Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 8 năm học: 2010-2011 môn: ngữ văn

doc4 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 2526 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 8 năm học: 2010-2011 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 8
NĂM HỌC: 2010-2011
MÔN: NGỮ VĂN
 Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề)


Câu 1: ( 2,0 điểm) Phát hiện và phân tích các biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Cha lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng, phơi sơng
Có manh áo cộc tre nhường cho con
 (Trích “Tre Việt Nam” - Nguyễn Duy)
Câu 2: ( 2,0 điểm)
 Với chủ đề “Hành trang của thanh niên thời đại mới: bản lĩnh”, em hãy viết một đoạn văn nghị luận.
Câu 3: ( 6,0 điểm) Trong bài đề từ trên trang bìa tập “Nhật kí trong tù”, Hồ Chí Minh viết:
“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao”
 Phân tích bài thơ “Ngắm trăng” trích trong “Nhật kí trong tù” để làm sáng tỏ ý chính của hai câu thơ trên.

 ----------------Hết------------------

HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 8
NĂM HỌC: 2010- 2011
Câu 1: (2,0 điểm)
+ Phát hiện các biện pháp tu từ: Nhân hóa, so sánh, ẩn dụ cho 0,5 điểm
+ Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ : 1,5 điểm
- Biện pháp nhân hóa “Tre” có hành động, cử chỉ như con người thể hiện ở những phẩm chất cao quý của tre: đùm bọc, xả thân vì nhau, hi sinh cho thế hệ mai sau...( 0,5 điểm)
- Biện pháp so sánh “đã nhọn như chông” biểu hiện sức sống và sự cương trực, dũng mãnh của tre ( 0,5 điểm)
- Tre Việt Nam là một phép ẩn dụ lớn dựa trên những nét tương đồng giữa tre và con người Việt Nam. Nói đến cây tre là nói đến con người Việt Nam, phẩm chất cao quý của tre cũng là phẩm chất cao quý của con người và dân tộc Việt Nam. ( 0,5 điểm)
Câu 2: ( 2,0 điểm)
Yêu cầu:
 *Về hình thức, diễn đạt (0,5 điểm)
 Học sinh biết viết một đoạn văn nghị luận đúng chủ đề, hành văn mạch lạc, lập luận chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu, thuyết phục được người đọc. Biết thực hiện thành thạo các thao tác phân tích, tổng hợp, so sánh, giải thích, chứng minh, nhận xét, đánh giá.
 *Về nội dung (1,5 điểm)
 +Biết bày tỏ ý kiến, quan điểm về một vấn đề xã hội đang được quan tâm: bản lĩnh của thanh niên trong thời đại mới.
 +Học sinh có thể có nhiều cách viết nhưng cần thể hiện được các nội dung cơ bản sau:
 -Bản lĩnh là đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động của con người; là sự kiên định, vững vàng không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi quan điểm.(0,25 điểm)
 -Bản lĩnh thanh niên thời đại mới: Thời đại mới - thời đại thế kỉ 21 là thời đại của khoa học công nghệ phát triển nh vũ bão.Con người, nhất là thanh niên của thời đại này cần có trí tuệ sắc sảo, có sức khỏe dồi dào, có đạo đức trong sáng và có đời sống tâm hồn phong phú.Tuy nhiên, thế hệ trẻ cũng cần phải có bản lĩnh kiên định, vững vàng, biết sống có lí tưởng, có ước mơ và nghị lực. Phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để thực hiện cho bằng được ước mơ đó...( 0,5 điểm)
