Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2009 - 2010 môn: ngữ văn 12

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1146 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2009 - 2010 môn: ngữ văn 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH NĂM HỌC 2009 - 2010
 ĐẮK LẮK MÔN: NGỮ VĂN 12 - THPT
 Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
 ĐỀ CHÍNH THỨC Ngày thi: 22/12/2009.
	 (Đề thi gồm 01 trang) 
 


Câu 1: (8 điểm)
	Có người cho rằng: “Điều quan trọng không phải là chúng ta sống được bao lâu mà chúng ta phải sống như thế nào”.
	(Dẫn theo Hạt giống tâm hồn, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2009, trang 98)
	Ý kiến của anh (chị) về vấn đề này như thế nào ?

Câu 2: (12 điểm)
	Sách Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2007, trang 99 có nhận định: “Thơ Tố Hữu là bằng chứng sinh động về sự kết hợp hài hòa hai yếu tố cách mạng và dân tộc trong sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo thi ca”.
	Bằng những hiểu biết về thơ Tố Hữu, anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

------------------------ Hết ------------------------


● Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
● Giám thị không giải thích gì thêm.



Họ và tên thí sinh: …………………………………………….. Số báo danh:………
















SỞ GD & ĐT ĐẮK LẮK ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI CHỌN 
 HỌC SINH GIỎI TỈNH NĂM HỌC 2009-2010. 
 MÔN: NGỮ VĂN 12

A.Yêu cầu chung:
	-Thí sinh nắm vững chương trình Ngữ văn THPT, biết vận dụng những kĩ năng làm văn NLVH và NLXH để giải quyết những những yêu cầu cụ thể.
	-Trình bày rõ ràng, sáng sủa, diễn đạt mạch lạc, lưu loát, văn giàu hình ảnh, cảm xúc và có giọng điệu.
	-Giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề ra, dẫn chứng chính xác, toàn diện, phong phú. Chấp nhận những cách trình bày khác nhau nhưng phải hợp lí, khuyến khích những sáng tạo, ý tưởng mới trong nội dung và diễn đạt.
B.Yêu cầu cụ thể (đáp án và biểu điểm)
Câu 1: (8 điểm)
1.Giới thiệu vấn đề: Quan niệm về giá trị của cuộc sống và cách sống của con người. Dẫn câu trích . (1 điểm)
2.Giải thích nhận định: (2 điểm)
-Vế phủ định: “Điều quan trọng không phải là chúng ta sống được bao lâu”. Con người tồn tại (sống) trong thời gian và đời người có giới hạn ngắn ngủi về thời gian. Vì thế, thời gian sống của con người là rất quí. Nhưng ý kiến này lại cho rằng “sống được bao lâu” không phải là điều quan trọng.
-Vế khẳng định: “Điều quan trọng …là chúng ta phải sống như thế nào”. Nói “sống như thế nào” là nói đến cách sống, lối sống, giá trị của cuộc sống.
-Như vậy, ý kiến trên khẳng định giá trị chủ yếu của đời sống, cuộc sống con người chính là cách sống, lối sống, là ý nghĩa của cuộc sống chứ không phải là thời gian sống.
3.Bàn luận, chứng minh về ý nghĩa của cuộc sống. (4 điểm)
	-Thời gian là vốn quí của cuộc sống con người nhưng đối với những người sống không có mục đích, lí tưởng, không có phương hướng thì thời gian chỉ là đơn vị vật lí tầm thường. Không ít những người sống vu vơ, vất vưởng, buông xuôi, buông thả, sống nhờ, sống gửi vào người khác. Đó là những sự tồn tại vô nghĩa lí, vô tích sự, thậm chí có thể làm hại đến người khác, đến xã hội. Những cuộc sống như thế thì thời gian còn có ý nghĩa gì nữa ? (1 điểm)
	-Vì thế, điều quan trọng ở đây chính là chất lượng cuộc sống, cách sống, lối sống. Chúng ta phải sống như thế nào để mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi tháng, mỗi năm trong cuộc đời đều có ý nghĩa tốt đẹp và tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. (1 điểm)
	-Cuộc sống của con người không chỉ có cuộc sống vật chất mà chủ yếu là cuộc sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm phong phú trong các quan hệ xã hội . Ý nghĩa và giá trị của cuộc sống con người được xác định trong những mối quan hệ ấy. Vì vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta “phải sống như thế nào”. Để cuộc sống thật sự só ý nghĩa, chúng ta phải sống đẹp, nghĩa là phải sống có lí tưởng, có ước mơ hoài bão, có mục đích tốt đẹp, sống có văn hóa, có đạo đức tốt đẹp và tích cực hành động thực hiện lí tưởng, góp phần xây dựng đất nước, phát triển xã hội. 
 (1 điểm)
	-Trong thực tế đã có nhiều tấm gương sống đẹp mà cuộc đời họ đầy ý nghĩa, có giá trị lớn lao đối với xã hội, với đất nước và nhân loại. Dẫn chứng. (1 điểm)
4.Nhận thức, hành động của bản thân. (1 điểm)

