Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 trung học cơ sở năm học 2009- 2010

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1303 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 trung học cơ sở năm học 2009- 2010, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG NINH

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2009- 2010
ĐỀ THI CHÍNH THỨC	

Họ và tên, chữ kí của giám thị số1

………………….

…………………..
 MÔN: NGỮ VĂN
 (BẢNG A)
 Ngày thi: 25/3/2010
 Thời gian làm bài: 150 phút
 (Không kể thời gian giao đề)

 (Đề thi này có 01 trang)


Câu 1: (12,0 điểm)	
Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ qua hai văn bản Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ và Truyện Kiều của Nguyễn Du (Sách Ngữ văn 9-tập 1)
Câu 2: (8,0 điểm)
Ý chí, thời gian, thứ tự đó là những yếu tố của nghệ thuật học tập. Suy nghĩ của em về vấn đề trên.

………………..Hết…………………
	















Họ và tên thí sinh: ………………………Số báo danh:……………..

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
QUẢNG NINH
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
LỚP 9 - THCS NĂM HỌC 2009-2010

HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN- BẢNG A
(Hướng dẫn này có 04 trang)

I. YÊU CẦU CHUNG:
- Đáp án chỉ nêu một số ý chính có tính chất gợi ý; giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong đánh giá, cho điểm; khuyến khích những bài viết sáng tạo, có sức thuyết phục “có giọng điệu riêng” song hợp lý.
- Điểm toàn bài là 20 điểm, điểm lẻ chi tiết đến 0,5.
II. YÊU CẦU CỤ THỂ:
Câu 1: (12,0 điểm)
I. Yêu cầu: 
* Về kỹ năng: 
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học
- Có kỹ năng so sánh, đối chiếu và tổng hợp trên từng phương diện, không sa vào phân tích toàn bộ tác phẩm.
- Bố cục 3 phần cân đối, lập luận chặt chẽ; luận điểm rõ ràng. 
- Diễn đạt lưu loát; văn viết có cảm xúc; dẫn chứng xác thực; liên hệ mở rộng tốt. 
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Về nội dung kiến thức: 
1. Mở bài (1,0 điểm): Giới thiệu hai văn bản và nêu suy nghĩ của bản thân về vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ thời phong kiến.
2. Thân bài (10,0 điểm): HS có nhiều cách thể hiện suy nghĩ của mình, song cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau:
	Người phụ nữ được khắc họa trong hai văn bản là những người có nhan sắc, đức hạnh song lại chịu một số phận oan nghiệt để rồi cuối cùng đều phải chọn cho mình một lối thoát: tự vẫn. Với tấm lòng cao cả các nhà văn, nhà thơ đã thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những nỗi thống khổ của họ, trân trọng đề cao vẻ đẹp của họ nhất là vẻ đẹp tâm hồn.
a. Người phụ nữ trong hai văn bản mang những nét đẹp của người phụ nữ truyền thống trong xã hội cũ: Công, dung, ngôn, hạnh
- Họ là những phụ nữ đẹp, dịu dàng, hiền hậu: Vũ Nương “tính tình thùy mị, nết na lại có thêm tư dung tốt đẹp” ; Thúy Kiều “Làn thu thủy nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
- Họ là những người phụ nữ đảm đang, tháo vát: khi chồng đi lính, Vũ Nương một mình vừa lo việc gia đình, nuôi dạy con nhỏ, vừa chăm sóc mẹ chồng chu đáo.
- Họ là những người phụ nữ thủy chung, nhân hậu và đầy tình yêu thương.
* Vũ Nương:
