Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2009 - 2010 môn: lịch sử 12

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1116 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2009 - 2010 môn: lịch sử 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH NĂM HỌC 2009 - 2010
 ĐẮK LẮK MÔN: LỊCH SỬ 12 - THPT
 	 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
 ĐỀ CHÍNH THỨC 	 Ngày thi: 22/12/2009.
	 	 Đề thi có 01 trang 
 
Câu 1: (2,5 điểm)
 	Thông qua việc phát hiện các nền văn hóa đã chứng minh người nguyên thủy trên đất nước ta có sự phát triển liên tục từ thấp lên cao. Từ cột đã cho bên trái, em hãy hoàn thiện bước phát triển đó ở cột bên phải theo bảng sau:
Các nền văn hóa
Biểu hiện của sự phát triển
Văn hóa núi Đọ

Văn hóa Sơn Vi

Văn hóa Hòa Bình 

Văn hóa Bắc Sơn

Văn hóa Phùng Nguyên


Câu 2: (2,5 điểm)
 	Trình bày Hoà ước Brét-Litốp Đức-Nga (1918): Hoàn cảnh, nội dung, ý nghĩa? 
Câu 3: (3,0 điểm)
 	Em hãy tóm tắt 3 trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng của dân tộc ta vào các năm 938, 981 và 1288.
Câu 4: (3,0 điểm)
 	Trình bày công lao của Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với dân tộc ta thế kỉ XVIII.
Câu 5: (3,0 điểm)
 	Về phong trào Cần vương cuối thế kỷ XIX, em hãy cho biết:
	Nguyên nhân bùng nổ;
 	Tính chất;
	Nguyên nhân thất bại.
Câu 6: (3,0 điểm)
 	Từ khi đi tìm đường cứu nước đến năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập những tổ chức chính trị nào cho cách mạng nước ta và các nước thuộc địa? Nêu rõ hoạt động của Người trong các tổ chức đó.
Câu 7: (3,0 điểm)
 	Em hãy nêu đường lối cải cách - mở cửa của Trung Quốc từ năm 1978 đến nay. Nhận xét? 
……………Hết…………..
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
 Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ tên thí sinh: …………………………………………………… Số báo danh:…………….
 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
 ĐẮK LẮK LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2009- 2010

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN LỊCH SỬ

Câu 1: Thời kì nguyên thủy ở Việt Nam: ( 2,5 điểm)
Các nền văn hóa
Biểu hiện của sự phát triển 
Văn hóa núi Đọ
Công cụ đồ đá cũ của người tối cổ có niên đại cách đây 30-40 vạn năm. Công cụ này được ghè đẽo thô sơ. Người tối cổ sống thành bầy. Nghề chính là săn bắt và hái lượm. ( 0,5 đ)
Văn hóa Sơn Vi
Công cụ đồ đá của người tinh khôn, được ghè ở rìa cạnh tạo thành lưỡi sắc, có hình dáng rõ ràng có niên đại khoảng 2 vạn năm. Họ sống thành thị tộc, bộ lạc. ( 0.5 đ)
Văn hóa Hòa Bình
Công cụ đồ đá được ghè tinh vi hơn và biết mài cho sắc hơn. Bên cạnh đó có công cụ bằng xương, tre, gỗ…niên đại từ 10 000 đến 12 000 năm. Họ bắt đầu có nền nông nghiệp sơ khai. ( 0.5 đ)
Văn hóa Bắc Sơn
Phổ biến công cụ mài; có đồ trang sức; đồ gốm, được gọi là Cách mạng đá mới…niên đại 10 000 đến 6000 năm. Nông nghiệp phát triển một bước. Chăn nuôi đã xuất hiện. ( 0.5 đ)
Văn hóa Phùng Nguyên
Công cụ đá phát triển đỉnh cao; bắt đầu sự dụng công cụ bằng đồng thau; đồ gốm nhiều kiểu dáng và hoa văn phức tạp. Nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong đời sống. 
( 0.5 đ)

