Một mạch nguồn khác của thơ Nguyễn Khuyến

doc5 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1417 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một mạch nguồn khác của thơ Nguyễn Khuyến, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Một mạch nguồn khác của thơ Nguyễn Khuyến

Thi hào Nguyễn Khuyến
Mạch “tình bạn” của Nguyễn Khuyến chảy trong nhiều bài thơ. Có bài ít bài nhiều. Có bài chỉ một câu nhưng cũng có bài toàn bài. Tất cả tạo thành một mạch nguồn rõ rệt và khá ấn tượng. Có thể thấy Nguyễn Khuyến đã sống vì tình bạn và tình bạn đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ.
 
 
Viết về nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909), Xuân Diệu gọi cụ Tam Nguyên Yên Đổ này là “nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam”. Đúng vậy, những bài thơ của Nguyễn Khuyến còn truyền lại hôm nay phần lớn đều là những bài viết khi ông đã nghỉ hưu ở làng quê. Cuộc sống sinh hoạt của con người quê ông đã đi vào thơ ông và một số đã sống lại ở đấy. Đặc biệt là ba bài thơ viết về mùa thu: “Thu Vịnh”, “Thu ẩm” và “Thu điếu”.
Bài thơ “Thu điếu” (mùa thu câu cá) vừa được Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và NXB Giáo dục bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ XX. Việc bình chọn này tuy có nhiều ý kiến về chất lượng, nhưng đối với bài “Thu điếu” thì không còn ai bàn cãi.
Người ta chỉ thấy tiếc rằng “Thu điếu” lại xếp cùng nhiều bài kém chất lượng khác, thì có tính chất đánh đồng và làm giảm giá trị của “Thu điếu” mà thôi. Đúng ra “Thu điếu” không chỉ là một trong 100 bài thơ hay của thế kỷ XX, mà “Thu điếu” là một trong 100 bài thơ hay trong 10 thế kỷ thơ của dân tộc. Thậm chí, “Thu điếu” là một trong vài chục bài thơ hay của toàn bộ thơ ca Việt Nam.
Tiện đây cũng xin chép lại bài thơ để bạn đọc cùng thưởng thức, bởi vì thơ hay cũng như người đẹp, như ngọc quý, được ngắm nhìn không bao giờ là thừa cả:
Thu điếu
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.Tựa gối ôm cần lâu chẳng được,Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Những điều ấy thì ai cũng biết rồi. Nếu đến bây giờ mà có ai còn chưa biết thì thật đáng tiếc cho họ. Nhưng Nguyễn Khuyến còn là nhà thơ của tình bạn chân thật và cảm động thì không phải ai cũng đã biết.
Đọc chùm thơ viết về mùa thu của Nguyễn Khuyến tôi cũng buồn theo và nghĩ vơ vẩn: có lẽ sống ở lảnh bên rìa làng vắng vẻ Nguyễn Khuyến phải buồn lắm. Buồn vì cảnh đời nên ông đã sớm cáo quan về ở ẩn. Buồn vì cảnh làng vắng vẻ giáp với đồng không mông quạnh. Buồn vì mùa thu tĩnh mịch và ảm đạm. Ba yếu tố buồn cộng lại thì tất phải là một hòn núi buồn rồi.
Trong bài “Thu điếu” ta đọc câu nào cũng lây nỗi buồn. Và có lẽ càng buồn thì người ta càng khao khát có người để chia sẻ. Vì thế tôi cho rằng, thơ Nguyễn Khuyến viết nhiều về tình bạn và viết về tình bạn hay cũng là hợp lô-gíc, là một lẽ tự nhiên. Đề tài “quê hương làng cảnh” và đề tài “tình bạn” song hành trong thơ Nguyễn Khuyến như là hai mạch cùng một nguồn, tuy có mạch lớn mạch nhỏ, nhưng đều là những mạch nước trong vắt nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mạch “tình bạn” của Nguyễn Khuyến chảy trong nhiều bài thơ. Có bài ít bài nhiều. Có bài chỉ một câu nhưng cũng có bài toàn bài. Tất cả tạo thành một mạch nguồn rõ rệt và khá ấn tượng. Có thể thấy Nguyễn Khuyến đã sống vì tình bạn và tình bạn đã nuôi dưỡng tâm hồn nhà thơ. Và cũng như mạch thơ viết về quê hương làng cảnh, thơ tình bạn của Nguyễn Khuyến cũng buồn. Có nỗi buồn trào ra nước mắt, nhưng cũng có nỗi buồn sâu thẳm, lay động tâm hồn, làm lòng ta rưng rưng. Có thể thấy mạch thơ tình bạn của Nguyễn Khuyến có sức sống, có bài trường tồn cùng thời gian, có bài đạt đến đỉnh cao của thơ ca dân tộc. Trong bài “Cảm hứng” nhà thơ viết:
Ngày trước cùng lên lạy cửa trờiLâu nay vắng vẻ bặt tăm hơiNước non man mác về đâu tá?Bè bạn lơ thơ sót mấy người!
Thật là buồn khi tuổi già mà bạn bè cứ “thưa” dần. Bởi bạn già cùng lứa chính là người để sẻ chia, để tâm sự, để mạn đàm, để an ủi. Buồn biết bao một từ “lơ thơ”. Chúng ta đã gặp từ này trong dân ca “Sông cầu nước chảy lơ thơ”, trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du “Lơ thơ tơ liễu buông mành”.  Ở đây, Nguyễn Khuyến đã thổi cho từ “lơ thơ” một sắc thái biểu cảm mới về sự thưa thớt, vắng vẻ của bạn già. Đặc biệt từ “sót” càng tăng sự buồn bã, thưa vắng. Từ “sót” là để nói: đáng lẽ đã “đi” rồi, đã hết rồi, không còn nữa. Thật buồn khi ai đó bị “quên”, bị “sót”. Nhưng điều đó cũng cho thấy sự mong muốn được cùng bạn bè chia sẻ vui buồn của Nguyễn Khuyến, đi cùng đi, ở cùng ở.
