Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 trung học cơ sở năm học 2007-2008 môn ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1314 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh lớp 9 trung học cơ sở năm học 2007-2008 môn ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sở giáo dục và đào tạo
Hải Dương
------------
Đề chính thức

Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh 
lớp 9 THcS Năm học 2007-2008
----------
 Môn thi: Ngữ văn
Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 29/3/2008
Đề thi gồm: 02 trang


Câu 1 - (1,5 điểm) :
	Dựa vào đoạn trích Chị em Thuý Kiều(Sách Ngữ văn 9-tập một) để trả lời các câu hỏi sau bằng cách chọn phương án đúng (A, B, C hoặc D)
	1) Nội dung bốn câu đầu của đoạn trích ? 
A. Giới thiệu khái quát các nhân vật Thuý Vân, Thuý Kiều. 
B. Gợi tả vẻ đẹp của Thuý Vân.
C. Gợi tả vẻ đẹp của Thuý Kiều.
D. Đánh giá vẻ đẹp của Thuý Vân, Thuý Kiều.
	2) Mục đích của tác giả viết câu thơ Mai cốt cách tuyết tinh thần để :
A. Nói cốt cách và tinh thần trong sáng của chị em Thúy Kiều,Thuý Vân.
B. Tả vẻ đẹp và ca ngợi phẩm chất của Thuý Vân,Thuý Kiều.
C. Miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên (hoa mai và tuyết trắng). 
D. Gợi vẻ đẹp duyên dáng , thanh cao , trong sáng của thiếu nữ.
	3) Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ Một hai nghiêng nước nghiêng thành:
A. Phép tu từ so sánh .	B. Phép tu từ ẩn dụ .
C. Sử dụng điển cố .	D. Sử dụng hình ảnh ước lệ .
	4) Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương, từ ăn được hiểu theo :
	A. Nghĩa gốc .	B. Nghĩa chuyển .
5) Các phép tu từ được sử dụng khi tả vẻ đẹp của Thuý Vân:
A. Nhân hoá, so sánh, hoán dụ .	B. Nhân hoá, ẩn dụ, so sánh .
C. Nhân hoá, ẩn dụ, liệt kê .	D. ẩn dụ, phúng dụ, so sánh .
	6) Từ đôi mắt đẹp của Thuý Kiều (Làn thu thuỷ nét xuân sơn) em liên tưởng đến vẻ đẹp nào khác của nàng?
A. Vẻ đẹp hình thức và tâm hồn .	B. Vẻ đẹp tâm hồn .
C. Vẻ đẹp của đôi mắt trong sáng, long lanh.	 D. Cả A , B , C .

Câu 2 -(2 điểm) :
	Hạ Long vậy đó, cho ta một bài học sơ đẳng mà cao sâu: Trên thế gian này, chẳng có gì là vô tri cả. Cho đến cả Đá. ở đây Tạo hoá đã chọn Đá làm một trong hai nguyên liệu chủ yếu và duy nhất của Người để bày nên bản phác thảo của Sự sống. Chính là Người có ý tứ sâu xa đấy: Người chọn lấy cái vẫn được coi là trơ lì, vô tri nhất để thể hiện cái hồn ríu rít của sự sống. Thiên nhiên bao giờ cũng thông minh đến bất ngờ; nó tạo nên thế giới bằng những nghịch lí đến lạ lùng….
	 (Nguyên Ngọc, Hạ Long-Đá và Nước, sách Ngữ văn 9, tập một, trang 13)
	Nhà văn đã “gửi” đến em điều gì trong đoạn văn trên? Thái độ của em khi được tham gia bình chọn: Hạ Long là kỳ quan của thế giới.
Câu 3 - (2,5 điểm) :
	… Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.
	Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.
	- Thôi ! Ba đi nghe con ! – anh Sáu khe khẽ nói.
	Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nỗi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
	- Ba … a … a … ba !
	(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, sách Ngữ văn 9,tập một, trang 198)	 
	Em hãy tìm lời giải đáp về “tình cảm đột biến” của bé Thu với người cha.

Câu 4 - (4 điểm):
	Bài thơ Con cò (Chế Lan Viên) là sự kết tinh giữa cảm hứng trữ tình dân gian và chất triết lí giản dị mà sâu sắc. 
	ý kiến của em về “lời bình” trên của các tác giả sách Rèn luyện kỹ năng cảm thụ thơ văn cho học sinh lớp 9

------------------------Hết-------------------

Họ và tên thí sinh: ………………………………..Số báo danh: ……………………
Chữ ký giám thị 1: …………………………Chữ ký giám thị 2: ………………………














Hướng dẫn chấm đề thi học sinh giỏi 
lớp 9 THCS năm 2008
Câu 1 : Cho 0,25 điểm mỗi phương án đúng
	1: A , 2 : D , 3 : C ; 4 : B ; 5 : B , 6 : B

