Kỳthi chọn học sinh giỏi tỉnh khối 12 trung học phổ thông – năm học 2006-2007

pdf7 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1312 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳthi chọn học sinh giỏi tỉnh khối 12 trung học phổ thông – năm học 2006-2007, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH 
THỪA THIÊN HUẾ KHỐI 12 THPT – NĂM HỌC 2006-2007 
 
 ĐỀ THI CHÍNH THỨC Môn: VĂN - TIẾNG VIỆT (Vòng 1 ) 
Thời gian làm bài : 150 phút 
 
 
 
Câu 1: (4 điểm) 
“Hồ Chí Minh đã để lại cho nhân dân ta một sự nghiệp văn chương 
lớn lao về tầm vóc, phong phú, đa dạng về thể loại và đặc sắc về phong 
cách sáng tạo.” (Sách Văn học 12 - Tập 1 - Trang 6) 
Anh (chị) hãy giải thích, làm rõ vấn đề trên bằng một văn bản (dài không 
quá một trang giấy thi). 
 
Câu 2: (6 điểm) 
Trên cơ sở tính chính xác mà ngôn ngữ nghệ thuật đạt đến tính hình 
tượng. Bình giảng đoạn thơ sau để chứng minh điều đó: 
“Xiềng xích chúng bay không khoá được 
Trời đầy chim và đất đầy hoa 
Súng đạn chúng bay không bắn được 
Lòng dân ta yêu nước thương nhà” 
 (Đất Nước - Nguyễn Đình Thi) 
 
Câu 3: (10 điểm) 
Từ cách hiểu “cảm hứng là nội dung tình cảm của tác phẩm” (Sách Văn 
học lớp 11 - Tập 2 – Trang 107), anh (chị) hãy phân tích những nét chung và 
riêng ở hai tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao) và “Vợ nhặt” (Kim Lân). 
 
 ---------------------------- Hết ---------------------------- 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH 
THỪA THIÊN HUẾ KHỐI 12 THPT – NĂM HỌC 2006-2007 
 
 ĐỀ THI CHÍNH THỨC Môn: VĂN - TIẾNG VIỆT (Vòng 2 ) 
Thời gian làm bài : 150 phút 
 
 
Câu 1: (4 điểm) 
Cho câu chủ đề: 
“ Nhờ có văn học mà đời sống tình cảm của con người ngày càng 
phong phú hơn, tinh tế hơn.” 
 (Sách Văn học 12 - Tập 2 - Trang 140) 
Anh (chị) hãy viết một văn bản nghị luận (dài không quá một trang giấy 
thi) có ít nhất hai dẫn chứng minh họa. 
 
Câu 2: (6 điểm) 
Anh (chị ) hiểu thế nào về tính nhạc trong văn chương? Bằng văn bản dài 
không quá một trang giấy thi, hãy phân tích tính nhạc và hiệu quả của nó trong 
đoạn thơ sau: 
“Đưa người ta không đưa qua sông, 
Sao có tiếng sóng ở trong lòng ? 
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt, 
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” 
 (Tống biệt hành – Thâm Tâm) 
 
Câu 3: (10 điểm) 
Suy nghĩ của anh (chị) đối với vấn đề nhân sinh được đặt ra trong câu văn 
sau : 
“ Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong 
những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có 
những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những 
ranh giới ấy ...” 
 (Mùa lạc - Nguyễn Khải) 
 
 ----------------------------- Hết ---------------------------- 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH 
THỪA THIÊN HUẾ KHỐI 12 THPT – NĂM HỌC 2006-2007 
 
 ĐỀ THI CHÍNH THỨC Môn: VĂN - TIẾNG VIỆT (Vòng 1 ) 
 
