Kỳthi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2 - 2008 môn thi: văn - trung học phổ thông không phân ban

pdf7 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1075 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Kỳthi tốt nghiệp trung học phổ thông lần 2 - 2008 môn thi: văn - trung học phổ thông không phân ban, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT LẦN 2 - 2008 
Môn thi: VĂN - THPT không phân ban 
Thí sinh chọn một trong hai đề sau: 
ĐỀ I 
Câu 1 (2 điểm): Nêu quan điểm sáng tác văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 
Câu 2 (3 điểm): Trong bài thơ Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận có đoạn: 
 Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau 
 Quay theo tám hướng hỏi trời sâu 
 Một câu hỏi lớn. Không lời đáp 
 Cho đến bây giờ mặt vẫn chau 
 (Theo Văn học 12 – tập một, trang 125, NXB Giáo dục-2006) 
Anh/ chị hiểu như thế nào về ý nghĩa nội dung đoạn thơ trên? 
Câu 3 (5 điểm): Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải. 
ĐỀ II 
Câu 1 (2 điểm): Nêu những nét chính về cuộc đời Xecgây Exênin. Vì sao Exênin được 
xem là nhà thơ của làng quê Nga? 
Câu 2 (3 điểm): Qua bấy nhiêu năm tháng sống giữa cảnh bom đạn tàn phá những cái 
quý giá do chính bàn tay mình xây dựng nên, vậy mà Nguyệt vẫn không quên tôi sao? 
Trong tâm hồn người con gái nhỏ bé, tình yêu và niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, cái 
sợi chỉ xanh óng ánh ấy, bao nhiêu bom đạn giội xuống cũng không hề đứt, không thể 
nào tàn phá nổi ư? (Theo Văn học 12 – tập một, trang 246, NXB Giáo dục-2006) 
Anh/ chị hiểu lời độc thoại trên của nhân vật Lãm trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối 
rừng của Nguyễn Minh Châu như thế nào? 
Câu 3 (5 điểm): Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của Tố Hữu: 
 Ta về, mình có nhớ ta 
 Ta về, ta nhớ những hoa cùng người 
 Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi 
 Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng. 
 Ngày xuân mơ nở trắng rừng 
 Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang. 
 Ve kêu rừng phách đổ vàng 
 Nhớ cô em gái hái măng một mình 
 Rừng thu trăng rọi hòa bình 
 Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung. 
 (Theo Văn học 12 – tập một, trang 155-156, NXB Giáo dục -2006) 
GỢI Ý LÀM BÀI 
ĐỀ 1: 
Câu 1: Quan điểm sáng tác văn học của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: 
- Trước hết Bác là người rất yêu và coi trọng văn chương, nghệ thuật, nhưng ham muốn 
tột bậc của Người là “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự 
do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn có áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì thế Người dồn 
tất cả sức lực, tâm trí vào việc cứu nước. Trên con đường cứu dân, cứu nước Người lại 
phát hiện ra rằng văn học nghệ thuật là một vũ khí chiến đấu lợi hại. Vì thế Người bèn 
nắm lấy vũ khí ấy và mài dũa nó bằng ý chí cách mạng để chiến đấu. 
- Quan điểm viết văn làm thơ của người là: 
+ Coi sáng tác văn thơ trước hết không phải là hành vi văn chương mà là hành vi chính 
trị, cách mạng. Văn học phải là vũ khí phục vụ cách mạng và nhân dân. Văn hóa văn 
nghệ là một mặt trận, nhà văn là một chiến sĩ. 
+ Người chú trọng đến đối tượng của văn học. Khi đặt bút viết một cái gì, người đều tự 
đặt cho mình những câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? 
+ Người đặc biệt quan tâm đến tính chân thật của tác phẩm. Tính chân thật vốn là cái gốc 
của văn chương từ xưa đến nay. Bác cũng rất quan tâm đến tính nghệ thuật, mặt hình 
thức của tác phẩm. Tác phẩm phải có ngôn ngữ giản dị, trong sáng, dễ hiểu, nghệ thuật 
hấp dẫn. Tác phẩm văn học phải thể hiện được tinh thần của dân tộc, của nhân dân và 
được nhân dân ưa thích. 
