Nâng cao chất lượng thực địa trong điều kiện thực tế của Trường CĐSP Bắc Ninh
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nâng cao chất lượng thực địa trong điều kiện thực tế của Trường CĐSP Bắc Ninh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nâng cao chất lượng thực địa trong điều kiện thực tế của trường CĐSP Bắc Ninh Trần Quang Bắc - Khoa Xã hội Việc kết hợp giữa học và hành thông qua hình thức hướng dẫn sinh viên đi vào thực tế thiên nhiên và sản xuất tại một địa phương của các giảng viên địa lí ở trường cao đẳng sư phạm là một phương châm giáo dục. Tại các trường cao đẳng sư phạm, Thực địa Địa lí tự nhiên và Thực địa tổng hợp Địa lí tự nhiên và Địa lí kinh tế-xã hội là hai học phần bắt buộc trong chương trình giảng dạy. Thực hiện các học phần này sẽ giúp sinh viên có dịp củng cố những kiến thức đã học trong phần lí thuyết, giúp họ hiểu rõ và nắm chắc các kiến thức cơ bản đó. Để có thể thực hiện đầy đủ tất cả những yêu cầu đặt ra của hai học phần này là nhiệm vụ hết sức khó khăn với hầu hết các tổ bộ môn địa lí ở các trường cao đẳng sư phạm, bởi các hạn chế về nguồn kinh phí, quĩ thời gian và cả các trang bị vật chất-kĩ thuật dành cho công tác thực địa. Chính vì vậy mà trên thực tế việc tổ chức thực hiện hai học phần thực địa này đã chuyển thể sang hình thức tham quan, dã ngoại thiếu hiệu quả giáo dục, gây ra sự lãng phí không nhỏ về vật chất, thời gian của cả nhà trường, giảng viên và cả của sinh viên nữa. Và cũng chính vì vậy mà việc tổ chức thực địa cho sinh viên chuyên ngành địa lí đã không được coi trọng và trường CĐSP Bắc Ninh trong những năm đầu thành lập cũng không nằm ngoài thực tế đó. Sinh viên Địa - Sử K21 tại sông Năng, Vườn quốc gia Ba Bể, tháng 11/2003. Năm học 2004-2005 là năm đầu tiên trường CĐSP Bắc Ninh thực hiện giảng dạy theo chương trình đào tạo giáo viên THCS mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành. Để có thể tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo, lãnh đạo trường CĐSP Bắc Ninh đã tập trung mọi điều kiện về cơ sở vật chất, bổ sung nhiều trang thiết bị hiện đại, tạo cơ hội cho các giảng viên trong nhà trường tiếp cận với các tiến bộ khoa học-kĩ thuật và được chủ động sáng tạo trong công việc. Điều này đã tạo nên một động lực mới, một khí thế mới trong hoạt động dạy và học ở nhà trường. Tháng 4 năm 2005, lần đầu tiên tổ bộ môn Địa lí tổ chức thực hiện thành công học phần Thực địa tổng hợp Địa lí tự nhiên và Địa lí kinh tế-xã hội trên tinh thần đổi mới dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu và sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các phòng ban có liên quan. Kế hoạch thực địa tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng do tổ bộ môn xây dựng đã được phê duyệt ngay từ đầu năm học với địa điểm và thời gian xác định. Chính vì vậy mà sinh viên có một thời gian dài để chủ động tự nghiên cứu, thu thập tài liệu và chuẩn bị các điều kiện khác phục vụ cho thực địa. Các bước chuẩn bị thực địa của tổ bộ môn cũng có điều kiện về thời gian để tiến hành một cách chắc chắn và bài bản, đó là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho việc tổ chức thực địa thành công. Bên cạnh đó nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi về các trang thiết bị phục vụ cho thực địa. Trước khi đi thực địa sinh viên đã được giảng viên hướng dẫn tổ chức học tập, cung cấp các thông tin về địa điểm khảo sát, thông báo chính xác về kế hoạch thực địa, lịch trình và các nội dung khảo sát theo yêu cầu. Sinh viên Địa - Sử K21 tại thác Đầu Đẳng, Vườn quốc gia Ba Bể, tháng 11/2003. Sinh viên còn được tổ chức xem băng hình, nghiên cứu các