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam.
 - Bài thơ được viết tháng 7 - 1939, khi Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam vào nhà lao Thừa Phủ (Huế).

b) Trình bày cảm nhận về bài thơ: 5 điểm
+ Tình yêu cuộc sống (6 câu thơ đầu): học sinh trình bày cảm nhận chung về cảnh mùa hè hiện lên trong tâm tưởng ( hay nói cách khác: trong trí tưởng tượng) của người tù cách mạng:
 - Thế giới bên ngoài tràn đầy nhựa sống với những hình ảnh rực rỡ, âm thanh rộn ràng, ngọt ngào hương vị mùa hè qua tiếng chim tu hú, qua tiếng ve ngân, qua bầu trời trong xanh . . .
 - Thể hiện sự cảm nhận tinh tế, mãnh liệt của một tâm hồn trẻ trung, yêu đời, yêu cuộc sống ...
+ Niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng:
 - Tâm trạng đau khổ uất ức, ngột ngạt của người chiến sĩ bị giam hãm trong tù ngục . . .
 - Niềm khát khao tự do cháy bỏng: muốn đạp tan nhà tù của thực dân để trở về với cuộc sống tự do.
+ Khái quát: bức tranh mùa hè tràn đầy sự sống đối lập với tâm trạng uất ức của người chiến sĩ trong tù đã thể hiện sinh động tình yêu cuộc sống, niền khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng ...

Vận dụng cho điểm:
+ Bài trình bày đủ các ý trên, diễn đạt tốt: 5 - 6 điểm.
+ Bài trình bày tương đối đủ ý, diễn đạt tương đối tốt: 3 - 4 điểm.
+ Bài trình bày tương đối đủ ý, còn mắc một số lõi diễn đạt: 1 - 2 điểm.
+ H/s nhầm sang phân tích khổ thơ, tuy có nêu được một số ý: 0,5 điểm.
+ Không nắm được yêu cầu đề bài, trình bày lan man, diễn xuôi lại khổ thơ: 
 0 điểm.
Câu 2 : 12 điểm
Thể loại: Văn nghị luận chứng minh.
Nội dung, Yêu cầu: Làm sáng tỏ tài năng nghệ thuật và cái nhìn nhân đạo của nhà văn Nam Cao qua truyện ngắn Lão Hạc. Không yêu cầu hs phân tích truyện ngắn Lão Hạc.
Mở bài: 2 điểm
+ Giới thiệu khái quát về nhà văn Nam Cao: 1 diểm
 - Nam Cao ( 1915 - 1951 ) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, phủ Lí Nhân ( Nay là xã Hoà Hậu, huyện Lí Nhân), tỉnh Hà Nam. 

 - Ông là một nhà văn hiện thực xuất sắc với những sáng tác chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. 
 - Sau Cánh mạng tháng Tám năm 1945, Nam Cao đi theo cách mạng, ông đã tận tụy sáng tác phục vụ kháng chiến. Ông đã hi sinh trên đường công tác ở vùng sau lưng địch. Nam Cao được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
 + Giới thiệu khái quát hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ( xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945 ) 1 điểm 
 
Thân bài : 8 điểm
 a) Tài năng nghệ thuật của nhà văn Nam Cao qua truyện ngắn “Lão Hạc” : 4 điểm

+ Là một người xuất thân từ nông thôn, Nam Cao rất am hiểu cuộc sống của người nông dân chân lấm tay bùn, ông thấu hiểu nỗi khổ cực của người nông dân, chính vì thế, qua các sáng tác của mình, ông đã thành công ở mảng đề tài này. Truyện ngắn Lão Hạc là một điển hình. 0,5 điểm

+ Học sinh làm sáng tỏ tài năng nghệ thuật của nhà văn qua các ý sau:
 - Nghệ thuật kể chuyện: nét đặc sắc nhất là cách kể chuyện của nhà văn, thông qua lời kể của một nhân vật được chứng kiến câu chuyện ( Ông giáo ) làm cho câu chuyện giàu tính chân thực. . . 1 điểm 
 
 - Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật: thông qua ngoại hình và nhất là miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật rất thành công. Nhân vật chính (Lão Hạc) được miêu tả và nhìn nhận qua nhiều nhân vật khác (qua ông giáo, Binh Tư, qua vợ ông giáo . . . ) 1 điểm

 - Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện: từ những sự việc tưởng như rất vụn vặt, tác giả đã tạo ra sự hấp dẫn của câu chuyện qua các tình huống truyện : từ việc lão Hạc bán con chó vàng, lão Hạc nhờ ông giáo trông coi giúp mảnh vườn, lão Hạc xin bả chó đến cái chết thê thảm của lão Hạc ... 1 điểm