Câu 2: 
A. Giới thiệu chung: (tác giả, tác phẩm, đề tài, hoàn cảnh sáng tác). 
B. Nội dung chính 
- Để khắc họa nỗi đau thương, Huy Cận miêu tả từ chi tiết đến khái quát. Sau ba chân 
dung đặc tả, nhà thơ chuyển sang miêu tả quần thể tượng. Cho dù dáng điệu, tư thế, 
gương mặt của các pho tượng có khác nhau nhưng vẫn giống nhau ở điểm đau thương: 
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau là các tư thế, các phương thức nỗ lực tìm đường 
giải thoát. 
- Tám hướng là các hướng của trời đất. Như vậy dù mỗi pho tượng, bằng cách riêng của 
mình, có những nỗ lực riêng, song chung quy lại, họ vẫn hỏi trời sâu. Đã ở xứ Phật mà 
vẫn phải hỏi trời sâu thì quả là lạ. Nhưng ta sẽ không thấy lạ nếu hiểu rằng: “Nhà nghệ sĩ 
xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội đương thời, một xã 
hội quằn quại đau khổ trong những biến động và bế tắc không tìm được lối ra”. (Huy 
Cận - Lời dẫn). 
- Sự bế tắc và bất lực thể hiện trong hai câu thơ: 
 Một câu hỏi lớn. Không lời đáp 
 Cho đến bây giờ mặt vẫn chau. 
Câu thơ trên được ngắt thành hai vế, tạo thành một tương quan đối lập: Có hỏi mà không 
có đáp. Đó cũng là tương quan giữa "khát vọng" và "bất lực". Đây là nỗi đau thương của 
dân tộc trong đêm dài của quá khứ. Các pho tượng La Hán tồn tại như những trăn trở và 
suy tư của dân tộc, khát vọng vươn tới tự do và hạnh phúc và nỗi uất hận của sự tuyệt 
vọng: “không lời đáp”. 
Sự bất lực và bế tắc ấy, một lần nữa đọng lại thành đau thương, một nỗi đau trải dài hàng 
thế kỷ: Cho đến bây giờ mặt vẫn chau. Như vậy giữa đau thương và bất lực, bế tắc có 
mối quan hệ: đau thương và bất lực, bất lực nên càng đau thương. 
- Chuyện các vị La Hán chính là chuyện của cuộc đời, của con người. Viết về các vị La 
Hán, Huy Cận muốn thể hiện nỗi cảm thông, chia sẻ với bao khổ đau mà cha ông ta đã 
từng gặp trong quá khứ. Cũng như các vị La Hán, cha ông ta đau đời có cứu được đời 
đâu. 
C. Kết luận: 
+ Hai khổ thơ trên là những vần thơ xúc động về quá khứ đau thương của dân tộc, cho 
thấy vẻ đẹp của hồn thơ Huy Cận vốn tinh tế và giàu sức suy tưởng. 
+ Từ nỗi đau ấy của lịch sử, nhà thơ khẳng định phải quý yêu hơn niềm vui của cuộc đời 
hôm nay. 
Câu 3: 
A. Giới thiệu chung : Tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác. 
B. Nôi dung chính: 
1. Tư tưởng nhân đạo trong truyện ngắn “Mùa lạc” thể hiện tấm lòng yêu thương con 
người của nhà văn. 
- Lòng yêu thương giúp Nguyễn Khải có những trang viết xúc động về số phận nhân vật 
Đào. Sự mỏi mệt, gian truân, nhọc nhằn từ đời sống lênh đênh bất hạnh của Đào trước 
khi chị lên Điện Biên, được nhà văn miêu tả đầy thương cảm. 
- Lòng yêu thương con người đã khiến nhà văn từ trong đáy sâu, khuất nẻo trong tâm hồn 
Đào những khát vọng, trăn trở… khi tổ ấm đã mất. 