bản đồ về địa điểm khảo sát. Sinh viên cũng được tiếp cận với công nghệ hiện đại như việc tập huấn sử dụng camera trên thực địa, việc chuyển các hình ảnh trong băng hình sang đĩa VCD, DVD, chụp lại các hình ảnh qua phần mềm Herosoft DVD 2.0, Hero Video 3000, truy cập các trang Web, xử lí các hình ảnh để đưa vào báo cáo thực địa Sinh viên cũng rất hào hứng trong việc thao tác trình diễn báo cáo bằng phần mềm Microsoft Power Point, sử dụng Projector Đặc biệt là mọi hoạt động của đoàn thực địa trong chuyến đi lần này đã được ghi lại một cách đầy đủ bằng 2 camera Panasonic M3000và Sony; hơn thế nữa người quay phim lại chính là giảng viên của tổ bộ môn. Việc tổ chức ghi hình trên thực địa cũng là một định hướng về đổi mới phương pháp thực địa do tổ bộ môn đề xuất và thực hiện. Bên cạnh ý nghĩa tạo ra một nguồn thông tin mới về địa điểm khảo sát mà sinh viên có thể tận dụng ngay trong việc nâng cao chất lượng báo cáo thì các đĩa VCD này còn là phương tiện học tập cho sinh viên ở các khóa tiếp theo hoặc cũng có thể dùng làm tài liệu giảng dạy cho các kiến thức về Địa lí Việt Nam ở trường THCS theo định hướng đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài ra chúng còn có thể được lưu giữ cho phòng truyền thống về những hoạt động học tập của sinh viên trong nhà trường. Các sinh viên lớp Địa - Sử K22 cũng đã tổ chức sao chép lại các băng hình làm kỉ niệm về những hình ảnh rất sống động của bản thân và tập thể lớp trong quãng đời sinh viên. Có thể nói rằng các bộ đĩa VCD này đã được khai thác trên rất nhiều khía cạnh tích cực. Sinh viên Địa-Sử K22 tại bãi biển Cát Cò 2 trên đảo Cát Bà, Hải Phòng, tháng 4/2005 Để có thể làm được điều này thì bản thân các giảng viên trong tổ bộ môn cũng đã phải hết sức tích cực rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đặc biệt là việc sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy. Và như thế thì công tác thực địa nói riêng, hoạt động dạy và học nói chung của tổ bộ môn đã được nâng lên một tầm cao mới với những hiệu quả cụ thể và rất thiết thực. Tuy nhiên cũng phải nói rằng đây chỉ là những thành công bước đầu của việc nâng cao chất lượng thực địa, thực hiện định hướng đổi mới phương pháp dạy học trong một học phần cụ thể. Để có thể hướng tới việc đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, tổ bộ môn tổng kết một số kinh nghiệm sau: I.Công tác tổ chức: 1.Biên chế đoàn thực địa: Gồm các giảng viên và sinh viên. Số lượng giảng viên tùy thuộc vào số lượng sinh viên tham gia thực địa. Trung bình cứ 8-10 sinh viên có 1 giảng viên địa lí làm nhiệm vụ hướng dẫn thực địa. Trung bình cứ 6-8 sinh viên có 1 giảng viên làm nhiệm vụ quản lí sinh viên. Như vậy số lượng giảng viên có thể ước tính như sau: có 30 sinh viên tương ứng cần từ 3-5 giảng viên, có 40 sinh viên tương ứng cần từ 4-7 giảng viên Việc xác định đúng số lượng giảng viên tham gia có tác dụng đảm bảo được nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là nhiệm vụ quản lí sinh viên đảm bảo tốt khâu an toàn cho chuyến thực địa và bên cạnh đó là việc đảm bảo tránh lãng phí về nhân lực và tài chính. Về thành phần của đoàn thực địa gồm 1 trưởng đoàn phụ trách chung, 1 phó đoàn phụ trách tài chính, các giảng viên hướng dẫn thực địa, các giảng viên quản lí sinh viên và các sinh viên. Ngoài ra có thể bổ sung thêm biên chế chụp ảnh, quay phim, xử lí thông tin hình ảnh trên máy tính. Để có thể tinh giản biên chế đoàn thực địa tới mức tối thiểu rất cần các giảng viên có thể kiêm nhiệm được nhiều nhiệm vụ và cũng cần được bổ sung các phương tiện như máy quay phim, máy ảnh kĩ thuật số. Sinh viên Địa-Sử K22 tại cửa Vườn quốc gia Cát Bà tháng 4/2005 2.Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thực địa: Thời gian, địa điểm và các yêu cầu cần đạt được trong đợt thực địa cần được xác định và thông báo tới sinh viên ngay từ đầu học kì để sinh viên chủ động sưu tầm, tìm kiếm tài liệu, xây dựng dần bộ khung của báo cáo thực địa. Thực chất đây là quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên trong cả học kì. Sinh viên sẽ rất chủ động, tích cực tìm kiếm thông tin về địa điểm thực địa từ tất cả các tài liệu tham khảo có trong trường, các tài liệu tự tìm kiếm, các thông tin trên mạng Internet, Chính vì vậy mà sinh viên tự đổi mới về cách học một cách tự nguyện, không gượng ép, không nặng về hình thức. Nhưng cũng cần lưu ý là nhất thiết phải tránh trường hợp đổi địa điểm thực địa khi thời gian thực địa đã đến gần vì như vậy ý nghĩa của quá trình tự học không còn, làm giảm hẳn chất lượng thực địa, gây tâm lí không tốt cho cả giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó thì giảng viên phụ trách học phần (trưởng đoàn), ngay từ đầu cũng cần cung cấp cho sinh viên các thông tin sẵn có về địa điểm thực địa như báo cáo thực địa của các khóa trước, tổ chức xem băng hình, giới thiệu khái quát về tuyến thực địa, vạch rõ nhiệm vụ của sinh viên, Việc lựa chọn tuyến thực địa của giảng viên phụ trách là đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện tài chính hạn hẹp và sự thiếu thốn các phương tiện kĩ thuật như hiện nay thì nên lựa chọn phương pháp vạch tuyến nghiên cứu và điểm ngiên cứu theo lộ trình. Điều này cho phép đảm bảo được những mục đích, yêu cầu cơ bản của đợt thực địa, không bị biến tướng thành đợt tham quan thông thường, tránh sự lãng phí về tài chính, về thời gian và sức lực của giảng viên, sinh viên. Nhiệm vụ của sinh viên chỉ là quan sát và làm theo những điều giảng viên hướng dẫn, tự nhận xét, ghi vào sổ nhật kí thực địa. Tuy vậy, về nguyên tắc chọn tuyến (hay xác định một lộ trình đi dã ngoại), giảng viên phụ trách vẫn phải thực hiện đúng qui định. Cụ thể tuyến khảo sát cần chọn trong khu vực nghiên cứu phải có đoạn đường ngắn nhất, không nhất thiết phải nằm trên một đoạn thẳng, nhưng lại khảo sát được khá đầy đủ những dạng địa hình chính, những vết lộ địa chất, địa hình, các loại hình thực vật, thổ nhưỡng cùng với các dạng cư trú và hoạt động kinh tế của dân cư. Các tuyến thực địa đảm bảo các yêu cầu trên thường là tuyến cắt từ đồng bằng-trung du-miền núi, ví dụ tuyến cắt Bắc Ninh-Bắc Cạn ( điểm nghiên cứu là Vườn Quốc gia Ba Bể); hoặc tuyến cắt đồng bằng cao-đồng bằng duyên hải-đảo và quần đảo, ví dụ tuyến cắt Bắc Ninh-Hải Phòng (điểm nghiên cứu là Vườn Quốc gia Cát Bà) Sinh viên Địa-Sử K22 tại Ao ếch, Vườn quốc gia Cát Bà tháng 4/2005 Khi xây dựng kế hoạch thực địa, trưởng đoàn thực địa cần bám sát vào mục đích, yêu cầu của đợt thực địa, căn cứ vào điều kiện về tài chính, kĩ thuật, nhân lực để lập nên lịch trình chi tiết đến từng ngày, trong đó bao gồm cả tuyến đi trong ngày, các điểm khảo sát, yêu cầu khảo sát, dự kiến địa điểm nghỉ trưa, dự kiến phương tiện phục vụ và cả dự trù kinh phí. Các nhiệm vụ đó sẽ giúp cho tất cả thành viên trong đoàn chủ động được công việc và trường đoàn được thuận lợi trong điều hành, chủ động về mặt tài chính. Khác với các giờ dạy chính khóa trong trường, khi đưa sinh viên đi thực địa thì các tình huống nảy sinh do hoàn cảnh khách quan rất dễ xảy ra. Để đảm bảo an toàn về con người, tài sản cho đợt thực địa thì trưởng đoàn ngoài việc phổ biến kĩ và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội qui tham quan, thực địa, cũng cần phải có sự hiểu biết rất kĩ về địa điểm thực