Kì thi khảo sát chất lượng học kì I – khối 12 năm học: 2012 - 2013 môn thi: ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1087 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi khảo sát chất lượng học kì I – khối 12 năm học: 2012 - 2013 môn thi: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU II

ĐỀ THI CHÍNH THỨC
KÌ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I – KHỐI 12 
Năm học: 2012 - 2013
Môn thi: NGỮ VĂN 
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian giao đề

Câu 1. (2 điểm)
Trong phần mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những bản tuyên ngôn nào? Việc trích dẫn đó có ý nghĩa gì?
Câu 2. (3 điểm) 
Từ những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả?
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình
Anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 400 từ) bàn về sự sẻ chia trong cuộc sống.
Câu 3. (5 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương
(“Sóng” – Xuân Quỳnh, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD – 2007, tr 155-156)
..…….…….Hết……….……
(Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm)
Họ và tên thí sinh: …………………………… Số báo danh: ……………………………..
Chữ kí của giám thị 1: ………………………. Chữ kí của giám thị 2: ……………………




TRƯỜNG THPT QUỲNH LƯU II

ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC
KÌ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I – KHỐI 12
Năm học: 2012 - 2013
Môn thi: Ngữ văn


MA TRẬN ĐỀ:
 Mức độ
Kiến thức
Nhận biết
Thông hiểu
Vận dụng
Tổng số điểm
Văn học (1 câu)
1.0
1.0

2.0
Làm văn
NLXH (1 câu)

2.0
1.0
3.0

NLVH (1câu)

3.0
2.0
5.0
Tổng số điểm/ Tổng số câu
1.0
6.0
3.0
10.0/ (3 câu)

HƯỚNG DẪN CHẤM THI
(Bản hướng dẫn này gồm 04 trang)