2. Tư tưởng nhân đạo thể hiện ở niềm tin vào sự vươn lên của con người. 
- Cuộc đời của Đào tưởng đã bị vùi dập dưới đáy sâu xã hội, nhưng chị không lâm vào 
ngõ tắt. “Sự sống nảy sinh từ cái chết …ở đời này không có con đường cùng (…) phải có 
sức mạnh vượt qua những ranh giới đó”. Từ niềm tin ấy đã giúp nhà văn vực dậy nhân 
vật của mình, đứng lên và sống. 
- Đào đã dừng chân ở nông trường Điện Biên và nhận nơi đó là quê hương thứ hai của 
minh và dự định cho ngày mai tươi sáng. Tập thể lao động ở đây đã cảm hóa chị. Đào đã 
sống bằng chính năng lực của mình và tìm thấy hạnh phúc đích thực cho đời mình. 
- Nếu không có niềm tin vào khả năng vươn lên của con người, Nguyễn Khải không thể 
nào có những trang văn đầy tâm huyết và cảm hứng bát ngát về sự hồi sinh độc đáo như 
thế. Nguyễn Khải để nhân vật của mình tự bộc bạch “Chẳng ai muốn vất vưởng mãi, ai 
cũng có một quê hương (…) em sẽ ở mãi đây với các anh”. Chỉ câu nói ấy thôi cũng đủ 
làm cho người đọc rưng rưng thương cảm cho quá khứ của Đào và nhận ra tấm lòng 
thương người của tác giả. 
3. Nhà văn muốn khẳng định yếu tố xã hội quyết định số phận con người. 
Trong cuộc sống đầy tình hữu ái giai cấp, cũng chính là hiện thân của “cuộc sống vĩ đại” 
mới đủ khả năng hồi sinh số phận con người. 
C. Kết luận: 
- Giá trị tư tưởng của tác phẩm là hãy quan tâm đến số phận con người. 
- Ngòi bút miêu tả tâm lý sắc sảo. 
- Bút pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa giàu tính chân thực. 
--------------- 
ĐỀ II 
Câu 1: Xecgây Êxênin (1895-1925) là nhà thơ lớn của nước Nga. 
a. Những nét chính về cuộc đời Xecgây Exênin: Sinh trưởng trong một gia đình nông dân 
vùng thảo nguyên tỉnh Ryazan nước Nga. Thuở nhỏ ở với ông bà ngoại, đi học trường tư 
thục của nhà thờ đạo. Chín tuổi đã làm thơ. Năm 1912 (17 tuổi) lên Matxcơva hoạt động 
văn học, nhiệt tình chào đón Cách mạng tháng Mười Nga, có đi du lịch ở Tây Âu và Mỹ. 
Ông sống trong đau ốm, cô đơn và tuyệt vọng rồi dẫn đến tự tử năm 30 tuổi. 
b. Êxênin được coi là “nhà thơ của làng quê Nga” vì ông là người viết hay nhất về nước 
Nga nông nghiệp xưa. Ông yêu quý, hiểu và thể hiện sâu sắc về nó bởi ông sinh trưởng từ 
làng quê, suốt đời gắn bó với thiên nhiên, con người và cuộc sống nơi đây. Ông có nhiều 
vần thơ tuyệt diệu viết về thiên nhiên, loài vật, về tâm hồn Nga. Đó một trong những biểu 
hiện đặc sắc về lòng yêu nước của nhà thơ (Bài ca về con chó mẹ, con bò, con cáo cái, 
nước Nga vàng,…). 
- Thơ Êxênin phóng khoáng, chân thành, đắm đuối trong tình yêu cuộc sống. Ông đón 
nhận cách mạng tháng mười bằng cách riêng của mình, của con người gắn bó thâm sâu 
với làng quê nông nghiệp. 
