Khảo sát học sinh giỏi cấp huyện năm học 2011-2012 Môn: Ngữ Văn 6 huyện Thái Thụy

doc5 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 3204 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Khảo sát học sinh giỏi cấp huyện năm học 2011-2012 Môn: Ngữ Văn 6 huyện Thái Thụy, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ONTHIONLINE.NET

PHÒNG DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÁI THỤY
KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2011-2012
Môn: Ngữ văn 6
ĐỀ CHÍNH THỨC

Thời gian: 120 phút 
(Không kể thời gian giao đề)



Câu 1. 	(4 điểm)

	Viết đoạn văn ngắn (có độ dài khoảng mười đến mười hai dòng Tờ giấy thi) nêu cảm nhận của em về nhân vật Kiều Phương trong văn bản Bức tranh của em gái tôi của nhà văn Tạ Duy Anh. Trong đó có sử dụng phép tu từ: so sánh, nhân hóa. 

Câu 2. 	(6 điểm)
Nhà thơ Minh Huệ từng tâm sự: Bên cạnh hình tượng Bác Hồ, ngọn lửa là “một nhân vật không thể thiếu” trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ. 
Nghĩa là hình ảnh ngọn lửa ở đây rất sinh động và mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Qua bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, em hãy:
a) Ghi ra những câu thơ có hình ảnh ngọn lửa.
b) Nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của hình ảnh ngọn lửa trong bài thơ.

Câu 3.	(10 điểm)	
Trong thiên nhiên, có những sự biến đổi thật kỳ diệu: mùa đông, lá bàng chuyển sang màu đỏ rồi rụng hết; sang xuân, chi chít những mầm non nhú lên, tràn trề nhựa sống. 
Em hãy tưởng tượng và viết thành một câu chuyện có các nhân vật: Cây Bàng, Đất Mẹ, Lão già Mùa Đông, Nàng tiên Mùa Xuân để gợi tả điều kỳ diệu ấy của thiên nhiên.




Họ và tên: …………………………………………… ; Số báo danh: …………


PHÒNG DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THÁI THỤY
HƯỚNG DẪN CHẤM
KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2011-2012

Môn: Ngữ văn 6


I. Hướng dẫn chung
- Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh trường hợp đếm ý cho điểm hoặc bỏ sót ý trong bài làm của học sinh.
- Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có sáng tạo, có ý tưởng riêng và giàu chất văn.
- Giáo viên cần vận dụng đầy đủ các thang điểm. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm (không làm tròn).
 
II. Đáp án và thang điểm
 
Câu 1.	4 điểm
 Viết đoạn văn ngắn (có độ dài khoảng mười đến mười hai dòng Tờ giấy thi) nêu cảm nhận của em về nhân vật Kiều Phương trong văn bản Bức tranh của em gái tôi của nhà văn Tạ Duy Anh. Trong đó có sử dụng phép tu từ: so sánh, nhân hóa.

 + Về mặt hình thức: Bài viết đáp ứng hai yêu cầu của đề (có độ dài khoảng mười đến mười hai dòng; có sử dụng các phép tu từ: so sánh, nhân hoá); Văn viết trong sáng, biểu cảm, diễn đạt trôi chảy. 	2 điểm

 + Về mặt nội dung: cảm nhận được vẻ đẹp của nhân vật Kiều Phương (tình cảm trong sáng hồn nhiên, có tài năng hội họa và lòng nhân hậu). Chính vẻ đẹp tâm hồn của Kiều Phương đã giúp cho người anh nhận ra và vượt lên những hạn chế của mình (tự ti, tự ái, sự đố kị ...)	2 điểm

Câu 2.	6 điểm
Nhà thơ Minh Huệ từng tâm sự: Bên cạnh hình tượng Bác Hồ, ngọn lửa là “một nhân vật không thể thiếu” trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ. 

Nghĩa là hình ảnh ngọn lửa ở đây rất sinh động và mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Qua bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, em hãy:

 a) Ghi ra những câu thơ có hình ảnh ngọn lửa.	2 điểm
 Yêu cầu học sinh ghi đủ 4 câu thơ có hình ảnh ngọn lửa, ghi đúng mỗi câu 0,5 điểm:	
 	Lặng yên bên bếp lửa	(1)

Đốt lửa cho anh nằm 	(2)

 	Ấm hơn ngọn lửa hồng	(3)

Bác nhìn ngọn lửa hồng	(4)

b) Nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của hình ảnh ngọn lửa trong bài thơ. 
	4 điểm
+ Trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ, hình ảnh này có rất nhiều ý nghĩa, trước hết đó là hình ảnh thực rất đẹp, là ngọn lửa tự tay Bác đốt lên, tỏa sáng, tỏa ấm giữa rừng khuya giá lạnh.	1 điểm

+ Hình ảnh ngọn lửa xuất hiện ở cả phần đầu và cuối bài thơ mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Ngọn lửa soi sáng bức chân dung Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với những nét thật gần gũi, giản dị …	1 điểm

+ Hình ảnh ngọn lửa soi tỏ cả tấm lòng Bác với các chiến sĩ, với nhân dân, như tình cảm của người cha dành cho những đứa con yêu (Bác không ngủ, đốt lửa sưởi ấm cho các anh, đi dém chăn cho từng người với bước chân nhẹ nhàng, trầm ngâm lo nghĩ, ...). Nhờ thế, hình ảnh Bác hiện ra thật thiêng liêng mà cũng thật gần gũi.	1 điểm
	