- Là người vợ chung thủy, yêu chồng tha thiết. Khi bị chồng nghi oan, không thể giãi bày, đau khổ đến cùng cực, nàng đành nhảy xuống sông tự vẫn để bày tỏ tấm lòng trong trắng của mình.
- Là người mẹ yêu con, hiếu thảo với mẹ chồng, nàng luôn “lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”, lo thuốc thang, lễ bái thần phật khi mẹ ốm; lo “ma chay tế lễ” chu đáo như đối với cha mẹ đẻ mình khi mẹ mất.
* Thúy Kiều:
- Là người con gái trong trắng, thủy chung, giàu lòng vị tha: dù phải mười lăm năm lưu lạc, nàng không lúc nào nguôi nỗi nhớ chàng Kim, lúc nào cũng cảm thấy mình là người có lỗi khi tình yêu của hai người bị tan vỡ.
- Là người con hiếu thảo: Gia đình bị vu oan, cha và em bị đánh đập, Kiều đã quyết định hi sinh mối tình đầu đẹp đẽ để bán mình chuộc cha và em.
b. Ở những người phụ nữ đó đều tiềm ẩn một sức phản kháng mạnh mẽ, chống lại sự bất công ở đời:
- Vũ Nương chống lại sự bất công đối với người phụ nữ của xã hội phong kiến nam quyền, từ chối không trở về nhân gian, cho dù vẫn khao khát sống, khao khát được trở về.
- Kiều tìm mọi cách thoát khỏi số phận khổ đau do xã hội đồng tiền gây nên:
+ Thúy Kiều và Kim Trọng gặp nhau, tình yêu giữa hai người nảy nở. Họ đã thề non nguyện biển với nhau mặc dù chưa được sự cho phép của cha mẹ. Mối tình với chàng Kim là mối tình vượt lễ giáo phong kiến.
+ Gặp gia đình tai biến, Kiều bán mình cứu cha và em. Biết mình bị Mã Giam Sinh và Tú Bà lừa, nàng tự vẫn nhưng không chết.
+ Gặp Thúc Sinh ở lầu xanh, nàng lấy Thúc Sinh với mong muốn thoát khỏi chốn ô nhục, nhưng phải chịu sự ghen tuông đầy đọa của Hoạn Thư. Trốn khỏi nhà Hoạn Thư, nàng đến nương nhờ cửa phật rồi lại rơi vào tay Bạc Bà - kẻ buôn người. Bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai, Kiều gặp và lấy Từ Hải nhưng lại mắc lừa Hồ Tôn Hiến. Từ Hải chết, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn.
Hình tượng Thúy Kiều thể hiện sức phản kháng mãnh liệt, ước mơ về công lý và sự bình đẳng cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy bất công.
Học sinh liên hệ với một số văn bản khác (Bánh trôi nước, Lục Vân Tiên) để thấy được vẻ đẹp tâm hồn của phụ nữ Việt Nam thời phong kiến.
3. Kết bài (1,0 điểm): Khẳng định sự thành công của các tác giả trong việc khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến và nêu suy nghĩ của bản thân.
II. Cách cho điểm: Mỗi bài viết của HS có thể có những cách kết cấu khác nhau, giám khảo cần linh động khi cho điểm.
Điểm 10-12: Đáp ứng được hầu hết các yêu cầu trên. Luận điểm rõ ràng. Dẫn chứng đầy đủ, xác thực. Văn giàu cảm xúc. Liên hệ mở rộng tốt. Có thể mắc một vài lỗi nhỏ về câu, từ, chính tả.
Điểm 7-9: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên. Văn có cảm xúc. Đầy đủ dẫn chứng. Tuy nhiên đôi chỗ còn sa vào phân tích tác phẩm hoặc liên hệ mở rộng chưa sâu. Mắc một số lỗi về hình thức.
Điểm 4-6: Đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu trên. Còn nặng về phân tích, kể lể hoặc thiếu phần liên hệ mở rộng. Mắc một số lỗi về hình thức.
Điểm 1-3: Bài viết có một vài ý song trình bày thiếu mạch lạc, thiếu cảm xúc. Mắc nhiều lỗi về diễn đạt, hoặc sai nhiều câu, từ, chính tả.
Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc viết những điều không liên quan đến yêu cầu của đề bài.

