Kể chuyện theo tranh Tiếng Việt lớp 1

doc6 trang | Chia sẻ: trangpham20 | Lượt xem: 1123 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kể chuyện theo tranh Tiếng Việt lớp 1, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mèo dạy Hổ
Xưa kia, Mèo nổi tiếng là một thầy dạy võ cao siêu. Hổ to lớn phục phịch nhưng không biết võ. Nó cậy mình có dáng giống Mèo liên lân la đến làm quen và cuối cùng xin Mèo truyền cho võ nghệ. Mèo nhận lời:
Hằng ngày, Mèo đến lớp, học tập chuyên cần. Nó muốn nhanh chóng nắm được hết bí quyết võ thuật của Mèo để làm chúa tể. Thấy Hổ ham học hỏi, Mèo cũng không tiếc công sức và thời gian, dạy dỗ nó rất nhiệt tình. Thấm thoắt, Hổ đã theo gần hết khóa học. Nó đắc chí về khả năng võ nghệ của mình và nghĩ rằng vốn của thầy đã cạn rồi.
Một lần, Hổ phục sẵn, khi thấy Mèo đi qua, nó liền nhảy ra vồ Mèo rồi đuổi theo định ăn thịt. Mèo liền chống trả rất quyết liệt. Nhân lúc Hổ sơ ý Mèo nhảy tót lên một cây cao. Hổ đứng dưới đất gầm gào, bất lực. Đến lúc đó Hổ mới tiếc là chưa học hết các môn võ của thầy.
Sau trận ấy, Hổ xấu hổ quá. Nó chạy thật xa vào rừng và không bao giờ dám gặp Mèo nữa./.
Anh nông dân và con cò
Có một anh nông dân, trên đường đi làm về bắt gặp một chú cò con. Cò còn nhỏ quá, chưa đủ lông cánh, lại bị rớt từ cây cao xuống nên gãy mất một chân.
Anh liền mang cò về nhà chạy chữa và nuôi nấng. Cò nhanh chóng trở lại bình thường và nó rất biết ơn anh. Hằng ngày, anh ra đồng làm việc. Cò con trông nhà. Nó lò dò đi khắp nhà bắt ruồi, dọn dẹp nhà cửa. Khi đẹp trời, anh nông dân cho cò cùng mình ra cánh đồng. Cò tha thẩn chơi, thỉnh thoảng lại cúi xuống mò tôm bắt cá. Tình nghĩa giữa cò và anh nông dân thật thắm thiết.
Một hôm, cò con nhìn lên bầu trời, nó bỗng thấy từng đàn cò đang bay liệng vui vẻ. Nó nhớ lại những ngày tháng còn đang vui sống cùng bố mẹ và anh chị em. Cò buồn lắm, nhưng không nỡ nào chia tay với người đã cứu sống mình. Biết chuyện, anh nông dân khuyên cò nên sớm trở về với gia đình. Lúc đầu cò không chịu, nhưng anh cứ khuyên mãi, nó đành nghe theo.
Cò bay trở về với bầy đàn của minh vào một buổi đẹp trời. Mỗi khi có dịp nó cùng đàn cò kéo tới thăm anh nông dân và cánh đồng của anh../
Thỏ và Sư tử
ở một khu rừng nọ có một con Sư tử rất hung dữ và kiêu ngạo. Mỗi ngày, một con thú nhỏ phải đến nộp mình cho nó. Đâu đâu trong khu rừng chỉ nghe thấy tiếng than khóc. Thấm thoắt đã đến lượt Thỏ phải đi nộp mình. Thỏ quyết tâm tìm cách hạ gục Sư tử.
Thỏ đến gặp Sư tử thật muộn. Vừa thấy bỏng Thỏ, Sư tử đã gầm lên:
- Sao mày đến muộn thể ?
Thỏ bình tĩnh trả lời:
- Tôi vừa ra khỏi cửa thì có một ông Sư tử khác cứa giữ tôi lại và đòi ăn thịt. Tôi nói khó mãi mới được về đây gặp ông.
Sư tử lại gào lên:
- Sao lại có kẻ to gan, dám trêu ta. Hãy đưa ta đến ngay để gặp nó.
Thỏ dẫn Sư tử đến một cái giếng. Sư tử nhìn xuống đáy giếng thấy một con Sư tử hung dữ đang chằm chằm nhìn mình. Sư tử giơ tay dọa thì Sử tử kia cũng giơ tay ra. Sư tử gào lên thì con kia cũng gào lên dọa nạt. Tức mình, nó liền nhảy xuống định cho con Sư tử kia một trận. Sư tử giãy giụa mãi rồi sặc nước mà chết.
