Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thpt năm học 2013 – 2014 đề thi môn: ngữ văn thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

doc4 trang | Chia sẻ: bobo00 | Lượt xem: 1416 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thpt năm học 2013 – 2014 đề thi môn: ngữ văn thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
———————
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2013 – 2014
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề.
————————————
Câu 1 (2,0 điểm). 
Cho đoạn văn:
Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc?
(Ngữ văn 8, tập 1, NXBGDVN-2010)
a) Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Ai là tác giả?
b) Các từ được in đậm thuộc trường từ vựng gì?
c) Từ sung túc có nghĩa là gì?
d) Câu văn Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe là câu đơn hay câu ghép?
Câu 2 (3,0 điểm).
 a) Chép chính xác bốn câu cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
 b) Viết một đoạn văn ngắn (5 đến 8 câu) nêu cảm nhận về khổ thơ.
Câu 3 (5,0 điểm).
Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. 
———— HẾT———— 
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm!
Họ và tên thí sinh Số báo danh
 SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
———————
(Hướng dẫn chấm có 03 trang)
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2013 - 2014 
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN: NGỮ VĂN
——————
Câu 1 (2,0 điểm).
a.
 Đoạn văn được trích từ văn bản Trong lòng mẹ (Trích Những ngày thơ ấu) của tác giả Nguyên Hồng.
Lưu ý: Học sinh có thể trả lời: đoạn văn trích từ văn bản Trong lòng mẹ của tác giả Nguyên Hồng hoặc Những ngày thơ ấu của tác giả Nguyên Hồng vẫn được điểm tối đa.
0,5đ
b.
Các từ in đậm thuộc trường từ vựng: các bộ phận của con người.
0,5đ
c.
Từ sung túc có nghĩa là đầy đủ (về đời sống vật chất).
0,5đ
d.
Câu đơn. 
0,5đ
Câu 2 (3,0 điểm).
a.Chép khổ thơ
 Câu hát căng buồm với gió khơi,
 Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
 Mặt trời đội biển nhô màu mới, 
 Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Lưu ý
 - Chép đúng mỗi câu: 0,25 điểm.
- Sai lỗi chính tả, dấu câu : 1 – 3 lỗi trừ 0,25 điểm; 4 – 6 lỗi trừ 0,5 điểm.
1,0đ
b. Viết đoạn văn
- Về nội dung: đây là đoạn kết bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong buổi sớm mai hồng.
0,25đ
+ Sức người (câu hát, đoàn thuyền) căng, đua cùng với sức thiên nhiên (gió khơi, mặt trời) khỏe khoắn, hùng tráng, phơi phới niềm vui, sự sống.
0,5đ
+ Thiên nhiên tươi mới, kì vĩ, tráng lệ (Mặt trời đội biển nhô màu mới) càng làm ngời sáng thành quả của con người lao động mới (Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi).
0,5đ
=> Con người, thành quả lao động cùng thiên nhiên biển khơi tôn vinh nhau, cùng dệt nên bức tranh cuộc sống mới tươi đẹp.
0,25đ
- Về nghệ thuật: ngòi bút khoáng đạt, phóng đại đã vẽ nên bức tranh thơ hoành tráng, tươi sáng, lấp lánh màu sắc lãng mạn, bay bổng. Âm hưởng lời thơ sôi nổi, hào hùng, khơi dậy khí thế lao động mới. 
 Lưu ý:
 - Thí sinh có thể diễn đạt theo cách khác nhưng đúng tinh thần thì vẫn cho điểm tối đa.
 - Viết không đúng hình thức đoạn văn thì cho tối đa là 0,5 điểm.
0,5đ
Câu 3 (5,0 điểm).
* Yêu cầu về kỹ năng
Thí sinh hiểu đúng yêu cầu của đề bài; biết cách làm bài văn nghị luận văn học; bố cục ba phần rõ ràng; lập luận chặt chẽ, mạch lạc; dẫn chứng chính xác, tiêu biểu; không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; khuyến khích những bài viết sáng tạo, có chất văn. 
* Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở nắm chắc tác phẩm, không suy diễn tuỳ tiện. Bài viết phải làm nổi bật được diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu của mình theo giặc. Cụ thể cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
