Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2009 môn thi: ngữ văn; khối: d

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1361 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2009 môn thi: ngữ văn; khối: d, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2009
Môn thi: NGỮ VĂN; Khối: D
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
	Câu I (2,0 điểm)
	Một trong những đặc điểm cơ bản của nền văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 là chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạng.
	Anh/chị hãy nêu những nét chính của đặc điểm trên.
Gợi ý:
	- Khuynh hướng sử thi: 
	+ Đề tài: những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và tính chất toàn dân tộc
	+ Nhân vật chính: những con người đại diện cho tinh hoa, khí phách, phẩm chất, ý chí toàn dân tộc, tiêu biểu cho lí tưởng dân tộc hơn là khát vọng cá nhân. Văn học khám phá con người ở khía cạnh trách nhiệm, bổn phận, lẽ sống lớn, tình cảm lớn.
	+ Biện pháp nghệ thuật: trùng điệp, phóng đại.
	- Cảm hứng lãng mạn: 
	+ Là cảm hứng khẳng định cái tôi dạt dào tình cảm hướng tới cách mạng.
	+ Biểu hiện: ca ngợi vẻ đẹp của con người mới, cuộc sống mới, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tin tưởng vào tương lai đất nước.
	+ Cảm hứng nâng đỡ con người vượt lên những chặng đường chiến tranh gian khổ, máu lửa, hi sinh.
	- Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn kết hợp tạo tinh thần lạc quan thấm nhuần cả nền văn học 1945 – 1975 và tạo nên đặc điểm cơ bản
	Câu II (3,0 điểm)
	Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau:
	Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa.
(Theo sách Dám thành công – Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2008, tr. 90)
Gợi ý:
	Niềm tin là một điều không thể thiếu trong cuộc sống. Nó giúp con người tự tin, yêu đời, lạc quan và sống có lí tưởng.
	Niềm tin vào bản thân là niềm tin căn bản nhất bởi không tin vào bản thân người ta không có động lực để đi tới mọi hạnh phúc, thành công trong cuộc sống.
	Đánh mất niềm tin là đánh mất tất cả. Cuộc sống có muôn vàn khó khăn, không tin vào bản thân, con người sẽ dễ dàng gục ngã, từ đó đánh mất cơ hội, hạnh phúc, thành công, có nghĩa là mất tất cả.
	Liên hệ bản thân.
PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)
	Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
	Phân tích hình ảnh thiên nhiên và cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành lơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng riêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
(Vội vàng – Xuân Diệu, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 22)
Gợi ý:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
	Xuâu Diệu là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Thơ ông thể hiện niềm yêu đời tha thiết mê say đồng thời cũng nhuốm buồn vì thời gian phôi pha.
	“Vội vàng” được rút từ tập “Thơ thơ” (năm 1938) được coi là một trong những thi phẩm tiêu biểu của Xuân Diệu.
	Đoạn trích là khúc dạo đầu trong khúc nhạc “Vội vàng” đầy biến tấu.
2. Hình ảnh thiên nhiên.
	Thiên nhiên mùa xuân trần thế tràn trề màu sắc, âm thanh, ánh sáng, rất gần gũi, thân thuộc với con người (Này đây). Đó là một thiên nhiên đầy sức sống, náo nức và mê say.
	Thiên nhiên mùa xuân tình yêu với sự sóng đôi, bắt cặp: “ong bướm” giữa lúc “tuần tháng mật”, “yến anh” say “khúc tình si” và cảm nhận “ Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”.
	Tóm lại: thiên nhiên như một thiên đường trên mặt đất.
3. Phân tích cái tôi trữ tình

