Kỳ thi lập đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông năm học 2009- 2010 môn thi: lịch sử

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1392 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi lập đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 trung học phổ thông năm học 2009- 2010 môn thi: lịch sử, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 	 KỲ THI LẬP ĐỘI TUYỂN DỰ THI 
	ĐẮK LẮK	 HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA
 LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2009- 2010
 Môn thi: LỊCH SỬ
 ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian: 180 phút, không kể thời gian giao đề


Câu 1: ( 2,5 điểm)
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, xã hội Việt Nam nổi lên những mâu thuẫn cơ bản nào? Nhiệm vụ cơ bản của Cách mạng Việt Nam lúc này là gì?

Câu 2: ( 2,5 điểm)
 Những tiền đề lịch sử dẫn tới sự bùng nổ và phát triển của phong trào giải phóng dân tộc sau chiến tranh thế giới thứ hai? Vai trò của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc chống chủ nghĩa thực dân?

Câu 3: ( 3,0 điểm)
Về giai cấp tư sản Việt Nam từ năm 1919 – 1930, em hãy trình bày ngắn gọn:
 	- Quá trình hình thành;
 	- Các phong trào đấu tranh nổi bật;
 	- Vai trò của giai cấp tư sản trong cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Câu 4: ( 3,0 điểm)
Vì sao trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng việc thành lập các tổ chức mặt trận? Em hãy nêu các tổ chức mặt trận và đóng góp của nó trong giai đoạn 1930- 1945.

Câu 5: ( 3,0 điểm)
Trình bày quá trình phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng nước ta từ năm 1941- 1945.

Câu 6: ( 3,0 điểm)
Thời cơ của Cách mạng tháng Tám năm 1945? Tại sao nói, đây là thời cơ “ngàn năm có một” ?

Câu 7: ( 3,0 điểm)
Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 chương trình Cơ bản, Nhà xuất bản Giáo dục năm 2008, trang 71 viết: “Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã mở ra một giai đoạn mới của lịch sử thế giới hiện đại. Trong lịch sử thế giới, hiếm có giai đoạn nào như giai đoạn nửa sau thế kỉ XX mà loài người vừa mới trải qua. Chỉ trong vòng nửa thế kỉ, tình hình thế giới đã thật sôi động với bao diễn biến dồn dập, đem lại những thay đổi to lớn và cả những đảo lộn đầy bất ngờ”. Em hãy làm sáng tỏ nội dung trên.

……………Hết…………..

Họ tên thí sinh: …………………………….……………… Số báo danh:……..
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Giám thị không giải thích gì thêm.



HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN LỊCH SỬ
ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN DỰ THI QUỐC GIA

 Câu 1: Mâu thuẫn cơ bản và nhiệm vụ cơ bản…( 2,5 đ)
1/ Mâu thuẫn cơ bản: ( 1,5 đ)
 - Thực dân Pháp xâm lược và đặt ách thống trị lên dân tộc ta. Nước ta trở thành thuộc địa của Pháp. Độc lập dân tộc bị mất. Nhân dân ta trở thành nô lệ. Chính quyền phong kiến Việt Nam trở thành tay sai. Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, ngoại giao…của nước ta đều do người Pháp nắm. Xã hội Việt Nam nổi lên mâu thuẫn chủ yếu giữa toàn thể dân tộc ta với thực dân Pháp và tay sai phản động ( mâu thuẫn dân tộc).
 - Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một bộ phận giai cấp địa chủ phong kiến cấu kết chặt chẽ với thực dân Pháp để áp bức và bóc lột nhân dân ta. Chúng cướp đoạt ruộng đất, bóc lột bằng sưu cao thuế nặng, đàn áp các phong trào yêu nước…Xã hội Việt Nam nổi lên mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân lao động ( chủ yếu là nông dân ), với địa chủ phong kiến ( mâu thuẫn giai cấp).
2/ Nhiệm vụ cách mạng: ( 1,0 đ)
 - Đánh đổ thực dân Pháp và tay sai phản động, giành độc lập dân tộc. Đây là nhiệm vụ hàng đầu ( cách mạng dân tộc).
 - Đánh đổ giai cấp địa chủ phong kiến, đưa ruộng đất về cho dân cày ( cách mạng dân chủ).