0,5đ
Thân bài
 - Hoàn cảnh của ông Hai: rất yêu làng, tự hào, hay khoe về làng nhưng lại phải xa làng để đi tản cư.
0,5đ
 - Tình yêu làng của ông Hai bị đặt vào một tình huống gay cấn, đầy thử thách: tin làng Chợ Dầu theo giặc, phản bội lại cách mạng, kháng chiến.
 - Ông Hai đã phải trải qua tâm trạng đầy dằn vặt, đau đớn, phải đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt để lựa chọn con đường đi đúng đắn cho mình. Diễn biến tâm trạng của nhân vật trải qua những trạng thái tình cảm, thái độ khác nhau:
 + Thoạt đầu nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà tản cư nói ra, ông bàng hoàng, sững sờ, không thể tin được (cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, ông lặng đi, tưởng như đến không thở được). Khi cái tin ấy được khẳng định chắc chắn, ông buộc phải tin. Ông đánh trống lảng ra về vì sợ người ta nhận ra mình là người dân làng Chợ Dầu. Trên đường về, ông tủi hổ cứ cúi mặt mà đi.
 + Về đến nhà, ông đau đớn (nằm vật ra giường); tủi thân, thương con (nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư?...); giận lây và trách cứ những người trong làng phản bội, nhưng lòng yêu làng, tin những người cùng làng khiến ông lão bán tín bán nghi (Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.có đời nào lại cam tâm làm điều nhục nhã ấy); ông đau đớn tột cùng (Chao ôi! Cực nhục chưa, cả làng Việt gian!...Suốt cả cái nước Việt Nam này người ta ghê tởm, người ta thù hằn cái giống Việt gian bán nước...).
1,25đ
 - Ông Hai tiếp tục bị đặt vào tình huống căng thẳng, quyết liệt hơn khi nghe mụ chủ nhà báo Nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng Chợ Dầu khỏi vùng này không cho ở nữa.
 + Ông lão lo sợ vì tuyệt đường sinh sống (ông Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu ông lão). Ông cảm nhận hết nỗi nhục nhã, thương dân làng Chợ Dầu và thương thân mình phải mang tiếng là dân làng Việt gian (đâu đâu có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi...mình cũng chẳng còn mặt mũi nào đi đến đâu).
1,25đ
 + Bị đẩy vào đường cùng, tâm trạng vô cùng bế tắc. Ông chớm nghĩ hay là quay về làng nhưng lập tức ông lão phản đối ngay vì làm như thế là phản bội cách mạng, phản bội Cụ Hồ. Từ chỗ yêu làng, ông thù làng: về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ... làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Như vậy, tình yêu làng của ông Hai gắn liền với tình yêu nước, tinh thần kháng chiến.
 + Trong những ngày buồn khổ ấy, ông chỉ biết tâm sự với đứa con để củng cố niềm tin vào cách mạng, vào kháng chiến (ông nói với con như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa.).Điều đó thể hiện tình cảm, lòng trung thành của ông với cách mạng, với kháng chiến, với Cụ Hồ (Cái lòng của bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai).
* Nghệ thuật:
 - Tình huống truyện đặc sắc giúp nhân vật bộc lộ tâm trạng cụ thể, đa dạng.
- Tâm trạng nhân vật được miêu tả cụ thể, gợi cảm qua diễn biến nội tâm, ý nghĩ, hành vi, ngôn ngữ nên rất sinh động.
 - Ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật đặc sắc, bộc lộ rõ tâm trạng và thái độ của nhân vật.
0,5đ
* Khái quát: diễn biến tâm lý của nhân vật ông Hai đa dạng, phức tạp. Tất cả những trạng thái tâm lý đó làm nổi bật tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của ông Hai.
0,5đ
Kết bài
Kết thúc vấn đề, nêu ý nghĩ bản thân. 
0,5đ
Lưu ý:
- Cho điểm tối đa khi bài thi đảm bảo tốt cả 2 yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
- Điểm của bài thi là tổng điểm các câu cộng lại; cho điểm từ 0 đến 10. 
- Điểm lẻ làm tròn tính đến 0,25 điểm. 
—————Hết—————

File đính kèm:

  • doc1-VAN-THPT-NAM 2013-2014.doc
Đề thi liên quan