Kì thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh năm học 2011- 2012 môn : ngữ văn

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1697 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh năm học 2011- 2012 môn : ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
 HƯNG YÊN
 KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THPT CẤP TỈNH
 Năm học 2011- 2012
 Môn : Ngữ văn
 Thời gian : 180 phút (không kể thời gian giao đề)
 (Đề thi có 02 trang, gồm 02 câu, câu 2 gồm có 2.a và 2.b)
ĐỀ CHÍNH THỨC

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (4,0 điểm):
Câu 1 (4,0 điểm) :
 Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận về chủ đề : Khát vọng.
PHẦN RIÊNG (6,0 điểm):
 Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 2.a hoặc 2.b)
Câu 2.a(6,0 điểm): 
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét:
Thơ không cần nhiều từ ngữ. Nó cũng không quan tâm đến hình xác của sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sỹ. Anh/chị suy nghĩ gì về câu nói đó và hãy làm sáng tỏ thông qua việc phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử.
Câu 2.b (6,0 điểm):
 Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:
 (...)Lúc ấy đã khuya. Trong nhà đã ngủ yên, thì Mị trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên, Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Nhìn thấy tình cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ... Mị phảng phất nghĩ như vậy.
 Đám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên. Mị nhớ lại đời mình, Mị lại tưởng tượng như có một lúc nào, biết đâu A Phủ chẳng đã trốn được rồi, lúc ấy bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy. Nghĩ thế, trong tình cảnh này, làm sao Mị cũng không thấy sợ...
 Lúc ấy, trong nhà đã tối bưng, Mị rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại... Mị rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ hết được dây trói trên người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng, Mị chỉ thì thào được một tiếng « Đi ngay », rồi nghẹn lại. A Phủ bỗng khuỵu xuống không bước nổi. Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên chạy.
 Mị đứng lặng trong bóng tối.
 Rồi Mị cũng chạy vụt ra ngoài. Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đã đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc. (...)
 (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 14)
 (...)Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói : - Điêu ! Người thế mà điêu !
 Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.
 - Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.
 À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười.
 - Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
 - Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu
 Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.
 - Đấy, muốn ăn gì thì ăn.
 Hắn vỗ vỗ vào túi.
 - Rích bố cu, hở !
 Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả : 
 - Ăn thật nhá ! Ừ ăn thì ăn sợ gì.
 Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng thở :
 - Hà, ngon ! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.
 Hắn cười : - Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.
 Nói thế Tràng cũng tưởng nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu, anh chàng cũng chợn, nghĩ : thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết thế nào hắn tặc lưỡi một cái : - Chậc, kệ ! (...)
 (Vợ nhặt – Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 26)
 


 ----HẾT----













Họ và tên thí sinh....................... Chữ kí giám thị số 1................. Số báo danh................................ Chữ kí giám thị số 2…………...

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 HƯNG YÊN
 GỢI Ý CHẤM CHO ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI THPT CẤP TỈNH
 Năm học 2011- 2012 
 Môn : Ngữ văn 
ĐỀ CHÍNH THỨC 

