Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh tỉnh Sóc Trăng năm học 2008 – 2009
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh tỉnh Sóc Trăng năm học 2008 – 2009, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 CẤP TỈNH TỈNH SÓC TRĂNG Năm học 2008 – 2009 --------- Ngày thi: 01 tháng 11 năm 2008 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN : NGỮ VĂN Câu 1: (6,0 điểm) * Về nội dung: Đây là đề bài yêu cầu nghị luận về một vấn đề xã hội bắt nguồn từ một hình tượng trong tác phẩm văn học. Hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học vừa có tính chất cụ thể cảm tính nhưng cũng có sức khái quát xã hội sâu sắc. Truyện ngắn Người trong bao của Shê-Khốp xây dựng hình tượng nhân vật Bê-li- cốp nhằm khái quát tính cách của một kiểu người trong xã hội nước Nga nhưng sức ảnh hưởng của nó không chỉ bó hẹp ở quê hương nhà văn. Để đáp ứng yêu cầu của đề bài, thí sinh có thể thực hiện các luận điểm sau: - Nêu ngắn ngọn những tính cách của nhân vật Bê-li-cốp: háo danh, xu nịnh, giáo điều, nhút nhát, sợ hãi mọi thứ, hèn hạ trước quyền lực, không hiểu và không hoà nhập với thực tế cuộc sống... - Mục tiêu phê phán của Shê-Khốp là lối sống của một loại trí thức nước Nga đương thời; nhưng lối sống và kiểu người trong bao với những biến thể đa dạng và kì quái lại có ý nghĩa toàn thế giới, lâu dài đến tận ngày nay. - Trong xã hội, hiện tượng người trong bao vẫn tồn tại với những đặc điểm cơ bản như nhân vật Bê-li-cốp, họ là những người sống lập dị, luôn tôn sùng quá khứ, thích được người khác tôn sùng, cứng nhắc, rập khuôn, máy móc, không thích thay đổi, ... Cơ bản loại người này không hẳn là xấu nhưng đôi khi họ làm cản bước tiến của xã hội. - Vì thế chừng nào xã hội loài người trở nên trong sạch, lành mạnh và tự do, dân chủ; khi mỗi cá nhân ý thức được mục đích và cách sống của mình hoà đồng và thống nhất với các hệ chuẩn mực văn hoá, đạo đức của cộng đồng ... thì chừng ấy hiện tượng người trong bao mới chấm dứt - Liên hệ với cuộc sống xung quanh, những hiện tượng, con người nào mà thí sinh đã từng chứng kiến, biết đến có tính cách như "người trong bao" * Về hình thức: -Bài làm thể hiện ở một bài văn ngắn, độ dài không hạn chế nhưng thí sinh phải biết cân đối về cơ cấu điểm giữa các câu và thời gian cho cả ba câu. -Diễn đạt khúc chiết, có chia đoạn, có lập luận -Trình bày sạch đẹp, rõ ràng * Biểu điểm: Điểm 5-6: Hiểu đề, có lập luận khi trình bày. Văn viết mạch lạc, chặt chẽ, gợi cảm. Bố cục chặt chẽ. Đáp ứng tốt những yêu cầu về nội dung và hình thức như đáp án đã nêu. Điểm 3-4: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu nêu trên. Diễn đạt khá, có thể mắc một vài lỗi diễn đạt. Điểm 1-2: Nội dung phần trình bày còn sơ lược, diễn đạt ý lúng túng, chưa suôn. Điểm 0: Trình bày lạc đề hoặc chỉ ghi một vài dòng linh tinh không đáng kể. Câu 2: (6,0 điểm) * Về nội dung : Đây là dạng đề bàn về một vấn đề lý luận văn học xuất phát từ một đoạn thơ. Thơ Chế Lan Viên thường có tính triết lí sâu sắc, nhiều vấn đề nền tảng của văn học và cuộc sống được ông thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ sinh động, đầy hình tượng. Do đó, thí sinh phải có khả năng