I- HƯỚNG DẪN CHUNG:
- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận, bố cục rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, sắp xếp các luận điểm, luận cứ, luận chứng một cách phù hợp, lô gic.
- Giáo viên cần hết sức chủ động, linh hoạt khi chấm và cho điểm, luôn xem xét trên phương diện tổng thể của cả bài văn, cần lưu ý đến kĩ năng làm văn nghị luận của học sinh, đặc biệt là kĩ năng hành văn, diễn đạt, tránh hiện tượng đếm ý cho điểm.
- Đối với mỗi bài làm, học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt, lập luận, làm bài khác nhau. Giáo viên khi khi chấm bài cần linh hoạt, đặc biệt khuyến khích những bài làm có cảm xúc và sáng tạo, có quan điểm riêng trong cách trình bày, lập luận miễn là cách thức diễn đạt ấy phù hợp và có tính thuyết phục đối với người đọc.
- Giáo viên cho điểm cụ thể từng câu, tùy vào yêu cầu cụ thể, giáo viên có thể chiết điểm đến 0.25. Điểm toàn bài: 0.25 làm tròn thành 0.5; 0.75 làm tròn thành 1.0.
II- YÊU CẦU CỤ THỂ:
Câu 1. (2 điểm)
1) Các bản tuyên ngôn đã được trích dẫn:
- “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của nước Mĩ
- “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791
=> Cho 1,0 điểm
2) Ý nghĩa của việc trích dẫn:
- Khẳng định quyền hưởng tự do, độc lập, bình đẳng là chân lí hiển nhiên mà mọi dân tộc trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đều được hưởng; tạo vị thế bình đẳng giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới.
- Khẳng định lập trường chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, tạo cơ sở cho cả hệ thống lập luận của bản tuyên ngôn.
=> Cho 1,0 điểm
Câu 2. (3 điểm)
a) Về kĩ năng:
- Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội với bố cục ba phần rõ ràng, hành văn trong sáng, diễn đạt trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu, có tính thuyết phục.
- Đối với những bài văn, học sinh chỉ gạch đầu dòng, cho dù đủ ý, giáo viên cũng không cho quá 1.0 điểm.
b) Về kiến thức:
Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song cần đáp ứng các ý cơ bản sau:
A) Mở bài: 
Giới thiệu vấn để cần nghị luận: Vai trò quan trọng của sự sẻ chia trong cuộc sống, trích dẫn đoạn thơ của nhà thơ Tố Hữu.
B) Thân bài:
1) Thế nào là sự sẻ chia trong cuộc sống?
- Sẻ chia là sự yêu thương, cảm thông, đồng cảm, tương trợ, giúp đỡ … lẫn nhau giữa người với người, không phân biệt màu da, dân tộc, tôn giáo, đảng phái … 
2) Vì sao trong cuộc sống cần phải có sự sẻ chia?
- Giúp chúng ta xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn dựa trên cơ sở tình thương và những mối quan hệ đạo đức tốt đẹp giữa con người với con người.
- Mỗi con người khi có sự sẻ chia với người khác sẽ làm cho cuộc sống bớt đi những hận thù, đau khổ; xã hội bớt đi những cảnh đời bất hạnh và những bất công, éo le, ngang trái …
- Cuộc sống vốn không bằng phẳng. Sẻ chia cho người khác bởi có thể có những lúc chúng ta cần sự tương trợ, giúp đỡ, cảm thông từ chính những người xung quanh.
3) Biểu hiện của sự sẻ chia trong cuộc sống:
- Thương yêu, đồng cảm, giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh xung quanh mình.
- Sống có tinh thần trách nhiệm, không hời hợt, vô cảm.
- Tham gia các hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng ...
- Phê phán những con người sống lạnh lùng, ích kỉ, thực dụng, vô cảm với nỗi đau của đồng loại …
- Dẫn chứng từ thực tế.
4) Liên hệ và rút ra bài học cho bản thân.
C) Kết bài:
Khẳng định lại suy nghĩ của bản thân và nâng lên tầm khái quát về vai trò quan trọng của sự sẻ chia trong cuộc sống.
 c) Cách cho điểm:
*Cho 3 điểm khi: Bài làm đảm bảo được các ý cơ bản, bố cục rõ ràng, mạch lạc, có tính liên kết, hành văn trôi chảy, linh hoạt, dẫn chứng tiêu biểu, có tính thuyết phục, mắc lỗi ít về chính tả, dùng từ, diễn đạt, đặt câu.
*Cho 2 điểm khi: Bài làm đảm bảo được một nửa số ý cơ bản, bố cục rõ ràng, hành văn trôi chảy, có tính liên kết, biết cách lấy dẫn chứng, có thể mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu.
*Cho 1 điểm khi: Bài làm sơ sài, cẩu thả, hành văn rối rắm, sai nhiều về chính tả, dùng từ, đặt câu.
*Cho 0 điểm khi: Bài làm hoàn toàn lạc đề hoặc không làm câu 2.
Câu 3. (5 điểm) 
a) Về kĩ năng: 
Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận (cảm nhận về một đoạn thơ trong một bài thơ hiện đại của giai đoạn văn học 1945 - 1975) với bố cục rõ ràng, hành văn trôi chảy, có cảm xúc, hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng được tổ chức một cách rõ ràng, mạch lạc.
b) Về kiến thức:
Học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau, song cần đáp ứng được những yêu cầu sau:
1) Giới thiệu khái quát về nữ sĩ Xuân Quỳnh và bài thơ “Sóng”, trích dẫn đoạn thơ
2) Cảm nhận về đoạn thơ:
- Đoạn thơ thể hiện nỗi nhớ tha thiết của nhân vật trữ tình gửi vào hình tượng “sóng” (chú ý các biện pháp nghệ thuật: đối, điệp, nhân hóa).
- Mượn hình tượng “sóng”, Xuân Quỳnh đã nói lên quy luật tất yếu của tình yêu, đó chính là nỗi nhớ, một nỗi nhớ da diết, thường trực, bao trùm trong không gian, thời gian và ngay cả trong tiềm thức (“cả trong mơ còn thức”)
- Như những con sóng trên biển cả, cho dù tồn tại với nhiều cung bậc và trạng thái khác nhau thì điểm đến cuối cùng vẫn là bến bờ, nhà thơ Xuân Quỳnh cũng luôn khao khát một tình yêu chung thủy, dù ở nơi nào, phương nào cũng chỉ “hướng về anh – một phương”
- Đoạn thơ tiêu biểu cho hồn thơ Xuân Quỳnh với cách giãi bày tình yêu mãnh liệt, táo bạo song cũng rất nữ tính, chân thành.
3) Khẳng định khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
c) Cách cho điểm:
*Cho 4 – 5 điểm khi: Biết cách phân tích một đoạn thơ, đảm bảo được các ý cơ bản với bố cục rõ ràng, mạch lạc, có tính liên kết, hành văn trôi chảy, linh hoạt, có cảm xúc, mắc lỗi ít về chính tả, dùng từ, diễn đạt, đặt câu.
*Cho 2 - 3 điểm khi: Bài làm đảm bảo được một nửa số ý cơ bản, bố cục rõ ràng, hành văn trôi chảy, có tính liên kết, cảm xúc, có thể mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu.
*Cho 1 điểm khi: Biết cách làm bài văn nghị luận nhưng bài làm sơ sài, cẩu thả, hành văn rối rắm, chữ xấu, sai nhiều về chính tả, dùng từ, đặt câu.
*Cho 0 điểm khi: Bài làm hoàn toàn lạc đề hoặc không làm câu 3.
…………………Hết………………….

 

 







File đính kèm:

  • docDe thi dap an HKI xem duoc.doc
Đề thi liên quan