Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 trung học phổ thông năm học 2012-2013 môn: ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1981 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 trung học phổ thông năm học 2012-2013 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
YÊN BÁI
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 THPT
NĂM HỌC 2012-2013

ĐỀ THI CHÍNH THỨC
(Đề thi có 02 câu)

Môn: NGỮ VĂN
Ngày thi: 08/10/2012
Thời gian: 180 phút (không kể giao đề)

Câu 1. (8 điểm)
Viết một bài văn nêu suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của bài thơ:
Quán hàng phù thủy
(K.Badjadjo Pradip)
Một phù thuỷ
Mở quán hàng nho nhỏ:
“- Mời vào đây
Ai muốn mua gì cũng có!”
Tôi là khách đầu tiên
Từ bên trong
Phù thuỷ ló ra nhìn:
“- Anh muốn gì?”
“- Tôi muốn mua tình yêu,
Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn…”
“- Hàng chúng tôi chỉ bán cây non
Còn quả chín, anh phải trồng, không bán!”
(Thái Bá Tân dịch)
Câu 2. (12 điểm)
Trái tim người nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:
“Nghìn trái tim mang trong một trái tim”
(Cảm xúc)
Nhà thơ Xuân Quỳnh cũng có lần tâm sự:
“Em trở về đúng nghĩa trái tim em”
(Tự hát)
Từ hai câu thơ trên, anh/chị hãy phát biểu cảm nhận về những điều sâu thẳm nhất trong trái tim của hai nhà thơ qua bài “Vội vàng” (Xuân Diệu) và “Sóng” (Xuân Quỳnh).

..................Hết.................
- Thí sinh không được sử dụng tài liệu. 
- Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh.........................................
Chữ kí giám thị số 1: ...................................
Số báo danh..................................................
Chữ kí giám thị số 2: ..................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
YÊN BÁI
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 12 THPT
NĂM HỌC 2012-2013

MÔN: NGỮ VĂN
HƯỚNG DẪN CHẤM 
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

