Kiểm tra học kì II lớp 12 năm học 2008-2009

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1012 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kiểm tra học kì II lớp 12 năm học 2008-2009, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIỂM TRA HỌC KÌ II LỚP 12
 QUẢNG NAM	 NĂM HỌC 2008-2009
 
 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 
A.Hướng dẫn chung

-Thầy cô giáo cần nắm bắt được nội dung trình bày của học sinh để đánh giá một cách tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Cần chủ động và linh hoạt khi vận dụng Hướng dẫn chấm này. 
-Trân trọng những bài viết có cách nhìn riêng, cách trình bày riêng.
-Điểm lẻ toàn bài tính đến 0,25 đ. Sau đó, làm tròn số đúng quy định.

B.Đáp án và thang điểm

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ HỌC SINH (5,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
a) Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu được các kiến thức chính sau:
-Lỗ Tấn (1881-1936) là nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc thế kỉ XX, người có nhiều đóng góp quan trọng nhất cho nền văn học Trung Quốc nửa đầu thế kỉ XX. 
-Lỗ Tấn từng chọn học ngành Y - hai năm học Y khoa – nhưng sau đó (xem phim thấy những người Trung Quốc khỏe mạnh, hăm hở xem người Nhật chém một người Trung Quốc làm gián điệp cho quân Nga) chuyển sang làm văn nghệ vì nhận ra chữa bệnh thể xác cho nhân dân của ông không quan trọng bằng chữa bệnh về tinh thần cho họ.
 -Tư tưởng nhất quán trong các tác phẩm của Lỗ Tấn là phanh phui các “căn bệnh tinh thần” của quốc dân, lưu ý mọi người tìm phương thuốc chạy chữa để nâng cao dân trí.
-Sáng tác của Lỗ Tấn gồm ba tập truyện ngắn (Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại) và nhiều tập tạp văn, nhiều bài thơ… 
b) Cách cho điểm: 
- Điểm 2: Đáp ứng yêu cầu trên, có thể còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 1: Trình bày được một nửa yêu cầu trên, còn mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 0: Sai hoàn toàn về kiến thức hoặc chưa làm được gì.
Câu 2 (3,0 điểm)
a)Yêu cầu về kĩ năng: Về bản chất, câu 2 là một câu thuộc dạng phân tích. Học sinh không chỉ biết tái hiện kiến thức mà còn phải biết vận dụng, phân tích kiến thức ấy. Học sinh cần có ý thức đặt chi tiết (tình tiết) trong mối tương quan với cả đoạn đời của nhân vật và toàn bộ tác phẩm để có cách hiểu hợp lí. Câu trả lời cần được diễn đạt lưu loát, sáng rõ. 
b)Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể chọn những chi tiết (tình tiết) khác nhau. Vấn đề là khi đặt vào cảnh ngộ cụ thể của nhân vật, chi tiết (tình tiết) đó phải làm nổi lên sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Cần lưu ý đến khả năng lí giải của học sinh khi chọn chi tiết (tình tiết) vì vấn đề chưa dừng lại ở việc chọn chi tiết (tình tiết) gì mà còn phải tính đến cách phân tích chi tiết (tình tiết) đó của học sinh. Những chi tiết (tình tiết) có khả năng được chọn: thái độ khóc dai dẳng mang tính phản kháng thực tại của Mị sau khi bị bắt về làm dâu trừ nợ cho nhà thống lí Pá Tra, thái độ quyết liệt trong việc đòi tự tử, nội tâm của Mị trong đêm uống rượu đón xuân về, hành động đòi đi chơi Tết của Mị, hành động cắt đứt dây trói cho A Phủ, hành động chạy khỏi nhà thống lý... 
c)Cách cho điểm: Câu này gồm ba ý. Điểm tối đa của mỗi ý là một điểm. Thầy cô giáo tùy cách làm cụ thể của học sinh để chọn cách cho điểm hợp lí nhất.
II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Học sinh học chương trình nào chỉ được làm câu dành riêng cho chương trình đó (câu 3.a hoặc 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
a)Yêu cầu về kĩ năng:
Cảm nhận về một nhân vật về thực chất chính là phân tích nhân vật nhưng ở một mức độ thoáng và nhẹ nhàng hơn, mang màu sắc chủ quan của người nhìn nhận hơn. Cần lưu ý là đề yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về tâm trạng của nhân vật Việt vào đêm chuẩn bị lên đường đi bộ đội – sau khi đã ghi tên tòng quân chứ không phải yêu cầu nêu cảm nhận về nhân vật Việt một cách chung chung. Thầy cô giáo nên hướng dẫn, nhắc nhở thêm cho học sinh về dạng đề này. Nếu không đọc kĩ đề sẽ dễ bị ngộ nhận.
