Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2011 – 2012

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 2858 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2011 – 2012, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
SÓC TRĂNG
¯¯¯¯¯¯¯
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
NĂM HỌC 2011 – 2012
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Đề chính thức

Môn: Ngữ văn - lớp 9 
(Thời gian làm bài 150 phút, không kể thời gian phát đề)
Ngày thi 04/02/2012
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Đề thi này có 02 trang
Câu 1: (8 điểm) Suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
NHỮNG VẾT ĐINH
Một cậu bé có tính hay nổi nóng. Một hôm, cha cậu đưa cho cậu một túi đinh và bảo: “Mỗi khi con nổi nóng với ai đó thì hãy đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.”
Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng vài tuần sau, cậu bé đã tập kiềm chế và số lượng đinh cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy rằng kiềm chế cơn giận của mình dễ hơn là phải đi đóng một cây đinh lên hàng rào.
Đến một hôm, cậu đã không nổi nóng một lần nào trong suốt cả ngày. Cậu đến thưa với cha và ông bảo: “Tốt lắm, bây giờ nếu sau mỗi ngày mà con không hề nổi giận với ai, con hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào.”
Ngày lại ngày trôi qua, đến một hôm, cậu bé vui mừng tìm cha và hãnh diện báo rằng đã không còn một cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào, nhỏ nhẹ nói với cậu: “Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn để lại trên hàng rào đi. Hàng rào đã không còn như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả những vết thương thể xác. Những người xung quanh ta, bạn bè ta là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con than thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ con và luôn sẵn sàng mở trái tim mình ra cho con. Hãy nhớ lấy lời cha…”
(Trích Quà tặng của cuộc sống, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 2003)
Câu 2: (12 điểm)
Có ý kiến cho rằng đằng sau bức chân dung xinh đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân là những dự báo về số phận của hai nàng.
Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều cùng những hiểu biết của em về Truyện Kiều của Nguyễn Du làm sáng tỏ ý kiến trên.
Văn bản
CHỊ EM THÚY KIỀU
	(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
 	(Ngữ văn 9, tập một, Nxb Giáo dục, 2006) 
---Hết---


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
SÓC TRĂNG
¯¯¯¯¯¯¯
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH
NĂM HỌC 2011 – 2012
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
Đề chính thức

Môn: Ngữ văn - lớp 9 
(Thời gian làm bài 150 phút, không kể thời gian phát đề)
Ngày thi 04/02/2012
¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯¯
HƯỚNG DẪN CHẤM
I. Hướng dẫn chung
- Đây là đề thi tuyển đối tượng học sinh giỏi nên giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm, đồng thời cũng cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm, cân nhắc từng trường hợp cụ thể. Đặc biệt, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
- Việc chi tiết hóa điểm số của các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm thi.
II. Đáp án và thang điểm
ĐÁP ÁN
ĐIỂM
Câu 1: Suy nghĩ của em về câu chuyện Những vết đinh.
8,0
1. Yêu cầu về kĩ năng
Đáp ứng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội. Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ các ý chính sau đây:

- Giới thiệu vấn đề nghị luận.
1,0
- Hậu quả của sự nóng giận: tạo nên những vết thương trong lòng người khác, nếu có chữa lành vẫn để lại sẹo, thậm chí có những trường hợp dù có cố gắng vẫn không thể cứu vãn được. Điều đó cũng tạo nên những day dứt, những nỗi đau cho chính bản thân mình.
2,5
- Trong mọi tình huống, con người cần phải biết kiềm chế sự nóng giận, suy nghĩ thấu đáo hơn, tránh làm tổn thương người khác. Đồng thời, cũng phải biết sửa chữa sai lầm, bù đắp những mất mát đã gây ra.
2,5
- Rút ra bài học, những suy nghĩ và ứng xử trong cuộc sống: Sống nhân ái, ứng xử khoan dung, biết trân trọng và cảm thông với những người xung quanh, biết xây dựng và vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp. 
2,0
Lưu ý: Thí sinh có thể nêu lí lẽ và dẫn chứng theo nhiều cách khác nhau miễn sao chính xác, hợp lí. Khuyến khích những bài làm có sáng tạo. Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

Câu 2: Có ý kiến cho rằng đằng sau bức chân dung xinh đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân là những dự báo về số phận của hai nàng.
Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều cùng những hiểu biết của em về Truyện Kiều của Nguyễn Du làm sang tỏ ý kiến trên. 
12,0
1. Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh phải có kĩ năng làm bài văn nghị luận về một vấn đề văn học. Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 

2. Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở nắm vững đoạn trích Chị em Thúy Kiều và Truyện Kiều của Nguyễn Du, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng phải đáp ứng các ý cơ bản sau đây:

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
1,0
 Đoạn thơ tiêu biểu cho nghệ thuật tả người của đại thi hào Nguyễn Du, tả diện mạo bên ngoài đồng thời hé lộ vẻ đẹp tâm hồn và dự báo số phận mai sau của họ.
+ Giới thiệu nét chung: Cả hai đều đẹp, cái đẹp trọn vẹn theo lí tưởng của xã hội và thời đại nhưng mỗi người một vẻ.
+ Vẻ đẹp riêng của mỗi người:
* Thúy Vân mang một vẻ đẹp trang trọng quý phái. Đó là vẻ đẹp tạo được tình cảm trân trọng, yêu mến, dễ dàng được xã hội công nhận và dung nạp. Điều đó cũng như dự báo, sắp đặt cho một cuộc đời yên ổn, không sóng gió.
* Thúy Kiều mang một vẻ đẹp sắc sảo, mặn mà hơn. Từ nhan sắc đến tài năng (cầm, kì thi, họa) đạt đến mức tuyệt đỉnh, toàn diện của bậc tài hoa theo quan niệm thẩm mĩ của xã hội phong kiến - một vẻ đẹp hiếm có trên đời, thường được tôn sùng và cũng bị đố kị. Chính sự đố kị đã gây ra nhiều sóng gió cho cuộc đời Thúy Kiều.
Từ bức chân dung của Thúy Kiều, người đọc cảm nhận kiếp đời không êm đềm của nàng - đó là kiếp đoạn trường với thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần. 



2,0


2,0



3,0




2,0
Đánh giá chung: 
+ Đoạn thơ tiêu biểu cho nghệ thuật tả người của Nguyễn Du, bút pháp miêu tả giàu sắc thái cổ điển và nghệ thuật ước lệ quen thuộc trong văn chương trung đại.
+ Tấm lòng nhân đạo của nhà thơ: luôn đề cao, trân trọng vẻ đẹp, tài năng của con người. 
2,0
Lưu ý: Thí sinh biết đưa dẫn chứng và phân tích dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề, lập luận chặt chẽ, thể hiện được năng lực cảm thụ văn học. Khuyến khích những bài làm có sáng tạo. Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.

-------Hết------

File đính kèm:

  • docDe thi HSG tinh 20112012.doc