Lịch sử - Truyền thống Trước tác kinh điển hàng đầu của người Việt: Binh thư yếu lược

docx3 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1659 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Lịch sử - Truyền thống Trước tác kinh điển hàng đầu của người Việt: Binh thư yếu lược, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lịch sử - Truyền thống
Trước tác kinh điển hàng đầu của người Việt: Binh thư yếu lược
09/03/2012 08:58  GMT+7 
Email
Print
Góp ý
Lịch sử nhân loại luôn gắn liền với lịch sử của những cuộc chiến tranh, dù là nước lớn hay nước nhỏ cũng không thể tránh khỏi quy luật đó. Thế nên, những kinh nghiệm chiến tranh đã được con người đúc kết thành những cuốn binh thư, binh chế, đó là những cuốn sách mà nghệ thuật chiến tranh, nghệ thuật chiến thắng đã được đúc kết thành lý thuyết, thành học thuật. 
Trên khắp thế giới đã có nhiều cuốn binh thư được viết ra như: “Chiến lược luận” của ông Ba-sin Hen-ry Li-den Hát; “Đại chiến lược” của Giôn M.Co-lin; “Chỉ huy tác chiến” của Bre-din-xki… và đặc biệt là “Vũ kinh thất thư” (Bảy tập võ kinh) của Trung Quốc. Lịch sử Việt Nam là xâu chuỗi của những cuộc chiến tranh giữ nước, mà hầu như đều phải chống lại giặc phương Bắc. Binh pháp Trung Hoa cổ vốn nổi tiếng là những bộ binh pháp được đúc kết rất chặt chẽ. Các bậc anh hùng của dân tộc Việt Nam đều nắm rất vững binh pháp của Trung Hoa mới có thể đánh thắng được những đạo quân phương Bắc hùng mạnh với những viên tướng thông thạo binh pháp. Nhưng không chỉ tiếp thu, người Việt đã sáng tạo nên một lý luận riêng, một nghệ thuật chiến tranh riêng mà chỉ có dân tộc nhỏ nhưng quật cường như dân tộc ta mới có. Thật tiếc rằng ngoài “Hổ trướng khu cơ” ra, những tác phẩm đó hoặc đã bị thất truyền hoặc không còn giữ được nguyên bản đến ngày nay. Hiện nay, ở Thư viện Khoa học xã hội, có một bộ sách chữ Hán chép tay mang ký hiệu 476 đề là Binh thư yếu lược. Trang đầu bộ sách này còn ghi rõ rằng: “Binh thư yếu lược 4 quyển do Trần Hưng Đạo vương soạn, vương húy là Quốc Tuấn”. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Binh gia diệu lý yếu lược (tóm lược chỗ cốt yếu trong nguyên lý kỳ diệu của nhà binh) là một cuốn binh thư được Trần Quốc Tuấn soạn ra để giáo dục các tướng sĩ phép dùng binh.
   Theo Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Trần Quốc Tuấn còn soạn ra sách Vạn kiếp tông bí truyền thư (Sách bí truyền của tông phái Vạn Kiếp), nhưng sách này lại nói cả hai cuốn trên đều đã thất lạc từ lâu. Vậy phải chăng Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn vẫn còn đến ngày nay? Thời Phan Huy Chú biên soạn Lịch triều hiến chương loại chí là thời nước ta mới tạm ổn định, nhưng đường giao thông đi lại còn khó khăn, các phương tiện liên lạc đều không có, nên rất có thể ở một nơi nào đó trong tủ sách của một nho sĩ, Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn vẫn còn? Nội dung cuốn sách này có nhiều đoạn trùng với “Hổ trướng khu cơ”, lại có những đoạn không phải được viết ra từ thế kỷ XIII vì nó nói việc xảy ra ở thời Minh, thời Thanh, thời Tây Sơn và thậm chí đã được bổ sung hay viết lại hồi đầu thế kỷ XIX, tức thời Nguyễn sơ. Phải chăng Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn đến đầu thế kỷ XIX đã được những nho sĩ am hiểu quân sự, yêu khoa học quân sự, sửa chữa và bổ sung?... Những câu hỏi đó còn chờ ở các học giả, các nhà nghiên cứu. 
Tìm hiểu về cuốn “Binh thư yếu lược” (đang lưu tại Thư viện Khoa học xã hội), ta thấy sách này chủ yếu dựa vào hai cuốn “Binh gia diệu lý yếu lược” của Trần Quốc Tuấn và “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ, nếu lược bỏ những đoạn có tính chất mê tín và những đoạn lấy từ “Hổ trướng khu cơ” ra thì nội dung gồm bốn phần như sau: 
Quyển I: 1, Thiên tượng (Hình tượng của trời); 2, Kén mộ; 3, Chọn tướng; 4, Đạo làm tướng; 5, Kén luyện; 6, Quân lễ; 7, Tuyển người làm việc dưới trướng; 8, Đồ dùng của binh; 9, Hiệu lệnh.
