Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện vòng 1 năm học 2013 - 2014

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1106 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện vòng 1 năm học 2013 - 2014, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH CHƯƠNG

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN VÒNG 1 NĂM HỌC 2013 - 2014

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 9
 ( Hướng dẫn chấm gồm 03 trang )

A. YÊU CẦU CHUNG
 - Giám khảo vận dụng Hướng dẫn chấm phải chủ động, linh hoạt, tránh cứng nhắc, máy móc và phải biết cân nhắc trong từng trường hợp cụ thể để ngoài việc kiểm tra kiến thức cơ bản, giám khảo cần phát hiện và trân trọng những bài làm thể hiện được tố chất của một học sinh giỏi ( kiến thức vững chắc, có năng lực cảm thụ sâu sắc, tinh tế, kỹ năng làm bài tốt, diễn đạt có cảm xúc, có giọng điệu riêng...); đặc biệt khuyến khích những bài làm có sự sáng tạo, có phong cách.
 - Giám khảo cần đánh giá bài làm của học sinh một cách tổng thể ở từng câu và cả bài, không đếm ý cho điểm nhằm đánh giá bài làm của học sinh trên cả hai phương diện: kiến thức và kỹ năng.
 - Hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý chính và các thang điểm cơ bản, trên cơ sở đó, giám khảo có thể thống nhất để định ra các ý chi tiết và các thang điểm cụ thể hơn.
 - Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, hợp lý, có sức thuyết phục giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để đánh giá, cho điểm một cách chính xác, khoa học, khách quan.
 - Điểm toàn bài là 10,0 chiết đến 0,25.
B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Câu 1 (3.0 điểm): 
a. Chỉ ra được biện pháp nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa:
- Ẩn dụ: Làn thu thủy, nét xuân sơn => 0.5 điểm ( mỗi hình ảnh 0.25 điểm).
- Nhân hóa: Hoa ghen (thua thắm), liễu hờn (kém xanh) => 0.5 điểm ( mỗi hình ảnh 0.25 điểm).
b. Trình bày được một cách ngắn gọn về tác dụng của biện pháp nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa trong việc làm nên cái hay của ngòi bút miêu tả vẻ đẹp nhân vật Thúy Kiều: 2.0 điểm. Cụ thể:
- Biện pháp ẩn dụ đã gợi vẻ đẹp trong sáng của đôi mắt và sự thanh tú của đôi lông mày…0.5 điểm.
- Biện pháp nhân hóa gợi vẻ đẹp thức dậy lòng đố kỵ của thiên nhiên => 0.5 điểm.
- Biện pháp ẩn dụ và nhân hóa góp phần khắc họa chân dung của một tuyệt thế giai nhân… 0.5 điểm.
- Bộc lộ dự cảm về tương lai của nhân vật…=> 0.25 điểm.
- Thể hiện thái độ, tài năng của nhà thơ… 0.25 điểm.
Lưu ý: Thí sinh có thể có nhiều cách trình bày và diễn đạt khác nhau, miễn là hiểu được yêu cầu của đề bài. 
Câu 2 (4.0 điểm):
1. Đáp án:
 Cần bảo đảm những yêu cầu sau:
 a. Về kiến thức: Cần trình bày được cảm nhận về:
 + Cảnh ngộ cô đơn đến tuyệt đối của Thúy Kiều trước khung cảnh hoang vắng, mênh mông, rợn ngợp … nơi lầu Ngưng Bích.
 + Tâm trạng chia xé, ngổn ngang, bẽ bàng, buồn tủi của Thúy Kiều.
 + Thái độ thấu hiểu, trân trọng, đồng cảm đối với nhân vật của nhà thơ Nguyễn Du.
 + Tài năng của nhà thơ trong việc miêu tả nội tâm nhân vật…
 b. Về kỹ năng:
 + Có kỹ năng xác định yêu cầu của đề, biết làm một bài văn kiểu cảm nhận thông qua việc trình bày những suy nghĩ, đánh giá, bàn luận…mang đầy cảm xúc chủ quan của bản thân về những vấn đề mà đề bài đặt ra.
 + Biết đặt đoạn thơ trong mối quan hệ với đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để trình bày sự cảm nhận.
 + Có kỹ năng triển khai luận điểm, luận cứ, bố cục sáng rõ, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
 2. Biểu điểm: 
 + Đạt được các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng => 4.0 điểm. 
 + Đảm bảo các yêu cầu về kiến thức nhưng kỹ năng làm bài còn hạn chế => 3.0 điểm. 
 + Trình bày được suy nghĩ, đưa ra được những đánh giá theo yêu cầu của đề nhưng văn viết thiếu cảm xúc và còn mắc nhiều lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả...=> 2.0 điểm.
 + Nội dung bài viết sơ sài => 1.0 điểm. 
 Lưu ý: -Các thang điểm chi tiết khác giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để xác định.
 - Thí sinh có thể có những cảm nhận và có diễn đạt khác nhau miễn là hợp lý.
Câu 3 (3.0 điểm): Bài làm cần đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Đáp án:
a) Về kiến thức: Đây là một đề bài có tính chất mở, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau với nhiều thao tác nghị luận khác nhau, song điểm tựa của các luận điểm trong bài chính là nội dung phần trích trong đề bài nói riêng và văn bản Hai cây phong nói chung. Sau đây là một số gợi ý:
+ Bằng việc trồng hai cây phong, thầy Đuy-sen ước mơ mình sẽ là người khơi dậy và vun trồng ước mơ, hi vọng cho những đứa trẻ ở làng Ku-ku-rêu.
+ Ước mơ, hi vọng về một cuộc sống mới, một tương lai mới của những đứa trẻ nơi đây và của cả làng Ku-ku-rêu. 
+ Hi vọng hai cây phong sẽ trở thành chứng tích của một thời khai trường, mở lớp…
+ Hi vọng hai cây phong mãi mãi gắn bó với với ký ức trẻ thơ, gắn bó với làng và cũng chính là gắn bó với nơi đi về khi những đứa trẻ của làng đã trưởng thành… Hi vọng hai cây phong sẽ trở thành biểu tượng của Ku-ku-rêu…
b) Về kỹ năng:
+ Viết được bài văn nghị luận xã hội với bố cục hoàn chỉnh.
+ Biết kết hợp các thao tác nghị luận trong quá trình làm bài: phân tích, chứng minh, bình luận …
+ Biết kết hợp một cách linh hoạt phương thức nghị luận với các phương thức biểu đạt khác như: tự sự, biểu cảm ... 
+ Không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
2. Biểu điểm:
+ Bảo đảm các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng => 3.0 điểm.
+ Bảo đảm các yêu cầu về kiến thức nhưng còn có hạn chế về kỹ năng => 2.0 điểm.
+ Bài viết còn hời hợt trong cảm nhận và thể hiện sự sơ sài trong trình bày => 1.0 điểm.
Các thang điểm khác giám khảo căn cứ vào thực tế bài làm để xác định.
Lưu ý: Giám khảo cần cẩn trọng khi đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, phát hiện, trân trọng những bài có suy nghĩ và giọng điệu riêng. Thí sinh có thể có những luận điểm, luận cứ khác nhau ( kể cả không có trong hướng dẫn chấm) miễn là hợp lý và có sức thuyết phục. 
………………………………. Hết ……………………………………….

File đính kèm:

  • docda hsg van 9 v1 1314 tc.doc
Đề thi liên quan