Kì thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học: 2009 – 2010 môn thi: ngữ văn lớp: 9 trung học cơ sở

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1997 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học: 2009 – 2010 môn thi: ngữ văn lớp: 9 trung học cơ sở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ONTHIONLINE.NET


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ

ĐỀ CHÍNH THỨC
Số báo danh

…………





KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
Năm học: 2009 – 2010
Môn thi: Ngữ văn
Lớp: 9 THCS
Ngày thi: 24 tháng 3 năm 2010
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
(Đề thi có 01 trang, gồm 03 câu)

Câu 1. (6 điểm)
Đọc văn bản sau:
THỜI GIAN LÀ VÀNG
Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá.
Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết.
Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại.
Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hoá đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ.
Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được.
Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp.
 (Theo Phương Liên, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2005, trang 36 - 37)
a) Văn bản trên thuộc loại nghị luận nào?
b) Viết một đoạn văn ngắn (từ 10 câu đến 15 câu) trình bày những suy nghĩ của bản thân về giá trị thời gian.
Câu 2. (6 điểm)
Những rung cảm ở nhân vật “tôi” trước sự thay đổi làng quê và con người trong tác phẩm Cố hương của nhà văn Lỗ Tấn. (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2005)
Câu 3. (8 điểm)
	Cảm nghĩ về điều tâm nguyện của Thanh Hải thể hiện qua hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”. (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2005)

……………………………..HẾT………………………….

– Thí sinh không sử dụng tài liệu.
	– Giám thị không giải thích gì thêm.


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THANH HOÁ






KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
Năm học: 2009 – 2010
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN VĂN
Lớp: 9 THCS
Ngày thi: 24 tháng 3 năm 2010
Hướng dẫn chấm này có 02 trang, gồm 03 câu