	Cảm nhận thiên nhiên: cái tôi say sưa cảm nhận vẻ đẹp mơn mởn của đất trời bằng “cặp mắt xanh non biếc rờn”. Nhà thơ như một người tình của mùa xuân, đứng giữa đất trời, dang tay đón lấy cảnh sắc tháng giêng ngọt ngào, tràn trề sức sống.
	Cảm nhận về thời gian: Chính vì yêu đời, say đời mà nhà thơ luôn tiếc thời gian. Cái tôi nhà thơ khao khát chặn lại bước đi của tháng năm để giữ gìn mùa xuân tuổi trẻ. “Tắt nắng”, “buộc gió” là khát vọng phi thường của một thi sĩ mến yêu cuộc sống đến mức khác thường. Trong nhà thơ luôn tồn tại hai tâm trạng “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”
4. Nhận xét
	Đoạn thơ sử dụng điệp cấu trúc (Này đây…) với hình ảnh so sánh hiện đại, độc đáo (Tháng giêng ngon như một cặp môi gần), cảm xúc thơ tràn chảy theo thể tự do giúp người đọc cảm nhận một thiên nhiên mùa xuân tràn trề sức sống, gần gũi, mời gọi và hình ảnh một cái tôi trữ tình nồng nàn, khao khát yêu đời.
	Thiên nhiên và cái tôi trữ tình kết hợp hài hòa tạo vẻ đẹp mang đậm phong cách Xuân Diệu cho đoạn thơ.
	Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
	Phân tích tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Gợi ý:
Tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
1. Giới thiệu chung
	- Sau 1975, Nguyễn Minh Châu quan tâm tiếp cận đời sống ở góc độ thế sự. Ông là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
	- Nguyễn Minh Châu sáng tác truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa năm 1983. Trong tác phẩm này, nhà văn đã xây dựng được một tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống.
2. Phân tích tình huống truyện 
a. Tình huống truyện
	- Nghệ sĩ Phùng đến một vùng ven biển miền Trung chụp một tấm ảnh cho cuốn lịch năm sau. Anh thấy cảnh chiếc thuyền ngoài xa, trong làn sương sớm, đẹp như tranh vẽ. Phùng nhanh chóng bấm máy, thu lấy một hình ảnh không dễ gì gặp được trong đời.
	- Khi chiếc thuyền vào bờ, Phùng thấy hai vợ chồng hàng chài bước xuống. Anh chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ, đứa con ngăn bố. Những ngày sau, cảnh đó lại tiếp diễn. Phùng không ngờ sau cảnh đẹp như mơ là bao ngang trái, nghịch lý của đời thường.
b. Các nhân vật với tình huống
	- Tình huống truyện được tạo nên bởi nghịch cảnh giữa vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa với cái thật gần là sự ngang trái trong gia đình thuyền chài. Gánh nặng mưu sinh đè trĩu trên vai cặp vợ chồng. Người chồng trở thành kẻ vũ phu. Người vợ vì thương con nên nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi của chồng mà không biết mình đã làm tổn thương tâm hồn đứa con. Cậu bé thương mẹ, bênh vực mẹ, thành ra căm ghét cha mình.
	- Chánh án Đẩu tốt bụng nhưng lại đơn giản trong cách nghĩ. Anh khuyên người đàn bà bỏ chồng là xong, mà không biết bà cần một chỗ dựa kiếm sống để nuôi con khôn lớn.
c.Ý nghĩa khám phá, phát hiện của tình huống
	- Ở tình huống truyện này, cái nhìn và cảm nhận của nghệ sĩ Phùng, chánh án Đẩu là sự khám phá, phát hiện sâu sắc về đời sống và con người.
	- Đẩu hiểu được nguyên do người đàn bà không thể bỏ chồng là vì những đứa con. Anh vỡ lẽ ra nhiều điều trong cách nhìn nhận cuộc sống.
- Phùng như thấy chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, còn sự thật cuộc đời lại ở rất gần. Câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện giúp anh hiểu rõ hơn cái có lý trong cái tưởng như nghịch lý ở gia đình thuyền chài. Anh hiểu thêm tính cách Đẩu và hiểu thêm chính mình.
3. Kết luận
	- Tình huống truyện Chiếc thuyền ngoài xa có ý nghĩa khám phá, phát hiện về sự thật đời sống, một tình huống nhận thức.
	- Tình huống truyện này đã nhấn mạnh thêm mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật và cuộc đời, khẳng định cái nhìn đa diện, nhiều chiều về đời sống, gợi mở những vấn đề mới cho sáng tạo nghệ thuật.


----- Hết -----

File đính kèm:

  • docDAP AN DE THI DH KHOI D 2009 MON VAN.doc