đọc hiểu văn bản nghệ thuật và khả năng liên tưởng khái quát các vấn đề lí luận. Đoạn thơ rất ngắn gọn nhưng đã đề cập đến hai vấn đề lớn trong lý luận văn học: chức năng của văn học và vai trò của nhà văn (người nghệ sĩ) trước cuộc sống. Thí sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau miễn là thể hiện được các luận điểm cơ bản sau đây: - Văn học có chức năng nhận thức, giúp con người tự nhận xét bản thân khi tiếp xúc tác phẩm. Tác phẩm hay phải gây ấn tượng mạnh mẽ (đóngbài thơ như cái cọc) với cuộc sống, làm cho người đọc phải ý thức về bản thân, không cho nó trôi đi vào quên lãng (chống nước trôi xuôi). - Tác phẩm có giá trị cao phải khơi dậy được những xúc cảm thẩm mĩ nơi người đọc để họ có thể thấu cảm (nghe được cái vô hình) được giá trị của cuộc sống. - Người nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) phải có khả năng trực cảm, có cái nhìn trước thời đại. Nhà văn không chỉ quan sát, miêu tả cuộc sống bằng tài năng và tâm hồn, cảm xúc mà còn nghiền ngẫm, dự đoán cuộc sống bằng sự thông minh, lòng trắc ẩn để có cái nhìn định hướng cho xã hội (phải làm cho thời đại đến sớm hơn là nó đến). - Nhà văn thường là người đem lại những xúc cảm thẩm mĩ cho người đọc, là người mang lại vẻ đẹp cho cuộc sống (là gió đưa hương). Anh ta không chỉ đau nỗi đau của mình mà còn đau cả nỗi đau của người khác để diễn đạt nỗi đau chung của nhân loại. Từ người thường đến nghệ sĩ là một khoảng cách mong manh nhưng không dễ gì vượt qua. Nhưng không vì thế mà người nghệ sĩ có quyền sống khác người thường. Anh ta phải là một người sống đẹp (là hương) mới có thể dùng tài năng để làm đẹp cuộc sống (gió đưa hương). Trong quá trình diễn đạt, thí sinh có thể nêu thêm những dẫn chứng minh hoạ để thuyết phục hơn. * Về hình thức: - Diễn đạt ý mạch lạc, lập luận chặt chẽ, có chú ý về mặt dung lượng sao cho phù hợp với cơ cấu điểm. - Trình bày sạch đẹp, rõ ràng. - Văn viết có cảm xúc. * Biểu điểm: Điểm 5-6: Hiểu đề, có cảm xúc khi trình bày. Văn viết mạch lạc, chặt chẽ, gợi cảm. Bố cục chặt chẽ. Đáp ứng tốt những yêu cầu về nội dung và hình thức như đáp án đã nêu. Điểm 3-4: Đáp ứng phần lớn những yêu cầu nêu trên. Diễn đạt khá, có thể mắc một vài lỗi diễn đạt, có dẫn chứng nhưng sơ sài. Điểm 1-2: Nội dung phần trình bày còn sơ lược, diễn đạt ý lúng túng, chưa suôn. Điểm 0: Trình bày lạc đề hoặc chỉ ghi một vài dòng linh tinh không đáng kể. Câu 3: (8,0 điểm) * Về nội dung: Đề bài yêu cầu nghị luận về một tác phẩm văn học theo một định hướng cho sẵn. Làm rõ giá trị của bài thơ Giải đi sớm theo hướng bài thơ thể hiện rõ tư tưởng, tài năng và phong cách nghệ thuật của tác giả Hồ Chí Minh. Do vậy thí sinh không chỉ phân tích làm rõ giá trị của tác phẩm mà còn phải đặt tác phẩm trong một bối cảnh rộng lớn hơn để có khả năng khái quát theo những định hướng của đề. Bên cạnh đó, vì là đề thi dành cho học sinh giỏi nên thao tác đối chiếu giữa nguyên bản chữ Hán và bản dịch để tìm ra cái độc đáo của thơ Hồ Chí Minh cũng là một yêu cầu không thể thiếu. Thí sinh có thể trình bày theo cách riêng của mình, nhưng cơn bản phải thể hiện những luận điểm sau: Về mặt tư tưởng, bài thơ Giải đi sớm