Câu 2: Những tiền đề lịch sử dẫn tới sự bùng nổ và phát triển…(2,5 điểm)
	1. Những tiền đề (1,0 đ)
 - Thuộc địa là nơi tập trung mọi mâu thuẫn cơ bản nhất, chủ yếu nhất của thời đại. Sự trưởng thành của các lực lượng dân tộc ở các nước thuộc địa .(0,25đ)
 - Sự thất bại của chủ nghĩa phát xít, sự suy yếu của chủ nghĩa tư bản sau chiến tranh thế giới thứ hai. (0,25đ)
 - Chủ nghĩa xã hội trở thành hệ thống trên thế giới – chỗ dựa của phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc.(0,25đ)
 - Sự lớn mạnh của các lực lượng dân chủ, hoà bình, tiến bộ trên thế giới.(0,25đ)
2. Vai trò của cách mạng Việt Nam(1,5 đ)
 - Cách mạng tháng Tám (1945) là cuộc giải phóng dân tộc đầu tiên thành công dưới sự lãnh đạo của một chính đảng của giai cấp vô sản, góp phần mở ra thời kì tan rã của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.(0,5đ)
 - Chiến thắng Điện Biên Phủ là “mốc vàng lịch sử”, mở đầu cho sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, xác nhận khả năng của các dân tộc thuộc địa trong việc đánh bại chủ nghĩa thực dân.(0,5đ)
 - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đập tan cuộc phản kích lớn nhất của đế quốc Mĩ vào các lực lượng cách mạng thế giới, phá vỡ phòng tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mĩ xuống Đông Nam Á, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới của các dân tộc.(0,5đ)

Câu 3: Về giai cấp tư sản Việt Nam…( 3,0 đ)
1/ Quá trình hình thành: ( 1,0 đ)
 - Trước chiến tranh thế giới thứ nhất, họ chỉ là tầng lớp nhỏ làm đại lý cho tư bản Pháp.
 - Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, họ trở thành giai cấp và phân hóa thành 2 bộ phận là tư sản mại bản và tư sản dân tộc. Tư sản dân tộc có tinh thần yêu nước và tham gia các phong trào dân tộc dân chủ ở nước ta.
2/ Các phong trào dân tộc dân chủ nổi bật:( 1,0 đ)
 - Năm 1919, họ vận động phong trào “ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.
 - Năm 1923, đấu tranh chống độc quyền của người Pháp ở cảng Sài Gòn và xuất cảng lúa gạo Nam kỳ; lập Đảng lập hiến để đấu tranh đòi các quyền dân chủ…
 - Năm 1930, họ phát động cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn và cuối cùng của giai cấp tư sản dân tộc.
3/ Đánh giá vai trò: ( 1,0 đ)
 - Các phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản đã góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1919-1930.
 - Giai cấp tư sản Việt Nam ít về số lượng, yếu về kinh tế, bạc nhược về chính trị, không thể đảm đương nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta.
 - Thất bại của khởi nghĩa Yên Bái đã chấm dứt vai trò của giai cấp tư sản và tổ chức Việt Nam quốc dân đảng, nhường quyền lãnh đạo cho giai cấp công nhân mà Đảng cộng sản là đội tiên phong.