Câu 2: Về ý nghĩa lời độc thoại của nhân vật Lãm trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối 
rừng của Nguyễn Minh Châu: 
- Dù đề ra dưới dạng câu hỏi về ý nghĩa lời của một nhân vật trong tác phẩm, nhưng thí 
sinh phải biết làm bài nghị luận văn học phân tích, giải thích một ý kiến, một nhận định 
cụ thể. Thí sinh nêu được những ý cơ bản sau : 
a. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng được nhà 
văn Nguyễn Minh Châu sáng tác trong những ngày đầu giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá 
hoại miền Bắc. Nguyệt là nhân vật trung tâm của tác phẩm, một cô gái trẻ, đẹp tiêu biểu 
cho phẩm chất tâm hồn thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ. Lời độc thoại nhân vật Lãm 
đã ca ngợi phẩm chất tâm hồn ấy. 
b. Trong câu chuyện kể cho đồng đội về người mình yêu quý của anh chiến sĩ lái xe là 
Lãm, hình ảnh của Nguyệt hiện lên mỗi lúc một rõ nét hơn, từ xa lạ ngỡ ngàng đến tha 
thiết yêu thương và cảm phục. 
+ Nguyệt là một cô nữ sinh mới rời ghế nhà trường tình nguyện lên kiến thiết miền Tây 
nhưng là một cô gái “ngoan ngoãn, dũng cảm và xinh đẹp”. 
+ Nguyệt không những đẹp ngoại hình, tính nết mà những hành động dũng cảm quên 
mình vì đồng đội, phẩm chất tâm hồn Nguyệt ngời sáng dưới mưa bom bão đạn của quân 
thù. “Sống giữa cảnh bom đạn tàn phá những cái quý giá nhất”, Nguyệt vẫn giữ được 
niềm tin trong tâm hồn. 
+ Đặc biệt sức sống, tinh thần lạc quan, tin tưởng mãnh liệt của Nguyệt trong tình yêu lý 
tưởng đối với người yêu. Nguyệt yêu Lãm chỉ vì Lãm đã xung phong đi bộ đội. Dù chưa 
gặp gỡ, chưa thề hẹn nhưng Nguyệt vẫn tin tưởng, thủy chung chờ đợi. Đó là “cái sợi chỉ 
xanh óng ánh” trong tâm hồn Nguyệt. 
c. Lời độc thoại nội tâm của nhân vật Lãm cũng là lời bộc lộ trữ tình ngoại đề của tác giả 
Nguyễn Minh Châu về nhân vật Nguyệt. Nguyệt có nét đẹp của cô gái Việt Nam truyền 
thống rất xinh xắn, dịu dàng, nhân hậu thủy chung và có nét đẹp của cô gái Việt Nam thời 
đại chống Mĩ cứu nước với phẩm chất kiên cường, bất khuất, anh hùng. Đó là hạt ngọc 
lấp lánh trong tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ. 
Câu 3: 
A. Giới thiệu chung: Tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác. 
B. Nội dung chính: 
1. Hai câu thơ đầu là lời hỏi - đáp của “ta”, của người cán bộ kháng chiến về xuôi, ta hỏi 
mình “có nhớ ta”. Dù về xuôi, dù xa cách nhưng lòng ta vẫn gắn bó thiết tha với Việt 
Bắc: “Ta về, ta nhớ những hoa cùng người”. Chữ “ta” được điệp lại thể hiện một tấm 
lòng thủy chung ở đời. Nỗi nhớ ấy hướng về “những hoa cùng người”, hướng về thiên 
nhiên núi rừng Việt Bắc và con người Việt Bắc thân yêu: “Ta về, mình có nhớ ta; Ta về, 
ta nhớ những hoa cùng người”. 
Hai chữ “mình - ta” xuất hiện ở tần số cao trong bài thơ thể hiện một cách rất đẹp tình 
cảm lứa đôi hòa quyện trong mối tình Việt Bắc. Giọng thơ thiết tha bồi hồi như tiếng hát 
giao duyên . Đó là sắc điệu trữ tình và tính dân tộc trong thơ Tố Hữu. 
2. Tám câu thơ tiếp theo, mỗi cặp lục bát nói lên một nỗi nhớ cụ thể về một cảnh sắc, một 
con người cụ thể trong bốn mùa đông, xuân, hè, thu. 
