Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2008-2009 Khóa ngày 18, 19-6-2008 Đề thi môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2008-2009 Khóa ngày 18, 19-6-2008 Đề thi môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2008-2009Khóa ngày 18, 19-6-2008Đề thi môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT TP.HCM(Thời gian làm bài: 120 phút) Câu 1 (1 điểm): Chép nguyên văn bốn câu cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Câu 2 (1 điểm): Tìm nghĩa gốc, nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của các từ in đậm trong các câu thơ sau: Đuề huề lưng túi gió trăng,Sau chân theo một vài thằng con con.(Nguyễn Du, Truyện Kiều) Buồn trông nội cỏ rầu rầuChân mây mặt đất một màu xanh xanh.(Nguyễn Du, Truyện Kiều) Câu 3 (3 điểm): Viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về đức hy sinh. Câu 4 (5 điểm): Cảm nhận và suy nghĩ của em về đoạn thơ: Thuyền ta lái gió với buồm trăngLướt giữa mây cao với biển bằng, Ra đậu dặm xa dò bụng biển, Dàn đan thế trận lưới vây giăng. Cá nhụ cá chim cùng cá đé,Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe,Đêm thở : sao lùa nứơc Hạ Long. Ta hát bài ca gọi cá vào,Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,Biển cho ta cá như lòng mẹNuôi lớn đời ta tự buổi nào.(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá) GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI Câu 1 (1 điểm): Học sinh cần đáp ứng được các yêu cầu sau: - Chép đúng và đủ nguyên văn bốn câu cuối bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt: Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàuCó lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngảNhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?… - Không sai chính tả, nhớ chính xác từ ngữ trong đoạn thơ. - Trình bày sạch sẽ, rõ ràng. Câu 2 (1 điểm): Học sinh xác định được nghĩa gốc, nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa của các từ in đậm trong các câu thơ. Cụ thể là: - Trường hợp thứ nhất: a. Đuề huề lưng túi gió trăng,Sau chân theo một vài thằng con con.(Nguyễn Du, Truyện Kiều) Từ chân: được dùng theo nghĩa gốc. - Trường hợp thứ hai: b. Buồn trông nội cỏ rầu rầuChân mây mặt đất một màu xanh xanh.(Nguyễn Du, Truyện Kiều) Từ chân: được dùng theo nghĩa chuyển, theo phương thức ẩn dụ. Câu 3 (3 điểm): Đề bài yêu cầu học sinh viết một văn bản nghị luận (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của bản thân về đức hy sinh. Đây là dạng bài nghị luận xã hội (về một vấn đề tư tưởng, đạo lý) đã khá quen thuộc với học sinh. Dù vậy, các em cần đáp ứng được các yêu cầu sau: * Trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề: không quá một trang giấy thi. * Có thể diễn đạt theo nhiều cách, song cần đảm bảo được một số ý chính sau: - Giải thích sơ lược, nêu biểu hiện của đức hy sinh: là những suy nghĩ, hành động vì người khác, vì cộng đồng. Người có đức hy sinh không chỉ có tấm lòng nhân ái mà còn là người biết đặt quyền lợi của người khác, của cộng đồng lên trên quyền lợi của bản thân mình… - Khẳng định: đức hy sinh là tình cảm cao đẹp, là phẩm chất cao đẹp của con người. Người có đức hy sinh luôn được moi người yêu mến, trân trọng. - Liên hệ thực tế để thấy: + Có nhiều tấm gương giàu đức hy sinh, quên mình vì người khác, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Bác Hồ chính là biểu tượng cao đẹp nhất của con người hy sinh quên mình vì nhân dân, vì dân tộc. + Tuy nhiên trong cuộc sống cũng còn một số người có lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến quyền lợi của cá nhân mình… - Đức hy sinh từ lâu đã trở thành tình cảm có tính chất truyền thống đạo lý của con người, dân tộc Việt Nam… Mỗi người cần ý thức được điều này để góp phần làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn. Câu 4 (5 điểm): Trên cơ sở những kiến thức khái quát về tác giả Huy Cận, về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, học sinh có thể trình bày cảm nhận, suy nghĩ về đoạn thơ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng được một số ý chính sau: * Cảm nhận, suy nghĩ về nội dung đoạn thơ: - Khung cảnh đánh cá giữa biển đêm được khắc họa bằng nhiều vẻ đẹp: + Vẻ đẹp của con người: được miêu tả ở nhiều góc độ: khỏe khoắn, đầy hứng khởi (được thể hiện qua không khí lao động - hoạt động đánh bắt cá - khẩn trương sôi nổi (Ra đậu dặm xa dò bụng biển / Dàn đan thế trận lưới vây giăng ; Ta hát bài ca gọi cá vào / Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao); tư