Kiểm tra học kỳ II - Lớp 12 năm học: 2008-2009 môn: ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1068 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kiểm tra học kỳ II - Lớp 12 năm học: 2008-2009 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIỂM TRA HỌC KỲ II - LỚP 12 THPT 
 THỪA THIÊN HUẾ	 NĂM HỌC: 2008-2009

 	 Môn: NGỮ VĂN 
 Thời gian làm bài : 150 phút
 ----------------------------------------------

A. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ HỌC SINH: ( 5,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm) 
 Anh/chị hiểu thế nào về nguyên lí “ Tảng băng trôi ” của nhà văn E.Hê-minh-uê? Căn cứ vào nội dung tác phẩm“ Ông già và biển cả ”, đặc biệt là trích đoạn được học, hãy nêu ngắn gọn ý nghĩa các biểu tượng sau đây: ông lão Xan-ti-a-gô, biển cả, con cá kiếm và cuộc đi câu. 
Câu 2: (3,0 điểm)
Từ câu nói nổi tiếng của nhân vật Xan-ti-a-gô trong “Ông già và biển cả”( E.Hê-minh-uê) :
 “ Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại”, 
 anh /chị hãy viết bài văn ngắn (dài không quá bốn trăm từ) để bàn về giá trị của niềm tin.
B. PHẦN RIÊNG: ( 5,0 điểm ) 
Học sinh học chương trình nào thì làm câu dành riêng cho chương trình đó, câu 3.a hoặc câu 3.b, không được làm cả 2 câu.
Câu 3.a: (Chương trình Chuẩn)
Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Từ đó anh / chị hãy rút ra cho mình bài học về cách nhìn nhận con người và cuộc sống.
Câu 3.b: (Chương trình Nâng cao)
Phân tích nhân vật “bà Hiền” trong tác phẩm “ Một người Hà Nội ” để làm rõ quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Khải.

 ---------------------------- Hết ----------------------------


- Học sinh không được dùng tài liệu.
- Giám thị không giải thích gì thêm.


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIỂM TRA HỌC KỲ II - LỚP 12 THPT 
 THỪA THIÊN HUẾ	 NĂM HỌC : 2008-2009
 Môn : NGỮ VĂN 
 Thời gian làm bài : 150 phút
 
HƯỚNG DẪN CHẤM
A. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ HỌC SINH: ( 5,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
 ♦ Yêu cầu về kỹ năng:
- Học sinh trình bày ngắn gọn, có thể diễn đạt thành đoạn hay nêu ý, miễn sao chính xác, trôi chảy, rõ ràng.
 ♦ Yêu cầu về kiến thức: (Cho điểm trên cơ sở kết hợp với yêu cầu kỹ năng)
1. Nguyên lí "Tảng băng trôi"của E.Hê-minh-uê: (1,0 điểm)
Đây là một nguyên lí sáng tác do nhà văn E.Hê-minh-uê đề xướng dựa trên một hiện tượng tự nhiên (khi tảng băng trôi trên đại dương thì chỉ một phần nổi trên mặt nước, bảy phần còn lại bị chìm khuất). Theo đó: 
- Nhà văn nhấn mạnh vào mạch ngầm văn bản, loại bỏ những phần không cần thiết, chỉ giữ lại phần cốt lõi với các chi tiết giản dị, cô đúc, chân thực (phần nổi), rối sắp xếp chúng sao cho tạo hiệu quả gợi mở ở độc giả. (0,5 điểm)
- Độc giả phải vận dụng kinh nghiệm, hiểu biết, liên tưởng mang tính đồng sáng tạo mới có thể hiểu hết các tầng ý nghĩa mà tác giả gởi gắm qua chi tiết, hình ảnh, hình tượng, kể cả những "khoảng trống" trong các câu văn của tác phẩm (phần chìm). (0,5 điểm)
2. Lý giải ý nghĩa các biểu tượng: (1,0 điểm)
- Ông lão Xan-ti-a-gô: Biểu tượng cho Con Người với tất cả khát vọng lớn lao, sự dũng cảm đương đầu với thử thách, dám chấp nhận thất bại và luôn tỉnh táo, ý thức được giới hạn của mình. (0,25 điểm)
- Biển cả: Môi trường hoạt động - lao động và sáng tạo - của Con Người. 
 (0,25 điểm)
- Con cá kiếm: Biểu tượng cho thiên nhiên (vừa là bạn, vừa là đối thủ), cho ước mơ, khát vọng của Con Người. (0,25 điểm)
- Cuộc đi câu: Hành trình đuổi theo khát vọng to lớn, vượt ra ngoài giới hạn của Con Người. (0,25 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
 ♦ Yêu cầu về kỹ năng:
- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội ngắn (không quá 400 từ) có 3 phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài.
- Học sinh hiểu yêu cầu đề, có định hướng giải quyết vấn đề đúng đắn; có lý lẽ thuyết phục, dẫn chứng sát hợp, lập luận chặt chẽ.
- Hạn chế các lỗi diễn đạt, chữ rõ, bài sạch.

