Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên môn Ngữ văn - Năm học 2008-2009

doc5 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1566 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên môn Ngữ văn - Năm học 2008-2009, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC &ĐÀO TẠO VĨNH PHÚC

ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
NĂM HỌC 2008 - 2009
Môn thi: Ngữ văn
(Dùng cho lớp chuyên văn) 
Thời gian làm bài: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)


ĐỀ BÀI
Câu 1:(3,0 điểm)
“ Em nghe thầy đọc bao ngày
Tiếng thơ đỏ nắng, xanh cây quanh nhà.
Mái chèo nghiêng mặt sông xa
Bâng khuâng nghe vọng tiếng bà năm xưa.
Nghe trăng thở động tầu dừa
Rào rào nghe chuyển cơn mưa giữa trời…”
(Trích: Nghe thầy đọc thơ - Tuyển thơ Trần Đăng Khoa, NXB Thanh niên -2001- trang 42)
Cảm thụ của em khi đọc đoạn thơ trên.
Câu 2:(7,0 điểm)
 Bàn về giá trị nội dung của văn học Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX , có ý kiến cho rằng:
“Văn học giai đoạn này đã thể hiện những nỗi thống khổ và số phận chìm nổi của nhiều tầng lớp người trong một xã hội đầy rối ren, li loạn. Nhiều tác phẩm đã lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho quyền sống của con người, đặc biệt là người phụ nữ, đồng thời nói lên khát vọng về hạnh phúc, mơ ước tự do và ý thức về cá tính, nhiều lúc đã vượt ra ngoài khuôn phép của tư tưởng và lễ giáo phong kiến”.
(Trích: Ngữ văn 9 tập 2, NXBGD 2005, trang 192)
Dựa vào những hiểu biết của mình về một số sáng tác tiêu biểu của văn học giai đoạn này, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. 

Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
 Họ tên thí sinh:...........................................................................................Số báo danh:................................
 




 

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

HƯỚNG DẪN CHẤM TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN 
NĂM HỌC 2008-2009
Môn: Ngữ văn 
(Dùng cho lớp chuyên văn)