I - LƯU Ý CHUNG
1. Bài làm có tổng: 20 điểm cho cả 3 câu. Kết quả cả bài được làm tròn theo nguyên tắc: 0,25 -> 0,5; 0,75 -> 1,0.
2. Không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
3. Ưu tiên những bài viết có cảm xúc, sáng tạo, độc đáo, cá tính và chữ đẹp. Giám khảo căn cứ vào bài làm cụ thể của thí sinh để cho điểm hợp lí. Những thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu cơ bản thì vẫn cho điểm. 
II - PHẦN CỤ THỂ
Câu 1 Tổng 6.0 điểm
a. Văn bản Thời gian là vàng thuộc loại nghị luận xã hội bàn về một tư tưởng, đạo lí: giá trị của thời gian. (1.0 điểm)
b. Viết đoạn văn (5.0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng (1.0 điểm)
	Phải đảm bảo hình thức của một đoạn văn, cấu trúc gồm có hai thành phần: mở đoạn và phát triển đoạn (hay phát triển đoạn và kết đoạn). Hoặc một đoạn văn gồm 3 thành phần: mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Hành văn trong sáng, không sai các lỗi chính tả, ngữ pháp,... chữ viết rõ ràng, đẹp.
II. Yêu cầu về kiến thức (4.0 điểm)
Bằng lí lẽ và dẫn chứng có sức thuyết phục làm rõ vấn đề: giá trị của thời gian.
Câu 2 Tổng 6.0 điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng
	Đảm bảo một văn bản bài văn nghị luận văn học có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, hành văn trôi chảy, ít sai các lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt,… Ưu tiên những bài viết có cảm xúc, sáng tạo, độc đáo, cá tính và chữ đẹp. (1.0 điểm)
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giới thiệu khái quát về tác giả Lỗ Tấn, truyện ngắn Cố hương (là một trong những truyện ngắn tiêu biểu trong tập Gào thét (1923), truyện đã thể hiện được những rung cảm của nhân vật “tôi” trước sự thay đổi của làng quê và con người). (0.5 điểm)
2. Những rung cảm của nhân vật “tôi” (4.0 điểm)
	a. Sự thay đổi của làng quê (1.5 điểm)
- Trong kí ức nhân vật “tôi” làng quê cách đây hai mươi năm rất đẹp, “không có hình ảnh ngôn ngữ nào diễn tả cho được”, còn bây giờ tiêu điều, hoang vắng nằm im dưới vòm trời màu vàng úa, cảnh tượng hiu quạnh.
- Tâm trạng của nhân vật tôi: lòng se lại.
b. Sự thay đổi của con người (2.5 điểm)
- Sự thay đổi của mẹ, của thím Hai Dương.
- Đặc biệt sự thay đổi của Nhuận Thổ:
+ Ở ngoại hình: thân hình tàn tạ (nước da vàng sạm, những nếp răn sâu hoắm, mi mắt viền đỏ hup mọng lên, bàn tay vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông,… ) làm cho “tôi” đau xót.
+ Ở diện mạo tinh thần: thể hiện đột ngột qua chi tiết Nhuận Thổ “lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch: Bẩm ông!” khiến cho “tôi” đau xót vô cùng. Điều đó chứng tỏ tư tưởng đẳng cấp phong kiến đã ăn rất sâu vào đầu óc Nhuận Thổ, và nếu như vậy thì Nhuận Thổ, cũng như nông dân lao động Trung Quốc, không bao giờ đổi đời.
 Nhưng có một điều không thay đổi ở Nhuận Thổ là tình bạn nằm ở tận đáy lòng đối với “tôi”.
3. Đánh giá (0.5 điểm)
	Qua những rung cảm của nhân vật “tôi” trước sự thay đổi của làng quê và con người khi về quê lần cuối cùng trong tác phẩm Cố hương, Lỗ Tấn đã phê phán xã hội phong kiến, lễ giáo phong kiến, đặt ra vấn đề con đường đi của nông dân và của toàn xã hội để mọi người suy ngẫm. 
Câu 3 Tổng 8.0 điểm
I. Yêu cầu về kĩ năng
	Đảm bảo một văn bản bài văn nghị luận văn học có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, hành văn trôi chảy, ít sai các lỗi về chính tả, dùng từ, diễn đạt,… Ưu tiên những bài viết có cảm xúc, sáng tạo, độc đáo, cá tính và chữ đẹp. (1.0 điểm)
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giới thiệu khái quát về tác giả Thanh Hải, bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và điều tâm nguyện của thi nhân được thể hiện qua hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”. (0.5 điểm)
2. Điều tâm nguyện của thi nhân thể hiện qua hình ảnh mùa xuân nho nhỏ (6.0 điểm)
- Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”: Từ mùa xuân lớn của thiên nhiên, của đất nước nhà thơ liên tưởng tới mùa xuân của mỗi cuộc đời - một mùa xuân nho nhỏ. Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” được thể hiện bằng những chi tiết đã được hiện ra trong hình ảnh mùa xuân thiên nhiên, nhưng có sự biến đổi: “Ta làm con chim hót – Ta làm một cành hoa”, là “một nốt trầm xao xuyến”. Đó là những hình ảnh giản dị, tự nhiên mà có sức gợi và rất phù hợp với hình tượng mùa xuân trong toàn bài thơ.
- Điều tâm nguyện của nhà thơ: 
+ Khát vọng được hoà nhập vào mùa xuân lớn của đất nước, góp vào bản hoà ca bất tận của cuộc đời, hiến dâng “mùa xuân nho nhỏ” – nghĩa là phần tốt đẹp, dù nhỏ bé của mỗi người – cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm nguyện ấy thật cao đẹp và chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Khát vọng ấy cũng thật tha thiết và khiêm nhường. (HS phân tích các hình ảnh thơ để làm nổi bật khát vọng của thi nhân).
+ Mùa xuân nho nhỏ của mỗi cuộc đời dâng cho đất nước cũng không hề ồn ào mà là sự hiến dâng lặng lẽ.
+ Điều tâm nguyện của tác giả cũng là khát vọng chung của nhiều người, ở mọi lứa tuổi. Bởi vậy tiếng lòng của nhà thơ đã gặp gỡ với tâm trạng của đông đảo mọi người.
3. Đánh giá (0.5 điểm)
Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải, góp vào các hình ảnh mùa xuân trong thơ ca. Nó thể hiện khát vọng được cống hiến, được đóng góp những gì có thể dù là nhỏ bé để làm đẹp cho đất nước. Bài thơ là thông điệp, là lời nhắn gửi đến mọi thế hệ người dân Việt Nam, đặc biệt là tuổi trẻ.
………………………………………..	Hết……………………………………..

File đính kèm:

  • docDe thi hk2 mon van lop 9.doc