Kỳ thi thử đại học và cao đẳng lần 2 năm học 2008 - 2009 môn thi: ngữ văn khối c và d

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1185 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi thử đại học và cao đẳng lần 2 năm học 2008 - 2009 môn thi: ngữ văn khối c và d, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG THPT LÊ VIẾT THUẬT
	 	

KỲ THI THỬ ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG LẦN 2
 NĂM HỌC 2008 - 2009 
Môn thi: NGỮ VĂN KHỐI C&D
 Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

PHẦN I: DÀNH CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
 Anh/ chị hãy trình bày những đặc điểm cơ bản của Văn học Việt Nam từ sau 1975 đến hết thế kỉ XX?
Câu 2 (3,0 điểm)
 Trong đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”- Kịch của Lưu Quang Vũ- (Ngữ văn 12, tập 2, Ban Nâng cao và Ban Cơ bản), nhân vật Đế Thích quan niệm được sống là hạnh phúc, nhưng hồn Trương Ba không chấp nhận lí lẽ đó, và đã thẳng thắn chỉ ra sai lầm của Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông không cần biết”.
 Hãy là nhân vật Trương Ba, anh/ chị viết một bài nghị luận ngắn gọn bàn về ý nghĩa của lẽ sống cao đẹp, phản đối quan niệm sai lầm của Đế Thích .

PHẦN II: PHẦN TỰ CHỌN (5,0 điểm)
Thí sinh chọn một trong hai câu sau:
Câu 3a (5,0 điểm)
 Anh/ chị hãy trình bày những cảm nhận sâu sắc nhất của mình về đoạn thơ sau đây trong bài Vội vàng của Xuân Diệu: 
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại 
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
 (Theo Ngữ văn 11, tập hai, trang 21,NXB Giáo dục, 2007)
Câu 3b (5,0 điểm)
 Hãy phân tích đặc sắc nghệ thuật truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam.
 (Theo Ngữ văn 11, Nâng cao, tập hai, trang 55, NXB Giáo dục, 2007)

……..Hết……..





TRƯỜNG THPT
LÊ VIẾTTHUẬT


KỲ THI THỬ ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG LẦN 2
 NĂM HỌC 2008 - 2009 
Môn thi: NGỮ VĂN KHỐI C&D