địa, thường xuyên theo dõi thông tin để có thể chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống nảy sinh. Trưởng đoàn cũng là người phải chủ động tham mưu với Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa, phòng Đào tạo, phòng Hành chính, tổ Tài vụ về thời gian, địa điểm tổ chức thực địa, loại phương tiện đi lại phù hợp với địa hình, hình thức và thủ tục thanh toán tài chính phù hợp điều kiện thực tiễn. Sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng ban là một nhân tố quan trọng, tạo nhiều thuận lợi cho việc tổ chức thành công đợt thực địa. II.Công tác chuyên môn: 1.Về phía giảng viên làm nhiệm vụ hướng dẫn thực địa: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì giảng viên hướng dẫn cần đảm bảo các yêu cầu sau: -Nắm vững kế hoạch thực địa, tuyến thực địa, địa điểm thực địa để chủ động trong công việc. -Có kiến thức sâu rộng về tuyến khảo sát, các địa điểm khảo sát để hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình thực địa. Trên thực địa, mỗi giảng viên hướng dẫn phải lựa chọn cho mình những phương pháp hướng dẫn cụ thể phù hợp với mục đích, yêu cầu thực địa. -Giảng viên cũng phải chuẩn bị trước các nội dung hướng dẫn, phương pháp hướng dẫn, chỉ ra những việc cần làm cho sinh viên tại các điểm dừng để khảo sát. -Cần bám sát nhóm sinh viên phụ trách để đảm bảo triển khai nhiệm vụ học tập đến từng sinh viên. Bằng kiến thức và kinh nghiệm, giảng viên cần lựa chọn, tìm tòi, chỉ ra cho sinh viên cách nhìn thiên nhiên một cách sinh động, lí thú, hăng say ham muốn tìm tòi những điều kì thú của thiên nhiên. Chính vì vậy mà mỗi nhóm sinh viên hướng dẫn không nên quá 10 người. -Sau những ngày đi thực địa, giảng viên hướng dẫn sinh viên biết cách xử lí, tính toán các số liệu đã điều tra trên thực địa, biết đánh giá, tổng hợp, rút ra kết luận để viết báo cáo. -Ngoài các kĩ năng bộ môn thì rất cần có thêm các kĩ năng khác như quay phim, chụp ảnh, xử lí thông tin, hình ảnh trên máy tính. Điều này góp phần làm tinh giản biên chế thực địa và làm tăng hiệu quả chuyên môn. -Đảm bảo việc đọc và chấm báo cáo thực địa nghiêm túc đúng thời gian qui định. 2.Về phía giảng viên làm nhiệm vụ quản lí sinh viên: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì giảng viên làm nhiệm vụ quản lí sinh viên cần đảm bảo các yêu cầu sau: -Có kinh nghiệm trong việc đưa sinh viên đi tham quan, thực địa. -Có tinh thần trách nhiệm cao trong quản lí sinh viên, chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn con người, tài sản không chỉ trong nhóm sinh viên do mình phụ trách mà cả các thành viên khác trong đoàn. -Nắm vững kế hoạch thực địa, tuyến thực địa, địa điểm thực địa để chủ động trong công việc. -Trong các ngày làm việc ngoài thực địa cần thường xuyên bám sát nhóm, đảm bảo thực hiện đúng lịch trình do trưởng đoàn đề ra. Để tạo điều kiện cho giảng viên quản lí sinh viên hoàn thành tốt được nhiệm vụ thì biên chế mỗi nhóm chỉ nên từ 6-8 sinh viên. 3.Về phía sinh viên: a,Tự học, tự nghiên cứu: -Chủ động tự học, tự nghiên cứu trong cả học kì, từ khi được thông báo về địa điểm thực địa. -Đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, đặc biệt là báo cáo thực địa của các khóa trước để nắm được cấu trúc và các kiến thức cơ bản có trong báo cáo thực địa. -Sưu tầm, tìm kiếm các thông tin từ các nguồn khác, đặc biệt là các thông tin trên mạng Internet để bổ sung thêm. -Xây dựng dần báo cáo thực địa trên cơ sở các thông tin thu thập được. Việc sưu tầm các tài liệu về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa bàn thực địa trước khi lên đường đi thực địa là hết sức cần thiết, nhất là đối với những sinh