Câu 4: Tổ chức mắt trận…( 3,0 đ)
1/ Lý do: ( 0,75 đ)
 - Chỉ có mặt trận mới đóng vai trò tập hợp và đoàn kết mọi giai cấp, đảng phái, tôn giáo…tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
 - Trên cơ sở đó làm phân hóa kẻ thù và làm suy yếu chúng, tạo điều kiện đánh bại chúng.
2/ Các tổ chức mặt trận: ( 2,25 đ)
 - Tháng 7/ 1936, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng ở Thượng Hải, Trung Quốc quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương ( tháng 3/ 1938 đổi thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương). Mặt trận này đóng vai trò to lớn trong các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ giai đoạn 1936- 1939 ( phong trào Đông Dương Đại hội, đón rước Gô đa, đấu tranh nghị trường, báo chí công khai…).
 - Tháng 11/ 1939, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 ở Bà Điểm, Gia Định chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương ( Mặt trận phản đế). Mặt trận đóng vai trò đoàn kết toàn dân, đấu tranh trực tiếp chống đế quốc và tay sai để giải phóng dân tộc. Ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và binh biến Đo Lương đều có dấu ấn của mặt trận này.
 - Tháng 5/ 1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Păc Pó, Cao Bằng Quyết định thành lập mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh ( Mặt trận Việt Minh). Mặt trận vừa đóng vai trò đoàn kết toàn dân, vừa đóng vai trò lãnh đạo cách mạng, làm nên Cách mạng tháng Tám (1945) thắng lợi.
Câu 5: Sự phát triển của lực lượng vũ trang…( 3,0 đ)
 - Trong mỗi cuộc chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang luôn luôn đóng vai trò quyết định cho thắng lợi. Chính vì vậy trong các hội nghị Trung ương của Đảng coi việc xây dựng lực lượng vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 1941- đầu năm 1944, trọng tâm là xây dựng lực lượng du kích trên phạm vi cả nước, nhất là ở các căn cứ địa, đưa tới sự ra đời của Trung đội cứu quốc quân I ( 2/ 1941),Trung đội cứu quốc quân II ( 9/ 1941), Trung đội cứu quốc quân III ( 2/ 1944). Đó là những tổ chức vũ trang nền móng cho cách mạng nước ta.( 1,0 đ)
 - Từ giữa năm 1944, tình hình thế giới chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho cách mạng nước ta. Phe phát xít đang thất bại trên khắp các chiến trường. Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị “ Sửa soạn khởi nghĩa”. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chủ trương thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại Cao Bằng ngày 22/ 12/ 1944. Sự kiện này đánh dấu, lực lượng vũ trang cách mạng nước ta chính thức thành lập. .( 1,0 đ)
 - Tháng 4/ 1945, thời cơ cách mạng đang đến gần, Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định thống nhất các đơn vị vũ trang thành lực lượng duy nhất. Trên cơ sở đó, các đơn vị Cứu quốc quân và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hợp lại thành Việt Nam giải phóng quân (5/1945), chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. .(1,0đ)

Câu 6: Cách mạng tháng Tám 1945…( 3,0 đ)
1/Thời cơ của Cách mạng tháng Tám: ( 1,5 đ)
 - Thời cơ: là thời điểm có những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi cho cách mạng bùng nổ và thắng lợi.
 - Khách quan: phát xít Đức bị đánh bại ( 5/ 1945); phát xít Nhật bị Đồng minh đánh bại; Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống nước Nhật; Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan đông của Nhật; ngày 15/ 8/ 1945, chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương mất chỗ dựa. chính quyền tay sai Trần Trọng Kim tan rã…
 - Chủ quan: nhân dân ta chuẩn bị chu đáo; Đảng ta chuẩn bị sẵn sàng lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa.
2/ Đây là thời cơ “ ngàn năm có một” vì: ( 1,5 đ)
 - Kẻ thù trực tiếp là phát xít Nhật đã suy yếu, không còn khả năng chống cự; kẻ thù mới là Anh, Pháp, Trung Hoa Dân Quốc… chưa kịp đưa quân vào để giải giáp quân Nhật. Nếu ta hành động chậm trễ thì thời cơ sẽ mất.
 - Trong hoàn cảnh ấy, Đảng kịp thời phát lệnh tổng khởi nghĩa; Mặt trận Việt Minh họp Đại Hội Quốc dân để hoàn tất công việc nắm chính quyền; cả nước đã nhất tề vùng dậy giành chính quyền về tay nhân dân.