Câu 2: (8,0 điểm)
I. Yêu cầu: 
* Về kỹ năng: 
- Viết đúng kiểu bài văn nghị luận xã hội.
- Bố cục 3 phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ; dẫn chứng xác thực.
- Trình bày sạch sẽ, sáng sủa; diễn đạt lưu loát.
- Ít lỗi câu, từ, chính tả.
* Về nội dung kiến thức: 
- Vấn đề nghị luận ở đây chính là nghệ thuật học tập được xác định bởi 3 yếu tố: ý chí, thời gian và thứ tự. Học sinh làm rõ nghĩa 3 yếu tố:
+ Ý chí: là toàn bộ sức mạnh tinh thần, quyết tâm vượt qua khó khăn khách quan cũng như chủ quan để đạt được đỉnh cao của nấc thang học tập. 
+ Thời gian: xác định được rõ khoảng thời gian để hoạch định cho học tập. Lê nin đã từng nói “Học, học nữa, học mãi”. Để có kết quả học tập tốt cần phải đầu tư về thời gian và biết sắp xếp thời gian học tập một cách hợp lý.
+ Thứ tự: Sắp xếp một cách khoa học công việc học tập sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.
- Như vậy, tính chất của 3 yếu tố trên có khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là làm sao để đạt được đến đỉnh cao của nghệ thuật học tập, để thu về lượng kiến thức nhiều nhất, sâu nhất. 
- Cả 3 yếu tố trên đều quan trọng, tuy nhiên yếu tố ý chí lại đóng vai trò quyết định sự thành công của nghệ thuật học tập nó trở thành yếu tố hàng đầu trong cả nhóm 3 yếu tố trên, vì:
+ Học tập là một lĩnh vực lao động có tính chất tinh thần. Nghệ thuật học tập có đủ chín hay không tùy thuộc vào tinh thần quyết tâm của con người. Quyết tâm này lại được quyết định bởi ý chí đại diện cho toàn bộ khả năng chiến đấu vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc sống, là thước đo mức trưởng thành của con người.
+ Ý chí giúp con người không chỉ trong học tập mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Thiếu ý chí con người sẽ gục ngã trước mọi khó khăn. Nhờ có ý chí Louis Pasteur đã vượt qua sự dèm pha, bệnh tật tìm ra vacxin cứu loài người khỏi căn bệnh dại khủng khiếp. Cũng nhờ có ý chí đó Nguyễn Ngọc Kí đã viết nên những nét chữ thay đổi cuộc đời bằng đôi chân. Ý chí trong học tập đã được chứng minh bằng thực tế cuộc sống của bao người.
Tóm lại, để có được kết quả và thành tích cao trong học tập con người cần hội tụ ở mình nhiều yếu tố. Tuy nhiên ý chí, thời gian và thứ tự là những yếu tố quan trọng và cần thiết. Những yếu tố này nằm ngay trong chính khả năng của mỗi người. Để trở thành những yếu tố của nghệ thuật học tập đòi hỏi mỗi người không chỉ ý thức về nó mà còn cần có lòng quyết tâm, biết vận dụng nó một cách linh hoạt và sáng tạo.
Việc học tập luôn gắn liền mật thiết với con người, học tập không chỉ ở trường ở lớp mà còn ở trong cuộc sống, không chỉ đối với học sinh mà còn đối với tất cả mọi người, không chỉ lúc còn trẻ mà kể cả lúc tuổi già, học suốt đời, học mọi lúc mọi nơi… Nhận biết đầy đủ ý nghĩa về vấn đề học tập từ câu danh ngôn trên, mỗi học sinh nói riêng và mỗi người nói chung sẽ đi đến nghệ thuật học tập nhanh hơn, hiệu quả hơn, mở rộng tầm hiểu biết của mình và nâng cao sự tiến bộ của xã hội.
II. Cách cho điểm:
Điểm 7- 8: Đáp ứng được hầu hết các yêu cầu trên; luận điểm rõ ràng; liên hệ mở rộng tốt. Kỹ năng tốt.
Điểm 5-6: Đáp ứng được 2/3 yêu cầu trên. Kỹ năng khá tốt.
Điểm 3-4: Đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu trên; thiếu phần liên hệ mở rộng. Mắc một số lỗi về kỹ năng.
Điểm 1-2: Bài viết có một vài ý song trình bày thiếu mạch lạc. Mắc nhiều lỗi về diễn đạt, hoặc sai nhiều câu, từ, chính tả.
Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc viết những điều không liên quan đến yêu cầu của đề bài.

* Lưu ý:
- Chỉ cho điểm tối đa khi đảm bảo yêu cầu cả về nội dung và hình thức, kĩ năng 
- Những bài viết sáng tạo hợp lí, có tính thuyết phục, giám khảo có quyền quyết định thưởng điểm, sao cho tổng điểm không vượt quá số điểm của mỗi câu.

===========Hết===========









































File đính kèm:

  • docDe thi HSG lop 9 1.doc
Đề thi liên quan