- Mùa đông nhớ màu “xanh” của núi rừng Việt Bắc, nhớ màu “đỏ tươi” của hoa chuối 
như những ngọn lửa thắp sáng rừng xanh. Nhớ người đi nương rẫy “dao gài thắt lưng” 
trong tư thế mạnh mẽ hào hùng đứng trên đèo cao “nắng ánh…”. Con dao của người đi 
nương đi rẫy phản quang “nắng ánh” rất gợi cảm. 
- Màu “xanh” của rừng, màu “đỏ tươi” của hoa chuối, màu sáng lấp lánh của “nắng 
ánh” từ con dao hòa hợp với nhau, làm nổi bật sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của thiên 
nhiên Việt Bắc, của con người Việt Bắc đang làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời 
trong kháng chiến. 
- Nhớ ngày xuân Việt Bắc là nhớ hoa mơ “nở trắng rừng”. Chữ “trắng” là tính từ chỉ 
màu sắc được chuyển thành bổ ngữ “nở trắng rừng”, gợi lên một thế giới hoa mơ bao 
phủ khắp mọi cánh rừng Việt Bắc màu trắng thanh khiết mênh mông và bao la. 
- Nhớ “mơ nở trắng rừng”, nhớ người thợ thủ công đan nón “chuốt từng sợi giang”. 
“Chuốt” nghĩa là làm bóng lên những sợi giang mỏng mảnh. Có khéo léo, kiên nhẫn, tỉ 
mỉ mới có thể “chuốt từng sợi giang” để đan thành những chiếc nón, chiếc mũ phục vụ 
kháng chiến. 
- Nhớ về Việt Bắc là nhớ mùa hè với tiếng ve kêu làm nên khúc nhạc rừng, là nhớ màu 
vàng của rừng phách, là nhớ cô thiếu nữ đi “hái măng một mình”, nhưng không cô đơn: 
“Ve kêu rừng phách đổ vàng; Nhớ cô em gái hái măng một mình”. 
- Một chữ “đổ” tài tình. Tiếng ve kêu như trút xuống, “đổ” xuống thúc giục ngày hè trôi 
nhanh, làm cho rừng thêm vàng. Đây là những vần thơ nên họa nên nhạc, tạo nên một 
không gian nghệ thuật đẹp và vui, đầy màu sắc, âm thanh. “Cô em gái hái măng một 
mình” vẫn không cảm thấy lẻ loi, vì cô đang lao động giữa nhạc rừng, 
- Nhớ mùa hè rồi nhớ mùa thu Việt Bắc, nhớ khôn nguôi, nhớ trăng ngàn, nhớ tiếng hát: 
“Rừng thu trăng rọi hòa bình; Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”. 
Người cán bộ kháng chiến về xuôi nhớ vầng trăng Việt Bắc giữa rừng thu, trăng “rọi” 
qua tán lá rừng xanh, trăng thanh mát rượi màu “hòa bình” nên thơ. “Ai” là đại từ nhân 
xưng phiếm chỉ, “nhớ ai” là nhớ về tất cả, về mọi người dân Việt Bắc giàu tình nghĩa 
thuỷ chung, đã hy sinh quên mình cho cách mạng và kháng chiến. 
C. Kết luận: 
- Đoạn thơ trên đây dào dạt tình thương mến. Nỗi thiết tha bồi hồi như thấm sâu vào cảnh 
vật và lòng người, kẻ ở người về, mình nhớ ta, ta nhớ mình. Tình cảm ấy vô cùng sâu 
nặng biết bao ân tình thủy chung. Năm tháng sẽ qua đi, những tiếng hát ân tình thủy 
chung ấy mãi mãi như một dấu son đỏ thắm in đậm trong hồn người. 
- Đoạn thơ mang vẻ đẹp một bộ tranh tứ bình đặc sắc, đậm đà phong cách dân tộc. 
---------- oOo ---------- 
 
TRẦN HỒNG ĐƯƠNG 
(Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và Luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM) 

File đính kèm:

  • pdfDe thi TN THPT 2008 lan 2 khong phan ban.pdf