Câu 2: (12 điểm)
	Bài làm cần đạt những nội dung sau:
1. -Giới thiệu khái quát về nhà thơ Tố Hữu.
 -Dẫn câu nhận định về thơ Tố Hữu. (1 điểm)
2. Yếu tố cách mạng:
	+Thể hiện tư tưởng, tình cảm, nhận thức của bản thân nhà thơ trong cuộc đời cách mạng và sáng tạo nghệ thuật phục vụ cách mạng. (1,5 điểm)
	-Tố Hữu là một chiến sĩ thi sĩ, là nhà thơ của lí tưởng cộng sản “Đối với tôi, làm thơ là làm cách mạng bằng thơ”.
	-Thơ Tố Hữu thể hiện lí tưởng lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của người chiến sĩ cách mạng. Chứng minh …
	+Thơ Tố Hữu phản ánh hiện thực cách mạng, những vấn đề của cách mạng, những sự kiện lịch sử của dân tộc ta trong hơn nửa thế kỉ vừa qua, đề cập đến những vấn đề lớn liên quan đến đời sống của cả cộng đồng, vận mệnh của dân tộc. những vấn đề cá nhân, những tình cảm riêng tư ít được đề cập đến. Chứng minh. 
 (1,5 điểm) 
	+ “Cái tôi” trữ tình trong thơ Tố Hữu thường nhân danh cộng đồng giai cấp, nhân dân, dân tộc, cách mạng để ca ngợi và phản ánh. Nhân vật trong thơ Tố Hữu thường là những người đại diện cho phẩm chất của cộng đồng, của cách mạng như Mẹ Tơm, Mẹ Suốt , Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Lượm, anh giải phóng quân, Bác Hồ … (1 điểm)
3.Yếu tố dân tộc: thể hiện ở cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
 (5 điểm)
+Về nội dung tư tưởng: Thơ Tố Hữu luôn thể hiện lợi ích của dân tộc (gắn với cách mạng), những phẩm chất truyền thống của dân tộc: truyền thống yêu nước, anh hùng , truyền thống nhân ái, ân nghĩa, thủy chung. Chứng minh. 
 (2 điểm)
+Về nghệ thuật: Thơ Tố Hữu là tiếng thơ đậm đà bản sắc dân tộc. (3 điểm)
-Thể thơ lục bát truyền thống (Khi con tu hú, Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du), thể thơ thất ngôn (Quê mẹ, Mẹ Tơm, Bác ơi!) và các thể thơ truyền thống khác. Dẫn chứng … (1 điểm)
-Ngôn ngữ thơ Tỗ Hữu giản dị, trong sáng, mang tính dân tộc và đại chúng: gần gũi với ca dao, dân ca và thơ ca cổ điển, giàu hình ảnh gợi cảm … (1 điểm)
-Thơ Tố Hữu kết tinh sâu sắc và sáng tạo nhất tính nhạc của tiếng Việt bằng cách gieo vần, phối hợp âm thanh, cách dùng từ láy, điệp từ, điệp ngữ … (1 điểm)
4.Yếu tố dân tộc và cách mạng kết hợp hài hòa với nhau trong sáng tạo thi ca của Tố Hữu, làm nên vẻ đẹp của phong cách thơ trữ tình chính trị đậm đà bản sắc dân tộc và ngọt ngào tình thương mến. Chứng minh … (1 điểm)
5.Kết luận chung: (1 điểm) 

 

File đính kèm:

  • docVan 12_V1.doc