Kỳ kiểm tra chất lượng ôn thi đại học lần 1 năm học 2013 – 2014 môn: ngữ văn - Khối c thời gian làm bài: 180 phút

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1301 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ kiểm tra chất lượng ôn thi đại học lần 1 năm học 2013 – 2014 môn: ngữ văn - Khối c thời gian làm bài: 180 phút, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

KỲ KTCL ÔN THI ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM HỌC 2013 – 2014 
 MÔN: NGỮ VĂN - KHỐI C
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
 Trong tác phẩm Hai đứa trẻ, Thạch Lam viết: Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ. 
 Anh/chị hãy cho biết chừng ấy người là ai? Điều tươi sáng mà họ đang mong đợi là gì? Nhận xét về tư tưởng của Thạch Lam qua việc thể hiện niềm mong đợi của họ.
Câu 2. (3,0 điểm)
 Thói ỷ lại là căn bệnh nguy hiểm đang dần hủy diệt sức trẻ.
 Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
 Có ý kiến cho rằng: Chí Phèo là người nông dân chẳng những bị tước đoạt nhân hình, nhân tính mà bi thảm hơn, Chí Phèo muốn trở lại làm người mà không được. 
 Từ cảm nhận về nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. 
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
 Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
	Tôi đã là con của vạn nhà
	Là em của vạn kiếp phôi pha
	Là anh của vạn đầu em nhỏ
	Không áo cơm cù bất cù bơ...
 (Từ ấy – Tố Hữu, Ngữ văn 11 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2011, Tr. 87)
	Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
	Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa,
	Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
	Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.
 (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục, 2011, Tr.104)
---------- Hết ----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: …………………………. Số báo danh:..........................................
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

KỲ KTCL ÔN THI ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM HỌC 2013 – 2014 
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN - KHỐI C
(Đáp án gồm 05 trang)

I. LƯU Ý CHUNG
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
- Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
- Sau khi cộng điểm toàn bài, làm tròn đến 0,25.
II. ĐÁP ÁN
Câu
Ý
Nội dung
Điểm
1

Trong tác phẩm Hai đứa trẻ, Thạch Lam viết: Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì đó tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ. Chừng ấy người là ai? Điều tươi sáng mà họ đang mong đợi là gì? Nhận xét về tư tưởng của Thạch Lam.
2,0

1.
-  Chừng ấy người là hai chị em Liên và An, mẹ con chị Tí, bác phở Siêu, gia đình bác xẩm và những người dân phố huyện nghèo.
- Điều tươi sáng mà họ đang mong đợi là một cuộc sống hạnh phúc hơn, có nhiều niềm vui hơn.
0,5

0,5

2.
- Ý nghĩa:
+ Nhà văn đồng cảm, xót thương cho cuộc đời nghèo khổ, tăm tối của những người dân phố huyện nghèo, không biết mong đợi gì hơn ngoài chuyến tàu đêm đi qua phố huyện.
 + Phát hiện, ngợi ca, trân trọng những mơ ước, khát vọng đổi đời dù mơ hồ nhưng mãnh liệt; đồng thời, thể hiện niềm tin tưởng vào khả năng vươn dậy của con người. Dù cuộc sống quẩn quanh, đơn điệu, bế tắc nhưng họ vẫn hy vọng vào tương lai tươi sáng.

0,5



0,5
2

 Thói ỷ lại là căn bệnh nguy hiểm đang dần hủy diệt sức trẻ.
 Viết một bài văn trình bày suy nghĩ về ý kiến trên.
3.0

1.
Giải thích (1,0 điểm)
- Ỷ lại: tự bản thân không có ý thức trách nhiệm, không cố gắng trong cuộc sống mà dựa dẫm, trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác một cách thái quá.
- Căn bệnh đang hủy diệt sức trẻ: là cách nói hình ảnh diễn tả tác hại của thói ỷ lại đến thế hệ trẻ, khiến họ trở nên thụ động, không có khả năng đối phó với những thử thách trong cuộc sống.
- Ý nghĩa: câu nói nhấn mạnh đến tác hại của thói ỷ lại và cảnh báo về một hiện tượng trong đời sống: thói ỷ lại đang là căn bệnh nguy hiểm đối với con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