Câu 2: Hoà ước Brét-Litốp Đức-Nga (1918 ) …( 2,5 đ) 
a. Hoàn cảnh (0,75 đ)
- Cách mạng tháng Mười Nga thành công, chính quyền Xô Viết đã thông qua “ Sắc lệnh về hoà bình” do Lenin soạn thảo. Sắc lệnh đã lên án chiến tranh xâm lược và kêu gọi tất cả các nước đang tham chiến chấm dứt chiến tranh. Các nước trong phe hiệp ước (Anh, Pháp, Mĩ) đã bác bỏ những đề nghị của chính quyền Xô Viết. ( 0,5đ)
- Lenin và chính quyền Xô Viết đã quyết định đàm phán với Đức, kiên quyết rút ra khỏi chiến tranh đế quốc. (0,25đ)
b. Nội dung: “1.0đ”
- Ngày 3-3-1918, tại Brét-Litốp, Hoà ước Đức-Nga đã được kí kết. Theo Hoà ước Đức chiếm Ba Lan, Látvia, Lítva, Estonia và biến Ukraine thành nước phụ thuộc mình; quân đội Nga phải rút khỏi Ukraine và Phần Lan; Nga phải bồi thường cho Đức một khoản tiền lớn là 6 tỷ mác vàng. Thổ Nhĩ Kì được nhận vùng Batumi, Kars và Anada. (0,5đ)
- Nga phải cắt nhượng một bộ phận lãnh thổ rộng 750.000km2 với hơn 50 triệu dân; trên đó có khoảng 1/3 chiều dài đường sắt, hơn 70% sản lượng sắt; 90% sản lượng than của cả nước. Đó là những tổn thất mà nước Nga Xô Viết phải chịu để có được Hoà ước Brét-Litốp quy định chấm dứt tình trạng chiến tranh với Đức, Áo-Hung, Bungari và Thổ Nhĩ Kì. (0,5đ)
c Ý nghĩa (0,75đ)
- Việc kí Hoà ước Brest-Litovsk đối với nước Nga là hoàn toàn đúng đắn.(0,25) 
- Nó không chỉ thể hiện thiện chí hoà bình của chính quyền Xô Viết, mà còn tranh thủ điều kiện hoà bình, giữ gìn và củng cố nhà nước xã hội chủ nghĩa non trẻ để đương đầu với những thử thách ác liệt hơn.(0,5) 
Câu 3: Ba trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng ( 3,0 đ)
a/ Trận Bạch Đằng năm 938: ( 1,0 đ)
- Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ. Ngô Quyền đem quân đánh Kiều Công Tiễn. Công Tiễn cầu cứu Nam Hán sang xâm lược nước ta.
 Ngô Quyền nhanh chóng tiến quân vào Đại La, bắt giết Kiều Công Tiễn và dùng kế đóng cọc ở cửa sông Bạch Đằng, cho quân mai phục ở hai bên bờ sông, nhử quân địch vào trận địa mai phục.
- Kết quả, quân giặc trúng kế của Ngô Quyền và bị đại bại.
- Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã kết thúc ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, mở ra thời đại độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc.
b/ Trận Bạch Đằng năm 981: ( 1,0 đ)
- Đầu năm 981, quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy theo hai đường thủy, bộ tiến đánh nước ta: quân bộ theo đường Lạng Sơn, quân thủy theo đường sông Bạch Đằng
- Lê Hoàn trực tiếp chỉ huy cuộc kháng chiến. Ông cho quân cắm cọc ở sông Bạch Đằng để chặn chiến thuyền địch. Cuối cùng thủy quân địch bị đánh lui.
- Trên bộ, do không phối hợp được với quân thủy nên địch bị tổn thất nặng, buộc phải rút quân về nước. Quân Tống bị đại bại, tướng Hầu Nhân Bảo bị giết và nhiều tướng khác bị bắt sống.
- Đây là thắng lợi của một chính quyền non trẻ chứng tỏ khả năng bảo vệ độc lập dân tộc của Đại Cồ Việt,
c/ Trận Bạch Đằng năm 1288: ( 1,0 đ)
- Hai lần xâm lược Đại Việt bị thất bại, Vua Nguyên đình chỉ cuộc xâm lược Nhật Bản, huy động 30 vạn quân do tướng Thoát Hoan chỉ huy xâm lược nước ta lần thứ ba.
- Bằng trận Vân Đồn, Quảng Ninh, quân dân nhà Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy đã đánh chìm và đoạt toàn bộ thuyền lương của địch do Trương Văn Hổ cầm đầu, đẩy quân địch vào tình thế nguy khốn. Thoát Hoan quyết định rút quân theo hai đường thủy, bộ.
- Nhận thấy thời cơ tiêu diệt quân Nguyên đã tới, Trần Quốc Tuấn cho quân cắm cọc ở sông Bạch Đằng chặn đánh quân thủy. Kết quả, toàn bộ cánh quân thủy bị tiêu diệt, tướng Ô Mã Nhi bị bắt sống.
- Với ba lần lập chiến công, sông Bạch Đằng đã viết nên trang sử vẻ vang trong sự nghiệp chống quân xâm lược phương Bắc, bảo vệ độc lập dân tộc.
Câu 4: Công lao của Quang Trung – Nguyễn Huệ ( 3,0 đ)
- Từ năm 1771, ba anh em nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đánh đổ tập đoàn phong kiến phản động họ Nguyễn ở Đàng Trong. Năm 1777, tập đoàn này bị tiêu diệt.( 0,5 đ)
- Từ năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, ông lấy danh nghĩa “ phù Lê diệt Trịnh”. Được nhân dân hưởng ứng, ông lật đổ tập đoàn phong kiến phản động họ Trịnh ở Đàng Ngoài. .( 0,5 đ)
- Năm 1785, Nguyễn Ánh cầu viện 5 vạn quân Xiêm sang xâm lược nước ta. Bằng trận Rạch Gầm- Xoài Mút, Nguyễn Huệ đánh bại 5 vạn quân Xiêm xâm lược. Chiến thắng này ghi thêm trang sử vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp chống ngoại xâm. .( 0,5 đ)
- Năm 1788, vua Lê Chiêu Thông cầu viện Nhà Thanh đưa 29 vạn quân sang xâm lược nước ta. Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung, rồi kéo đại binh từ Phú Xuân ra Bắc. Chỉ trong 1 tuần ( 30/ 12/1788 – 5/1/1789 al), toàn bộ quân Thanh bị tiêu diệt hoặc rút chạy khỏi nước ta. .( 0,5 đ)