HƯỚNG DẪN CHẤM THI
Bản Hướng dẫn có 03 trang

I. Hướng dẫn chung
Là kỳ thi thử ĐH và CĐ nên giám khảo cần nắm bắt được nội dung trình bày trong từng câu của bài làm để đánh giá một cách tổng quát năng lực của thí sinh. Chủ động, vận dụng linh hoạt Hướng dẫn chấm thi, cân nhắc từng trường hợp cụ thể, không thuần túy đếm ý để cho điểm.
Nếu thí sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản, giám khảo vẫn cho đủ điểm như hướng dẫn qui định. Khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo và thật sự có “chất văn” .
Điểm toàn bài là 10, giám khảo làm tròn điểm số đến 0,25. 
II. Đáp án và thang điểm
Câu 1 (2,0 điểm)
a) Yêu cầu về kiến thức: 
Thí sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song cần nêu được các ý cơ bản sau:
- Nền văn học giai đoạn này vận động theo hướng dân chủ hóa, mang tính nhân bản và nhân văn sâu sắc. Văn học phát triển đa dạng hơn về đè tài, chủ đề; phong phú hơn và mới mẻ hơn thủ pháp nghệ thuật; cá tính sáng tạo của nhà văn được phát huy…
- Nền văn học giai đoạn này đã khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, thể hiện con người ở nhiều phương diện của đời sống, kể cả đời sống tâm linh. Cái mới của văn học giai đoạn này là tính chất hướng nội, đi vào hành trình tìm kiếm bên trong, quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường
- Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực và những tìm tòi đúng hướng, cũng nảy sinh những khuynh hướng tiêu cực, những biểu hiện quá đà, thiếu lành mạnh…Văn học có xu hướng nói nhiều tới mặt trái của xã hội, ít nhiều có khuynh hướng bạo lực…
b) Cách cho điểm: 
- Điểm 2: Đáp ứng yêu cầu trên, diễn đạt rõ ràng mạch lạc.
- Điểm 1: Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 0: Hoàn toàn sai lạc.
Câu 2 (3,0 điểm)
a) Yêu cầu về kĩ năng: 
- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Mặc dù đề yêu cầu “Hãy là nhân vật Trương Ba”, nhưng không nhất thiết thí sinh phải dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, hoặc tự xưng là Trương Ba, đề chỉ yêu cầu thí sinh đặt mình vào tâm thế của Trương Ba để dễ dàng phát biểu suy nghĩ của mình. Tuy nhiên nếu thí sinh sáng tạo, hóa thân thành nhân vật Trương Ba thì càng nên khuyến khích…
b) Yêu cầu về kiến thức:
Thí sinh có thể nêu những ý kiến riêng và trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần hợp lí, chặt chẽ, thuyết phục. Sau đây là những gợi ý:
- Trương Ba nhận thức rất rõ tình trạng trớ trêu của mình khi được sống lại trong hình hài của một kẻ thô lỗ, phàm tục, không phải của chính mình nên đã bị mọi người xa lánh, trong đó cả những người thân yêu nhất của mình…Sự tồn tại như thế thật là vô nghĩa, thậm chí là nặng nề, bức bối…
- Từ đó Trương Ba cho rằng: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được”, nó đòi hỏi sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa tư tưởng và hành động…Được sống theo đúng bản chất của mình là một nhu cầu, một quyền lợi thiêng liêng của con người…
- Trên cơ sở đó phê phán quan niệm sai lầm của Đế Thích (và của không ít người), cho rằng chỉ cần được sống, lúc đó con người chỉ sống dựa vào thân xác người khác, không được sống thực với con người mình, lúc đó con người tồn tại nhưng tất cả mọi tư tưởng đều bị chi phối, đều bị điều khiển bởi kẻ khác. Trong cuộc sống có không ít người chỉ nghĩ đến kết quả mà không nghĩ đến cách thức, có khi chỉ vì mục đích mà quên mất, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn…
Như vậy, sống hay không sống không phải là vấn đề, mà quan trọng hơn là sống như thế nào, sống ra sao, có ý nghĩa hay không…? Đế Thích không hiểu được điều đó và trong cuộc sống của chúng ta cũng không ít người đã không hiểu được điều đó.
c) Cách cho điểm:
- Điểm 3: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
- Điểm 2: Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi diễn đạt.
- Điểm 1: Nội dung sơ sài, diễn đạt kém.
- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
Câu 3a (5, 0 điểm) 
a) Yêu cầu về kĩ năng: 
- Biết cách làm bài nghị luận văn học, vận dụng khả năng đọc - hiểu để nêu lên những cảm nhận sâu sắc nhất của mình về các phương diện nghệ thuật và tâm trạng điển hình của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ. 
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b) Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở những hiểu biết về Xuân Diệu và bài thơ Vội vàng, thí sinh cần nêu lên những cảm nhận sâu sắc của mình về đoạn thơ thông qua những đặc sắc nghệ thuật, tâm trạng của nhân vật trữ tình và từ đó cảm nhận được tư tưởng của nhà thơ…Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần thấy được tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống của nhân vật trữ tình được biểu hiện trong một hình thức thơ mới mẻ, hiện đại, khác xa so với thơ ca truyền thống… với những ý chính sau:
- Niềm khát khao mong muốn (điệp ngữ tôi muốn) cái đẹp mãi trường tồn (màu đừng nhạt mất, hương đừng bay đi).
 - Niềm vui say trước vẻ tươi đẹp của cuộc sống trần thế, của “thiên đường” ở ngay trên mặt đất:
 + Với cách dùng từ độc đáo, diễn đạt mới lạ, những phép liệt kê, điệp từ, nhân hoá, so sánh, hình ảnh phong phú, sinh động, nhịp điệu say sưa; đọan thơ ca ngợi mùa xuân tươi đẹp, đầy ánh sáng, âm thanh, sắc màu, hương vị và đầy niềm vui.
 + Nhân vật trữ tình cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống bằng tất cả giác quan và cả linh giác…
- Vội vàng sống cho kịp với bước đi của thời gian.
c) Cách cho điểm:
- Điểm 5: Đáp ứng được các yêu cầu trên, có thể mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
 	- Điểm 3: Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi diễn đạt.
 	- Điểm 1: Trình bày quá sơ sài, diễn đạt kém.
 	- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề.
 Câu 3b (5,0 điểm)
a) Yêu cầu về kĩ năng: 
Biết cách làm bài nghị luận văn học, vận dụng khả năng đọc hiểu để phân tích đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b) Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về Thạch Lam và truyện ngắn Hai đứa trẻ, thí sinh chọn phân tích những chi tiết thể hiện đặc sắc nghệ thuật của truyện; có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần làm rõ những ý chính sau:
- Hai đứa trẻ tiêu biểu cho kiểu truyện “không có chuyện”:
 + Cốt truyện không có gì đặc biệt, những chi tiết tưởng vụn vặt vô nghĩa, nhưng được chọn lọc kĩ càng và liên kết với nhau làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
 + Truyện như một bài thơ đượm buồn, với những cảm giác mơ hồ mong manh, tinh tế.
- Nghệ thuật tả cảnh, tả tình đặc sắc:
 + Tả cảnh: không tả tỉ mỉ nhưng giàu sức gợi với những hình ảnh giàu đường nét, màu sắc, âm thanh, sự vận động và cả mùi vị của đất quê qua sự cảm nhận tinh tế của nhân vật Liên…
 + Tả tình: Tả cử chỉ mà vẽ nội tâm; diễn tả tinh tế, sâu sắc những diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên.
- Ngôn ngữ, giọng điệu giàu chất thơ: Lời văn bình dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng, giàu cảm xúc dễ đi vào lòng người, tạo dư vị khó quên.
- Khái quát: Luôn có sự kết hợp bởi hai yếu tố hiện thực và thi vị, trữ tình tạo nên nét đặc thù, đặc sắc khó lẫn trong phong cách nghệ thuật của Thạch Lam.
c) Cách cho điểm:
 	- Điểm 5: Đáp ứng được các yêu cầu trên, có thể mắc vài lỗi nhỏ về diễn đạt.
 	- Điểm 3: Trình bày được một nửa các yêu cầu trên, còn mắc một số lỗi diễn đạt.
 	- Điểm 1: Phân tích quá sơ sài, diễn đạt kém.
 	- Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề. 
---------------Hết---------------

File đính kèm:

  • docDE THI THU DHCD LAN 2MON VAN.doc