HƯỚNG DẪN CHẤM 
 
Câu 1: (4 điểm) 
1. Hình thức: (0,5 điểm) 
Văn bản dài không quá một trang giấy thi . 
2. Nội dung: (3,5 điểm) 
Giải quyết hai yêu cầu: 
a. Giải thích: (3 điểm) 
- Sự nghiệp văn chương lớn lao về tầm vóc : Văn thơ HCM đặt nền móng và 
mở đường cho văn học cách mạng, đặt ra và giải quyết những nội dung sâu sắc 
và rộng lớn (về dân tộc, nhân dân, nhân loại), góp phần nâng cao tầm tiếp nhận 
của bạn đọc. 
- (...) phong phú, đa dạng về thể loại : HCM sử dụng nhuần nhuyễn nhiều thể 
loại từ thơ Đường (thất ngôn, ngũ ngôn ...) đến thơ ca hiện đại, từ truyện dã sử 
đến truyện ngắn và ký, từ thơ ca hò vè dân gian đến kịch hiện đại. 
- (...)đặc sắc về phong cách sáng tạo: Mỗi loại hình văn học của Người đều 
có nét riêng, độc đáo, hấp dẫn, giàu giá trị đóng góp (văn chính luận, truyện ký, 
thơ ca) 
b. Chứng minh: (0,5 điểm) 
- Dẫn chứng cần bám sát các vấn đề giải thích. 
- Nêu và phân tích vừa đủ , không sa đà. 
 
Câu 2: (6 điểm) 
1.Giải thích: (1 điểm) 
Tính chính xác là một trong những yêu cầu của tính hình tượng. Ngôn ngữ 
nghệ thuật trước hết phải chuẩn xác, hợp lý mới có thể kiến tạo nên những hình 
tượng có giá trị. 
2. Bình giảng: (5 điểm) 
Học sinh có thể thẩm bình đoạn thơ từ nhiều phát hiện về nghệ thuật, nội 
dung, song phải chú trọng đến yếu tố chính xác, hình tượng của ngôn ngữ thơ. 
Sau đây là một số ý chủ yếu: 
- Nghĩa chính xác: (1 điểm) 
“Xiềng xích, súng đạn ” là những yếu tố vật chất cụ thể, không thể “khoá, 
bắn” được những yếu tố tinh thần trừu tượng, không hạn định là “trời, đất, lòng 
dân”. 
- Nghĩa hàm ẩn, biểu trưng, tạo nên tính hình tượng: (4 điểm) 
 + Sự đối lập triệt để giữa kẻ thù với sức mạnh của bạo lực và dân tộc ta 
với sức mạnh của tinh thần (phép đối lập). 
 + Sự vươn lên chiến thắng của sức sống dân tộc và sức mạnh lòng người. 
(Phép đối lập, phép điệp cấu trúc, hình ảnh ẩn dụ) 
 
 
Câu 3: (10 điểm) 
A. Yêu cầu kỹ năng: 
- Bài viết đủ ba phần: Mở - Thân - Kết. 
- Nắm phương pháp làm bài nghị luận văn học gắn liền với vấn đề lý luận. 
- Bố cục mạch lạc, văn viết đúng phong cách. 
- Hạn chế các lỗi diễn đạt, chữ viết cẩn thận, bài làm sạch sẽ. 
B. Yêu cầu về kiến thức: 
1. Vấn đề lý luận văn học: 
- “Cảm hứng là nội dung tình cảm của tác phẩm”, cho thấy chân xác nỗi 
niềm, sự quan tâm, hướng tới của nhà văn đối với các vấn đề và hiện tượng đời 
sống nhân sinh, bao gồm cả con người. 
- “Cảm hứng là cái tình cảm nghiêng hẳn vể phía lẽ phải” (Sđd - trang 107), 
nên nhà văn luôn đứng về phía đạo đức, đạo lý, mang tinh thần nhân đạo, nhân 
văn để tái tạo và sáng tạo đời sống trong tác phẩm của mình. 
2. Phân tích cảm hứng ở hai tác phẩm "Chí Phèo" (Nam Cao) - "Vợ nhặt" (Kim 
Lân): 
a. Nét chung: 
- Cả hai tác phẩm đều vẽ nên một xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng 
Tám - với đói nghèo, tăm tối, tha hoá, bất công cùng cực. 
- Cả hai tác phẩm đều qua những thân phận điển hình để khẳng định nhân 
phẩm con người không dễ mất, dù cho hoàn cảnh có bức bách, dồn ép đến đâu. 
- Cả hai tác phẩm đều phản ánh cái nhìn nhân đạo sâu sắc của các nhà văn . 
b. Nét riêng: 
+ "Chí Phèo" (Nam Cao): 
 - Chí Phèo là hình tượng điển hình về hạng người dưới đáy độc nhất vô 
nhị trong lịch sử văn học Việt Nam. Chí Phèo được cá thể hoá sắc nét, nhưng 
cũng là hiện tượng chung trên con đường bần cùng hoá, lưu manh hoá của xã 
hội cũ. 
 - Nam Cao đã nhìn thẳng vào bi kịch cuộc đời Chí (bị cự tuyệt quyền làm 
người, quyền hạnh phúc, tự ý thức để rồi phải tự huỷ diệt cuộc đời mình) bằng 
"đôi mắt" nhân đạo sâu sắc, từ đó phát hiện ra mầm sáng lương thiện còn le lói, 
đồng thời thể hiện niềm tin mãnh liệt vào lương tri con người. 
- Tác phẩm kết thúc bi thương nhưng làm đọng lại sâu sắc bài học đòi 
quyền sống, quyền làm người lương thiện. 
+ "Vợ nhặt" (Kim Lân): 
 - Bộ ba nhân vật anh Tràng - chị vợ - bà cụ Tứ được xây dựng gắn kết, 
điển hình cho thân phận người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng 
Tám. 
 - Thông qua tình huống "nhặt vợ" vừa bi vừa hài của anh Tràng, Kim Lân 
đã làm sáng lên tình người giữa đói nghèo, tăm tối. Đặc biệt, đó còn là câu 
chuyện của những con người nghèo khổ khao khát hạnh phúc, dám chấp nhận 
khó khăn nghiệt ngã, vượt qua cái chết, cái ảm đạm để vui sống. 
 - Tác phẩm mở về phía ánh sáng Cách mạng, mang niềm vui, niềm tin đến 
cho nhân vật và cả độc giả . 
 