Câu 7: Tình hình thế giới sau chiến tranh…(3,0 đ)
- Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quan hệ Đồng minh trong chiến tranh đã chuyển thành mâu thuẫn đối đầu, một trật tự thế giới mới được thiết lập “Trật tự hai cực Ianta” đứng đầu là Xô – Mĩ, chi phối nền chính trị thế giới và các quan hệ quốc tế trong phần lớn thời gian nửa sau thế kỉ XX.(0.25đ)
	- Chủ nghĩa xã hội đã vượt ra khỏi phạm vi một nước, trở thành hệ thống trên thế giới. Trong nhiều thập niên, hệ thống xã hội chủ nghĩa đã trở thành một lực lượng hùng hậu về chính trị-quân sự và kinh tế, chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao của khoa học-kĩ thuật thế giới. Do những sai phạm nghiêm trọng cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch chế độ xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô để lại những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hoà bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và tiến bộ xã hội. (0.5đ)
	- Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, một cao trào giải phóng dân tộc đã dấy lên mạnh mẽ ở các nước Á, Phi, Mĩ latinh hơn 100 quốc gia giành độc lập. Bản đồ chính trị thế giới có những thay đổi to lớn và sâu sắc. Sau khi giành độc lập, nhiều nước Á, Phi, Mĩlatinh đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế-xã hội trong công cuộc xây dựng đất nước. (0.5đ)
	- Hệ thống đế quốc chủ nghĩa có những biến chuyển quan trọng. Mĩ vươn lên trở thành đế quốc giàu mạnh nhất. Giới cầm quyền Mĩ đã ráo riết thực hiện các chiến lược toàn cầu nhằm thống trị thế giới. Nhờ có sự tự điều chỉnh kịp thời, nền kinh tế các nước tư bản đã tăng trưởng khá liên tục hình thành nên các trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Dưới tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, các nước tư bản ngày càng có xu hướng liên kết kinh tế khu vực, tiêu biểu là EU. (0.5đ)
	- So với các giai đoạn lịch sử thế giới trước đây, chưa bao giờ các quan hệ quốc tế được mở rộng và đa dạng như trong nửa sau thế kỉ XX. Tình trạng đối đầu gay gắt giữa hai siêu cường, hai phe mà đỉnh cao là tình trạng chiến tranh lạnh kéo dài tới hơn bốn thập niên. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia trên thế giới vẫn cùng tồn tại hoà bình, vừa đấu tranh vừa hợp tác. Chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới chuyển dần sang xu thế hoà dịu, đối thoại và hợp tác phát triển. Nhưng đây đó vẫn còn những “di chứng” của chiến tranh lạnh với nguy cơ bùng nổ các cuộc xung đột do những mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ. (0.5đ)
	- Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, một cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật đã diễn ra với quy mô, nội dung và nhịp điệu chưa từng thấy cùng những hệ quả về nhiều mặt là vô cùng to lớn. Trong sự phát triển của cách mạng khoa học - kĩ thuật, xu thế toàn cầu hoá đã diễn ra như một làn sóng lan nhanh ra toàn thế giới. Có thể nói, xu thế toàn cầu hoá đòi hỏi các quốc gia phải có lời giải đáp và sự thích ứng để vừa kịp thời, vừa khôn ngoan nắm bắt thời cơ, tránh việc bỏ lỡ cơ hội và tụt hậu. (0.5đ)
	- Qua những vấn đề trên, chúng ta thấy được Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã mở ra một giai đoạn mới của lịch sử thế giới hiện đại. Trong lịch sử thế giới, hiếm có giai đoạn nào như giai đoạn nửa sau thế kỉ XX mà loài người vừa mới trải qua. Chỉ trong vòng nửa thế kỉ, tình hình thế giới đã thật sôi động với bao diễn biến dồn dập, đem lại những thay đổi to lớn và cả những đảo lộn đầy bất ngờ.(0,25đ)


…..HẾT….

File đính kèm:

  • docSu 12_V2.doc