0,25



0,25


0,5

2.
Bàn luận (1,5 điểm)



- Trong cuộc sống, có rất nhiều vấn đề đòi hỏi con người phải chủ động giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người, nhất là những người trẻ tuổi đang tự tạo cho mình thói quen xấu: phó mặc, dựa dẫm và hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của người khác từ việc lớn đến việc nhỏ. Đó là quan niệm sống lệch lạc.
- Người có thói ỷ lại thường lười lao động, suy nghĩ, tư duy, thiếu năng lực đưa ra quyết định quan trọng khi cần thiết trong cuộc sống. Từ đó, họ không làm chủ được cuộc đời, không có bản lĩnh, không có sáng tạo… dễ gặp thất bại trong mọi việc.
- Hiện nay, cách giáo dục sai lầm của một số gia đình, nhà trường cũng phần nào tạo nên thói ỷ lại. Đó là những hiện tượng đáng phê phán.
0,5




0,5



0,5


3.
Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)



- Câu nói là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc, sâu xa đối với mỗi người. Thế hệ trẻ cần học cách tự đứng trên đôi chân của mình, không được tự biến mình thành cây tầm gửi trong cuộc sống.
- Thế hệ trẻ hôm nay cần tích cực rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng sống thật tốt để luôn là người có bản lĩnh, có chính kiến và chủ động đưa ra những quyết định tỉnh táo, sáng suốt trong mọi việc.
0,25


0,25

3.a

 Chí Phèo là người nông dân chẳng những bị tước đoạt nhân hình, nhân tính mà bi thảm hơn, Chí Phèo muốn trở lại làm người mà không được. 
 Từ cảm nhận về nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

5,0

1.
Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)



- Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Ông chủ yếu viết về đề tài người trí thức và người nông dân nghèo khổ.
- Chí Phèo (1941) là tác phẩm tiêu biểu viết về người nông dân bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền sống, quyền làm người.

0,5

2.
 Chứng minh ý kiến (3,5 điểm)



a. Chí Phèo là người nông dân bị tước đoạt nhân hình, nhân tính (2,0 điểm)



- Chí Phèo bị hủy hoại nhân hình: Chí Phèo là đứa trẻ mồ côi, được dân làng nuôi, lớn lên là một anh canh điền hiền lành, chất phác; vì ghen tuông bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù; ra tù Chí Phèo trở thành một kẻ lưu manh, bị bá Kiến lợi dụng, Chí biến thành một con quỷ dữ.
- Chí Phèo bị tước đoạt nhân tính: Hắn triền miên trong những cơn say, đập phá bao nhiêu cơ ngơi, làm chảy bao nhiêu máu và nước mắt của những người dân lương thiện. Chí Phèo đã thực sự bán linh hồn cho quỷ dữ.
1,0




1,0


b. Chí Phèo muốn trở lại làm người mà không được (1,5 điểm)



- Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa Chí Phèo với thị Nở đã giúp Chí Phèo hồi sinh về tâm hồn và khao khát hoàn lương.
- Sự chối từ của bà cô thị Nở khiến Chí Phèo ý thức sâu sắc về bi kịch bị cự tuyệt quyền sống, quyền làm người. Chí Phèo đã đến nhà bá Kiến, tuyên án, kết tội, tiêu diệt kẻ thù và tự sát.
- Cái chết của Chí Phèo cho thấy niềm khát khao cháy bỏng được sống lương thiện; nói lên sự bế tắc chưa tìm được lối thoát của người nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiến; có sức tố cáo xã hội mạnh mẽ...
0,5

0,5



0,5


c. Nghệ thuật (0,5 điểm)



- Nhà văn miêu tả nhân vật đặc sắc từ chân dung, tính cách đến đời sống tâm lí phong phú, đa dạng; khắc họa thành công nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình.
- Giọng điệu tự sự xen lẫn trữ tình, ngôn ngữ đa thanh, đa giọng, mang tính triết lí sâu sắc về cuộc sống và thân phận con người.
0,25


0,25

3.
Đánh giá (0,5 điểm)



- Qua nhân vật Chí Phèo, tác giả thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Nhà văn đồng cảm, xót thương cho cuộc đời người nông dân nghèo bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền sống, quyền làm người, trân trọng khát vọng hạnh phúc của họ, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã tước đoạt quyền sống của con người và tin tưởng vào bản chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam.
- Chí Phèo là truyện ngắn xứng đáng tầm vóc một kiệt tác, góp phần khẳng định tên tuổi Nam Cao, nhà văn hiện thực tâm lí xuất sắc.
0,25