là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong tập thơ "Nhật kí trong tù", thể hiện rõ tinh thần lạc quan, hướng về tương lai dù trong hoàn cảnh tù ngục. Tinh thần ung dung, tư thế vững vàng trước hoàn cảnh khó khăn là điều mà người đọc khi tiếp cận với tập thơ Nhật kí trong tù thường thấy. -Bài thơ Giải đi sớm có hai khổ thơ. Mỗi khổ thơ là một hình tượng về người tù lạc quan, vững chãi. Khổ 1: Hình ảnh người đi là "chinh nhân" chứ không phải tù nhân. Tư thế kẻ bị giam cầm đã biến thành một người đi xa vì sự nghiệp lớn. Hình ảnh con người cứng rắn, dẻo dai trước hoàn cảnh khắc nghiệt (rát mặt đêm thu trận gió hàn) làm toả sáng một tư tưởng kiên cường. Khổ 2: Sự hoá thân kì diệu của người tù thành "hành nhân", một con người ung dung thư thái dạo bước trước bình minh, thời khắc đất đang chuyển sang một ngày mới. Đó hình ảnh một thi nhân trên đường tìm cảm hưng hơn là một tù nhân. -Bài thơ là tâm trạng của một người tù, bị giải đi, nhưng qua hình tượng thơ, nhân vật trữ tình không hề mất tự do. Tâm hồn lộng gió, tư tưởng hướng về tương lai đã quy tụ mọi vẻ đẹp của ngoại cảnh vào hình tượng, làm cho hình tượng người bị giam cầm trở nên chủ động hơn, đầy bản lĩnh và khí phách. Về mặt tài năng và phong cách, thơ của Hồ Chí Minh không nhiều những hình ảnh hoa mĩ tráng lệ dù thể thơ Bác viết có phong vị thơ Đường mà điểm sáng thẩm mĩ trong nhiều bài thơ của Người nằm ở cách cấu tứ và thiết lập những hình ảnh thơ. -Chẳng hạn cách bố trí hai hình ảnh "chinh nhân" và "chinh đồ" trong một dòng thơ tạo nên sự cộng hưởng về mặt trường nghĩa tác động đến giá trị của tác phẩm. -Thiên nhiên chiếm phần lớn câu chữ của bài thơ nhưng không vì thế mà bài thơ mất đi sinh khí và tâm trạng. Vì ngoại cảnh trong thơ Hồ Chí Minh là cảnh động, luôn phát triển theo hình tượng nhân vật trữ tình nên những từ ngữ quần tinh (chòm sao), dĩ thành hồng (chuyển sang hồng) tảo nhất không (quét sạch không), noãn khí (hơi ấm) ... luôn có giá trị tham chiếu và liên tưởng đến sự vận động từ chinh nhân đến hành nhân. * Về hình thức: - Biết cách thể hiện bài văn nghị luận, thao tác thuần thục, diễn đạt rõ nghĩa - Có cách bộc lộ cảm xúc thẩm mĩ hợp lí - Trình bày sạch sẽ, chữ viết rõ ràng - Đúng chính tả, ngữ pháp, có bố cục đoạn văn hợp lí * Biểu điểm: Điểm 7-8 : Đáp ứng tốt những yêu cầu như đáp án đã trình bày. Văn viết có cảm xúc, có sự sáng tạo, làm nổi rõ được vấn đề. Ý diễn mạch lạc, hệ thống; bố cục chặt chẽ. Không có những sai sót lớn về dùng từ, đặt câu và chính tả. Điểm 5-6 : Hiểu đề, đáp ứng cơ bản những yêu cầu của đáp án. Văn suôn, ý diễn khá mạch lạc, hệ thống. Còn mắc những sai sót về dùng từ, đặt câu và chính tả. Điểm 3-4 : Bài làm diễn xuôi ý thơ, chỉ phân tích bài thơ một cách chung chung, thiêu chú ý đến mục tiêu đề bài đặt ra. Còn măc lỗi diễn đạt Điểm 1-2: Nhận thức đề yếu, chưa làm rõ yêu cầu của đề bài. Diễn đạt ý thiếu mạch lạc, hệ thống. Còn sai sót nhiều về lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Chưa làm nổi bật được vấn đề đặt ra. Điểm 0 : Bài viết lạc đề hoặc chỉ viết được một vài dòng linh tinh không đáng kể. ------- HẾT -------
File đính kèm:
- Dap an de thi HS gioi cap tinh mon Van 2008.doc