- Như vậy, sau 17 năm liên tục chiến đấu, phong trào Tây Sơn đã lật đổ các chính quyền phong kiến thối nát Trịnh, Nguyễn, Lê, xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền tảng thống nhất quốc gia. Đồng thời, phong trào Tây Sơn đánh tan các cuộc xâm lược của Xiêm, Thanh, bảo vệ độc lập dân tộc. Quang Trung Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc vĩ đại của nước ta thế kỷ XVIII. .( 0,5 đ)
- Sau chiên thắng chống ngoại xâm, Quang Trung bắt tay xây dựng đất nước. Ông tiến hành công cuộc cải cách toàn diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, quân đội, ngoại giao. Tiếc thay sự nghiệp đang giang dở thi ông mất đột ngột năm 1792. Triều đại Tây Sơn tàn lụi và bị Nguyễn Ánh tiêu diệt. .( 0,5 đ)
Câu 5: Phong trào Cần vương ( 3,0 đ)
a/ Nguyên nhân bùng nổ: ( 1,0 đ)
- Hiệp ước Hacmăng và Patơnốt đã làm cho triều đình phong kiến Việt Nam mất độc lập. Tuy vậy, phái chủ chiến, đại diện là Tôn Thất Thuyết, vẫn nuôi hy vọng khôi phục lại chủ quyền. Ông phế bỏ vua bán nước, đưa Hàm Nghi lên ngôi vua; cho xây dựng căn cứ Tân Sở( Quảng Trị), Ấu Sơn ( Hà Tĩnh); Lập ra lực lượng vũ trang chuẩn bị kháng chiến. Hoạt động của phe chủ chiến khiến quân Pháp lo lắng. Chúng tìm cách tiêu diệt phe chủ chiến.
- Đêm 4/7/1885, nhân lúc các sĩ quan Pháp say sưa yến tiệc ở tòa Khâm sứ, lực lượng chủ chiến bất ngờ mở cuộc tấn công vào tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá và giành một số thắng lợi nhỏ. Sáng ngày 5, quân Pháp phản công, phe chủ chiến thất bại. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi trốn ra sơn phòng Tân Sở. Thay mặt vua, Tôn Thất Thuyết ra chiếu Cần Vương phát động cuộc kháng chiên.
b/ Tính chất phong trào: ( 1,0 đ)
- Về lực lượng lãnh đạo: gồm vua Hàm Nghi, Một số quan lại triều đình, các sĩ phu, văn thân…
- Về lực lượng tham gia: Sĩ phu, văn thân, các tầng lớp nhân dân
- Về mục tiêu: đánh đổ Pháp, đưa vua Hàm Nghi về kinh thành để tiếp tục duy trì nhà nước phong kiến. Như vậy phong trào Cần vương mang tính chất phong kiến.
c/ Nguyên nhân thất bại: ( 1,0 đ)
- Khách quan: 
 Thực dân Pháp còn mạnh, đủ sức đàn áp các cuộc khởi nghĩa.
- Chủ quan:
+ Con đường cứu nước phong kiến không còn thích hợp;
+ Phương pháp khởi nghĩa mang tính chất phòng thủ;
+ Các cuộc khởi nghĩa rời rạc, thiếu sự liên kết lẫn nhau…
Câu 6: Các tổ chức chính trị…( 3,0 đ)
- Tháng 12/ 1917, sau sự kiện Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuyển từ Luân Đôn về Pari hoạt động. Người cùng Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường… lập ra tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước. Thay mặt Hội, Người gửi tới hội nghi Vecxai bản yêu sách 8 điểm đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Đông Dương. ( 0,75 đ)
- Năm 1921, Người cùng với một số nhà yêu nước của Angiêri, Marốc, Tuynidi…lập ra Hội liên hiệp thuộc địa ở Pari, nhằm đoàn kết các nước này đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân Pháp. Người sáng lập tờ báo “ Người cùng khổ” làm cơ quan ngôn luận của hội. ( 0,75 đ)
- Tháng 6/1925, Người về Quảng Châu, Trung Quốc, tập hợp những thanh niên yêu nước tai đây để lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Hội ra báo Thanh niên; mở các khóa huấn luyện để đào tạo hội viên thành cán bộ cách mạng. Những bài giảng của Người được in thành sách “ Đường cách mệnh” để làm tài liệu tuyên truyền. ( 0,75 đ)
- Tháng 7/ 1925, Người cùng một số nhà yêu nước Triều Tiên, Inđônêxia…lập ra Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông. Tôn chỉ của Hội là liên lạc với các dân tộc bị áp bức để làm cách mạng đánh đổ đế quốc. ( 0,75 đ)
Câu 7: Đường lối cải cách - mở cửa của Trung Quốc từ năm 1978 …( 3,0 đ)
 Đường lối cải cách - mở cửa (2,0đ)
 - Đường lối cải cách - mở cửa: Từ tháng 12 năm 1978, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vạch ra đường lối mới do Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Đường lối này được nâng lên thành “ Đường lối chung” của Đại hội XII.(1,0đ)
 - Lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, tiến hành cải cách và mở cửa, chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường XHCN, nhằm hiện đại hóa và xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc với mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, văn minh.(1,0đ)
Nhận xét (1,0đ)
- Những thành tựu đạt được trong công cuộc cải cách - mở cửa đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối cải cách đất nước Trung Quốc; làm tăng cường sức mạnh và vị thế quốc tế của Trung Quốc.(0,5đ)
- Là bài học quý cho những nước đang tiến hành công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, trong đó có Việt Nam.(0,5đ)