 ♦ Yêu cầu về kiến thức: (Cho điểm trên cơ sở kết hợp với yêu cầu kỹ năng)
1. Hiểu câu nói của nhân vật Xan-ti-a-gô: (0,5 điểm)
- Câu nói thể hiện tinh thần kiêu hãnh, ý chí ngoan cường và nhất là niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh và khả năng tồn tại của Con Người.
2. Bàn về giá trị của niềm tin: (2,5 điểm)
- Niềm tin là một biểu hiện tinh thần của Con Người, mang sức mạnh to lớn: giúp Con Người vượt qua mọi thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, chinh phục mọi đỉnh cao. (0,5 điểm)
- Niềm tin chỉ thực sự có giá trị khi được xây dựng trên một nền tảng vững chắc không chỉ bởi sức mạnh cơ bắp mà còn từ sức mạnh trí tuệ và nhất là với ý chí, nghị lực, ước mơ hoài bão ... của Con Người. (1 điểm)
- Mỗi người cần xây dựng cho mình niềm tin vào bản thân, vào con người và cuộc sống; từ đó phấn đấu không ngừng cho tương lai xán lạn của chính mình và toàn xã hội. (1 điểm)

B. PHẦN RIÊNG: ( 5,0 điểm)
Học sinh học chương trình nào thì làm câu dành riêng cho chương trình đó, câu 3a hoặc câu 3b, không được làm cả 2 câu.
Câu 3.a:
 ♦ Yêu cầu về kỹ năng: 
- Bài làm có 3 phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài.
- Bài làm có văn phong nghị luận văn học; hiểu yêu cầu đề, xác định đúng hướng làm bài, có thể kết hợp hay chia tách hai yêu cầu của đề là phân tích tình huống truyện và rút ra bài học.
- Bài cần hạn chế các lỗi diễn đạt; chữ rõ, bài sạch..
♦ Yêu cầu về kiến thức: (Cho điểm trên cơ sở kết hợp với yêu cầu kỹ năng)
1. Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu) (4 điểm)
- Tình huống truyện là sự kiện mang ý nghĩa bộc lộ mọi mối quan hệ, bộc lộ khả năng ứng xử; thử thách các phẩm chất, tính cách; tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng, tình cảm, cuộc đời của con người. (0, 25 điểm)
- Tình huống trong truyện "Chiếc thuyền ngoài xa" mang ý nghĩa kịch tính; đầy những khám phá, phát hiện về đời sống và con người - là loại tình huống nhận thức: nhân vật "ngộ ra" chân lý sau các sự kiện được đan cài nhau. Tất cả xoay quanh cuộc đời người đàn bà hàng chài. (0,75 điểm)
 + Về phía nghệ sĩ Phùng, đồng thời với việc phát hiện ra vẻ đẹp kỳ ảo hiếm có của thiên nhiên - tưởng chừng như đã chạm tới "cái chân lý của sự hoàn thiện" là việc anh bất ngờ đối diện với những nghịch lý phũ phàng, tàn khốc của cuộc sống - một cuộc sống vốn không hề đơn giản, nhất là các mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cuộc sống với nghệ thuật. 
 (1,5 điểm)