thế, tầm vóc lớn lao, thậm chí sánh ngang cùng vũ trụ (Thuyền ta lái gió với buồm trăng / Lướt giữa mây cao với biển bằng); tình yêu, lòng biết ơn đối với biển cả (Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào). + Vẻ đẹp - giàu của thiên nhiên: không gian bao la, rộng mở, vừa kỳ vĩ vừa nên thơ với biển, trăng, sao, mây, gió (Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng; Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long...); với màu sắc rực rỡ, lộng lẫy tựa như vẻ đẹp của tranh sơn mài (Cá nhụ cá chim cùng cá đé / Cá song lấp lánh đuốc đen hồng / Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe…); với sự giàu có, phong phú của các loài cá trên biển. + Vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên hài hòa, hô ứng nhau tạo thành vẻ đẹp vừa tráng lệ, vừa gần gũi với con người. Đặc biệt vẻ đẹp của thiên nhiên có tác dụng làm tôn lên vẻ đẹp và tầm vóc của con người. * Cảm nhận, suy nghĩ về nghệ thuật đoạn thơ: - Nét nổi bật là sự kết hợp giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn. Chính bút pháp lãng mạn với cảm hứng say sưa, bay bổng, với các thủ pháp khoa trương, phóng đại về hình ảnh con người, vũ trụ... đã tạo nên vẻ đẹp độc đáo của đoạn thơ cũng như bài thơ này. - Sự sáng tạo trong việc sử dụng hình ảnh thơ: vừa kỳ vĩ, vừa lung linh, huyền ảo, được tạo nên bởi trí tưởng tượng bay bổng và những liên tưởng phong phú, bất ngờ. - Âm hưởng, giọng điệu trong đoạn thơ vừa sôi nổi, khỏe khoắn vừa bay bổng, nhịp thơ biến hóa linh hoạt... * Đánh giá chung: Đây là đoạn thơ đặc sắc của bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, kết tinh vẻ đẹp, thể hiện giá trị nội dung và nghệ thuật của toàn bài thơ, góp phần khiến cho bài thơ trở thành khúc tráng ca khỏe khoắn, say sưa, bay bổng ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động mới, cuộc sống mới động thời thể hiện sự biến chuyển về tư tưởng, tình cảm trong thơ Huy Cận. KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 CHUYÊN THPT TẠI TP.HCM NĂM HỌC 2008-2009 MÔN: NGỮ VĂN (môn chuyên) Câu 1 (2 điểm): Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ? Câu 2 (8 điểm): Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, có những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp. Viết một văn bản nghị luận (không quá hai trang giấy thi) nêu suy nghĩ của em được gợi ra từ hiện tượng trên. Câu 3 (10 điểm): Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói văn nghệ) Suy nghĩ về ý kiến trên qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở. GỢI Ý GIẢI ĐỀ THI Câu 1 (2 điểm): Học sinh cần trình bày được: - Kể ra những chi tiết kỳ ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương: Phan Lang nằm mộng, thả rùa; lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi yến tiệc, gặp Vũ Nương - người cùng làng đã chết, rồi được sứ giả của Linh Phi đưa về dương thế; Vũ Nương hiện ra với kiệu hoa, võng lọng... lúc ẩn lúc hiện sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng ở bến Hoàng Giang. - Nêu ý nghĩa của những chi tiết kỳ ảo trên: + Là yếu tố nghệ thuật độc đáo, góp phần tạo nên sức hấp dẫn, lung linh của thiên truyện, đáp ứng được yêu cầu của thể loại truyền kỳ. + Góp phần thể hiện giá trị tư tưởng của tác phẩm, đặc biệt là giá trị nhân đạo: tô đậm thêm vẻ đẹp phẩm chất của Vũ Nương - vẫn khao khát trở về dương thế, phục hồi danh dự; khiến câu chuyện có màu sắc như cổ tích với kết thúc có hậu, nói lên khát vọng, ước mơ của tác giả cũng như của nhân dân về sự công bằng, tốt đẹp trong cuộc đời. Ở một góc độ khác, chi tiết kỳ ảo ở cuối truyện cũng đồng thời cũng tô đậm bi kịch của Vũ Nương - hạnh phúc dương thế mà nàng khao khát chỉ là ảo ảnh, hiện ra trong thoáng chốc rồi biến mất, thể hiện niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ dưới xã hội phong kiến. Câu 2 (8 điểm): Cần đáp ứng được các yêu cầu: - Về hình thức: trình bày thành bài văn nghị luận ngắn, có bố cục ba phần rõ ràng (mở bài, thân bài và kết luận), không quá hai trang giấy thi. - Về nội dung: + Giải thích hiện tượng: là hiện tượng có thể bắt gặp trong thiên nhiên, gợi tả sức chịu đựng, sức sống kỳ diệu của những loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp ngay trong một vùng sỏi đá khô cằn (có thể đi từ việc giải thích từ ngữ: vùng sỏi đá khô cằn chỉ sự khắc nghiệt của môi trường sống; loài cây vẫn mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp: sự thích nghi, sức chịu