Kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 trung học cơ sở năm học 2009- 2010

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1470 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 trung học cơ sở năm học 2009- 2010, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUẢNG NINH

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
LỚP 9 THCS NĂM HỌC 2009- 2010
ĐỀ THI CHÍNH THỨC	

Họ và tên, chữ kí của giám thị số1

………………….

…………………..
 MÔN: NGỮ VĂN
 (BẢNG B)
 Ngày thi: 25/3/2010
 Thời gian làm bài: 150 phút
 (Không kể thời gian giao đề)

 (Đề thi này có 01 trang)


Câu 1: (12,0 điểm)

Cảm nhận của em về hình tượng anh bộ đội cụ Hồ trong hai tác phẩm “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật (Sách Ngữ văn 9-tập 1)
Từ đó, em có suy nghĩ gì về dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của mỗi tác giả.

Câu 2: (8,0 điểm)
Trình bày suy nghĩ của em về quan niệm sau của M.Gorki:
"Người bạn tốt nhất bao giờ cũng là người bạn đến với ta trong những giây phút khó khăn, cay đắng nhất của cuộc đời"

………………..Hết…………………
	







Họ và tên thí sinh: ………………….........……Số báo danh:……………..
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
QUẢNG NINH
KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
LỚP 9 - THCS NĂM HỌC 2009-2010

HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN- BẢNG B
(Hướng dẫn này gồm 03 trang)
I. YÊU CẦU CHUNG:
- Đáp án chỉ nêu một số ý chính có tính chất gợi ý; giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong đánh giá, cho điểm; khuyến khích những bài viết sáng tạo, có sức thuyết phục “có giọng điệu riêng” song hợp lý.
- Điểm toàn bài là 20 điểm, điểm lẻ chi tiết đến 0,5
II. YÊU CẦU CỤ THỂ:
Câu 1: (12,0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng:
- Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học (có suy nghĩ, đánh giá, cảm xúc….)
- Có kỹ năng đối chiếu so sánh trên từng phương diện, không sa vào phân tích toàn bộ tác phẩm.
- Xây dựng hệ thống lập luận chặt chẽ, logic.
- Văn viết trong sáng, giàu cảm xúc.
- Bố cục chặt chẽ; diễn đạt lưu loát; trình bày sạch đẹp; ít lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về nội dung kiến thức:.
1. Cảm nhận về hình tượng anh bộ đội cụ Hồ qua hai tác phẩm: (9,0 điểm)
a. Những nét chung: (2,0 điểm)
- Đó là những con người mộc mạc, bình dị, chân chất, đời thường từ cách cảm đến cách nghĩ song ở họ toát lên những phẩm chất cao đẹp: Tình đồng chí, đồng đội keo sơn, tinh thần lạc quan, lòng quả cảm, đức hy sinh và lòng yêu nước nồng nàn. Cùng chiến đấu cho hòa bình và độc lập tự do của dân tộc với tinh thần quyết chiến quyết thắng.
- Họ mang trong mình những phẩm chất chung của anh bộ đội cụ Hồ qua các thời kỳ: Bình dị mà vĩ đại; sống có lý tưởng; cái cao cả vĩ đại được bắt nguồn từ những gì bình dị nhất.
b. Nét riêng: (7,0 điểm)
* Người lính trong bài thơ "Đồng chí": (3,0 điểm)
- Đậm chất mộc mạc, bình dị, chất phác, ra đi từ luống cày, thửa ruộng, từ những miền quê nghèo khó. Họ cùng chung một cảnh ngộ “Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
- Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những người nông dân mạc áo lính vượt lên những gian khổ, thiếu thốn, khám phá một tình cảm mới mẻ, đáng trân trọng: Tình đồng chí.
- Họ cùng chung những khó khăn gian khổ nơi chiến trường: rét, áo rách, quần vá.
- Cùng chung một lý tưởng, chung ý chí và tâm hồn Việt Nam: “Đầu súng trăng treo”
 Vẻ đẹp của người lính bước lên từ đồng ruộng, tiêu biểu cho vẻ đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
* Người lính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính": (3,0 điểm)
- Đậm chất ngang tàng, ngạo nghễ, tâm hồn phóng khoáng, trẻ trung, tinh nghịch, yêu đời của người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. “Không có kính, ừ thì có bụi…. Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”
- Ở họ toát lên tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, coi thường gian khổ hiểm nguy, bất chấp khó khăn, thử thách “Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”; ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.
- Hình ảnh người chiến sĩ có sự hòa quyện giữa phong thái người nghệ sĩ và tinh thần người chiến sĩ.
Nét riêng ấy đã thể hiện sự phát triển trong nhận thức, khám phá của các nhà thơ về hình tượng anh bộ đội cụ Hồ. Đó là sự trưởng thành của người lính đi qua hai cuộc trường chinh và sự lớn lên về tầm vóc dân tộc được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh. 
Tóm lại: Đồng chí và Bài thơ về tiểu đội xe không kính ra đời cách nhau 21 năm. Một khoảng cách của hai thế hệ văn nghệ sĩ. Hai thi phẩm đều có cùng một điểm nhìn nghệ thuật, gần nhau trong bút pháp: xuất phát từ cảm xúc chân thực trước hiện thực cuộc sống, nhưng đều mang đậm nét riêng của mỗi thi nhân. Có được thành công này, Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đều là những người trong cuộc, vừa cầm súng chiến đấu vừa cầm bút viết về chính những gì họ đã trải qua. Họ đều là anh bộ đội cụ Hồ. (1,0 điểm)
2. Dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhà thơ: (3 điểm)
a. Chính Hữu với "Đồng chí” (1,5 điểm)
- Ngôn từ: Mộc mạc, bình dị, quen thuộc, không phải thô sơ mà được tinh lọc từ lời ăn tiếng nói dân gian.
- Hình ảnh: Đậm chất hiện thực nhưng giàu sức biểu cảm, hàm xúc, cô đọng.
- Giọng điệu: Tâm tình, thủ thỉ, thấm thía, sâu lắng.
Phong cách thiên về khai thác nội tâm, tình cảm, ít tiếng súng đạn
b. Phạm Tiến Duật với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (1,5 điểm)
- Ngôn từ: Giàu tính khẩu ngữ, tự nhiên, khỏe khoắn mang đậm phong cách của người lính lái xe.
- Hình ảnh: chân thật nhưng độc đáo, giàu chất thơ.
- Giọng điệu: Lạ, ngang tàng, tinh nghịch, dí dỏm, vui tươi. Những câu thơ văn xuôi, những lời đối thoại thông thường…
Phong cách: đi tìm khám phá vẻ đẹp trong diễn biến sinh động, trong sự phát triển không ngừng của cuộc sống; cách nhìn, cách khai thác hiện thực, khai thác chất thơ từ sự khốc liệt của chiến tranh.
* Cách cho điểm: Học sinh có thể làm tách thành 2 phần hoặc lồng ghép trong 01 bài văn hoàn chỉnh. Khi chấm giám khảo bám vào các gợi ý trên để cho điểm.
Thang điểm:
- 12 điểm: Đạt tất cả 4 ý trên (1a, 2b, 2a, 2b), kỹ năng tốt.
- 10 điểm: Đạt 3/4 số ý trên, kỹ năng tốt.
- 8 điểm: Đạt 3/4 số ý trên,kỹ năng khá .
- 6 điểm: Đạt 2/4 số ý trên, còn mắc một số lỗi về kỹ năng.
- 4 điểm: Đạt 1/4 số ý trên, mắc nhiều lỗi về kỹ năng.
- 2 điểm: Kiến thức còn mơ hồ, kỹ năng yếu
- 0 điểm: bỏ giấy trắng hoặc viết những điều không liên quan đến yêu cầu của đề bài.
Câu 2 (8,0 điểm)
* Yêu cầu về kỹ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một vấn đề tư tưởng đạo lý. Kết cấu chặt chẽ; bố cục rõ ràng; diễn đạt lưu loát; trình bày sạch sẽ, dễ nhìn; ít mắc lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về nội dung kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần làm rõ các ý chính sau:
1. Giải thích, chứng minh: ,(6,0 điểm)
- Trong diễn biến bình thường của đời sống, con người thường có nhiều bạn bè (xuất phát từ sự tương đồng về sở thích, tâm hồn, ước mơ, lý tưởng…) nhưng không phải ai trong số đó cũng là người dám đến với ta trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời ta.
- Người bạn tốt nhất (người đến với ta bằng một tình bạn chân tình, không vụ lợi) không chỉ đến với ta trong những lúc bình thường mà chính là người sẵn sàng cùng ta đối mặt với khó khăn, hoạn nạn (đối mặt với những giờ phút khó khăn, cay đắng nhất của cuộc đời ta) vì người bạn đó hiểu rằng đó là lúc ta u sầu, tuyệt vọng, cần sự cảm thông và chia sẻ nhất.
- Bằng hành động đến và chia sẻ cùng ta lúc ta khó khăn phiền muộn nhất, bạn sẽ giúp ta vượt qua khó khăn của cảnh ngộ, giữ vững niềm tin để vươn lên.
2. Đánh giá: (2,0 điểm)
Quan niệm của M.Gorki là một quan niệm đúng đắn về tình bạn. Quan niệm đó giúp mỗi người chúng ta hiểu rõ hơn sự đẹp đẽ của tình bạn, xây dựng được cách nhìn đúng đắn về một người bạn tốt
* Cách cho điểm:
- Chỉ cho điểm tối đa khi đảm bảo yêu cầu cả về nội dung và hình thức, kĩ năng 
- Những bài viết sáng tạo hợp lí, có tính thuyết phục, giám khảo có quyền quyết định thưởng điểm, sao cho tổng điểm không vượt quá số điểm của mỗi câu.
==========Hết===========


































File đính kèm:

  • docDe thi HSG lop 9 4.doc
Đề thi liên quan