Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm học 2006 - 2007 đáp án và biểu điểm chấm đề chính thức

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1093 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 năm học 2006 - 2007 đáp án và biểu điểm chấm đề chính thức, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sở Gd&Đt Nghệ an
Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12
Năm học 2006 - 2007

đáp án và biểu điểm chấm đề chính thức
Môn: văn (Bảng A)
----------------------------------------------

 A. Hướng dẫn chấm:
 I. Yêu cầu chung:
	- Đề thi có tính chất mở để thí sinh có thể phát huy hết những hiểu biết và năng lực cảm thụ VH của mình, nên hướng dẫn chấm chỉ nêu những ý chính:
	+ Về kiến thức: Hiểu được sự giống và khác nhau về phương diện "Cái tôi trữ tình" của bài thơ Tâm tư trong tù (Tố Hữu) và ở một số bài thơ thuộc phong trào Thơ mới trên cơ sở sự hiểu biết về hai trào lưu văn học.
	+ Về kỹ năng: Biết cách làm nghị luận văn học hỗn hợp, trong đó biết so sánh để chỉ ra điểm tương đồng, khác biệt và lý giải nguyên nhân... là thao tác nghị luận chủ yếu. Biết tổ chức bài văn nghị luận, diễn đạt trôi chảy, trong sáng, có hình ảnh, lời văn có cảm xúc và giọng điệu riêng...
	- Giám khảo, trên cơ sở những ý chính của HD chấm và những mức điểm chủ yếu của biểu điểm, căn cứ vào từng bài cụ thể để cho điểm công bằng và chính xác.
 - Cho điểm 20, chiết đến 0,5.
 II. Yêu cầu cụ thể:
	Thí sinh có thể có nhiều cách tiếp cận, xử lý vấn đề khác nhau và có thể có những kiến giải khác HD chấm, miễn là có lý. Sau đây là một số gợi ý:
	1/ Cái tôi trữ tình:
	- Là cái tôi tự biểu hiện, tự bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhà thơ qua tác phẩm thơ của mình.
	- Là hiện thân của tâm hồn tác giả nhưng không đồng nhất với con người tác giả mà là cái tôi tự nâng lên tầm phổ quát của nhân sinh. Bởi vậy cái tôi trữ tình mang tính chủ quan, cá thể, cá biệt và rất điển hình. Cho nên cái tôi trữ tình ấy vừa rất riêng tư, thầm kín vừa mang tính thời đại...
	2/ Cái tôi trữ tình trong Tâm tư trong tù (Tố Hữu) và trong Thơ mới:
	2.1. Giống nhau:
	- Đều thể hiện cái Tôi - cá nhân, và được bộc lộ một cách sâu sắc, đầy ấn tượng: Buồn và khao khát tự do...(Tuy bản chất nỗi buồn có sự khác nhau)... (dẫn chứng)
	- Đều là cái tôi trữ tình của các nhà thơ trẻ, cả trẻ tuổi và "trẻ lòng"... (dẫn chứng)
	- Cái tôi trữ tình ấy đều được thể hiện trong hình thức thơ mới: Chủ yếu thể tự do, giọng thơ sôi nổi, trẻ trung, lôi cuốn... như điệu của tâm hồn trẻ... (dẫn chứng)
	- Để thể hiện cái tôi trữ tình ấy các nhà thơ đều triệt để sử dụng bút pháp lãng mạn với các thủ pháp chính: đối lập, cường điệu, tưởng tượng phong phú... (dẫn chứng)
	2.2. Khác nhau:
	- Cái tôi trữ tình trong Tâm tư trong tù là cái tôi trong quan hệ với cộng đồng, hoà hợp với cái ta... nên khi buồn đau, cái tôi ấy luôn hướng ra cuộc đời rộng mở... (dẫn chứng). Trong khi cái tôi trữ tình trong Thơ mới là cái Tôi - cá nhân, cá thể... khi buồn đau, họ thường tìm đến hình sông bóng núi, vũ trụ, quá vãng, hoặc tình ái... (dẫn chứng)
	- Cái tôi trữ tình ấy được thể hiện bằng những cảm hứng mãnh liệt khác nhau. ở Tâm tư trong tù là niềm khao khát tự do, được trở về cùng đồng đội chiến đấu, ... (dẫn chứng). Còn các nhà Thơ mới, đó là cảm hứng về một cái Tôi - cá nhân tình ái, sầu não, chán chường... (dẫn chứng).
	- Cái tôi trữ tình trong Tâm tư trong tù là một hình tượng nghệ thuật cao đẹp: Người chiến sỹ cách mạng, mẫu người tiên tiến của thời đại với lý tưởng chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc... (dẫn chứng). Trong khi đó, cái tôi trữ tình trong Thơ mới được thể hiện là hình tượng tâm trạng của giai cấp tư sản hoặc tầng lớp tiểu tư sản, với những quan hệ riêng tư, gắn với số phận cá nhân... với thái độ bất hoà sâu sắc trước xã hội thực dân và môi trường XH tầm thường, tù túng, giả dối... (dẫn chứng).
	3/ Lý giải nguyên nhân:
	- Đều xuất hiện cùng một thời điểm lịch sử mà nhu cầu hiện đại hoá văn học trở nên cấp thiết, như một tất yếu lịch sử. Đặc biệt trong đó sự xuất hiện cái Tôi - cá nhân đánh dấu bước phát triển của tư tưởng mang giá trị nhân bản to lớn...
	- Tuy nhiên do hoàn cảnh, địa vị xuất thân của các nhà văn khác nhau nên Tố Hữu cũng như các nhà văn Yêu nước và Cách mạng được trang bị lý luận của CN Mác - Lê nin, lý tưởng mới của thời đại, nên họ nắm vững tính tất yếu của lịch sử... Vì thế cái tôi trữ tình ở đây đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Khác với Thơ mới, cái tôi trữ tình thường buồn đau, bế tắc và bi quan...
	- Do môi trường và điều kiện sáng tác khác nhau, thơ Tố Hữu và văn học Yêu nước và Cách mạng sáng tác trong môi trường bị kiểm duyệt, bí mật... nên thể hiện một cái tôi trữ tình tự do được giải phóng khỏi mọi điều cấm kỵ của chế độ thực dân, phục vụ cho lý tưởng cách mạng cao cả, cái tôi ấy trực tiếp bộc lộ thái độ nhiệt tình với Tổ quốc, với nhân dân... Cái tôi ấy nói lên nguyện vọng sống còn của dân tộc là đấu tranh dành độc lập, tự do... Còn Thơ mới và văn học Lãng mạn sáng tác trong môi trường công khai nên phải chịu sự tác động, ảnh hưởng của tư tưởng thống trị, bị gò bó trong khuôn phép xã hội...