 -Tại sao thanh niên thời đại mới cần có bản lĩnh? Xã hội ngày càng phát triển kéo theo đó là những mặt trái tất yếu của nó. Đó là sự suy thoái về đạo đức con người trước sự tấn công của những tệ nạn xã hội. Lối sống ích kỉ, thực dụng, chỉ cần thỏa mãn dục vọng thấp hèn của cá nhân đang hủy diệt lý tưởng sống của con ngời. Thanh niên là lứa tuổi nhạy cảm, dễ bị lôi kéo, nếu không có bản lĩnh hoặc bản lĩnh không vững vàng thì sẽ đánh mất bản thân. (0,5 điểm)
-Khẳng định hành trang vào thời đại mới của thanh niên không chỉ là kiến thức, sức khỏe, đạo đức, tâm hồn mà còn là bản lĩnh và phải là bản lĩnh vững vàng. 
( 0,25 điểm)
Câu 3: (6,0 điểm)
 * Yêu cầu chung:
 +Kiểu bài: Phân tích tác phẩm kết hợp với chứng minh
 +Nội dung: Phân tích bài thơ “Ngắm trăng” để thấy được mặc dù bị giam cầm về thể xác nhưng song sắt nhà tù không thể giam hãm được tinh thần của người tù- người chiến sỹ cách mạng Hồ Chí Minh.
 *Yêu cầu cụ thể:
a-Mở bài (0,5 điểm)
 -Giới thiệu khái quát về Hồ Chí Minh và tập thơ “Nhật kí trong tù”
 -Một trong những vẻ đẹp về nội dung của tập nhật kí đồng thời cũng là vẻ đẹp của con người Hồ Chí Minh là sự vượt ngục về tinh thần, điều đó thể hiện rõ ngay từ lời đề từ mở đầu tập nhật kí (Trích dẫn 2 câu thơ trong bài đề từ) và được thể hiện cụ thể, sinh động trong bài thơ “Ngắm trăng”.
b-Thân bài (5,0 điểm)
 1-Giải thích nội dung ý nghĩa hai câu thơ trong bài đề từ tập nhật kí (1,0 điểm)
 Là lời khẳng đinh mặc dù bị giam hãm trong tù ngục nhưng song sắt nhà tù chỉ giam cầm được thể xác chứ không giam hãm được tinh thần của người tù- người chiến sỹ cách mạng Hồ Chí Minh
 2- Chứng minh nội dung ý thơ qua bài thơ “Ngắm trăng” (4,0 điểm)
 Bài thơ “Ngắm trăng” là một trong những bài thơ tiêu biểu thể hiện rõ nhất cho lời khẳng định “Thân thể.......ngoài lao”
*Hai câu đầu: 
 +Hoàn cảnh ngắm trăng của người tù hết sức đặc biệt: mất tự do về thân thể (trong tù), thiếu “rượu”, “hoa” những thứ không thể thiếu khi thưởng nguyệt của các thi nhân xưa. Điệp ngữ “không” khẳng định sự thiếu thốn trong cảnh ngục tù đày.
 +Tuy nhiên, trước đêm trăng đẹp tâm hồn thi sĩ đã bối rối, xúc động, xốn xang
Câu hỏi tu từ “Đối thử lương tiêu nại nhược hà” biểu hiện tâm trạng của Bác trước cảnh đẹp đêm trăng.
*Hai câu cuối:
 +Vượt lên trên cảnh ngộ, những thiếu thốn của chốn lao tù, Bác mở rộng hồn mình để cảm nhận vẻ đẹp của đêm trăng
 -Biện pháp đối ngữ (nhân- minh nguyệt, nguyệt- thi gia) , nghệ thuật nhân hóa, cách sử dụng từ “khán” thay cho “vọng” ở nhan đề thể hiện mối quan hệ bạn bè tri âm, tri kỉ giữa trăng với người tù.
 +Sự giao hòa giữa Bác với vầng trăng biểu thị tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan, sự tự do nội tại cao độ, khát vọng tự do, là cuộc vượt ngục bằng tinh thần của Bác.
 +Mở đầu bài thơ là hình ảnh người tù nhưng kết thúc bài thơ chỉ có hình ảnh “thi gia”, kẻ thù chỉ có thể giam cầm thân thể Bác chứ không giam hãm được tâm hồn Bác đúng như Bác đã từng viết “Thân thể......ngoài lao”
c-Kết bài (0,5 điểm)
 -Bài thơ “Ngắm trăng” thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, bản lĩnh, ý chí, nghị lực của Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lao tù- đó là biểu hiện của “chất thép” sáng ngời trong thơ của Người.

File đính kèm:

  • docDe thi HSG Van 8 1.doc