......HẾT......
















SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
 ĐAKLAK LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2009- 2010
 Môn: LỊCH SỬ
 Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) 
ĐỀ DỰ BỊ

Câu 1: ( 2,5 điểm)
 Thống kê các cuộc khởi nghĩa lớn trong phong trào Cần vương theo bảng sau:
Tên cuộc khởi nghĩa
Thời gian tồn tại
Người lãnh đạo
Đặc điểm nơi đóng quân
……….
………
………
…………

Câu 2: ( 2,5 điểm) Tóm tắt Cách mạng Lào 1945-1975?
Câu 3: ( 3 điểm)	
Về giai cấp tư sản Việt Nam từ năm 1919 – 1930, em hãy cho biết:
Quá trình hình thành;
Các phong trào đấu tranh nổi bật;
Đánh giá vai trò của giai cấp tư sản Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Câu 4: ( 3 điểm)
 Tại sao trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng tổ chức mặt trận? Trình bày vai trò của các mặt trận từ năm 1930 – 1945.
Câu 5: ( 3 điểm)
 Việc xây dựng lực lượng vũ trang chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã được Đảng ta chuẩn bị như thế nào từ năm 1941 – 1945?
Câu 6: ( 3 điểm)
 Phân tích thời cơ của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tại sao nói, đây là thời cơ “ ngàn năm có một”?
Câu 7: ( 3 điểm)
 Em hãy chứng minh quan hệ quốc tế thời kì 1917-1945 cho thấy, hoà bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội trở thành tài sản quý giá mang tính giá trị chung cho toàn nhân loại.
……………Hết…………..

Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Giám thị không giải thích gì thêm.

 

File đính kèm:

  • docSu 12_V1.doc