I. PHẦN HƯỚNG DẪN CHUNG
Do đặc trưng môn Ngữ văn và tính chất của kì thi học sinh giỏi lớp 12 THPT, giáo viên cần nắm vững yêu cầu hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, chủ động linh hoạt trong vận dụng tiêu chuẩn cho điểm, không đếm ý cho điểm một cách đơn thuần. 
Bản hướng dẫn chỉ xác định yêu cầu cơ bản, trên cơ sở đó, người chấm cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm. Nếu học sinh làm bài theo cách riêng, khác với đáp án, nhưng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản hoặc trình bày có lí lẽ và căn cứ thì vẫn cho đủ điểm với từng phần như hướng dẫn qui định. 
Cần trừ điểm đối với những lỗi về kiến thức, diễn đạt và chính tả. Những bài viết có cảm xúc và sáng tạo cả về nội dung lẫn hình thức cần được khuyến khích. 
II. YÊU CẦU CỤ THỂ
Câu 1. (8 điểm)
a.Yêu cầu về kỹ năng:
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. 
b.Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể đưa ra những ý kiến riêng, trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần chân thành, hợp lý, chặt chẽ, thuyết phục... và nêu bật được các ý chính sau: 
1. Đọc hiểu tác phẩm.
- Bài thơ tạo dựng ra một tình huống đối thoại giữa phù thủy với nhân vật "tôi".
+ Phù thủy: đại diện cho quyền năng vạn biến, có phép nhiệm màu kì diệu.
+ Nhân vật "tôi": người đi tìm hạnh phúc, tình yêu, sự bình yên...
- Bài thơ đưa ra triết lí nhân sinh sâu sắc về những giá trị tinh thần của con người: tình yêu, tình bạn, hạnh phúc, sự bình yên...
2. Phân tích, đánh giá, bàn bạc:
- Trong cuộc sống con người luôn luôn có nhu cầu kiếm tìm hạnh phúc, tình yêu, tình bạn và vươn tới sự bình yên trong cuộc sống. Đây là khát vọng mãnh liệt, thường trực, đấy tính nhân văn, là cái đích mà nhân loại vươn tới.
- Trên con đường đi kiếm tìm tình yêu và sự hạnh phúc... con người có nhiều cách khác nhau có thể đúng đắn, có thể sai lầm. Trong bài thơ này, nhân vật "tôi" có một ứng xử sai lầm: tìm hạnh phúc, sự bình yên, tình yêu, tình bạn... ở các thế lực siêu nhiên, phép màu và nghĩ rằng tiền có thể mua được những thứ đó.
- Trên thực tế:
+ Hạnh phúc, sự bình yên, tình yêu, tình bạn... là những gì gần gũi, thân thuộc, có thực và luôn hiện hữu trong cuộc sống xung quanh chứ không phải ở thế giới thần tiên xa xôi nào đó.
+ Không có một quyền lực, một sức mạnh, một của cải nào có thể mua được những giá trị tinh thần ấy. 
+ Muốn những giá trị tinh thần đó vĩnh cửu, trường tồn phải vun trồng, chăm xới, nuôi dưỡng,... Cây non có thể kết quả chín là do sự chăm sóc của chính mình.
+ Hạnh phúc không phải ở ngày gặt hái mà nằm ngay trong quá trình vun đắp, gìn giữ, vượt qua những khó khăn, gian nan, thử thách. 
3. Bài học:
Một bài thơ nhỏ gọn nhưng ý tứ sâu sắc giàu chất triết lí, đem đến cho người đọc nhiều bài học ý nghĩa:
- Trong cuộc sống, con người luôn phải có khát vọng hướng tới những giá trị cao đẹp.
- Phải chính bàn tay ta xây đắp tạo dựng hạnh phúc, sự bình yên, không nên trông chờ vào một năng lực siêu nhiên, một phép màu nào đó.
- Quá trình tìm kiếm tạo dựng hạnh phúc, sự bình yên là một quá trình lâu dài, không có sẵn cho nên không được nản lòng, phải có ý chí, nghị lực. Hơn thế phải có tình cảm chân thành, không vụ lợi, phải có phương hướng hành động đúng đắn.
- Hạnh phúc, sự bình yên của cá nhân phải được đặt trong mối quan hệ thống nhất với hạnh phúc, sự bình yên của tập thể.
c. Thang điểm
- Điểm 7-8: Đáp ứng các yêu cầu trên, cảm nhận phân tích sâu sắc, dẫn chứng chọn lọc phong phú chính xác, văn viết hấp dẫn, có cảm xúc.
- Điểm 5-6: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên. Dẫn chứng chọn lọc chính xác, diễn đạt tốt.
- Điểm 3-4: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu trên. Nắm chắc yêu cầu của đề, dẫn chứng chọn lọc chính xác, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 2-3: Nắm chắc yêu cầu của đề, có dẫn chứng, phân tích, bình luận chưa được sâu sắc, còn mắc một số lỗi chính tả.
- Điểm 1-2: Đáp ứng chưa tốt các yêu cầu trên, văn chưa viết trôi chảy, diễn đạt vụng, còn mắc nhiều lỗi chính tả.
- Điểm 0- 1: Chưa đáp ứng các yêu cầu trên, bài viết lạc đề, bỏ giấy trắng.
