Hướng dẫn ôn tập bài làm văn số 3- Nghị Luận văn học
Bạn đang xem nội dung tài liệu Hướng dẫn ôn tập bài làm văn số 3- Nghị Luận văn học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
HƯỚNG DẪN ÔN TẬP BÀI LÀM VĂN SỐ 3- NGHỊ LUẬN VĂN HỌC I. Kết quả cần đạt: - HS biết vận dụng những kiến thức cơ bản đã học trong phần “Đọc văn” để viết bài nghị luận về đoạn thơ, bài thơ. - Vận dụng được các kĩ năng nghị luận để viết bài làm văn nghị luận văn học phù hợp với yêu cầu cụ thể của đề. II. Để làm tốt bài viết số 3, HS cần: * Ôn lại những kiến thức sau: - Kiến thức văn học sử trong bài: “Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX”, tác gia Hồ Chí Minh, Tố Hữu. - Kiến thức cơ bản của các văn bản VH: “Tây Tiến”(Quang Dũng), Việt Bắc(Tố Hữu), trích “Đất nước”(Nguyễn Khoa Điềm). - Kiến thức và kĩ năng tiếng Việt trong bài “Luật thơ” để có thể vận dụng phân tích giá trị biểu cảm, gợi hình, nhạc điệu trong các bài thơ, đoạn thơ. - Kiến thức và kĩ năng nghị luận trong bài “Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ”. * Tìm đọc tham khảo một số đoạn văn, bài văn hay. * Xem lại bài làm văn số 1, 2 để tránh những lỗi về diễn đạt, lập luận thường mắc. III. Đề tham khảo: Câu 1.(2 điểm) Trình bày những nét chính trong quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh. Câu 2. (2điểm) Nhận xét của anh (chị) về cách sử dụng hai từ “mình” và “ta” trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Câu 2.(6 điểm) “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi. Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó...” Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ trên. IV. Hướng dẫn làm bài: Câu 1: Các ý chính: - Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. - Luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. - Bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Câu 2: Các ý chính: - “Mình” và “ta” là cách xưng hô thường thấy trong ca dao, thường để chỉ hai cá nhân cụ thể, tạo nên sự gần gũi, thân thiết; đó còn là cách xưng hô có tính chất lấp lửng và phải có quan hệ gắn bó, mặn mà lắm mới có cách xưng hô như thế. - Tố Hữu đã vận dụng một cách sáng tạo lối xưng hô đằm thắm ấy của ca dao: “mình”, “ta” mang tính phiếm chỉ, biểu thị cho kẻ ở, người đi; “mình”-“ta” hoán đổi cho nhau; đặc biệt Tố Hữu còn vận dụng nét nghĩa lấp lửng khiến “mình” và “ta” thêm hàm nghĩa phong phú. Câu 3: a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vị trí đoạn trích. b. Về đoạn trích: Đất Nước là tất cả những gì gần gũi thân thương với mỗi con người: - Đất Nước hiện lên từ huyền thoại, cổ tích. - Đất Nước hiện lên qua thuần phong, mĩ tục, gắn với bản sắc văn hóa của dân tộc. - Đất Nước gắn với truyền thống tình nghĩa thủy chung. - Đất Nước gắn liền với phẩm chất cần cù, tần tảo, chịu thương chịu khó của dân tộc. - Đất Nước gắn liền với truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm. (HS phân tích các từ ngữ, hình ảnh để làm nổi bật những ý trên.) c. Đánh giá về đoạn trích - Về nội dung: Đoạn thơ là một định nghĩa theo cách riêng của Nguyễn khoa Điềm về Đất Nước: không trừu tượng, siêu hình mà gần gũi, thân thuộc với mọi người. - Về nghệ thuật: chất liệu văn hóa dân gian; thể thơ tự do; giọng thơ trữ tình- chính luận sâu lắng, thiết tha. BÀI VIẾT SỐ 3- NGHỊ LUẬN VĂN HỌC ĐỀ BÀI Câu 1(2đ). Nêu những nét chính trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu. Câu 2(2đ). Bằng một văn bản ngắn (khoảng 12-15 dòng), giới thiệu bài “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Câu 3(6đ) Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành” HƯỚNG DẪN LÀM BÀI Câu 1: Các ý chính: - Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình chính trị rất sâu sắc. - Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi. - Giọng thơ mang tính chất tự nhiên, đằm thắm, ngọt ngào. - Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu đậm đà tính dân tộc. Câu 2: Các ý chính cần có: - Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ trẻ tiêu biểu trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người. - “Đất Nước” là chương V trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, cũng được xem như một bài thơ trọn vẹn. - Bài thơ thể hiện sự cảm nhận và lí giải của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước trên nhiều phương diện; bộc lộ tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”- tư tưởng quy tụ mọi cách nhìn nhận, đưa đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lí, lịch sử, văn hóa. Qua đó, thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, ca ngợi truyền thống văn hóa... của dân tộc. - Lối thơ tự do phù hợp với mục đích giải thích tâm tình, nhắc nhở; chất liệu văn hoa dân gian đã làm nên vẻ đẹp độc đáo của bài thơ. Câu 3: HS có thể trình bày linh hoạt theo ý riêng của mình song cần có các ý chính sau: a. Khái quát về tác giả, tác phẩm, vị trí của đoạn trích, vị trí của tác giả trong văn học Việt Nam hiện đại. b. Phân tích đoạn thơ * Hai câu đầu: - Hiện thực khắc nghiệt làm nổi bật hình ảnh chân thực của người lính, hình ảnh thơ gợi nhiều liên tưởng (“không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”). - Nghệ thuật đối lập (ngoại hình và tinh thần), từ ngữ độc đáo (dữ oai hùm), bút pháp nghệ thuật nghiêng về cảm hứng lãng mạn, chất bi hùng hòa quyện. * Hai câu tiếp: Vẻ đẹp tâm hồn của người lính - Tinh thần căm thù giặc, tình yêu quê hương sâu sắc. - Lãng mạn, mộng mơ, tinh thần lạc quan, tâm hồn hào hoa, thanh lịch của người lính Hà thành. * Bốn câu sau: - Cái chết bi tráng của người lính. - Ý chí quyết tâm, sẵn sàng hiến dâng đời mình cho Tổ Quốc. - Âm điệu thơ trang trọng; sử dụng nhiều từ Hán Việt; lối nói dứt khoát, khẳng định; cách nói giảm; nghệ thuật nhân hóa góp phần ca ngợi sự hi sinh cao đẹp của người lính. - Quang Dũng đã bất tử hóa cái chết của những người lính năm xưa qua hình ảnh đẹp, gợi cảm “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. BIỂU ĐIỂM Câu 1: Mỗi ý 0,5đ (bao gồm cả hành văn) Câu 2: Mỗi ý 0,5đ ( bao gồm cả hành văn) Câu 3: - Điểm 6: Bài viết đầy đủ nội dung, hành văn tốt, luận điểm rõ ràng, văn có cảm xúc, bài làm có liên hệ, sáng tạo. - Điểm 5: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bố cục rõ ràng, có thể mắc một vài lỗi diễn đạt nhỏ. - Điểm 3-4: Đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, có thể mắc một số lỗi diễn đạt nhưng câu văn vẫn rõ ràng. - Điểm 2: Phân tích chung chung, mắc nhiều lỗi diễn đạt. - Điểm 1: Chưa hiểu đề hoặc viết lan man. - Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc không viết được gì.
File đính kèm:
- Bai viet so 3 lop 12.doc