Thỏ đi loan báo tin vui cho cả khu rừng. Ai cũng mến phục tài trí của Thỏ./.
Thánh Gióng
Có một em bé lên 3 tuổi vẫn chưa biết cười nói. Bỗng một hôm có người rao: Vua đang cần người đánh giặc. Chú bé liền bảo với người nhà ra mời sứ giả vào, rồi chú nhận lời đi đánh giặc.
Từ đó chú bỗng lớn nhanh như thổi. Đợi đến lúc đã có đủ nón sắt, gậy sắt, ngựa sắt, chú liền chia tay cha mẹ, xóm làng, nhảy lên ngựa sắt ra trận. Ngựa sắt hí vang, phun lửa rồi phi thật nhanh.
Chú và ngựa đi đến đâu, giặc chết như rạ, trốn chạy tan tác. Bỗng gậy sắt gãy. Tiện tay, chú liền nhổ luôn cụm tre cạnh đó thay gậy, tiếp tục chiến đấu với kẻ thù.
Giặc sợ khiếp vía, rút chạy dài. Đất nước trở lại yên bình. Chú dừng tay, buông cụm tre xuống. Tre gặp đất, trở lại tươi tốt lạ thường. Vì tre đã nhuộm chiến trận nên vàng óng. Đó là giống tre ngà ngày nay vẫn còn mọc một vài nơi trên đất nước ta.
Còn chú bé với con ngựa sắt thì vẫn tiếp tục phi. Đến một đỉnh núi cao, họ dừng chân. Chú ghìm cương ngựa, ngoái nhìn lại làng xóm quê hương, rồi chắp tay từ biệt. Ngựa sắt lại hí vang, móng đạp xuống đá rồi nhún một cái, đưa chú bé bay thẳng về trời.
Đời sau gọi chú bé là Thánh Gióng./.
Khỉ và Rùa
Có một đôi bạn thân là Khỉ và Rùa. Rùa thì chậm chạp nhưng nhanh mồm nhanh miệng, còn khỉ thì nhanh nhẹn nhưng tính lại rất cẩu thả.
Một hôm, Khỉ báo cho Rùa biết là nhà Khỉ vừa có tin mừng. Vợ Khỉ vừa sinh con. Rùa liền vội vàng theo Khỉ đến thăm nhà Khỉ.
Đến nơi, Rùa băn khoăn không biết làm cách nào lên thăm vợ con Khỉ được vì nhà Khỉ ở trên một chạc cao. Bỗng Khỉ nảy ra sáng kiến:
- Bác cứ ngậm chặt vào cái đuôi của tôi. Tôi đi đến đâu thì bác cũng tới đó.
Rùa nghê thật có lí, vội ngậm đuôi Khỉ. Khỉ trèo thật nhanh về nhà. Chúng vừa về tới cổng, vợ Khỉ đã đon đả chạy ra:
- Chào bác Rùa, quý‏ ‎ hóa quá. Bác là khách quý‏ đầu tiên của vợ chồng em đấy. Bác gái ở nhà có khỏe không ? Dạo này bác làm ăn thế nào ?.
Bản tính là người hay nói, Rùa quên cả việc mình đang ngậm đuôi Khỉ, liền mở miệng đáp lễ. Thế là bịch một cái, Rùa rơi xuống đất./.
Cây khế
Nhà kia có hai anh em, bố mẹ mất sớm. Người anh tham lam còn người em thì thật thà hiếu thảo. Người anh lấy vợ, ra ở riêng, chia cho em mỗi một cây khế ở góc vườn. Người em liền làm nhà cạnh cây khế và chăm sóc cây. Cây khế ra rất nhiều trái to và ngọt.
Một hôm, có một con đại bàng từ đâu bay đến. Đại bàng ăn khế và hứa sẽ đưa người em ra một hòn đảo có rất nhiều vàng bạc, châu báu. Người em theo đại bàng bay tới một hòn đảo và nghe lời đại bàng, chỉ nhặt lấy một ít vàng bạc. Trở về, người em trở nên giàu có.
Người anh sau khi nghe chuyện của em liền bắt em đổi cây khế lấy nhà cửa, ruộng vườn của mình.
Rồi một hôm, con đại bàng lại bay đến ăn khế. Người anh cũng theo đại bàng ra đảo. Nhưng khác với em, người anh lấy quá nhiều vàng bạc. Khi bay ngang qua biển, đại bàng đuối sức vì chở nặng quá. Nó xả cánh, người anh bị rớt xuống biển./.