+ Nhà thơ còn dùng hình ảnh ngọn lửa để so sánh: 
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng
Hình ảnh “ngọn lửa” ở đây lại gợi tả được sự lớn lao bao trùm cả không gian, ngang tầm trời đất, tôn vinh sự vĩ đại của Bác và ngợi ca tình yêu thương Người dành cho các chiến sĩ ấm áp, mạnh mẽ hơn “ngọn lửa hồng”.	1 điểm

Câu 3:	10 điểm
1) Yêu cầu chung:
 - Đề bài yêu cầu học sinh kể câu chuyện tưởng tượng về sự biến đổi kì diệu của thế giới thiên nhiên. 
 - Đề mở, chỉ gợi ý về các nhân vật, về tình huống, còn người kể tự xác định nội dung. Dù chọn nội dung nào thì câu chuyện cũng phải có một ý nghĩa nhất định (ca ngợi Đất Mẹ, ca ngợi Mùa Xuân, ca ngợi sức sống của cỏ cây, hoa lá, ...)

 - Học sinh có thể chọn cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (Cây Bàng tự kể chuyện mình) hoặc kể ở ngôi thứ ba … 


2) Yêu cầu cụ thể:
 a) Mở bài:	2 điểm
- Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.	1 điểm
- Giới thiệu (khái quát) các nhân vật trong câu chuyện.	1 điểm

 b) Thân bài:	6 điểm
 Số lượng nhân vật chỉ cần đúng theo gợi ý của đề (Cây Bàng, Đất Mẹ, Lão già Mùa Đông, Nàng tiên Mùa Xuân). 
+ Các nhân vật phải được đặt trong tình huống cụ thể với sự dẫn dắt câu chuyện: từ mùa đông chuyển sang mùa xuân, cây cối như được tiếp thêm sức sống mới…	2 điểm
+ Kết hợp vừa kể chuyện, vừa miêu tả các nhân vật, khung cảnh:2 điểm
- Cây Bàng về mùa đông: trơ trụi, gầy guộc, run rẩy, cầu cứu Đất Mẹ.	
0,5 điểm 
- Đất Mẹ điềm đạm, dịu dàng động viên Cây Bàng dũng cảm chờ đợi Mùa Xuân và dồn chất cho cây. 	0,5 điểm
- Lão già Mùa Đông: già nua, xấu xí, cáu kỉnh,... 	0,5 điểm
- Nàng tiên Mùa Xuân: trẻ trung, tươi đẹp, dịu dàng .... 	0,5 điểm
+ Thông qua câu chuyện (có thể có mâu thuẫn, lời thoại…) , làm rõ sự tương phản giữa một bên là sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên, của sự sống (Cây Bàng, Đất Mẹ, Mùa Xuân) và một bên là sự khắc nghiệt, lạnh lẽo (Mùa Đông)…	
2 điểm
HS có thể kết hợp kể chuyện với miêu tả và phát biểu cảm nghĩ…
(Lưu ý: ghi điểm theo ý như trên chỉ là những gợi ý, trong bài làm, học sinh có thể trình bày gộp các ý hoặc kết hợp giữa miêu tả các nhân vật với kể chuyện và có cách kể sáng tạo hơn – giáo viên cần khuyến khích sự sáng tạo và cách trình bày khác của hs, không vận dụng thang điểm một cách máy móc)

 c) Kết bài:	2 điểm
- Khẳng định lại sự biến đổi kì diệu của thiên nhiên …	1 điểm
- Có thể phát biểu cảm xúc, suy nghĩ của em về mua xuân, về thiên nhiên…
	1 điểm
3) Vận dụng cho điểm:
Điểm 9 -10: Hiểu đề sâu sắc. Đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp. Vận dụng tốt văn kể chuyện để kể lại câu chuyện theo trí tưởng tượng, có kết hợp với miêu tả. Trình bày và diễn đạt tốt, bố cục rõ, chữ viết đẹp, bài làm có cảm xúc và sáng tạo.

Điểm 7 - 8: Hiểu đề. Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của đề. Biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại câu chuyện theo trí tưởng tượng, có kết hợp với miêu tả. Trình bày và diễn đạt tương đối tốt, bố cục rõ, bài làm có cảm xúc nhưng còn đôi chỗ kể chưa sáng tạo …
Có thể mắc một số lỗi nhỏ về chính tả và ngữ pháp.

Điểm 5 - 6: Tỏ ra hiểu đề. Đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và phương pháp. Vận dụng văn kể chuyện tưởng tượng chưa tốt, có miêu tả các nhân vật và khung cảnh nhưng chưa rõ, nhiều chỗ còn lan man. Còn mắc lỗi về chính tả và ngữ pháp.

Điểm 3 - 4: Chưa hiểu yêu cầu của đề bài, chưa biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại một câu chuyện theo trí tưởng tượng, có nhiều đoạn lạc sang kể lể lan man, lủng củng …

Điểm 1 - 2: Chưa hiểu yêu cầu của đề bài, không biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại một câu chuyện theo trí tưởng tượng, có nhiều đoạn lạc đề, lủng củng …

Điểm 0: Bài để giấy trắng.


File đính kèm:

  • docDe thi hoc sinh gioi Ngu van lop 6 cuc hay.doc