Câu 2. (12 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Thí sinh vừa phải nắm vững và biết phối hợp các kĩ năng giải thích, so sánh, bình luận một vấn đề lý luận văn học vừa cần thể hiện việc nắm bắt, lý giải vấn đề qua việc phân tích những tác phẩm cụ thể.
- Bố cục rõ ràng chặt chẽ. Diễn đạt lưu loát, văn giàu hình ảnh. Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức:
Thực chất đề bài yêu cầu học sinh phải biết vận dụng lý luận văn học và những kiến thức về hai tác phẩm “Vội vàng” của Xuân Diệu và “Sóng” của Xuân Quỳnh để giải thích chứng minh luận đề chìm.
1. Giải thích.
- Trái tim trong thơ văn là biểu tượng của tâm hồn.
+ Câu thơ thứ nhất: Xuân Diệu muốn nhấn mạnh tâm hồn nhà thơ thật bao dung, nhân hậu không chỉ chứa đựng những tình cảm, những cảm xúc phong phú của riêng mình mà tập trung cho những buồn vui của cuộc đời rộng lớn, của số phận cả nhân loại: “Ngàn trái tim mang trong một trái tim”.
+ Câu thơ thứ hai: Xuân Quỳnh muốn nói đến ước muốn sống chân thật với những khát vọng chân thành; tâm hồn nhà thơ xúc động mãnh liệt với những buồn vui, khổ đau hạnh phúc của mình, của đời “đúng nghĩa trái tim”.
- Thí sinh có thể dựa vào lí luận đặc trưng của văn học để giải thích lý do vì sao cả hai câu thơ đều nói đến “trái tim”. 
+ Đặc trưng của văn học là tình cảm. Văn học xuất phát từ tình cảm, từ tâm hồn tác giả tìm đến tâm hồn người đọc. Văn học cần sự đồng cảm, đồng điệu. 
+ Nhà thơ, nhà văn phải biết sống chân thành, nhạy cảm với đời, với người thì tác phẩm của họ mới phong phú, giàu giá trị và tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn người đọc.
2. Chứng minh.
Thí sinh có thể phân tích hai tác phẩm và phát biểu những cảm nhận khác nhau nhưng phải xuất phát từ nội dung, tư tưởng chủ đề của tác phẩm và của đề thi. Dưới đây là một vài gợi ý:
* Giống nhau: cả hai nghệ sĩ đều trăn trở để làm sáng tỏ những điều sâu thẳm trong trái tim mình.
* Khác nhau:
- Ở “Vội vàng”, Xuân Diệu muốn thể hiện điều sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình đó là khát vọng sống mãnh liệt, một niềm ham sống vô biên, khát khao vô cùng.
+ Ca ngợi cuộc sống muôn màu, muôn vẻ hấp dẫn và quyến rũ.
+ Ca ngợi tình yêu và tuổi trẻ.
+ Giục giã vội vàng sống từng phút từng giây, cố níu giữ thời gian cũng như niềm tiếc nuối mùa xuân, tuổi trẻ… đều là những biểu hiện của khát vọng sống sâu xa trong trái tim của nhà thơ.
Niềm khát sống ấy thể hiện qua cái nhìn của nhà thơ với hiện thực khách quan, qua tứ thơ mới lạ, qua những hình ảnh thơ sáng tạo, qua giọng thơ sôi nổi háo hức…
- Ở “Sóng”, Xuân Quỳnh muốn chứng minh một tình yêu vô bờ vừa truyền thống vừa hiện đại từ sâu thẳm trái tim của người phụ nữ:
+ Đằm thắm, dịu dàng, hồn hậu, chung thủy… - nét đẹp truyền thống của người phụ nữ.
+ Táo bạo, mãnh liệt, dù có phấp phỏng lo âu trước cái vô tận của thời gian nhưng vẫn vững tin vào sức mạnh của tình yêu - nét đẹp hiện đại của người phụ nữ.
c. Thang điểm:
Điểm 11-12: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu về kĩ năng và nội dung nêu trên. Có hiểu biết sâu rộng, nắm vững kiến thức lí luận văn học, có tính sáng tạo trong tư duy. Bố cục rõ ràng, lập luận và kết cấu chặt chẽ, văn viết giàu sức biểu cảm; khả năng cảm thụ và phân tích dẫn chứng tốt, gắn chặt với luận đề.
Điểm 9-10: Bài làm đáp ứng tốt những yêu cầu trên. Luận giải vấn đề chính xác, có một số phát hiện tốt. Bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; khả năng cảm thụ và diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc.
Điểm 7-8: Đáp ứng được phần lớn yêu cầu trên. Bố cục cân đối, rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt khá tốt. Mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả.
Điểm 5-6: Đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trên nhưng còn sơ lược. Dẫn chứng thiếu chọn lọc. Bố cục, kết cấu tạm được, mắc một vài lỗi chính tả và dùng từ.
Điểm 3-4: Hiểu vấn đề nhưng chỉ đáp ứng được một nửa yêu cầu trên. Kết cấu, bố cục tương đối rõ. Còn mắc một vài lỗi diễn đạt, dung từ, ngữ pháp…
Điểm 1-2: Bài làm sơ lược, ý nghèo nàn, có phần lệch đề. Bố cục, kết cấu chưa rõ, mắc nhiều lỗi.
Điểm 0: Chưa đáp ứng được yêu cầu của đề, sai lạc hoàn toàn, hoặc không viết được gì.

--------- Hết ----------


File đính kèm:

  • docDe dap an thi HSG Ngu Van 12 nam 2012 Yen Bai.doc