C. Biểu điểm: 
- Điểm 10: Bài làm đáp ứng tốt các yêu cầu ở A,B, tỏ ra nắm chắc vấn đề, 
giải quyết đúng hướng, có trọng tâm; văn giàu chất tư duy, có nhiều phát hiện 
sâu sắc. Diễn đạt tốt, chữ viết sạch, rõ. 
- Điểm 8: Tỏ ra hiểu vấn đề, có định hướng đúng, có những phân tích sâu sắc. 
Tuy nhiên có thể chưa thật toàn diện. Văn viết khá, chữ viết sạch. 
- Điểm 6: Bảo đảm hiểu định hướng phân tích, chỉ ra được những nét chung, 
song chưa đầy đủ ở nét riêng. Văn viết được, chữ rõ ràng. 
- Điểm 4: Chưa thật nắm chắc định hướng, có sự lệch ý, sa đà vào phân tích 
tác phẩm. Văn vụng, mắc nhiều lỗi diễn đạt. 
- Điểm 2: Chưa hiểu chính xác vấn đề, sa đà kể chuyện lan man, văn vụng, 
chữ xấu. 
 
 
Lưu ý: 
 - Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm tuy chưa toàn diện 
nhưng tỏ ra độc đáo, sáng tạo. 
 - Giám khảo căn cứ vào biểu điểm, thảo luận định ra những mức điểm còn 
lại. 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH 
THỪA THIÊN HUẾ KHỐI 12 THPT – NĂM HỌC 2006-2007 
 
 ĐỀ THI CHÍNH THỨC Môn: VĂN - TIẾNG VIỆT (Vòng 2 ) 
 
HƯỚNG DẪN CHẤM 
 
Câu 1: (4 điểm) 
1. Hình thức: (1,5 điểm) 
- Văn bản nghị luận dài không quá một trang giấy thi. (0,5 điểm) 
- Thực chất đề yêu cầu người viết lập luận về một vấn đề lý luận văn học, 
qua đó, bộc lộ sự chọn lựa cách luận chứng (lý lẽ và dẫn chứng). (1 điểm) 
2. Nội dung: (2,5 điểm) 
- Vấn đề giá trị tư tưởng, tình cảm của tác phẩm văn học. (1,5 điểm) 
- Sự đóng góp của giá trị văn học đối với con người và cuộc sống. (1 điểm) 
 