Quyển II: 1, Hành quân; 2, Hướng đạo; 3, Đồn trú; 4, Tuần canh; 5, Quân tư; 6, Hình thế; 7, Phòng bị; 8, Điềm về việc binh; 9, Phép dùng gián điệp; 10, Dùng cách lừa dối.
Quyển III: 1, Liệu thế giặc; 2, Quyết chiến; 3, Đặt kỳ; 4, Dã chiến; 5, Sơn chiến; 6, Thủy chiến; 7, Lâm chiến.
Quyển IV: 1, Đánh thành; 2, Giữ thành; 3, Xông vây; 4, Ứng cứu; 5, Lui tránh; 6, Thắng và đặt phục; 7, Phép nhập hàng. 
Trong cuốn “Binh thư yếu lược” này đã tổng kết kinh nghiệm chiến tranh và nghệ thuật quân sự ở Việt Nam từ xưa đến đầu thế kỷ XIX, chú trọng nhiều đến mặt thực hành, đưa ra một số tình huống giải pháp cụ thể, gần như một giáo lệnh chiến đấu, trong lý luận quân sự, với những tư tưởng chủ yếu sau: 1. Về chính trị “Hóa mục” (đoàn kết nhất trí) là đạo hay trị nước, hành binh hay nhất, 2. Về chỉ đạo chiến tranh: Mưu đã định, mới đánh giặc; tiến lên hay lui giữ do ở ta thì chắc thắng, 3. Về chỉ đạo tác chiến: Đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận, 4. Về ý chí chiến đấu: Cái hại lớn nhất trong việc dùng binh là do dự, 5. Về quan hệ quân binh: Tướng mà coi quân như chân tay thì quân coi tướng như đầu óc.
“Binh thư yếu lược” là một đóng góp lớn vào kho tàng lý luận quân sự của Việt Nam. Nhiều quan điểm cơ bản trình bày trong “Binh thư yếu lược” được coi là của Trần Hưng Đạo, một nhà chính trị kiêm quân sự thiên tài. Ta thấy “Binh thư yếu lược” đã lĩnh hội được những tinh túy của binh học Trung Hoa để vận dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh nước Việt như những câu tựa của Trần Khánh Dư: “Phàm giỏi dùng binh thì không cần bày trận, giỏi bày trận thì không cần đánh, giỏi đánh thì không để thua, giỏi thua thì không chịu mất… Ngài Quốc công của chúng ta (tức Trần Quốc Tuấn - TG) xem họa đồ của các nhà mà soạn thành một bộ sách, tuy chỉ chọn lấy các chỗ tinh vi nhưng sao lục đầy đủ các chỗ cốt yếu, loại bỏ các chỗ vụn vặt, rút lấy các chỗ thực dụng”. 
“Binh thư yếu lược”, không giống như “Hổ trướng khu cơ” được viết theo quan điểm của thuyết Tam tài “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” và được biên soạn nặng về mặt thực hành hơn là mặt lý luận quân sự. “Binh thư yếu lược” là cuốn sách viết theo quan điểm âm dương học truyền thống, vừa chú ý đến mặt lý luận, vừa chú ý đến mặt thực hành. Vậy nên, nó còn là bộ sách quân sự đầu tiên của dân tộc Việt Nam đã tổng kết được các kinh nghiệm quân sự của nhân loại vận dụng sáng tạo vào điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam từ xưa cho đến thời Nguyễn sơ. Nó phản ánh khá rõ ràng những đặc điểm và truyền thống quân sự của người Việt. Đọc “Binh thư yếu lược”, ta thấy được truyền thống đấu tranh quân sự của dân tộc Việt Nam dưới thời phong kiến cụ thể như thế nào. Tác phẩm này cũng còn coi như là một di thư của tổ tiên chúng ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Có thể nói, cho đến hiện tại, “Binh thư yếu lược” là trước tác kinh điển hàng đầu của người Việt còn lưu lại được, nó đã chắt lọc được những tư tưởng trí tuệ uyên thâm của các thiên tài quân sự phương Đông, và còn ghi lại được khá chi tiết các phương tiện chiến tranh, cách thức sử dụng các phương tiện chiến tranh thời cổ. Nguồn tư liệu này là trí tuệ của dân tộc được đúc kết lại bằng kinh nghiệm xương máu và tâm huyết của cha ông qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Ngày nay, chúng ta đang tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những điều kiện mới. Những vấn đề lý luận, những kinh nghiệm quý giá trong lĩnh vực quân sự của “Binh thư yếu lược” vẫn còn nguyên giá trị, đội ngũ cán bộ quân sự cũng nên nghiên cứu để nâng cao năng lực tư duy, lý luận khoa học kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội. 
Phạm Duy Trưởng

File đính kèm:

  • docxVị TỔNG CHỈ HUY CỦA QUÂN ĐỘI ĐẠI VIỆT- TÀI KIÊM VĂN VÕ- TRÍ DŨNG SONG TOÀN.docx
Đề thi liên quan