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (4,0 điểm)
Câu 1(4,0 điểm):
I. Yêu cầu về kĩ năng: 
Biết làm một bài nghị luận xã hội về một chủ đề. Kĩ năng, phương pháp làm bài tốt Diễn đạt tốt: ngôn ngữ chọn lọc; không mắc lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp và chính tả. Dẫn chứng phong phú, hấp dẫn. Văn viết giàu cảm xúc và thể hiện được những suy nghĩ sâu sắc của mình về vấn đề được nghị luận.
II. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm:
Đề bài khá mở. Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày theo nhiều hướng khác nhau, miễn là cách lập luận, lý giải thuyết phục. Bài viết cần có các ý cơ bản sau:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)
- Giải thích : khát vọng là niềm ao ước, mong đợi tha thiết của con người về một điều gì đó trong cuộc sống (0,5 điểm).
- Ý nghĩa của khát vọng đối với con người : khát vọng là động lực giúp con người đạt được mục đích của cuộc sống(0,5 điểm).
- Con người có nhiều khát vọng nhưng khát vọng nào là đẹp, là chính đáng và nâng giá trị của con người (0,5 điểm) ?
- Thái độ, hành động để mỗi người biến khát vọng của mình thành hiện thực và đối mặt với cuộc sống khi không thực hiện được khát vọng (0,5 điểm). 
- Lấy dẫn chứng về những con người có khát vọng sống đẹp và đã hành động để thực hiện được khát vọng đó (1,0 điểm).
- Liên hệ với cuộc sống và bản thân (0,5 điểm).
Câu 2(6,0 điểm) :
Câu 2.a(6,0 điểm) 
I. Yêu cầu về kĩ năng: 
Biết làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học kết hợp với kiểu bài phân tích tác phẩm thơ. Phương pháp, kĩ năng làm bài chắc chắn, linh hoạt. Văn viết giàu cảm xúc, hình ảnh; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; không mắc lỗi về dùng từ, chính tả, diễn đạt, kiến thức và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm:
Có thể có nhiều cách trình bày nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Trình bày được suy nghĩ về ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh:
- Giải thích nhận định: Thơ cần ít từ ngữ. Thơ không chú trọng miêu tả cụ thể, chi tiết hiện thực đời sống như đời sống vốn có mà thơ chỉ nắm bắt lấy cái thần thái, hồn vía của hiện thực để truyền tới người đọc. Khi đến với người đọc, phần hiện thực ấy đã được khúc xạ, phản ánh qua cảm xúc, tâm hồn, tình cảm của nhà thơ về cuộc sống (0,5 điểm).
- Bàn luận : 
+ Nhận định trên là đúng vì dung lượng thơ thường ngắn nên nhà thơ dùng không nhiều từ ngữ để miêu tả cụ thể, chi tiết đời sống như nó vốn có mà chỉ cốt nắm bắt cái thần thái, hồn vía của hiện thực ; thơ là tiếng nói của tình cảm, của trái tim nên bao giờ hiện thực được phản ánh trong thơ cũng mang tâm sự, nỗi niềm nào đó của nhà thơ (0,5 điểm). 
+ Có như thế, thơ mới sâu sắc, thấm thía và để lại nhiều dư vị, cảm xúc cho người đọc (0,25 điểm).
+ Muốn làm được điều đó, nhà thơ phải có tài sử dụng nghệ thuật ngôn từ ; ngôn ngữ, hình ảnh phải cô đọng, hàm súc, giàu biểu cảm, giàu tính tạo hình..., đặc biệt là phải giàu cảm xúc, tình cảm và luôn thiết tha với cuộc sống (0,25 điểm).
+ Ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh có ý nghĩa với người sáng tác và người cảm thụ thơ (0,25 điểm).
2. Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để làm sáng tỏ nhận định :
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả và tác phẩm, thí sinh phân tích được bài thơ để làm sáng tỏ nhận định.
* Nội dung :
- Cảnh vườn tược thôn Vĩ không được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ mà chỉ cốt bắt lấy cái hồn của một vùng quê tươi tốt, tràn đầy ánh sáng và sức sống, mang đậm chất Huế, có sự giao hòa với con người. Qua cảnh vườn Vĩ Dạ vào buổi sớm mai, Hàn Mặc Tử thể hiện tình cảm thiết tha, đắm say và niềm khát khao được trở về Vĩ Dạ (1,0 điểm).
- Cảnh mây trời, sông nước, thuyền, trăng xứ Huế được hiện lên chỉ với vài ba nét đơn sơ mà có hồn. Thần thái cảnh vật là vẻ mênh mang, hiu hắt, u buồn mà không kém phần huyền ảo, lung linh của xứ Huế mộng mơ, trầm lắng. Cảnh vật được khúc xạ qua nỗi buồn, nỗi khát khao vô vọng của một tình yêu đơn phương và dự cảm về một số phận ngắn ngủi, mong manh (1,0 điểm).
- Con người xứ Huế không được hiện lên rõ nét, đầy đủ về diện mạo, dáng hình mà chỉ 
toát lên cái thần thái đoan trang, phúc hậu, kín đáo (khổ 1), nét dịu dàng, trong trắng, xa xôi (khổ 3). Qua hình ảnh con người xứ Huế, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ sự trân trọng, niềm yêu thương, nỗi đợi mong, khắc khoải đến cháy lòng về tình yêu, tình đời của một con người đang dần lìa xa cõi thế (1,0 điểm).
 Nghệ thuật :
Phân tích được những đặc sắc nghệ thuật mà Hàn Mặc Tử đã sử dụng để nắm bắt thần thái cảnh vât và thể hiện cảm xúc, tâm sự của mình :
- Ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu sức gợi (0,25 điểm).
- Hình ảnh thơ vừa thực, vừa ảo, giàu tính tượng trưng, giàu sức gợi (0,5 điểm).
- Hệ thống câu hỏi tu từ tạo nên sự liên kết giữa các khổ thơ và giọng điệu khắc khoải của bài thơ (0,25 điểm).
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc (0,25 điểm)