Câu 2: (6 điểm) 
1. Hiểu vấn đề: (1,5 điểm) 
Tính nhạc trong văn chương là kết quả của việc sử dụng tổng hợp các yếu 
tố thanh điệu, vần điệu, độ cao, độ dài, độ mạnh của tiếng để tạo nên sự hài hoà 
về âm thanh cho lời văn, câu thơ. 
2. Phân tích đoạn thơ: (4,5 điểm) 
Cần biết bám sát các yếu tố sau để làm rõ giá trị khổ thơ: 
- Sự phối thanh (thanh trắc - bằng) giữa các câu, trong từng câu (1 điểm) 
- Sự hiệp vần (vần chân, vần lưng) (1 điểm) 
- Độ cao (thanh), độ dài (âm cuối), độ mạnh (âm đầu, âm đệm) của tiếng. 
 (1 điểm) 
 => Khổ thơ mang âm điệu thiết tha, xao xuyến, đầy dư âm. (0,5 điểm) 
 => Lấy cái bên ngoài để nói cái bên trong, cái không để nói cái có,với 
hàng loạt từ giàu nhạc tính, đoạn thơ đã lột tả tinh tế tâm trạng kẻ đi người ở, tất 
cả rợp một nỗi niềm chia ly chứa chan xúc cảm. (1 điểm) 
 
Câu 3: (10 điểm) 
A. Yêu cầu kỹ năng: 
- Bài viết đủ ba phần: Mở - Thân - Kết. 
- Nắm phương pháp làm bài nghị luận xã hội. 
- Bố cục mạch lạc, văn phong phù hợp. 
- Hạn chế các lỗi diễn đạt, chữ viết cẩn thận, bài làm sạch sẽ. 
B. Yêu cầu về kiến thức: 
- Đây là câu văn vừa thể hiện quan niệm triết lý nhân sinh, vừa bộc lộ tinh 
thần nhân đạo của Nguyễn Khải. 
- Người viết bài cần trình bày chân thành, thuyết phục những suy nghĩ của 
mình về nội dung và ý nghĩa của vấn đề. 
 
Sau đây là những định hướng cơ bản: 
1. “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những 
hy sinh, gian khổ”: 
- Một quan niệm về sự sống, về hạnh phúc của con người. 
- Ngỡ như phi lý, nhưng đó chính là hiện thực đã và đang hiện hữu trong 
đời sống. 
- Từ trong cái chết, từ giữa hi sinh, gian khổ, con người nhận chân giá trị 
của sự sống, của hạnh phúc. 
2. “...ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt 
yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy...”: 
- Một khẳng định về quan niệm sống và hành động. 
- Một cái nhìn lạc quan về cuộc đời, một lối sống tích cực, có trách nhiệm. 
- Một lời khuyên, lời động viên: đừng bao giờ chán nản, xuôi tay mà phải 
luôn có nghị lực, có niềm tin trước những tình huống thử thách trong cuộc đời. 
- Sức mạnh giúp con người biết sống và sống hữu ích có từ nhiều phía, 
nhưng phần quan trọng vẫn bắt nguồn tự bản thân mỗi người. 
 
* Con người là vốn quý của xã hội. Tự mỗi người phải biết nâng mình lên 
để xứng đáng với sự sống kỳ diệu, để cuộc đời mãi hữu ích và không phí hoài. 
 
C. Biểu điểm: 
- Điểm 10: Bài làm tỏ ra vững vàng trong việc xác định thể bài, phong cách 
nghị luận ; nắm vấn đề chính xác, lập luận thuyết phục, xoáy sâu trọng tâm; văn 
giàu chất tư duy, có nhiều phát hiện sâu sắc. Diễn đạt tốt, chữ viết sạch, rõ. 
- Điểm 8: Bài làm xác định đúng vấn đề và phương pháp nghị luận, có những 
ý kiến chính xác, những phân tích sâu sắc. Tuy nhiên có thể chưa thật toàn diện. 
Văn viết khá, chữ viết sạch. 
- Điểm 6: Bài làm tỏ ra có hiểu định hướng đề bài, xác định đúng vấn đề nghị 
luận. Tuy vậy lập luận chưa toàn diện. Văn viết được, chữ rõ ràng. 
- Điểm 4: Bài làm tỏ ra chưa nắm chắc định hướng, còn mơ hồ về vấn đề, lý 
giải chưa thuyết phục.Văn vụng, mắc nhiều lỗi diễn đạt. 
- Điểm 2: Bài làm chưa hiểu chính xác vấn đề, sa vào diễn ý suông, văn 
vụng, chữ xấu. 
 
 
 
Lưu ý: 
 - Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm tuy chưa toàn diện 
nhưng tỏ ra độc đáo, sáng tạo. 
 - Giám khảo căn cứ vào biểu điểm đề nghị, thảo luận định ra những mức 
điểm còn lại. 

File đính kèm:

  • pdfvan_v1_v2(2).pdf