+ Về phía chánh án Đẩu, "một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công này". Anh nhận ra rằng cuộc sống vốn đầy những nghịch lý - những nghịch lý mà con người buộc phải chấp nhận; và để thoát ra khỏi điều đó, cần phải có những giải pháp thiết thực chứ không chỉ dừng ở lòng tốt và nhất là những lý thuyết suông.. (1,5 điểm)
2. Rút ra bài học về cách nhìn nhận con người và cuộc sống: (1 điểm)
- Cần phải nhìn nhận con người và cuộc sống một cách đa diện, nhiều chiều.
 (0,5 điểm)
- Cần phải trung thực và dũng cảm nhìn thằng vào hiện thực, vào số phận mỗi con người để nhận ra giá trị đích thực của con người và cuộc sống.
 (0,5 điểm)
Câu 3.b:
 ♦ Yêu cầu về kỹ năng: 
- Bài làm có 3 phần: Mở bài - Thân bài - Kết bài:
- Bài làm có văn phong nghị luận văn học; hiểu yêu cầu đề, xác định đúng hướng làm bài; luận điểm rõ ràng, cụ thể; dẫn chứng chính xác, phù hợp.
- Bài cần hạn chế các lỗi diễn đạt; chữ rõ bài sạch.
♦ Yêu cầu về kiến thức: (Cho điểm trên cơ sở kết hợp với yêu cầu kỹ năng)
1. Phân tích nhân vật bà Hiền (Một người Hà Nội - Nguyễn Khải): (4 điểm)
- Bà là nhân vật trung tâm của truyện; sống thắng thắn, chân thành, tự tin và thức thời. (1 điểm)
- Dạy con cái cẩn thận, chuẩn mực, bản thân bà là tấm gương sáng về lòng tự trọng và đức hy sinh, vị tha. (1 điểm)
- Bà luôn giữ gìn nếp sống văn hoá, thanh lịch của người Hà Nội trong mọi hoàn cảnh với tất cả bản lĩnhvà phẩm chất tốt đẹp. (1 điểm)
- Bà là "hạt bụi vàng" làm nên đất kinh kỳ "chói sáng những ánh vàng" - một con người, một công dân bình thường nhưng đã lưu giữ được các giá trị văn hoá, tinh thần của Hà Nội. (1 điểm)
 (Các biểu hiện qua ngoại hình, ngôn ngữ, suy nghĩ, hành động, ứng xử ...)
2. Quan niệm nghệ thuật mới về con người ( và cuộc sống ) của Nguyễn Khải: 
 (1 điểm)
- Trước thời kỳ đổi mới, Nguyễn Khải và nhiều nhà văn khác khai thác hiện thực với cái nhìn đơn chiều, con người được nhìn nhận theo kinh nghiệm của cộng đồng, lấy tính giai cấp làm chuẩn mực quy chiếu. (0,25 điểm)
- Bước sang thời kỳ đổi mới, cái nhìn của Nguyễn Khải là cái nhìn đa chiều, mang nhiều trăn trở, chiêm nghiệm; con người được soi chiếu bằng cái nhìn thế sự, mà điểm quy chiếu là văn hoá ứng xử, là đạo đức, đạo lý trong đời thường; con người ấy có dáng vẻ riêng, có nhân cách đẹp và luôn đồng hành với niềm tin của nhà văn về một cuộc sống ngày mai "chói sáng những ánh vàng" . 
 (0,75 điểm)



* Lưu ý: 
	- Tổ trưởng và các giáo viên dạy khối 12 cần thảo luận hướng dẫn chấm thật kỹ, cân nhắc điểm của các ý.
	- Nên pho-to hướng dẫn chấm cho học sinh để các em rút kinh nghiệm sau khi sửa lỗi.
------------------------- HẾT -------------------------

File đính kèm:

  • docDe thi va dap an thi HKII nam hoc 0809.doc