Câu 2 : Bài làm đề cập được các ý sau: 
	- Nguyên Ngọc khẳng định sức hấp dẫn của thắng cảnh Hạ Long được tạo dựng bởi một thứ nguyên liệu bình thường-Đá-vật “vô tri”, qùa tặng của Tạo hóa.
	- Đá làm nên Hạ Long-thắng cảnh tuyệt vời của đất nước-có hồn, có sức lôi cuốn với mọi người , không phân biệt dân tộc, lứa tuổi, vùng miền.
	- Bình chọn Hạ Long-kỳ quan thứ 7 mới của thế giới-không chỉ vì Hạ Long là một trong những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng cho đất nước Việt Nam mà còn thể hiện lòng tự hào đối với Tổ quốc. 
	- Bình chọn Hạ Long cũng làm cho mỗi người có ý thức bảo vệ, tôn vinh những cảnh quan của quê hương, đất nước. 
	+ Cho 2 điểm khi: nêu đủ ý, văn viết có cảm xúc, mắc ít lỗi diễn đạt
	+ Cho 1 điểm khi: nêu gần đủ ý, văn viết trôi chảy, mắc vài ba lỗi diễn đạt

Câu 3: Dựa vào đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 để giải đáp “tình cảm đột biến” của bé Thu:
- Tiếng “ba” vỡ ra từ sâu thẳm tấm lòng bé Thu. Người cha không cầm nổi nước mắt vì bất ngờ, vì sung sướng, vì thương yêu và vì cả sự éo le của tình cảm.
-“ Tình cảm đột biến” của bé Thu trong giờ phút chia tay thể hiện tính cách của em. Là một đứa trẻ có cá tính cứng cỏi và cách biểu hiện cá tính cũng mang đậm nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Cá tính của Thu có thể thông cảm được vì tình cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Vết sẹo trên mặt ông Sáu khác với tấm hình ba nó mà nó được biết. Em chỉ yêu ba khi tin chắc người đó đúng là ba mình. Tình cha con ở em thật sâu sắc, mạnh mẽ và cũng dứt khoát, rạch ròi.
-“Tình cảm đột biến” của bé Thu cũng được tác động bởi thái độ , tình cảm của ông Sáu và người thân trong gia đình. 
-“ Tình cảm đột biến” của bé Thu là một trong những thành công về nghệ thuật của nhà văn. Am hiểu tâm lí trẻ em, xây dựng tình huống truyện bất ngờ, hấp dẫn, hợp lí để làm cho tình cảm và phẩm chất của nhân vật được bộc lộ.
+ Cho 2,5 điểm khi: nêu đủ các ý trên, văn viết có cảm xúc, mắc ít lỗi diễn đạt.
+ Cho 1,5 điểm khi: nêu được gần đủ ý, văn viết trôi chảy, mắc vài lỗi diễn đạt.

Câu 4:	A. Yêu cầu
	1) Về nội dung: Bài làm có thể có bố cục khác nhau nhưng phải đúng với kiểu văn bản nghị luận văn học, trên cơ sở hiểu bài thơ Con cò nhìn chung cần nêu được các ý chính:
	- “Lời bình” đã khái quát giá trị của bài thơ. 
	- Ca dao Việt Nam nhiều bài có hình ảnh con cò; con cò trong ca dao là biểu trưng cho sự cần cù, tần tảo, chịu thương chịu khó… Những bài ca dao về Con cò là những bài hát ru quen thuộc đi suốt tuổi thơ nhiều thế hệ, mang âm điệu trữ tình dân gian. Bài thơ Con cò được gợi từ những bài ca dao quen thuộc có hình ảnh “con cò” nhưng tác giả không lặp lại mà tập trung khai thác âm hưởng của lời ru và biểu tượng quen thuộc với người đọc: con cò
	Bài thơ được khơi nguồn từ cảm hứng trữ tình dân gian.
	- Bài thơ Con cò thấm đẫm lời ru của mẹ, lời ru chắt lại những suy ngẫm mang tầm triết lí, giản dị mà sâu sắc. Lời thơ thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ bến của người mẹ. Dù ở đâu, bên mẹ hay đến phương trời khác, dù còn nhỏ hay đã lớn khôn thì con vẫn được mẹ hết lòng yêu thương, che chở. Chất triết lí thấm đẫm trong hình tượng con cò, cánh cò…
	2) Về hình thức: Vận dụng linh hoạt các phép lập luận đã học. Bố cục hợp lý, chặt chẽ. Văn viết mạch lạc trong sáng, có cảm xúc. Dẫn chứng phong phú, chính xác. Không mắc lỗi về câu, dùng từ, chính tả thông thường (diễn đạt)
	B- Tiêu chuẩn cho điểm
	+ Điểm 4,0: Bài làm đạt các yêu cầu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc; lập luận chặt chẽ, bố cục hợp lý; không mắc lỗi chính tả thông thường.
	+ Điểm 3,0: Bài làm cơ bản đạt yêu cầu trên, nhất là yêu cầu về nội dung, cách lập luận, có thể còn vài sai sót nhỏ nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Văn viết trôi chảy, có thể mắc vài ba lỗi diễn đạt nhưng không làm sai ý người viết.
	+ Điểm 2,0: Bài làm đạt khoảng già nửa số ý nhưng dẫn chứng còn nghèo, thiếu sức thuyết phục. Diễn đạt chưa tốt nhưng đã làm rõ được ý. Mắc một số lỗi diễn đạt nhưng không phải lỗi nặng.
	+ Điểm 1: Bài làm chưa đạt được các yêu cầu. Nội dung sơ sài, diễn đạt yếu. Mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, dùng từ.
	+ Điểm 0 : Lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp
	Lưu ý: Người chấm căn cứ vào thang điểm để cho các điểm khác.



	































File đính kèm:

  • docDE THI HOC SINH GIOI TINH 0708 Co DAP AN .doc
Đề thi liên quan