b)Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có quyền diễn đạt theo nhiều cách khác nhau và có thể không nhất thiết phải trình bày tâm trạng của nhân vật Việt theo đúng trình tự diễn biến của tác phẩm nhưng phải có ý thức đặt tâm trạng nhân vật đúng bối cảnh mà đề yêu cầu và cảm nhận tâm trạng đó trong mối tương quan với cả đoạn đời của nhân vật và toàn bộ tác phẩm để có cách hiểu và cách đánh giá hợp lí. Nên tổ chức bài theo định hướng sau:
*Tâm trạng:
-Thoải mái, vui sướng trong sự vô tư vì đã đạt được ý nguyện đi bộ đội (“lăn kềnh ra ván, cười khì khì”, vừa nghe chị nói vừa “chụp một con đom đóm úp trong lòng tay”, mọi sắp xếp việc nhà đều thuận theo sắp đặt của chị Chiến).
-Bồi hồi nhận ra một điều là chị Chiến giống má quá (Việt phát hiện một điều bình dị mà lâu nay anh vẫn chưa kịp nhận ra: chị Chiến có những nét giống má. Từ những câu nói, cách nói…).
-Nhớ má, thấy thương má vô cùng (có cảm giác má như còn sống, đang về cùng Việt trong đêm chuẩn bị lên đường đi bộ đội).
*Đánh giá: 
Tâm trạng của nhân vật được khắc họa rất chân thực, sắc nét; vừa cụ thể vừa khái quát .
c)Cách cho điểm:
-Điểm 5: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
-Điểm 3: Bài còn chung chung khi nhìn nhận về nhân vật, các ý có thể chưa thật đầy đủ (trình bày được một nửa các yêu cầu về kiến thức) nhưng có ý thức quan tâm đến định hướng của đề. Ít nhiều có lưu ý đến kĩ năng. Còn mắc một số lỗi diễn đạt. 
-Điểm 1: Phân tích (cảm nhận) quá sơ sài, tản mạn, diễn đạt yếu.
-Điểm 0: Chưa làm được gì hoặc hoàn toàn lạc đề.
Câu 3.b Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
a)Yêu cầu về kĩ năng:
Cần lưu ý là đề yêu cầu học sinh nêu cảm nhận về những biến chuyển về nhận thức của nhân vật Phùng trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu trong việc nhìn nhận về cái đẹp cũng như cuộc sống và con người chứ không phải yêu cầu nêu cảm nhận về nhân vật Phùng một cách chung chung. Thầy cô giáo nên hướng dẫn, nhắc nhở thêm cho học sinh về dạng đề này. Nếu không đọc kĩ đề sẽ dễ bị ngộ nhận.
b)Yêu cầu về kiến thức:
*Biến chuyển về nhận thức:
-Nhận thức về cái đẹp:
+Cái đẹp làm thanh khiết, trong trẻo tâm hồn người ngắm nhìn nó (Phùng chứng kiến cảnh một chiếc thuyền vó từ ngoài xa đang chèo vào trong màn sương trắng loáng thoáng ánh mặt trời đỏ, vẻ đẹp “thực đơn giản và toàn bích” đó làm nhói lên trong tâm hồn Phùng một niềm cảm động đến đắm đuối, anh cảm nhận rõ “cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.”).
+Nhận thức thêm: Đằng sau hoặc bên trong cái đẹp “toàn bích”, có thể vẫn ẩn chứa những gì trần trụi, khắc nghiệt (một người đàn bà xấu xí, thô kệch, mệt mỏi, sẵn sàng chấp nhận thói bạo hành, một người đàn ông thô kệch, thô thiển, độc ác với “hai con mắt đầy vẻ độc dữ” hung hãn quất tới tấp chiếc thắt lưng ghê gớm của mình lên lưng người đàn bà của đời mình). 
-Nhận thức về cuộc sống và con người: 
+Cuộc sống và con người cũng không có gì phức tạp: Phùng can ngăn hành động vũ phu của người đàn ông vùng biển, nhờ Đẩu - người bạn đồng ngũ nay là chánh án huyện phụ trách địa bàn can thiệp vào trường hợp gia đình vợ chồng thuyền chài – và nghĩ rằng chuyện sẽ kết thúc đơn giản theo kiểu người đàn ông và người đàn bà nên chia tay.
+Nhận thức thêm: Khi nghe lời van nài của người đàn bà trước tòa (“Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”) và đặc biệt là khi nghe hết tâm tình của người vợ, người mẹ vùng biển đó, Phùng ngỡ ngàng kêu lên: “Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được!”. Lúc kêu lên “không thể nào hiểu được” đó có lẽ chính là lúc người nghệ sĩ Phùng mới thật sự nhận thức và hiểu hết sự phức tạp, nhiều chiều của cuộc sống và con người.
*Đánh giá: Quá trình biến chuyển về nhận thức của nhân vật được khắc họa khá rõ nét và có sự hợp lí.
c)Cách cho điểm:
-Điểm 5: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
-Điểm 3: Bài còn chung chung khi nhìn nhận về nhân vật, các ý có thể chưa thật đầy đủ (trình bày được một nửa các yêu cầu về kiến thức) nhưng có ý thức quan tâm đến định hướng của đề (nhận thức về cái đẹp và cuộc sống, con người). Ít nhiều có lưu ý đến kĩ năng. Còn mắc một số lỗi diễn đạt
-Điểm 1: Phân tích (cảm nhận) quá sơ sài, tản mạn, diễn đạt yếu.
-Điểm 0: Chưa làm được gì hoặc hoàn toàn lạc đề.


	.........................................hết...........................................



File đính kèm:

  • docHDC Van k2 bo sung.doc