Ở bài “Đại lão” (già lắm), một lần nữa chúng ta lại thấy Nguyễn Khuyến nhắc đến sự thưa vắng của bạn bè:
Năm nay tớ đã bảy mươi tư,Rằng lão rằng quan tớ cũng ừ.Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu,Khi buồn ngâm láo một câu thơ.Bạn già lớp trước nay còn mấy?
Có lẽ đấy là tâm trạng thường trực của Nguyễn Khuyến chăng mà cứ có cớ là nhà thơ lại thốt lên điều ấy!
Có ba bài thơ Nguyễn Khuyến dành trọn vẹn cho tình bạn, mỗi bài mang một sắc thái khác nhau. Bài thơ “Nước lụt thăm bạn” là một bài thơ chân thực, nhưng đọc lên cũng rưng rưng:
Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu,Lụt lội năm nay bác ở đâu?Mấy ổ lợn con mua đắt rẻ?Vài gian nếp cái ngập nông sâu?Phận thua suy tính càng thêm thiệt,Tuổi cả chơi bời họa sống lâu.Em cũng chẳng no mà chẳng đói,Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu.
Bài “Bạn đến chơi nhà” thì mang sắc thái đùa cợt, nhưng là sự đùa cợt của tình bạn nghiêm túc. Phải thân lắm, phải hiểu nhau lắm, phải thông cảm lắm thì người ta mới đùa; nhất là đùa về cái sự ăn, một điều rất nhạy cảm. Nhưng ở đây Nguyễn Khuyến đã thành công, để lại cho đời một bài thơ hay:
Đã bấy lâu nay bác đến nhàTrẻ thời đi vắng, chợ thời xa.Ao sâu nước cả khôn chài cá,Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.Cải chửa ra cây, cà mới nụ,Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.Đầu trò tiếp khách trầu không có,Bác đến chơi đây ta với ta.
Cả bài thơ là một giọng đùa nhưng câu kết lại rất thực: “Bác đến chơi đây ta với ta”. Bạn thân cũng như những người yêu nhau, gặp nhau, nhìn nhau, nói chuyện đã là đại tiệc rồi. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng từng viết: “Như tình yêu nối lời vô tận”. Tôi tin những người yêu nhau, những người thân nhau khi gặp gỡ thì không ai còn nghĩ đến sự ăn.
Dân gian có câu “Nhìn nhau quên ăn” là vì vậy. Câu thơ “Bác đến chơi đây ta với ta” nói lên một chân lý, một tình bạn cao cả, phù hợp với tình người Việt Nam, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Đó là một câu thơ hay, xuất thần có tầm khái quát. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Thi, ông đã từng nói: “Văn hóa Việt Nam là ở làng quê Việt Nam, chứ không phải ở các thành phố”. Có thể câu nói của ông đến bây giờ không còn hoàn toàn đúng. Nhưng nhìn lại, chúng ta cũng phải khẳng định làng quê Việt Nam chính là nơi xuất phát và cũng là nơi lưu giữ văn hóa Việt Nam.
Đỉnh cao nhất trong mạch thơ tình bạn của Nguyễn Khuyến là bài “Khóc Dương Khuê”:
Bác Dương thôi đã thôi rồi!Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,Vẫn sớm khuya tôi bác cùng nhau.Kính yêu từ trước đến sau,Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời…
………………………………………..
Bác già tôi cũng già rồi,Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!…
……………………………………….
Ai chả biết chán đời là phảiSao vội vàng đã mải quy tiên?Rượu ngon không có bạn hiền,Không mua không phải không tiền không mua.Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết,Viết đưa ai, ai biết mà đưa?Giường kia treo cũng hững hờ,Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.Tuổi già hạt lệ như sương,Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!
Tôi sẽ làm một việc thừa nếu đi bình những câu thơ này. Nhưng tôi vẫn muốn chép lại vì có thể còn ai đó chưa đọc, nhất là các bạn trẻ. Ở thời buổi kinh tế thị trường, đọc lại những câu thơ này có thể có người sẽ buồn cười. Nhưng tôi, và chắc là không chỉ riêng tôi thì cứ muốn đọc đi đọc lại. Sao ở đời có những tình bạn cao đẹp thế? Hôm nay, thời kinh tế thị trường có ai dám đánh đổi hàng nghìn cổ phiếu để lấy những câu thơ này không? Chẳng lẽ tình bạn và cơ chế thị trường lại không chấp nhận nhau?
Thay cho việc phân tích, bình luận, tôi xin đưa ra những suy nghĩ của riêng mình. Tôi cho rằng đây là những câu thơ hay nhất viết về tình bạn trong kho tàng thơ ca dân tộc, và bài thơ “Khóc Dương Khuê” của nhà thơ Nguyễn Khuyến là đỉnh cao nhất của mạch thơ viết về tình bạn của thơ ca Việt Nam. Dẫu khi viết, Tam Nguyên Yên Đổ chỉ làm một việc khóc bạn bình thường. Nhưng bởi vì tình chân thực cộng với thi tài lớn đã kết tinh những viên ngọc quý


File đính kèm:

  • docnguyen khuyen.doc