đựng, sức sống, vẻ đẹp). + Trình bày suy nghĩ: hiện tượng thiên nhiên nói trên gợi suy nghĩ về vẻ đẹp của những con người - trong bất cứ hoàn cảnh nghiệt ngã nào vẫn thể hiện nghị lực phi thường, sức chịu đựng và sức sống kỳ diệu nhất. Đối với họ, nhiều khi sự gian khổ, khắc nghiệt của hoàn cảnh lại chính là môi trường để tôi luyện, giúp họ vững vàng hơn trong cuộc sống. Những chùm hoa thật đẹp - những chùm hoa trên đá (thơ Chế Lan Viên), thành công mà họ đạt được thật có giá trị vì nó là kết quả của những cố gắng phi thường, sự vươn lên không mệt mỏi. Vẻ đẹp của những cống hiến, những thành công mà họ dâng hiến cho cuộc đời lại càng có ý nghĩa hơn, càng rực rỡ hơn… + Liên hệ với thực tế (trong đời sống và trong văn học) để chứng minh cho cảm nhận, suy nghĩ nói trên. + Nêu tác dụng, ảnh hưởng, bài học rút ra từ hiện tượng: những con người với vẻ đẹp của ý chí, nghị lực luôn là niềm tự hào, ngưỡng mộ của chúng ta, động viên và thậm chí cảnh tỉnh những ai chưa biết chấp nhận khó khăn, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống… Câu 3 (10 điểm): Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo đựơc một số ý chính: * Giải thích ý kiến của Nguyễn Đình Thi trong Tiếng nói của văn nghệ: - Giải thích từ ngữ: + Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại: đặc trưng riêng của tác phẩm nghệ thuật trong phương thức phản ánh đời sống. Người nghệ sĩ nào khi sáng tác cũng cũng lấy vật liệu mượn ở thực tại - hiện thực khách quan về cuộc sống, con người, xã hội, để xây dựng nên tác phẩm của mình. Có như vậy, tác phẩm của họ mới được công chúng đón nhận, mới đi vào cuộc sống. + Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phầm không chỉ phản ánh cuộc sống thực tại khách quan (ghi lại cái đã có rồi) mà còn là nơi thể hiện những suy nghĩ chủ quan, hay nói cách khác là tâm tư tình cảm, là tư tưởng của người nghệ sĩ. Đây chính là một điều gì mới mẻ luôn xuất hiện trong sáng tác của họ. - Rút ra nội dung nhận định: ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ: tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng phản ánh thực tại và là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện thế giới tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình. Đây cũng là đặc trưng của các tác phẩm văn chương, tạo nên sức cuốn hút, sự lay động tâm hồn, là Tiếng nói của văn nghệ. * Chứng minh qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở: Học sinh có thể chọn một số tác phẩm tiêu biểu trong chương trình (các lớp 6,7,8,9) để qua đó chứng minh hai vấn đề chính: - Tác phẩm văn học phản ánh thực tại đời sống (ghi lại cái đã có rồi): hiện thực cuộc sống luôn được thể hiện rõ nét (ví dụ: xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷỉ XVIII hiện lên với những mặt trái của nó - xã hội vô nhân đạo với những thế lực tàn ác chà đạp chà đạp con người, số phận bi thảm của người phụ nữ… trong Truyện Kiều của Nguyễn Du; cuộc sống đói nghèo, bị dồn vào bước đường cùng của người nông dân trong Lão Hạc của Nam Cao; không khí sôi nổi, hào hứng trong lao động xây dựng cuộc sống mới trong Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận; cuộc sống chiến đấu gian khổ ác liệt nhưng tràn đầy lạc quan trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật…)… - Tác phẩm văn học là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình (muốn nói một điều gì mới mẻ): Truyện Kiều của Nguyễn Du thể hiện rõ nét sự bất bình, căm ghét đối với xã hội phong kiến, thái độ xót thương vô hạn của nhà văn đối với những người phụ nữ; qua Lão Hạc, Nam Cao nói lên niềm yêu mến, cảm phục đối với những người nông dân nghèo khổ mà giữ được phẩm chất tốt đẹp; Làng của Kim Lân chẳng những thể hiện cái nhìn yêu mến, trân trọng mà còn nói lên được sự biến chuyển trong nhận thức và tình cảm của người nông dân trong bổi đầu chống Pháp; Bến quê của Nguyễn Minh Châu gửi gắm suy nghĩ, bài học nhân sinh về cuộc đời của mỗi con người. (Lưu ý: học sinh cần chú ý đến tính toàn diện, tiêu biểu của dẫn chứng). * Đánh giá chung: - Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung có tính chất đặc trưng của tác phẩm văn nghệ nói chung, tác phẩm văn học nói riêng, gợi cho người đọc có phương pháp tiếp cận tác phẩm đúng đắn và sâu sắc. - Để có một nội dung sâu sắc, hấp dẫn, nhà văn chẳng những phải có vốn sống phong phú mà còn phải có tài năng nghệ thuật, và quan trọng nhất là tình cảm chân thành, tư tưởng đúng đắn.
File đính kèm:
- TS Van lop 10.doc