Kì thi lựa chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học: 2012 - 2013

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1983 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kì thi lựa chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện năm học: 2012 - 2013, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD&ĐT
HUYỆN VĂN LÂM
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN
Năm học: 2012 - 2013

M«n: Ng÷ v¨n 
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
--------š­›--------

Câu 1: (1,5 điểm)
	Viết một đoạn văn ngắn phân tích cái hay, cái đẹp của hai dòng thơ sau:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
(“Cảnh ngày xuân” – Nguyễn Du)

Câu 2: (2,5 điểm)	
	Suy nghĩ của em về ý nghĩa giáo dục trong câu chuyện sau đây:
Bài thuyết giảng
	Tại ngôi làng nhỏ, vào ngày chủ nhật, có một vị giáo sư thường đến nói chuyện về cuộc sống. Hôm nay ông đến thăm nhà của cậu bé vốn không hề muốn chơi hay kết bạn với một ai.
 Cậu bé mời vị giáo sư vào nhà và lấy cho ông một chiếc ghế ngồi bên bếp lửa cho ấm.
	Trong im lặng, hai người cùng ngồi nhìn những ngọn lửa nhảy múa. Sau vài phút, vị giáo sư lấy cái kẹp, cẩn thận nhặt một mẩu than hồng đang cháy sáng ra và đặt nó sang bên cạnh lò sưởi.
	Rồi ông ngồi lại xuống ghế, vẫn im lặng. Cậu bé cũng im lặng quan sát mọi việc.
	Cục than đơn lẻ cháy nhỏ dần rồi tắt hẳn.
	Vị giáo sư nhìn đồng hồ và nhận ra đã đến giờ ông phải đi thăm nhà khác. Ông chậm rãi đứng dậy, nhặt cục than lạnh đặt lại vào giữa bếp lửa. Ngay lập tức, nó lại bắt đầu cháy, tỏa sáng với ánh sáng và hơi ấm của những cục than xung quanh nó.
	Khi vị giáo sư đi ra cửa, cậu bé chủ nhà nắm tay ông nói:
	- Cám ơn bài thuyết giảng của bác!
	 (Phỏng theo “Vặt vãnh và hoàn hảo”, NXB Văn hóa Thông tin)

Câu 3: (6,0 điểm)
	Thơ văn hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, ngoài hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc còn mang nhịp thở của con người lao động mới.
	Qua một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 tập I thuộc văn học giai đoạn này, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

----------------HẾT -----------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu
Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh…………………….....................……… Số báo danh……………....

PHÒNG GD&ĐT
HUYỆN VĂN LÂM
ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN
Năm học: 2012 - 2013


M«n: Ng÷ v¨n 
--------š­›--------

Câu 1: (1,5 điểm).
a. Yêu cầu về hình thức: 
 Đoạn văn phải trình bày rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt lưu loát; văn viết có cảm xúc. 
b. Yêu cầu về nội dung: Cần nêu và phân tích được những ý sau: 
	1. Nghệ thuật:
	- Bút pháp gợi có tính chất điểm xuyết, chấm phá với những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu (cỏ non, hoa lê trắng,…) à (0,4 đ)
	- Chú ý phân tích, bình giá chữ “điểm”: giúp cảnh vật trở nên sinh động, có hồn chữ không tĩnh tại à (0,2 đ)	
	2. Nội dung:
	- Hai câu thơ là bức hoạ tuyệt đẹp về mùa xuân: Phông nền là thảm cỏ xanh trải rộng tới tận chân trời; điểm xuyết vài bông lê trắng à (0,2 đ)
	- Bức tranh có màu sắc hài hoà, chuyển động nhẹ nhàng. Tất cả gợi lên vẻ đẹp riêng của mùa xuân: Mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống; khoáng đạt, trong trẻo; nhẹ nhàng thanh khiết à (0,7 đ).	

Câu 2: (2,5 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Trình bày dưới dạng bài văn nghị luận xã hội, có hệ thống luận điểm rõ ràng, khoa học, bố cục hợp lí.
- Lập luận chặt chẽ, diễn đạt mạch lạc, văn viết có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách, song cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
1. Nhận xét khái quát về câu chuyện:
Điều thú vị ở chỗ truyện có tựa đề là “Bài thuyết giảng” nhưng vị giáo sư lại không hề nói một câu nào. Ông dùng cục than hồng trong bếp lò làm một ẩn dụ để kín đáo gửi gắm vào đó những điều muốn nói. Cách thuyết giảng có tính “trực quan” và đặc biệt ấy đã tác động tích cực, mạnh mẽ đến cậu bé. à (0,3 đ)
2. Chỉ ra được ý nghĩa giáo dục của truyện:
 - Khuyên con người phải sống hòa nhập với tập thể, với cộng đồng. Bởi vì chỉ như thế mỗi cá nhân mới có thể tồn tại và tỏa sáng. à (0,75 đ)
Bàn luận về ý nghĩa giáo dục của câu chuyện và rút ra bài học:
- Câu chuyện đã đưa ra một lời khuyên hoàn toàn đúng đắn, bởi vì:
+ Chỉ khi hòa mình vào tập thể, cá nhân mới có thể tìm thấy niềm vui, mới phát huy được năng lực, sở trường và sức mạnh của chính mình. à (0,6 đ)
+ Nếu tách rời tập thể thì cá nhân sẽ cô đơn, sẽ không thể hoặc rất khó phát huy được năng lực, sức mạnh,... của bản thân. à (0,6 đ)
- Trách nhiệm của cá nhân đối với tập thể và cộng đồng (trân trọng, bảo vệ và luôn có ý thức hòa mình vào tập thể...). à (0,25 đ)