Câu 1: ( 3,0 điểm )
a/ Yêu cầu:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những phát hiện và cảm thụ riêng nhưng cần nêu được một số ý cơ bản như sau: 
a/ Nội dung :
- Chỉ trong sáu dòng thơ, cậu bé Trần Đăng Khoa đã ghi lại được tất cả những câu thơ, bài thơ thầy giáo đọc bằng đôi tai và cặp mắt tâm hồn. Trần Đăng Khoa không chỉ cảm nhận được hồn vía của những câu thơ, bài thơ trong giọng đọc của thầy, mà còn ngân thành vần điệu trong một bài thơ cho riêng mình. Đó là cảnh sắc thiên nhiên quê hương đất nước tươi đẹp mênh mang “Tiếng thơ đỏ nắng xanh cây…”; cảm nhận được tiếng “vọng” mái chèo khua nước của người mẹ tảo tần vọng về từ một bến sông quê êm đềm; cảm nhận được cõi thần tiên trong lời ru, lời kể của bà từ những ngày nào xa lắm…; tiếng “rào rào” của một cơn mưa thăm thẳm từ “giữa trời” và nhận ra “Nghe trăng thở động tàu dừa”…
- Sự tái hiện “ tiếng thơ” của người thầy trong tâm hồn Trần Đăng Khoa là cả một thế giới hình tượng. Người đọc thơ (người thầy) đã mở cánh cửa trong tâm hồn người nghe thơ (nói rộng hơn là biết cảm nhận và khám phá cái đẹp). 
b/ Về nghệ thuật :
- Cách cảm nhận tinh tế được thể hiện trong đoạn thơ: Trần Đăng Khoa không dùng nắng đỏ cây xanh mà viết “đỏ nắng xanh cây“ câu thơ gợi cảm hơn mở ra mênh mang hơn; cảm nhận hình ảnh mái chèo “nghiêng” mặt sông được tưởng tượng đầy chất tạo hình vừa gợi được hình ảnh, vừa như gợi được âm thanh; bâng khuâng nghe “vọng” tiếng bà … và thật tinh tế khi nhận ra “trăng thở” động tàu dừa…
- Sử dụng thành công thể lục bát kết hợp với những cặp từ “sóng xa , bâng khuâng, rào rào…tạo hơi thở cho toàn đoạn thơ liền mạch , hấp dẫn.
Thơ là tiếng nói của tâm hồn con người trước cái đẹp của cuộc sống, cái đẹp của thiên nhiên…qua ngôn ngữ nghệ thuật. Trần Đăng Khoa khi nghe thầy đọc thơ “thấy đất trời đẹp ra”. Đó là sự cảm nhận từ trái tim, từ tâm hồn trước cái đẹp của thiên nhiên do thơ ca (văn học nói chung) đem lại. 
b/ Thang điểm :
Cho 3,0 điểm : Đáp ứng được những yêu cầu trên, văn viết có cảm xúc, diễn đạt trong sáng.
Cho 1.5 điểm : Đáp ứng được 1/2 yêu cầu trên, hoặc hiểu ý mà diễn đạt chưa thật lưu loát.
Cho điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc cả nội dung và phương pháp.
 Các điểm khác: Giám khảo cân nhắc giữa những thang mức quy định cho phù hợp.
Câu 2: (7,0 điểm)
1/ Về kĩ năng:
 	 Hiểu đúng yêu cầu của đề bài. Biết cách làm bài văn nghị luận có bố cục rõ ràng, kết cấu hợp lý, diễn đạt tốt, không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 
2/ Về nội dung: 
 	 Học sinh có thể sắp xếp trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu biết hoàn cảnh lịch sử của văn học và những tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này, làm nổi bật được: Văn học đã thể hiện những nỗi thống khổ và số phận chìm nổi của nhiều tầng lớp người trong xã hội rối ren, li loạn. Nhiều tác phẩm đã lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho quyền sống của con người, đặc biệt là người phụ nữ, đồng thời nói lên khát vọng về hạnh phúc, ước mơ tự do và ý thức về cá tính.... Cụ thể cần nêu và làm rõ một số ý sau:
2.1. Bối cảnh lịch sử của văn học giai đoạn từ nửa cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX: 
Đây là giai đoạn lịch sử dân tộc có nhiều bão táp, sôi động: chế độ phong kiến khủng hoảng trầm trọng, phong trào nông dân khởi nghĩa ở khắp nơi và đỉnh cao là phong trào Tây Sơn....những sự kiện đó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn học.
Trước hiện thực đời sống xã hội như vậy, các nhà thơ, nhà văn cảm thông số phận con người, họ đã đứng trên lập trường nhân sinh để giải quyết các vấn đề xã hội. Đó là thái độ phê phán cái xấu, cái ác; bênh vực, cảm thông với những bất hạnh đau khổ của con người...
Văn học có nhiều thành tựu và đạt đến những đỉnh cao nghệ thuật: Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô gia văn phái; Vũ trung tuỳ bút - Phạm Đình Hổ; Thượng kinh kí sự - Lê Hữu Trác; Truyện Kiều - Nguyễn Du; Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm; Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều....với những tác giả lớn như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm….
2.2. Thể hiện những nỗi thống khổ và số phận chìm nổi của nhiều tầng lớp người trong xã hội rối ren, li loạn:
Phản ánh hiện thực là một thuộc tính của văn học. Xã hội có những biến động lớn lao, số phận con người (đặc biệt là số phận người phụ nữ) bị ảnh hưởng lớn nhất từ bối cảnh ấy.
Từ những trang miêu tả hình ảnh người phụ nữ bị xã hội cũ dồn đẩy vào những tình huống khốn khổ oan trái, vọng lên cả tiếng lòng đau thương, đồng cảm của các tác giả: 
- Nguyễn Du hoá thân vào nàng Kiều để cùng đau buồn cùng cất lên tiếng kêu xé ruột với nàng (Kiều bán mình, Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến...) 
- Hồ Xuân Hương mượn hình tượng bánh trôi để giãi bày cuộc đời chìm nổi của giới mình... (Bảy nổi...nước non).
- Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm xót thương cho cảnh ngộ người phụ nữ có chồng đi chinh chiến và tuổi xuân mòn mỏi trong tâm trạng khắc khoải, đợi chờ, nhớ thương vô vọng...(Chàng thì đi cõi xa.....buồng cũ chiếu chăn).
2.3. Tiếng nói bênh vực cho quyền sống của con người, đặc biệt là người phụ nữ, đồng thời nói lên khát vọng về hạnh phúc, ước mơ tự do và ý thức về cá tính.... 
- Trong sáng tác của Nguyễn Du, đỉnh cao là Truyện Kiều:
+ Thuý Kiều dù tài sắc vẹn toàn song không tránh khỏi sự hà khắc của cuộc đời, dù cho cuộc đời Kiều 15 năm dâu bể nhưng suốt 15 năm ấy Nguyễn Du luôn ngợi ca tấm lòng vị tha, thuỷ chung, hiếu nghĩa và đức hi sinh cao cả của Thuý Kiều. Khát vọng về hạnh phúc trong tình yêu vượt khỏi sự khắt khe của tư tưởng, lễ giáo đương thời.
+ Từ Hải đại diện cho khát vọng tự do công lý.
- Thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói về nhân phẩm người phụ nữ đồng thời thể hiện vấn đề quyền sống với khát vọng bình đẳng:
+ Khẳng định cái “tôi” của người phụ nữ trước cuộc sống: Cái đẹp viên mãn, sắc đẹp trắng trong, nhân phẩm cao quý.
+ Dù cuộc đời ba chìm bảy nổi nhưng họ vẫn nguyên vẹn tấm lòng son.
Trong tác phẩm của Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm thể hiện qua đoạn trích Sau phút chia li: Đó là khát vọng hạnh phúc lứa đôi được thể hiện trong khung cảnh chia ly và đặc biệt là tâm trạng mòn mỏi đợi chờ của người chinh phụ. 
Các tác giả văn học giai đoạn này thể hiện những nỗi thống khổ và số phận chìm nổi của nhiều tầng lớp người trong xã hội rối ren, li loạn; lên tiếng mạnh mẽ bênh vực cho quyền sống của con người, đặc biệt là người phụ nữ, đồng thời nói lên khát vọng về hạnh phúc, ước mơ tự do và ý thức về cá tính, nhiều lúc đã vượt ra ngoài khuôn phép của tư tưởng và lễ giáo phong kiến. Đây là những nội dung cốt lõi trong giá trị nhân đạo của văn học giai đoạn này.
3/ Thang điểm:
 Điểm 7: Đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc phong phú, diễn đạt trong sáng. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ.
 Điểm 5: Đáp ứng được 1/2 những yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm nổi bật được trong tâm, diễn đạt tương đối tốt. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ.
 Điểm 3: Chưa nắm được nội dung yêu cầu của đề bài, hầu như chỉ bàn luận chung chung, dẫn chứng nghèo, phân tích còn nhiều hạn chế. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
 Điểm 1: Không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp.
Các điểm khác: Giám khảo cân nhắc giữa những thang mức quy định cho phù hợp.
 Lưu ý chung: Điểm của bài thi là tổng điểm của các câu cộng lại; cho từ điểm 0 đến điểm 10; điểm lẻ tính đến 0,25.
 -----------------------------------------------------------------

File đính kèm:

  • docDETHI.doc