Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 THPT môn ngữ văn năm học 2010-2011 (dành cho học sinh các trường thpt)

doc5 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1136 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 THPT môn ngữ văn năm học 2010-2011 (dành cho học sinh các trường thpt), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
-------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
 
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 THPT
MÔN NGỮ VĂN 
NĂM HỌC 2010-2011
(Dành cho học sinh các trường THPT)
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề).
------------------------------------------

 
Đề bài
	
Câu 1 (3,0 điểm)
Suy nghĩ của anh/chị về câu nói của nhà thơ Pháp Phrăngxoa Côpê: “Người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ”.
Câu 2 (7,0 điểm)
Tính điển hình của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao.

---------HẾT---------
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm

Họ tên học sinh……………………………..Số báo danh…………………..





















SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC


HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 11 THPT
MÔN NGỮ VĂN 
NĂM HỌC 2010-2011
(Dành cho học sinh các trường THPT)
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề).
------------------------------------------

Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa câu nói:
- Phường ích kỉ: Là những người chỉ biết sống cho riêng mình, không quan tâm đến người khác, luôn lo sợ người khác động chạm, nhờ vả mình. Những người đó luôn sống thu mình, không giao tiếp và khi cần giao tiếp bao giờ cũng tính đến cái lợi cho bản thân.
- Đôi mắt ráo hoảnh: cái nhìn lạnh lùng, không có tình cảm con người. 
- Người ta chỉ xấu xa trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỉ: Những người ích kỉ không bao giờ nhìn thấy mặt tốt đẹp mà chỉ nhìn thấy những mặt xấu của người khác.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Khẳng định ý nghĩa đúng đắn: Câu nói của nhà thơ Pháp hoàn toàn đúng đắn, thể hiện cách nhìn, cách đánh giá phiến diện một chiều về con người của những kẻ ích kỉ. Người ích kỉ luôn coi trọng bản thân nên có cách nhìn, đánh giá cuộc đời, xã hội theo cách riêng của mình mà đặc trưng là xem thường, coi khinh người khác. Người ích kỉ không hề có sự đồng cảm sẻ chia. Vì vậy tất cả những ai không liên quan đến họ, không đem lại lợi ích cho họ đều là kẻ xấu xa. Đây là cách nhìn nhận sai trái cần loại bỏ.
- Cách nhìn nhận đúng đắn về con người:
+ Để có cách nhìn nhận, đánh giá đúng về con người cần sống vị tha, nhân ái, đặt mình vào vị thế của người khác để hiểu rõ hoàn cảnh của họ.
+ Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, cần nhìn nhận đánh giá đầy đủ, toàn diện, cố gắng nhìn ra những mặt tốt của họ để dễ dàng thông cảm, tha thứ.
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Sống hoà mình vào tập thể cộng đồng, không ích kỉ, vụ lợi cá nhân. 
- Đấu tranh chống những biểu hiện của lối sống ích kỉ, cá nhân chủ nghĩa, hướng tới xã hội tốt đẹp.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức 
Thí sinh cần phân tích làm sáng tỏ tính điển hình của nhân vật Chí Phèo của Nam Cao. Song trước khi đi vào phân tích tính điển hình của nhân vật, thí sinh cần trình bày được những hiểu biết cơ bản về điển hình trong văn học (ở đây nói đến nhân vật điển hình hoặc tính cách điển hình) làm cơ sở lí luận. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau: 
1. Nhân vật điển hình:
- Là hình tượng nghệ thuật được sáng tạo ra bằng phương pháp điển hình hoá, vừa có cá tính sắc nét, là “con người này” (Hê-ghen) vừa phản ánh được một số mặt bản chất của đời sống xã hội, thể hiện tính xã hội của con người.
- Nhân vật điển hình vừa có cội nguồn trong đời sống thực tế lại vừa có sức khái quát cao, tập trung nổi bật hơn, có ý nghĩa xã hội phong phú, sâu sắc hơn, đồng thời hấp dẫn thú vị hơn.
- Có nhân vật điển hình trong văn học (hoà quyện giữa tính phổ biến và tính đặc thù) là do tính riêng độc đáo trong phong cách nhà văn và do chức năng phản ánh đời sống xã hội của văn học. Tuy nhiên không phải bao giờ việc xây dựng nhân vật cũng đạt đến trình độ điển hình. Nhân vật điển hình chỉ xuất hiện ở những tác phẩm đặc sắc, ở những nhà văn có tài năng thực sự.
2. Phân tích tính điển hình của nhân vật Chí Phèo: Phân tích sự thống nhất giữa hai mặt (có cá tính sắc nét – nét riêng và phản ánh bản chất của đời sống xã hội – nét chung).
a. Những nét cá tính riêng
- Lai lịch: là đứa con hoang bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ, không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích, không nhà cửa; hết đi ở lại đi làm canh điền, Chí trở thành công cụ làm giàu và thoả mãn nhục dục cho những ông chủ, bà chủ.
- Diện mạo, hình hài: cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt đen mà rất cơng cơng…
- Hành động, tính cách: chuyên đập phá, kêu gào chửi bới, la làng, rạch mặt ăn vạ…
Chí Phèo mang những nét cá tính riêng độc đáo không gặp ở bất kì nhân vật nào trong văn học cũng như ngoài đời.
- Đặc biệt nét riêng được khắc hoạ sâu sắc ở bi kịch của nhân vật – bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Đó là nỗi khổ đau cùng cực, ghê gớm chỉ có ở nhân vật Chí Phèo.
b. Nét chung khái quát:
- Chí Phèo tiêu biểu cho hiện tượng một bộ phận người nông dân - nạn nhân của chế độ cường hào thực dân bị rơi vào con đường tha hoá: từ người hiền lành lương thiện trở thành kẻ lưu manh. (Thí sinh liên hệ với các nhân vật Binh Chức, Năm Thọ trong tác phẩm, nhân vật Trạch Văn Đoành trong “Đôi móng giò”, cu Lộ trong “Tư cách mõ”, Đức trong “Nửa đêm” để thấy được tính chất tiêu biểu của Chí Phèo).
- Phản ánh một qui luật của xã hội: Khi xã hội còn những thế lực thống trị tàn bạo thì con đường bần cùng hoá, rồi dẫn đến lưu manh hoá của những người dân nghèo khổ sẽ còn tồn tại. Đây là tính khái quát rộng lớn của hình tượng nhân vật.
c. Đánh giá chung:
- Với phương pháp điển hình hoá, nhân vật Chí Phèo được xây dựng hết sức sống động, vừa có cá tính sắc nét vừa có tính chung phổ biến. Nhờ vậy nhân vật có sức sống lâu bền trong lòng độc giả.
- Nhờ việc xây dựng thành công nhân vật điển hình, tác phẩm đạt được giá trị hiện thực và nhân đạo hết sức độc đáo, mới mẻ.
- Khẳng định tài năng độc đáo, trình độ xây dựng nhân vật điển hình bậc thầy của Nam Cao, với tư cách là nhà văn hiện thực xuất sắc.
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: 
 - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn
Bottom of Form

File đính kèm:

  • docDe Van HSG 11 tinh Vinh Phuc 2011.doc