Câu 3: (6,0 điểm)
A. YÊU CẦU:
a. Kỹ năng:
	- Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học
	- Biết cách xây dựng và trình bày hệ thống luận điểm khoa học, lập luận chặt chẽ.
	- Sử dụng các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh và bình luận một cách phù hợp. 
	- Bố cục rõ ràng; kết cấu chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, mạch lạc.
	- Không mắc các lỗi: chính tả, dùng từ, ngữ pháp,…
b. Nội dung:
	 - Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những cảm nhận riêng, miễn là phù hợp yêu cầu của đề. Với đề bài này, cần đảm bảo những ý cơ bản sau:
	 1. Giải thích nhận định:
 - Hiện thực của đất nước ta từ 1945 đến 1975 là hiện thực của những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại và công cuộc xây dựng cuộc sống mới đi lên chủ nghĩa xã hội. Hiện thực đó đã tạo cho dân tộc Việt Nam một vóc dáng nổi bật: vóc dáng người chiến sĩ luôn trong tư thế chủ động chiến đấu chống kẻ thù, vóc dáng của con người lao động mới xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động mới hoà quyện tạo nên vẻ đẹp của con người Việt Nam. Và điều này đã làm nên hơi thở, sức sống cho văn học thời kì 1945 - 1975.
	 2. Chứng minh:
 a. Hình ảnh người chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc: là những con người ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi và nổi bật với lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, với tình đồng đội cao cả, sắt son, tinh thần lạc quan...
	 - Họ là những con người ở mọi tầng lớp, lứa tuổi như: người nông dân mặc áo lính (“Đồng chí” của Chính Hữu), những chàng trai trẻ vừa rời ghế nhà trường (“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật)…
 - Họ là những người lính, người chiến sĩ có lòng yêu nước sâu sắc, có ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc 
 - Hoàn cảnh sống chiến đấu đầy khó khăn, gian khổ song họ luôn có tinh thần lạc quan và tình đồng chí, đồng đội cao đẹp 
 b. Hình ảnh người lao động mới: xuất hiện với tư cách là những người làm chủ cuộc sống mới, họ lao động, cống hiến một cách hăng say, hào hứng, sẵn sàng hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình vì những lí tưởng cao cả và tương lai đất nước.
 - Người lao động trong "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy cận mang nhịp thở tươi vui, hăm hở, hoà mình cùng trời cao biển rộng: họ ra khơi với niềm hân hoan trong câu hát, với ước mơ trong công việc, với niềm vui thắng lợi trong lao động. Đó là những con người làm ăn tập thể, làm chủ biển trời, mang tầm vóc vũ trụ, hăm hở ra khơi bằng tất cả sức lực, niềm vui và lòng hăng say lao động. 
 - Người lao động trong "Lặng lẽ SaPa" của Nguyễn Thành Long mang hơi thở của con người mới với phong cách sống đẹp, suy nghĩ đẹp, sống có lí tưởng, say mê, miệt mài trong công việc, quên mình vì cuộc sống chung, vô tư thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước. Cuộc sống của họ âm thầm, bình dị mà cao đẹp
 3. Đánh giá, bình luận:
	 Văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 đã đáp ứng được những yêu cầu của lịch sử và thời đại. Ở ngoài tiền tuyến khói lửa là hình ảnh của những người lính dũng cảm, kiên cường. Nơi hậu phương là những người lao động bình dị mang nhịp thở của thời đại mới. Hình ảnh người chiến sĩ và người lao động đã kết tinh thành sức mạnh của con người và dân tộc Việt Nam thế kỉ XX. Các tác giả văn học thời kì này đồng thời vừa là nhà văn, nhà thơ, vừa là người chiến sĩ, người lao động cầm bút để ngợi ca con người Việt với niềm say mê và tự hào. Họ đã làm nên vẻ đẹp và sức sống mới cho văn học Việt Nam giai đoạn này.
B/ TIÊU CHUẨN CHO ĐIỂM:
	- Điểm 5 à 6: Đáp được những yêu cầu nêu trên, luận điểm đầy đủ rõ ràng, văn viết có cảm xúc, nghị luận tốt, làm nổi bật được trọng tâm, diễn đạt trong sáng, có thể còn vài sai sót nhỏ.
	- Điểm 3,75 à 4,75: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, bết chứng minh làm rõ trọng tâm song phân tích bình luận có chỗ chưa sâu sắc, còn mắc một số lỗi dùng từ, diễn đạt.
	- Điểm 2,5 à 3,5: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật đầy đủ phong phú, nghị luận chưa sâu, nhưng vẫn làm rõ được các ý. Còn mắc lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt.
	- Điểm 1,25 à 2,25: Bài làm thể hiện được luận điểm nhưng chưa lấy được dẫn chứng, chỉ bàn luận chung chung, chưa làm nổi bật yêu cầu của đề. Hoặc những bài làm chưa hình thành được luận điểm chỉ đơn thuần phân tích một vài tác phẩm liên quan đến vấn đề nghị luận.
	- Điểm 0-1: Không hiểu đề, chỉ bàn luận chung chung không đúng yêu cầu của đề hoặc sai lạc cả nội dung và phương pháp.

	* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý cơ bản, giám khảo cần linh hoạt căn cứ vào từng bài viết của học sinh để cho điểm hợp lí. Khuyến khích những bài làm có tính sáng tạo, thể hiện được năng khiếu văn. 
-----------------HẾT -----------------

File đính kèm:

  • docDE THI HS GIOI VAN 9 DAP AN CHI TIET Du.doc