Kiểm tra học kì I năm học 2010 – 2011 môn: ngữ văn lớp 11 (hệ GDTX) chương trình chuẩn

doc5 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1132 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kiểm tra học kì I năm học 2010 – 2011 môn: ngữ văn lớp 11 (hệ GDTX) chương trình chuẩn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 SỞ GD & ĐT TIỀN GIANG CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRUNG TÂM GDTX CÁI BÈ Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
KIỂM TRA HỌC KÌ I NĂM HỌC 2010 – 2011
Đề chính thức
Môn: NGỮ VĂN LỚP 11 (HỆ GDTX)
Chương trình chuẩn
Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)
Đề thi có 01 trang, gồm 03 câu.
------------------------------------------------------------------------------------------------------

Câu 1: Thế nào là Thành ngữ? Cho ví dụ (1điểm).

Câu 2: Tìm và chỉ ra ý nghĩa của những thành ngữ trong đoạn thơ sau: (1 điểm)

 “Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quảng công”

 (Trần Tế Xương – Thương vợ)

Câu 3: Chép lại bài thơ “Câu Cá Mùa Thu” (Thu Điếu) của Nguyễn Khuyến (1điểm).

Câu 4: Cảm nhận của anh (chị) về hai câu thơ sau: (2 điểm)
"Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không"
 (Trần Tế Xương, Thương vợ)

Câu 5: (5 điểm)
Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân.




	.........................................Hết.........................................

Thí sinh không được sử dụng tài liệu

 SỞ GD&ĐT TIỀN GIANG
TRUNG TÂM GDTX CÁI BÈ


 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc



HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 11 (HỆ GDTX)
KIỂM TRA TỔNG HỢP HỌC KÌ I NĂM HỌC 2010 – 2011

Câu 1: (1 điểm)
v Khái niệm: Thành Ngữ là những ngữ cố định, khi sử dụng trong câu, thường không có sự thay đổi về hình thức cấu tạo, và tương đương về nghĩa, về vai trò ngữ pháp với một từ hoặc một cụm từ tự do (0.5 điểm)
v VD: + Nước đổ đầu vịt
 + Mẹ tròn con vuông
 + Đầu trâu mặt ngựa
 + Cá chậu chim lồng
* Lưu ý: - Nêu 01 ví dụ 0.25đ
 - Nêu 02 ví dụ 0.5đ
Câu 2: (1điểm)
Một duyên hai nợ: một mình phải đảm đang công việc gia đình để nuôi cả chồng và con (0.5 điểm).
Năm nắng mười mưa: vất vả, cực nhọc, dãi dầu mưa nắng (0.5 điểm).
→ Nếu so sánh hai thành ngữ trên với các cụm từ thông thường thì thấy các thành ngữ ngắn gọn cô đọng, cấu tạo ổn định, nội dung khái quát và có tính biểu cảm.
* Lưu ý: Tìm được 01 thành ngữ 0.25đ
 
Câu 3: (1điểm)
 Chép lại bài thơ “Câu Cá Mùa Thu” (Thu Điếu) của Nguyễn Khuyến:
Chép đúng bài thơ: 1 điểm
Chép sai 02 từ hoặc thiếu 1 câu: trừ 0.5 điểm
Sai 02 lỗi chính trả: trừ 0.25 điểm
Sai 04 lỗi chính tả: trừ 0.5 điểm
Chép sai, đảo vị trí 02 câu thơ: 0 điểm
Câu 4: (2 điểm)
* Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần nêu được những ý chính sau:
Hai câu thơ là lời tâm sự của nhà thơ:
- Thương vợ mà bật ra thành hành động qua ngôn ngữ trực tiếp:
+ Chửi thói đời: thói quen đáng trách được mặc nhiên công nhận (tập tục bất công của nho giáo: không cho ông được thương vợ thiết thực, không cùng vợ lặn lội, eo sèo)
+ Vậy nên ông tự trách: “Có chồng hờ hững cũng như không”
- Đằng sau tiếng chửi xã hội, chửi mình là những giọt nước mắt của nỗi đau, của tâm trạng phẫn uất, của bi kịch.
+ Bi kịch của Tú Xương: từng nuôi mộng “bia đá bảng vàng” “cho sang mặt vợ”
+ Bi kịch của xã hội: chữ Hán đến thời mạt vận, thi cử lộn tùng phèo
+ Rốt cục: Tú Xương trở thành kẻ vô tích sự, ăn bám vợ nên cảm thấy tê tái, đớn đau cho mình.
* TIÊU CHUẨN CHO ĐIỂM:
- ĐIỂM 2,0: 
 + Đáp ứng tốt những yêu cầu nêu trên.
 + Bố cục hợp lí, nội dung chặt chẽ, phong phú. 
 + Diễn đạt tốt, có cảm xúc. 
 + Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- ĐIỂM 1,5: 
 + Đáp ứng được hơn 2/3 yêu cầu nêu trên.
 + Hiểu đúng đề bài, bố cục hợp lí, nội dung chặt chẽ.
 + Diển đạt tốt, có cảm xúc, sai một số lỗi.