Sói và cừu
Có một con Cừu đang gặm cỏ trên cánh đồng. Mải ăn, Cừu đi mãi, ra tận giữa bãi, chẳng thấy bóng dáng một người quen nào.
Một con chó Sói đói đang lồng lộn đi tìm thức ăn, bỗng gặp Cừu. Nó chắc mẩm được một bữa ngon lành. Nó tiến lại và nói:
- Này Cừu, hôm nay mày tận số rồi. Trước khi chết mày có mong ước gì không ?. Cừu nhanh trí trả lời:
- Tôi nghe nói, Sói là bậc anh hùng. Trước khi ăn Sói bao giờ cũng hát. Vậy cớ sao ăn thịt tôi mà anh lại không hát lên ?
Sói nghĩ con mồi này không thể chạy thoát được. Nó liền hắng giọng rồi cất tiếng sủa lên thật to.
Tận cuối bãi, người chăn Cừu bỗng nghe tiếng gào của chó sói. Anh liền chạy nhanh đến. Sói vẫn đang ngửa mặt lên, rống ông ổng. Người chăn cừu liền giáng cho nó một gậy. Cừu thoát nạn./.
Chia phần
Có hai người đi săn. Từ sớm đến gần tối họ chỉ săn được có ba chú Sóc nhỏ. Khi quay trở về, họ tìm cách chia số Sóc vừa săn được.
Họ chia đi chia lại, chia mãi nhưng phần của hai người vẫn không đều nhau. Lúc đầu còn vui vẻ, sau họ đâm ra bực mình, nói nhau chẳng ra gì.
Vừa khi ấy, có một người kiếm củi đi qua. Anh kiếm củi liền đặt gánh củi xuống rồi nghe hai người nói. Ngẫm nghĩ một lúc, anh kiếm củi liền lấy số Sóc ra chia:
- Các anh đi săn, công lao vất vả. Mỗi anh được nhận một con. Còn tôi chia giúp các anh, tôi cũng nhận một con.
Thế là số Sóc đã được chia đều. Thật công bằng ! Cả ba người vui vẻ, ai về nhà nấy./.
Quạ và Công
Ngày xưa, bộ lông của Quạ và Công chưa có màu như bây giờ. Một hôm, chúng bàn nhau đi tìm màu để vẽ lại cho thật đẹp.
Quạ vẽ cho Công trước. Quạ vẽ rất khéo. Thoạt tiên nó dùng màu xanh tô đầu, cổ và mình Công. Rồi nó lại nhẩn nha tỉa vẽ cho từng chiếc lông ở đuôi Công. Mỗi chiếc lông đuôi đều được vẽ những vòng tròn và được tô màu óng ánh, rất đẹp. Vẽ xong, Công còn phải xòe đuôi phơi cho thật khô.
Đến lượt Công vè cho Quạ. Công vốn không khéo tay, nên lúng túng lắm. Bỗng nghe tiếng Lợn kêu, trong làng đang có đám. Quạ nghĩ: giá kịp thì mình sẽ kiếm được một bữa ngon lành. Quạ liền giục Công:
- Vẽ nhanh lên. Mình không ưa màu lòe loẹt.
Bị giục, Công lại càng lúng túng. Tiếng Lọn kêu ngày một to. Quạ sốt ruột. Nó bảo Công đổ hết các màu lên mình nó. Công khuyên mãi chẳng được. Nó đành làm theo lời bạn.
Cả bộ lông Quạ trở nên xám xịt, nhem nhuốc. Quạ hấp tấp bay đi - Nó chẳng còn tâm trí đâu mà để ý‏ đến bộ lông của nó lúc này. /.
Đi tìm bạn
Sóc và Nhím là đôi bạn thân. Chúng thường nô đùa, hái hoa, đào củ cùng nhau.
Nhưng có một ngày gió lạnh từ đâu kéo về. Rừng cây thi nhau trút lá, khắp nơi lạnh giá. Chiều đến, Sóc chạy tìm Nhím. Thế nhưng ở đâu Sóc cũng chỉ thấy cỏ cây im lìm, Nhím thì biệt tăm. Vắng bạn, Sóc buồn lắm. Gặp bạn Thỏ, Sóc bèn hỏi Thỏ có thấy bạn Nhím ở đâu không ? Nhưng Thỏ lắc đầu bảo không, khiến Sóc càng buồn thêm. Đôi lúc nó nghĩ dại: hay Nhím bị Sói bắt mất rồi. Rồi Sóc lại chạy đi tìm Nhím khắp nơi.