 - Tính triết lí của câu truyện: nhiều câu văn, đoạn văn giàu tính triết lí về cuộc sống, về con người, đến nay vẫn còn nguyên giá trị: 0,5 điểm
“ Chao ôi ! Đối với những người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”

Truyện ngắn Lão Hạc đã thể hiện sinh động tài năng nghệ thuật của Nam Cao - ông xứng đáng là một nhà văn xuất sắc trong trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng tháng Tám 1945.

b) Cái nhìn nhân đạo của nhà văn Nam Cao qua truyện ngắn Lão Hạc: 4 điểm

 - Nhà văn đã thấy rõ và cảm thông với nỗi khổ cực về cuộc sống túng quẫn của lão Hạc- một người nông dân nghèo khổ: nhà nghèo, vợ chết, chỉ còn đứa con trai. Phẫn chí vì không đủ tiền cưới vợ nên người con trai của lão Hạc bỏ đi đồn điền cao su… 0,5 điểm
 - Lão Hạc nuôi con chó vàng như một kỉ vật của anh con trai, như một người bạn tâm tình… Sự túng quẫn đã đẩy lão Hạc vào bi kịch: bán “ Cậu Vàng ”, thậm chí phải tìm đến cái chết thê thảm, đau đớn… 0,5 điểm
 - Cùng với việc phản ánh cuộc sống khổ cực, túng quẫn của Lão Hạc, nhà văn Nam Cao đã phản ánh khá trung thực những phảm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trước năm 1945 mà Lão Hạc là một điển hình: lão Hạc là một người cha nhất mực thương con; một con người dù nghèo khó nhưng giàu lòng tự trọng, thà chết để giữ lại mảnh vườn cho con, “ chết trong còn hơn sống đục”… 1 điểm

 - Những phẩm chất đáng quý của lão Hạc, cái chết thê thảm và đau đớn của lão Hạc đã phản ánh tình cảnh đói khổ, bế tắc của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945; đồng thời cũng thể hiện cái nhìn đầy yêu thương và trân trọng đối với người nông dân (cái nhìn nhân đạo ) của nhà văn Nam Cao… 1 điểm

 - H/s có thể phân tích kĩ hơn ý nghĩ của ông giáo sau cái chết của lão Hạc ( đây cũng chính là lời triết lí lẫn cảm xúc trữ tình của Nam Cao ). Nam Cao đã khẳng định một thái độ sống với cách nhìn nhận và cách ứng xử mang tinh thần nhân đạo sâu sắc: 1 điểm

“ Chao ôi ! Đối với những người ở xung quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi…toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương…”

 - H/s có thể so sánh với một số tác phẩm có cùng đề tài viết về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945 để làm phong phú thêm bài làm …( Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Sống chất mặc bay của Phạm Duy Tốn . . . ) 
Kết bài: 2 điểm
 - Nêu vị trí, vai trò của nhà văn và giá trị của truyện ngắn Lão Hạc.
 - Khẳng định lại tài năng nghệ thuật và cái nhìn nhân đạo của nhà văn Nam Cao qua truyện ngắn Lão Hạc . . .

Vận dụng cho điểm:
 11 đến 12 điểm: 
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có lập luận chặt chẽ, lựa chọn được dẫn chứng tiêu biểu, có sự kết hợp nhuần nhuyễn văn nghị luận với biểu cảm, bài viết có cảm xúc, diễn đạt tốt.
 9 đến 10 điểm: 
 Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có lập luận tương đối chặt chẽ, lựa chọn được dẫn chứng khá tiêu biểu, có sự kết hợp văn nghị luận với biểu cảm, diễn đạt tương đối tốt.
 7 đến 8 điểm: 
 Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được phần lớn các yêu cầu về nội dung và phương pháp, có lập luận tương đối chặt chẽ, biết lựa chọn được dẫn chứng, có sự kết hợp văn nghị luận với biểu cảm, có thể còn một số lỗi về diễn đạt .
 5 đến 6 điểm: 
 Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về nội dung và phương pháp, biết cách lập luận, biết lựa chọn được dẫn chứng, tuy nhiên chưa có sự kết hợp văn nghị luận với biểu cảm, còn mắc lỗi về diễn đạt .
 3 đến 4 điểm: 
 Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được các yêu cơ bản về nội dung và phương pháp, có đoạn còn lạc sang phân tích hoặc kể lại truyện, còn mắc nhiều lỗi về diễn đạt .
 1 đến 2 điểm: 
 Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được các yêu cơ bản về nội dung và phương pháp, có đoạn còn lạc sang phân tích hoặc kể lể, diễn đạt trùng lặp, lủng củng.

 0 điểm: Để giấy trắng.

File đính kèm:

  • docHD cham thi HSG Ngu van 8.doc