- ĐIỂM 1,0: 
 + Hiểu đúng đề bài, nội dung còn sơ lược.
 + Văn chưa trôi chảy nhưng diễn đạt được ý. 
 + Không mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.
- ĐIỂM 00,0: 
 - Sai lạc cả nội dung và phương pháp.

Câu 5: (5 điểm)
I. YÊU CẦU:
1. Về kĩ năng : 
- Áp dụng kết hợp thao tác lập luận ở những mức độ nhất định để làm rõ nội dung đề bài, trong đó thao tác lập luận phân tích là thao tác chính ngoài các thao tác chứng minh, biểu cảm...
- Biết cách phân tích một nhân vật trong tác phẩm văn học
- Biết cách trình bày một bài văn nghị luận văn học.
2. Về nội dung : 
 Bài viết có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng cần phải nêu được các ý cơ bản sau: 
a. Huấn Cao là một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp:
- Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người có tài viết chữ. Đó là tài viết chữ Hán - nghệ thuật thư pháp:
 + “rất nhanh và rất đẹp”. 
 + “ Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”. 
- Ca ngợi tài của Huấn Cao, Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm: Kính trọng, ngưỡng mộ những người tài, trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc.
b. Huấn Cao là một con người có khí phách hiên ngang bất khuất:
- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.
- Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Trước câu nói của tên lính áp giải: không thèm để ý, không thèm chấp. Huấn Cao thản nhiên rũ rệp trên thang gông: “Huấn Cao lạnh lùng … nâu đen”. Đó là khí phách, tiết tháo của nhà Nho “uy vũ bất năng khuất”.
- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”. Đúng là một phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
- Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt đến điều “Ngươi hỏi ta muốn gì ...vào đây”. Huấn Cao là người không quy luỵ trước cường quyền. Đó là khí phách của một người anh hùng.
c. Một nhân cách, một thiên lương cao cả:
- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ”, và chỉ mới cho chữ “ba người bạn thân”. Có tấm lòng trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỉ.
- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân, đối xử coi thường, cao ngạo.
- Khi biết tấm lòng của quản ngục: Cảm nhận được “Tấm lòng biệt nhỡn liên tài” và hiểu ra “Sở thích cao quý” của quản ngục và Huấn Cao nhận lời cho chữ. Ông chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp. 
- Câu nói của Huấn Cao: “ Thiếu chút nữa ... trong thiên hạ”. Câu nói thể hiện sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp. Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.
- Quan điểm của Nguyễn Tuân: Cái tài phải đi đôi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời nhau. Đây là một quan niệm thẩm mỹ tiến bộ.
II. BIỂU ĐIỂM :
- Điểm 5 : 
+ Hiểu rõ và đáp ứng tốt, đầy đủ yêu cầu của đề bài ; 
+ Có tư duy, cảm nhận riêng ; 
+ Bố cục bài viết rõ ràng, hợp lí; 
+ Diễn đạt mạch lạc, lời văn tự nhiên, có cảm xúc ; 
+ Dẫn chứng chính xác.
+ Không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt.
- Điểm 4 : 
+ Hiểu rõ và đáp ứng tốt yêu cầu của đề bài ; 
+ Có tư duy, cảm nhận sâu sắc ; 
+ Bố cục bài viết rõ ràng, hợp lí ; 
+ Dẫn chứng chính xác.
+ Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc ; 
+ Còn vài lỗi chính tả, ngữ pháp. 
- Điểm 3 : 
+ Hiểu và đáp ứng khá tốt yêu cầu của đề bài; 
+ Bài làm có chỗ thể hiện cảm nhận tốt; 
+ Bố cục rõ ràng, còn một số chỗ chưa hợp lí ; 
+ Dẫn chứng chính xác.
+ Diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc nhưng chưa nhiều; 
+ Còn mắc lỗi chính tả, ngữ pháp.
- Điểm 2 : 
+ Hiểu và đáp ứng được yêu cầu của đề bài nhưng khai thác chưa sâu các ý; 
+ Cảm nhận có đôi chỗ còn sơ sài, chưa có dẫn chứng; 
+ Bố cục rõ ràng, nhiều chỗ bố cục đoạn chưa hợp lí; 
+ Diễn đạt được; một số dẫn chứng chưa chính xác.
+ Mắc lỗi 4 - 5 lỗi chính tả, ngữ pháp. 
- Điểm 1 : 
+ Chưa nắm vững và chưa làm nổi rõ yêu cầu của đề bài ; 
+ Có những chỗ trình bày chưa sát với yêu cầu của đề ; 
+ Bố cục chưa thật rõ ràng, còn nhiều chỗ chưa hợp lí; 
+ Nhiều chỗ dẫn chứng chưa chính xác.
+ Diễn đạt còn lúng túng, ý rời rạc ; 
+ Mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
- Điểm 00 : 
- Để giấy trắng hoặc chỉ viết một vài dòng không rõ ý.
- Lạc đề












	

File đính kèm:

  • docDE THI HOC KI 2 KHOI 11.doc