0,25
3.b

Cảm nhận về hai đoạn trong bài Từ ấy và Tiếng hát con tàu
5,0

1.
Vài nét về tác giả và tác phẩm (0,5 điểm)



- Tố Hữu là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, thơ ông tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Bài thơ Từ ấy là niềm hân hoan của nhà thơ khi đón nhận lý tưởng cộng sản.
- Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam. Trước Cách mạng, thơ ông mang tâm trạng của một cái tôi luôn hoài nghi, cô đơn. Sau cách mạng thơ ông hướng tới đời sống của quần chúng nhân dân. Đó là quá trình đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui. Bài thơ Tiếng hát con tàu là kết quả của hành trình ấy.



0,5

2.
Đoạn thơ trong bài Từ ấy (2,0 điểm)



- Nội dung:
+ Đoạn thơ thể hiện sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư tưởng, tình cảm, lẽ sống của nhà thơ: từ niềm vui của cái tôi buổi đầu bắt gặp lí tưởng cộng sản, nhà thơ đã tự nguyện gắn bó, coi mình là một thành viên trong đại gia đình những người lao khổ.
+ Với nhà thơ, những người lao khổ trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, là mục đích sống, chiến đấu của một nhà thơ - chiến sĩ.
- Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật điệp từ, kết hợp các số từ ước lệ, cách xưng hô gần gũi, thân thương.
+ Kết cấu đăng đối ( tôi - vạn nhà; em - vạn kiếp phôi pha; anh - vạn đầu em nhỏ), giọng thơ sôi nổi, trữ tình tha thiết đã làm nổi bật sự gắn bó của nhà thơ với nhân dân, tầng lớp lao khổ.

0,5



0,5


0,5

0,5

3.
Đoạn thơ trong bài “Tiếng hát con tàu” (2,0 điểm)



 - Nội dung:
 + Đoạn thơ thể hiện niềm vui, niềm hạnh phúc khi được trở về với nhân dân: về với nhân dân là hợp với quy luật tự nhiên, quy luật đời sống, về với ngọn nguồn bất tận của sự sống, che chở, nuôi dưỡng, đùm bọc, cưu mang.
 + Đoạn thơ không chỉ khẳng định tình cảm gắn bó của nhà thơ với nhân dân, đất nước mà còn đánh dấu bước trưởng thành vững chắc trong tư tưởng, tình cảm, nhận thức của nhà thơ: Nhân dân là cảm hứng, là ngọn nguồn của sáng tạo nghệ thuật.
- Nghệ thuật:
+ Cách so sánh độc đáo thành chùm hình ảnh đã làm nổi bật niềm vui, niềm hạnh phúc khi trở về với nhân dân. Hình ảnh thơ vừa gần gũi vừa giàu sức liên tưởng, gợi mở tạo nên vẻ đẹp trí tuệ trong thơ Chế Lan Viên.
+ Từ ngữ xưng hô giản dị, gần gũi, ý thơ hàm súc, giàu tính triết luận như sự chiêm nghiệm của nhà thơ về mối quan hệ giữa nghệ sĩ với nhân dân, nghệ thuật với đời sống.

0,5



0,5





0,5


0,5


4.
Sự tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn thơ (0,5 điểm)



- Sự tương đồng: Bằng những từ ngữ xưng hô gần gũi, giản dị, cả hai đoạn thơ đều diễn tả niềm vui khi được hòa nhập, gắn bó với đời sống quần chúng nhân dân và sự nhận thức về vai trò của nhân dân lao động đối với quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ.
- Sự khác biệt: Đoạn thơ trong Từ ấy là hành trình đến với nhân dân nên có phần sôi nổi, trong sáng, lãng mạn, trẻ trung. Đoạn thơ trong Tiếng hát con tàu là hành trình trở về với nhân dân nên giọng thơ mang tính suy tư, triết lí sâu sắc, tác động đến người đọc về cả tư tưởng lẫn tình cảm.

0,25



0,25

-----------------------Hết-----------------------

File đính kèm:

  • docDe DA VanC3VP2014.doc
Đề thi liên quan