Câu 2.b(6,0 điểm) 
I. Yêu cầu về kĩ năng: 
Biết làm bài văn nghị luận về một đoạn văn kết hợp với kiểu bài so sánh văn học. Văn viết có cảm xúc, hình ảnh; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; không mắc lỗi về dùng từ, chính tả, diễn đạt, kiến thức và ngữ pháp. Bài viết có tầm khái quát.
Có thể có nhiều cách trình bày nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Giới thiệu về các tác giả, tác phẩm và các đoạn trích (0,5 điểm):
2. Cảm nhận được cái hay cái đẹp của mỗi đoạn trích(4,0 điểm):
a. Đoạn trích trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (2,0 điểm):
Trên cơ sở hiểu biết về tác phẩm Vợ chồng A Phủ, thí sinh cần phát hiện, phân tích để làm rõ giá trị của đoạn văn.
* Về nội dung: 
Cần thấy được :
- Tình cảnh nguy kịch của A Phủ : bị trói đứng trong cảnh đói khát, giá lạnh, đau đớn và sắp chết (0,25 điểm).
- Diễn biến tâm trạng của Mị khi cắt dây trói cứu A Phủ rồi đi theo A Phủ: những đêm trước nhìn thấy cảnh A Phủ bị trói đứng Mị hoàn toàn dửng dưng, vô cảm. Đêm ấy, dòng nước mắt của A Phủ đã đánh thức và làm hồi sinh lòng thương người trong Mị (gợi cho Mị nhớ về quá khứ đau đớn của mình, Mị thấy thương xót cho người cùng cảnh ngộ). Từ cảnh ngộ của mình và những người đàn bà bị hành hạ ngày trước, đến cảnh đau đớn và bất lực của A Phủ trước mắt, Mị nhận thấy chúng nó thật độc ác, thấy người kia việc gì mà phải chết. Mị nhớ lại đời mình, lại tưởng tượng cảnh A Phủ tự trốn thoát. Nghĩ thế Mị... cũng không thấy sợ. Tình thương và lòng căm thù đã giúp Mị có sức mạnh để quyết định cứu người và liều mình cắt dây trói cứu A Phủ. Đối mặt với hiểm nguy, Mị cũng hốt hoảng...; lòng ham sống mãnh liệt đã thúc giục Mị chạy theo A Phủ (0,75 điểm). 
- Ý nghĩa đoạn trích: Phản ánh nỗi thống khổ; ca ngợi tình thương và sức sống mãnh liệt của người dân miền núi trước Cách mạng. Đoạn trích có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo (0,25 điểm).
 * Nghệ thuật :
- Tạo tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn (0,25 điểm).
- Cách miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tài tình, hợp lí đã tạo nên sự thay đổi số phận nhân vật một cách thuyết phục ; kết hợp miêu tả tâm lí nhân vật qua miêu tả nội tâm và hành động; ngôn ngữ nhà văn mang giọng điệu và ngôn ngữ nhân vật (0,5 điểm).
b. Đoạn trích trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân(2,0 điểm):
Trên cơ sở hiểu biết về tác phẩm Vợ nhặt, thí sinh cần phát hiện, phân tích để làm rõ giá trị của đoạn văn.
* Nội dung :
Cần thấy được :
- Tình cảnh bi thảm, cùng cực và sức sống mãnh liệt của người đàn bà khốn khổ : Ví cái đói mà thân hình tiều tụy, áo quần rách rưới, tính cách trở nên cong cớn, chao chát, hành động trở nên lỗ mãng, thô kệch, mất hết cả nữ tính, danh dự. Thị bám lấy Tràng để thoát khỏi sự truy đuổi ráo riết của cái đói. Đó cũng là biểu hiện của khát vọng sống mãnh liệt khi con người phải đối mặt với cái chết (0,5 điểm).