viên mới bước đầu tập dượt nghiên cứu khoa học. Phút thư giãn của sinh viên khi đi thực địa. b,Trong quá trình thực địa: +Đối với cán sự lớp cần đảm bảo các yêu cầu sau: -Nắm vững kế hoạch thực địa, tuyến thực địa, địa điểm thực địa để chủ động trong công việc. -Tổ chức cho lớp thực hiện nghiêm túc các nội qui, qui định ở các địa điểm tham quan, thực địa. -Chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất, kĩ thuật theo yêu cầu của trưởng đoàn, bao gồm: biên chế các nhóm, tổ chức việc sinh hoạt (ăn, ở, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu), -Triển khai chính xác, kịp thời các yêu cầu của trưởng đoàn, giảng viên hướng dẫn, giảng viên quản lí đến các nhóm, các sinh viên trong đoàn thực địa. +Đối với sinh viên cần đảm bảo các yêu cầu sau: -Chuẩn bị tốt các kiến thức về tuyến thực địa, địa điểm thực địa để kiểm chứng và bổ sung thêm thông tin ngoài thực địa. -Chuẩn bị tốt các trang bị cá nhân như đồ dùng học tập (nhật kí thực địa, bản đồ các địa điểm khảo sát, dụng cụ học tập kèm theo); đồ dùng sinh hoạt (trang phục phù hợp đi thực địa: quần áo, mũ, giày thể thao, áo mưa, chai nước, đồ ăn) và các đồ dùng cá nhân khác. -Thực hiện nghiêm túc các nội qui, qui định ở các địa điểm tham quan, thực địa; các yêu cầu của trưởng đoàn và các giảng viên; sự phân công của cán bộ lớp. -Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập trong từng ngày và trong cả đợt thực địa. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. -Mỗi sinh viên phải ghi chép đầy đủ vào sổ tay thực địa (nhật kí thực địa) những điều được nghe, quan sát cùng các kết quả qua tính toán, đo vẽ của nhóm thực địa mà mình tham gia. Các tài liệu thu thập được trong khu vực thực địa là cơ sở thuận lợi giúp sinh viên có điều kiện phát hiện những yếu tố mới để bổ sung cho báo cáo thực địa. -Hoàn thành báo cáo thực địa đúng thời gian qui định. Nếu đạt được tất cả những yêu cầu trên thì quá trình đào tạo đã thực sự trở thành quá trình tự đào tạo, nâng cao tính độc lập của người học, bước đầu giúp sinh viên dần làm quen với công tác nghiên cứu khoa học. * * * Để có thể vận dụng được các kinh nghiệm trên, tổ bộ môn Địa lí có kiến nghị và đề xuất với nhà trường như sau: 1.Tiếp tục duy trì, tạo điều kiện thuận lợi về trang thiết bị, kinh phí cho việc tổ chức thực địa. Đặc biệt là cho phép tổ bộ môn được tiến hành tiền trạm chuyên môn, tiền trạm tổ chức, đời sống trước khi đưa sinh viên đi thực địa để có thể đảm bảo tính chủ động trong việc tổ chức học tập trên thực địa; đảm bảo an toàn về con người và tài sản trong mỗi chuyến đi và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí dành cho thực địa. 2.Xây dựng phòng chức năng dành cho bộ môn Địa lí với các phương tiện dạy học hiện đại để giảng viên và sinh viên có điều kiện ứng dụng thường xuyên các tiến bộ khoa học-kĩ thuật, cập nhật các thông tin kinh tế-xã hội của đất nước và thế giới. Có như vậy thì khi tham gia thực địa sinh viên mới có thể nhanh chóng vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã được học tập và rèn luyện từ trước vào thực tiễn. 3. Tăng cường kinh phí dành cho việc mua băng hình và sang đĩa VCD bởi số kinh phí được cấp còn thấp hơn chi phí trên thực tế. Duyệt kinh phí dành cho việc mua các loại tài liệu về các địa điểm khảo sát trong đợt thực địa./. Bắc Ninh, tháng 10 năm 2006 Tài liệu tham khảo 1.Thực địa Địa lí tự nhiên (Giáo trình CĐSP). Phan Khánh (Chủ biên)-Phùng Ngọc Đĩnh-Hoàng Ngọc Oanh-Nguyễn Văn Âu. NX Đại học sư phạm, Hà Nội-2003. 2.Các Kế hoạch thực địa của tổ bộ môn Địa lí, trường CĐSP Bắc Ninh, năm học 2003-2004, 2004-2005.
File đính kèm:
- Doi moi thuc dia.doc