Mãi đến khi mùa xuân đưa ấm áp đến từng nhà. Cây cối thi nhau nảy lộc, chim chóc hót véo von, Sóc mới gặp lại được Nhím. Gặp lại nhau, chúng vui lắm. Chúng lại chơi đùa như ngày nào. Hỏi chuyện mãi rồi Sóc cũng biết: cứ mùa đông đến, họ nhà Nhím lại phải đi tìm chỗ tránh rét, nên cả mùa đông, chúng bặt tin nhau./.
Chuột nhà và chuột đồng
Một ngày nắng ráo, Chuột nhà về quê thăm chuột đồng. Gặp chuột đồng, nó liền hỏi:
- Dạo này bác sống thể nào ? Đưa thử thức ăn hàng ngày của bác ra đây tôi xem nào.
Chuột đồng chui vào góc hang bê ra nào là những thân cây đã khô queo, nào là những củ, quả vẹo vọ. Chuột đồng đã khó nhọc kiếm chúng trên cánh đồng làng: Chuột nhà chê:
- Thế mà cũng gọi là thức ăn à, ở thành phố thức ăn sạch sẽ, ngon lành mà lại dễ kiếm. Thôi, bác lên thành phố với em đi, no đói có nhau.
Nghe bùi tai, Chuột đồng bỏ quê lên thành phố.
Tối đầu tiên đi kiếm ăn, Chuột nhà phân công:
- Em chạy vào nhà khuôn thức ăn ra, còn bác thì tha về hang nhé.
Vừa đi một lát, Chuột nhà đã hớt hải quay lại. Một còm mèo đang rượt theo. Hai con vội chui tuột vào hang.
Chuột nhà an ủi Chuột đồng:
- Thua keo này bày keo khác. Ta sẽ đi lối khác kiếm ăn.
Lần này chúng mò đến kho thực phẩm. Vừa lúc ấy, chủ nhà mở kho để lấy hàng. Một con chó dữ cứ nhằm vào hai chị em chuột mà sủa. Chúng đành rút về hang với cái bụng đói meo.
Sáng hôm sau, Chuột đồng thu xếp hành lí, vội chia tay Chuột nhà. Nó nói:
- Thôi, thà về nhà cũ gặm mấy thứ xoàng xĩnh nhưng do chính tay mình làm ra còn hơn ở đây thức ăn có vẻ ngon đấy nhưng không phải của mình. Lúc nào cũng phải lo lắng, đề phòng. Sợ lắm ! ./.
Anh chàng ngốc và con Ngỗng vàng
Nhà kia có một anh con út rất ngốc nghếch. Mọi người gọi anh là Ngốc. Một lần vào rừng, Ngốc gặp một cụ già. Cụ xin Ngốc nhường thức ăn cho mình. Ngốc liền mời cụ ngay, ăn xong, cụ nói:
- Con là người rất tốt. Con xứng đáng nhận được món quà qúy từ sau cái cây kia.
Theo hướng cụ chỉ, Ngốc bắt được một con Ngỗng có bộ lông vàng. Ngốc mừng lắm, ẵm Ngỗng về nhà.
Trên đường, anh tạt vào một quán trọ. Ba cô con gái con ông chủ đều muốn có những chiếc lông Ngỗng bằng vàng. Nhưng khi họ đến rút lông Ngỗng thì tay liền bị dính ngay vào Ngỗng, không ra được.
Ngốc tiếp tục lên đường. Anh không biết có 3 cô gái vẫn đang lẽo đẽo theo sau. Dọc đường, có một người đàn ông định kéo giúp các cô nhưng tay ông bị dính vào luôn. Rồi có hai người nông dân đang vác cuốc cũng giơ tay ra cứu người đàn ông nhưng họ cũng bị dính tiếp.
Thế là cả đoàn 7 người kéo nhau lên Kinh đô.
Vừa lúc Kinh đô có chuyện lạ: Công chúa chẳng cười chẳng nói và vua đã treo giải: ai làm cho công chúa cười thì sẽ được cưới nàng làm vợ.
Công chúa nhìn thấy đoàn bảy người cùng con Ngỗng đi lếch thếch thì buồn cười quá. Nàng cất tiếng cười sằng sặc.
Ngốc được giải. Anh được cưới công chúa xinh đẹp làm vợ./.

File đính kèm:

  • docKe chuyen theo tranh lop 1.doc
Đề thi liên quan