 


 B. Thang điểm:
	- 20 điểm: Đạt tương đối đầy đủ những yêu cầu nêu trên
	- 18 điểm: Có thể còn thiếu một vài ý nhỏ, nhưng hiểu đề chắc chắn và đạt được cơ bản những yêu cầu đã nêu.
- 16 điểm: Đạt được đa số ý. Tuy còn một số lỗi nhỏ nhưng diễn đạt trôi chảy, văn trong sáng...
- 14 điểm: Đạt được quá nửa số ý. Diễn đạt khá.
- 12 điểm: Đạt được nửa số ý. Dẫn chứng hợp lý. Đạt trung bình về nội dung và hình thức.
- 10 điểm: Chỉ yêu cầu ở mức độ hiểu đề còn sơ sài hoặc có thể mới chỉ ra cái tôi trữ tình trong Tâm tư trong tù và trong một số tác phẩm Thơ mới, nhưng so sánh chưa đáng kể. Có một số lỗi về nội dung và hình thức.
- 8 điểm: Cơ bản chưa hiểu đề. Văn nhiều lỗi.
- 6 điểm: Cơ bản không hiểu đề. Văn rất nhiều lỗi.
- 4 điểm: Không hiểu đề. Kém cả nội dung và hình thức.
- 2 điểm: Lạc đề.
Lưu ý: Các mức điểm khác do giám khảo căn cứ vào bài làm cụ thể và tự điều chỉnh.

……… Hết ………

File đính kèm:

  • docDap an De thi HSG Van 12 Bang A.doc
Đề thi liên quan