- Tình người và khát vọng hanh phúc mãnh liệt của nhân vật Tràng : Thết đãi, cưu mang một người đàn bà lạ trong tình cảnh đói khát thê thảm bằng tất cả sự nồng hậu, chân thành dù mình cũng nghèo khổ. Tràng cưu mang người đàn bà ấy xuất phát từ tình thương và từ khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của một người khó có cơ hội để đến với hạnh phúc. Tràng nhận thức rất rõ tình cảnh nghèo khổ của mình nhưng vẫn quyết định đưa người đàn bà ấy về như một sự thách thức với số phận để giành lấy hạnh phúc cho mình (0,5 điểm).
- ý nghĩa đoạn trích: Phản ánh nỗi bi thảm; ca ngợi tình người và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt của con người trong nạn đói. Đoạn văn giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo (0,25 điểm).
* Nghệ thuât:
- Tạo tình huống truyện độc đáo, thú vị, bất ngờ và hấp dẫn (0,25 điểm).
- Tạo đối thoại rất tự nhiên, chân thực, phù hợp với tính cách, với hoàn cảnh nhân vật (0,25 điểm).
- Ngôn ngữ giản dị gần gũi với người nông dân Việt Nam; giọng điệu đoạn văn hài hước, hóm hỉnh (0,25 điểm).
3. So sánh điểm giống và khác nhau giữa hai đoạn văn (1,5 điểm) :
a. Điểm giống (0,75 điểm) :
- Cả hai đoạn văn đều viết về nỗi thống khổ và khẳng định tình thương yêu và khát vọng của những con người bất hạnh. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, họ đã biết đến gần nhau, cưu mang, cứu giúp nhau để cùng vượt lên sự nghiệt ngã của số phận. 
- Thể hiện tấm lòng yêu thương, niềm tin mãnh liệt của các nhà văn đối với con người, khẳng định giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của các tác phẩm.
- Tạo được tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn.
b. Điểm khác nhau (0,75 điểm)  :
- Đoạn trích trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài phản ánh nỗi thống khổ và sức sống tiềm tàng của người dân miền núi dưới ách thống trị của bọn chúa đất, chúa mường còn đoạn trích trong Vợ nhặt của Kim Lân phản ánh nỗi thống khổ và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người nông dân trong nạn đói.
- Sức sống của con người trong đoạn trích của Tô Hoài là sức sống tiềm tàng, có một quá trình vận động, thay đổi khá phức tạp còn sức sống của con người trong đoạn trích của nhà văn Kim Lân là sức sống mang tính bản năng, trỗi dậy mãnh liệt trong một tình huống bất ngờ.
- Tô Hoài thiên về miêu tả nội tâm nhân vật bằng độc thoại nội tâm, Kim Lân mạnh về tạo đối thoại
Lưu ý: 
- Chỉ cho điểm tối đa khi bài làm đủ ý và diễn đạt tốt, tránh đếm ý cho điểm.
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo, có sự phát hiện mới mẻ và có cách lí giải thuyết phục.
 ----HẾT----









File đính kèm:

  • docDe HDC thi HSG tinh.doc